ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Ai cũng có những lúc nản lòng
Lần đầu tiên đến Việt Nam tham gia chuỗi sự kiện trong “Cầu nối – cuộc đối thoại hướng đến văn hoá hoà bình” cuối năm 2012, giáo sư người Mỹ từng nhận giải Nobel Vật lý năm 1996 Douglas D. Osheroff chia sẻ, điều lớn nhất giải Nobel mang lại cho ông là cơ hội được đi nhiều nơi và gặp gỡ mọi người ở những nền văn hoá khác nhau.

Trong buổi giao lưu với sinh viên và nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN, ngày 14/12/2012, trước câu hỏi của sinh viên ĐHQGHN “ước mơ lớn nhất của ông là gì”, giáo sư nói, ông mong khoa học tiếp tục phát triển rộng khắp hơn trên thế giới và một số trong các bạn sẽ tập trung vào các vấn đề thách thức rất lớn hiện nay như là sự ấm lên của trái đất. “Tôi rất hy vọng một trong số các bạn sẽ tiếp tục giải quyết thách thức và có thể cứu lấy hành tinh trước khi quá muộn”.
Đưa ra lời khuyên cho các em sinh viên, giáo sư nhấn mạnh “làm gì cũng phải yêu thích”. Để trở thành người giỏi ở bất cứ lĩnh vực gì, các bạn phải hiểu con người bên trong của mình, mình có thế mạnh gì, mình thực sự muốn làm gì? Điều gì khiến bạn cảm thấy tốt đẹp, khiến bạn có động lực? Nhưng việc giỏi ở lĩnh vực nào đó chưa đủ, bạn còn phải hứng thú với nó.
Thưa ông, chủ đề ông nói chuyện tại Việt Nam lần này là “Khoa học thay đổi cuộc sống chúng ta”, vậy khoa học đã thay đổi cuộc đời ông thế nào?
Rõ ràng là khoa học đã thay đổi cuộc đời tôi, tôi làm rất nhiều nghiên cứu về khoa học và luôn hứng thú với chúng. Mặc dù việc phát hiện ra heli 3 không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi, nhưng khi tôi biết mình được giải thưởng Nobel thì thú thật là, tôi đã đi lại suốt trong phòng và nói liên hồi. Và sau đó, tôi bay đến 150.000 dặm mỗi năm và có 1,9 triệu dặm đến thời điểm này. Tôi có thể làm những việc thuyết giảng, giao lưu ở Mỹ, nhưng tôi thích được gặp gỡ nhiều người ở các nền văn hoá khác nhau và biết cách họ suy nghĩ thế nào về mọi điều.
Ông có cho rằng, sự nghiệp của mình “bắt rễ” từ khi ông còn nhỏ?
Chắc chắn là như vậy. Cha tôi là người cố gắng khiến cho tôi hứng thú với khoa học. Tôi là một trong hai người con trai (trong số 5 anh chị em trong gia đình) được cha khuyến khích nhiều về khoa học. Có lần tôi đã gặp phải một tai nạn khi dòng điện 600V chạy qua người, cơ thể co giật đến 5 lần, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm ở phía kia trong phòng mà không sao.
Tôi còn nghe nhiều tai nạn khác nữa, ông thật là may mắn.
Đúng là tôi rất may!
Ông có bao giờ thấy mệt mỏi hay bị nhụt chí?
Ôi, mọi người đôi lúc đều cảm thấy nản lòng, nhưng nếu không thế thì bạn không phải người bình thường.
Và ông đã vượt qua thế nào?
Trong khoa học mà có cái gì đó sai thì thực sự là thách thức và tôi luôn nghĩ, mình sẽ vượt qua nó. Cũng giống như trong cuộc sống, luôn có nhiều thách thức. Và càng có nhiều thì chúng ta càng phải chinh phục.
Ông có thể chia sẻ về gia đình mình?
Vợ tôi là người Đài Loan. Trước đây, vì quá say mê khoa học trong nhiều năm, nên chúng tôi không nghĩ đến con cái, và sau đó thì quen dần với việc không có con. Khi là giáo sư ở trường đại học, thì bạn có thể cảm thấy không cần có con vì bạn có ảnh hưởng đến rất nhiều bạn trẻ. Nhưng khi về già, thì bạn cũng hơi lo lắng “ai sẽ chăm sóc mình những ngày xế chiều?”, đôi khi cũng hơi lo sợ. Nhưng tôi không hối tiếc bất cứ điều gì đã làm trong cuộc đời mình. Tôi cũng nói với các bạn sinh viên trẻ là tôi sẽ tác động đến các bạn, giúp mọi người có niềm đam mê khoa học. Lần này đến Việt Nam, tôi cũng muốn khuyến khích các em sinh viên ĐHQGHN có thêm tình yêu với khoa học.
Theo ông, cách tốt nhất để Việt Nam phát triển khoa học là đưa sinh viên đến các nước tiên tiến khác học. Nhưng nếu họ không quay về khi có điều kiện tốt hơn, thì phải làm sao?
Đó là một việc cần phải có sự khôn khéo. Nhưng điều đầu tiên bạn cần nhận ra là, nếu các sinh viên Việt Nam tới ĐH Stanford (Mỹ) để làm các thí nghiệm, thì sau đó, họ sẽ tự hỏi: tôi có thể trở thành một nhà khoa học hữu ích khi trở về không? Nếu câu trả lời là “không” thì họ sẽ phải bắt tay vào tìm kiếm công việc ở Mỹ. Đó là bản năng của con người. Vì thế, tôi nghĩ nếu Việt Nam muốn gửi một số sinh viên đi, thì nên có một số chương trình cụ thể cho phép họ tiếp tục các nghiên cứu của mình khi trở về.
Ý ông là Việt Nam cần có các thiết bị hiện đại?
Đó là một vấn đề rất phức tạp, bạn cần phải nhìn lại xem cái gì bạn có và cái gì thích hợp. Tôi đã chứng kiến đại học ở Brazil gần đây đã nhập thiết bị về mà không phải mua. Tại ĐH Stanford có một số nhà nghiên cứu có thiết bị mà không cần nữa, các thiết bị đó có thể được tặng cho các trường đại học ở các nước đang phát triển.
Nói chung, ông sẽ nói gì về tình trạng chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển như Việt Nam?
Bạn có thể đào tạo nên những nhà khoa học sáng giá, nhưng nếu không có các cơ hội, thì tại sao họ ở lại Việt Nam?

 Việt Anh (thực hiện) - Bản tin số 262-263 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :