ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Khoa Luật - ĐHQGHN tổ chức hai hội thảo quốc tế
Trong khuôn khổ Dự án các Nguyên tắc trong thực tiến về Quản lý biển và Đới bờ (PIP), vừa qua, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế của Khoa Luật - ĐHQGHN đã tiến hành tổ chức hai hội thảo quốc tế về “Đánh giá khung chương trình cao học Luật biển và Quản lý biển” và “Chính sách, Pháp luật về Biển và sự phát triển bền vững”.

* Ngày 27/7/2005, Hội thảo về "Đánh giá khung chương trình cao học Luật biển và Quản lý biển" được tổ chức tại Khoa Luật với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia từ Đại học Dalhousie (Canada), Đại học Visayas (Philippines), Đại học Huế và chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, với mục đích đưa ra các luận cứ khoa học nhằm xây dựng một Khung chương trình đào tạo cao học về Luật biển và Quản lý biển mang tầm khu vực và quốc tế, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn về luật biển và quản lý biển, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay.

Nhằm góp phần đảm bảo nguồn nhân lực quan trọng cho việc khai thác, sử dụng và quản lý biển, phục vụ chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững, theo sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, được phép của Giám đốc ĐHQGHN, Khoa Luật - ĐHQGHN đã cùng với Ban Biên giới - Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã tổ chức xây dựng và triển khai Khung chương trình cao học Luật biển - Quản lý biển. Đây là chương trình đào tạo Luật học đầu tiên trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là một khung chương trình mới, trong giai đoạn thử nghiệm, nên vẫn còn tồn tại một số bất cập cần tiếp tục thảo gỡ và đổi mới.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: đánh giá lại một số nội dung, cơ cấu, chất lượng Khung chương trình cao học Luật biển hiện hành, tìm ra những ưu điểm, nhược điểm của nó; tìm hiểu, đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan lập pháp và hành pháp ở cấp Trung ương (Quốc hội, Chính phủ) và các ngành, các địa phương ven biển; giải pháp hoàn thiện Khung chương trình đạo tạo cao học Luật biển và Quản lý biển của Khoa Luật - ĐHQGHN: nội dung, cách thức và lộ trình xây dựng bộ giáo trình cao học Luật biển và Quản lý biển; trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo này của Canada, Philipines, Đại học Huế; trao đổi học thuật nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên cũng như các cơ quan của Khoa Luật nhằm phục vụ hiệu quả việc giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Luật biển và Quản lý biển.

* Hội thảo quốc tế về "Chính sách, Pháp luật về biển và sự phát triển bền vững" được tổ chức tại Hạ Long từ ngày 28 đến ngày 30/7, với sự tham dự của các nhà khoa học từ phía Đại học Dalhousie (Canada), Đại học Visayas (Philipines), Đại học Huế, Đại học quốc gia Hà Nội và các chuyên gia đầu ngành từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đến biển (Bộ Ngoại giao, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Học viện Quân sự Cao cấp, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, v.v...).

Với 25 bài tham luận cũng như rất nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế Hội thảo đã tập trung và giải đáp những vấn đề về: chính sách biển, pháp luật quốc gia, quản lý vùng đới bờ, thực hiện chủ quyền quốc gia và hợp tác quốc tế.

Những phân tích, giải pháp và kiến nghị khoa học tại Hội thảo nhằm đề xuất và góp tiếng nói quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chính sách, Pháp luật về biển của Việt Nam đáp ứng yêu cầu tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 Khoa Luật ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :