ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Đôi điều suy nghĩ về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên trường ĐHNN
Trong thời gian vừa qua, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ở trường ĐHNN-ĐHQGHN đã có nhiều cải tiến, đặc biệt về phương pháp giảng dạy, đó là một trong những cố gắng rất lớn từ phía giáo viên của Nhà trường...

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên là nhiệm vụ chung toàn thể cán bộ giáo viên trong Nhà trường; Trong đó, việc giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ một vai trò quan trọng đối với các hệ đào tạo (chính quy, tại chức, chuyên tu và Phổ thông Chuyên ngoại ngữ).

Tuy nhiên, việc dạy và học các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm gần đây ở các trường đại học và cao đẳng nói chung và trường ĐHNN - ĐHQGHN nói riêng còn một số vấn đề bất cập. Việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên thông qua môn học này chưa đạt chất lượng và những kết quả như mong muốn. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đối tượng trên thông qua việc giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Trước bối cảnh "toàn cầu hoá" về mọi mặt trong đời sống quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, khẩn trương và sôi động, trong tiến trình mở cửa và hội nhập của đất nước học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Song, thực tế cho thấy, trong điều kiện mở cửa và hội nhập, do sự tiếp xúc với một số quan điểm, tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật, lối sống không phù hợp từ bên ngoài, không ít thanh niên, sinh viên đã dao động về lập trường, ảo tưởng về nền dân chủ phương Tây với chủ trương đa nguyên, đa đảng, mờ nhạt về lý tưởng. Đúng như Đảng ta nhận định: “ Đặc biệt đáng lo ngại là một bộ phận học sinh, sinh viên có tình trạng suy thoái đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp".

Thực trạng của một bộ phận học sinh, sinh viên trên đây có nhiều nguyên nhân. Ngoài những hạn chế từ việc giáo dục, tuyên truyền thì một bộ phận sinh viên tiếp thu các môn khoa học Mác - Lênin một cách bất đắc dĩ. Từ đó dẫn đến lối học đối phó, học cho qua. Điều đó cũng dẫn tới thái độ thụ động trong việc học tập, đi học không đầy đủ, không chuẩn bị bài semina, lên lớp cốt để điểm danh.

Trong thời gian vừa qua, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ở trường ĐHNN-ĐHQGHN đã nhiều cải tiến, đặc biệt về phương pháp giảng dạy, đó là một trong những cố gắng rất lớn từ phía giáo viên của Nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, để khắc phục một số nhược điểm trên đây, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp đồng bộ sau:

- Thứ nhất, hiện nay, tổng số cán bộ giảng dạy tại bộ môn Mác - Lênin còn thiếu, tính đến năm 2004, đội ngũ cán bộ lâu năm, có nhiều kinh nghiệm của Bộ môn Mác - Lênin Trường ĐHNN - ĐHQGHN hầu hết đã nghỉ hưu. Thay vào đó là những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhiệt tình, có ý chí, nhưng kinh nghiệm trong giảng dạy còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao (hầu hết đang theo học các khoá cao học). Vì vậy, mỗi cán bộ giảng dạy phải không ngừng nỗ lực tu dưỡng về đạo đức, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học để từ đó đáp ứng được những yêu cầu chính trị trong quá trình giảng dạy.

- Thứ hai, nâng cao chất lượng các giờ giảng trên lớp bằng việc tiếp tục phát huy phương pháp truyền đạt mới, mở rộng mô hình dạy học hiện đại như: hướng dẫn sinh viên tự đọc trước và viết thu hoạch ở nhà, viết niên luận, semina, đèn chiếu, chiếu phim... Cần tiếp tục nâng cao chất lượng các giờ semina, từ đó giúp sinh viên nâng cao trình độ, khả năng phân tích, tổng hợp các vấn đề có cơ sở lý luận và thực tiễn, sinh viên có thể đề xuất các vấn đề mà mình đang băn khoăn. Trong những năm học qua, bộ môn đã tích cực trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy, phương pháp mới đang đem lại những hiệu quả tốt, có sự phản ứng tích cực từ phía giáo viên cũng như trong sinh viên. Song, phương pháp dạy học mới này cần tiếp tục được nghiên cứu và từng bước hoàn thiện thêm, nó phải được nhân rộng ở tất cả các môn khoa học Mác - Lênin, chứ không nên sử dụng riêng đối với bất cứ môn khoa học Mác - Lênin nào.

- Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban trong Nhà trường, để họ cùng tham gia tích cực vào công tác giáo dục chính trị tưởng cho học sinh, sinh viên, đồng thời tuyên truyền một cách thích hợp đến toàn thể cán bộ, viên chức trong Nhà trường nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng hiện nay ở nước ta.

- Thứ tư, Đoàn thanh niên cùng Hội sinh viên cần tăng cường nắm bắt những suy nghĩ, nguyện vọng của học sinh, sinh viên từ đó uốn nắn, định hướng cho họ về lập trường chính trị tư tưởng, hoặc có những biện pháp thích hợp cùng với Nhà trường tháo gỡ, định hướng về tư tưởng cho họ một cách kịp thời, có hiệu quả.

- Thứ năm, đối với sinh viên cần nhận thức được rằng không ai khác, chính họ là những chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước đang trông chờ rất nhiều ở việc học tập và rèn luyện của họ. Việc học tập tốt các môn chuyên ngành là điều cần thiết, song nếu chỉ có kiến thức chuyên ngành họ sẽ bị lạc hậu về mặt lý luận, vì việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp họ nắm bắt được những kiến thức cơ bản, kết hợp với việc liên hệ thực tiễn, từ đó có tư duy độc lập, đúng đắn, hành động phù hợp trong cuộc sống, qua đó học sinh, sinh viên có được phương pháp tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức một cách có hiệu quả nhất.

Tóm lại : Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các môn khoa học Mác - Lênin là trực tiếp trang bị thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và cơ sở phương pháp luận cho người học. Những kiến thức này tạo nên niềm tin, lý tưởng và định hướng cho hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của sinh viên trong quá trình học tập ở nhà trường và trong cả cuộc sống sau khi ra trường. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả của việc giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên không thể tách rời việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Để công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên, sinh viên của trường ĐHNN - ĐHQGHN đạt kết quả như mong muốn thì công việc này phải được phối hợp một cách đồng bộ giữa bộ môn Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với các phòng ban, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên, cùng với ý thức, sự nỗ lực của bản thân mỗi thanh niên, sinh viên trong việc trang bị cho mình một hành trang lý luận, một bản lĩnh chính trị vững vàng để bước vào cuộc sống sau này.

 

 Phạm Văn Kim
Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :