ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Mỗi năm tết đến lại ngẫm về giáo dục đại học Việt Nam
Mỗi năm, độ xuân về, ta lại có dịp nhìn nhận xem thế cuộc xoay vần. Xin gửi tới Bạn đọc của Bản tin ĐHQGHN đôi dòng suy ngẫm về giáo dục đại học ngày nay, để cùng tìm lời giải cho những bước đi trong một năm mới...

Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã lại hết một năm, chưa làm được bao nhiêu, lại thấy Tết đến nơi rồi. Thế mới biết thời gian trôi quá nhanh, dường như thế kỷ XXI của những cuộc đua tranh quyết liệt với những cuộc cách mạng đang diễn ra như vũ bão, với những công trình khoa học - công nghệ, những đổi mới, cải tiến không ngừng làm cho chúng ta cũng cảm thấy thời gian cũng trôi nhanh hơn. Phải chăng ở thế kỷ này không có thành công cho người chậm chạp...?

Giáo dục đại học trong thế kỷ XXI đã khác trước những gì?

Trong bối cảnh sôi động của các xu hướng phát triển của đời sống xã hội hiện đại, giáo dục đại học ở các nước đã và đang có nhiều cơ hội phát triển đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn đặc biệt là vấn đề giải quyết các mối quan hệ giữa quy mô - chất lượng và hiệu quả đào tạo; giữa đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ phục vụ xã hội; giữa nhu cầu và nguồn lực cho phát triển. Để giải quyết các yêu cầu đó giáo dục đại học ở các nước đã và đang thực hiện các cuộc đổi mới và cải cách sâu rộng với các xu hướng sau:

1. Xu hướng đại chúng hóa: Chuyển từ giáo dục tinh hoa (Elite) sang giáo dục đại chúng và phổ cập (Massification & Univerzalization). Quy mô giáo dục đại học tăng nhanh. ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc tỷ lệ sinh viên đại học trong độ tuổi 18-26 lên đến 30-50%

2. Xu hướng đa dạng hoá (Diversification): Phát triển nhiều loại hình trường với cơ cấu đào tạo đa dạng về trình độ và ngành nghề theo hướng hàn lâm (Academy) hoặc nghề nghiệp và công nghệ nặng về thực hành (Professional and Technology)

3. Tư nhân hoá (Privatization): Để tăng hiệu quả đào tạo và thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở nhiều nước như Mỹ, Philippin v.v. phần lớn các trường đại học là đại học tư thục.

4. Bảo đảm chất lượng (Quality Assurance) và nâng cao khả năng cạnh tranh. Chuyển đổi văn bằng, chứng chỉ, trao đổi sinh viên. Tập đoàn hoá và công nghiệp hoá (Corporatization and Indutrialization) hệ thống giáo dục đại học.

5. Phát triển mạng lưới các đại hoc nghiên cứu để trở thành các trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. Thông qua đào tạo và nghiên cứu để phát hiện và thu hút nhân tài khoa học - công nghệ.

6. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ đào tạo nhân lực quốc tế và khu vực. Các trường đại học trở thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ đào tạo nhân lực thu hút vốn đầu tư vào đào tạo từ nhiều nước đặc biệt là các nước đang phát triển có nhu cầu tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Với vai trò và vị trí đặc biệt của mình, hệ thống các trường đại học trên thế giới luôn luôn tiêu biểu cho các đỉnh cao của trí tuệ loài người, nhân tố quyết định sự phát triển khoa học - công nghệ; văn hoá và xã hội. Trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong những thập niên gần đây hệ thống giáo dục đại học ở các nước trên thế giới đã và đang có những biến đổi sâu sắc cả về quy mô, cơ cấu loại hình, mô hình đào tạo v.v. với xu hướng đa dạng hoá, chuyển từ giáo dục tinh hoa cho số ít sang giáo dục đại học đại chúng; từ tháp ngà kinh viện sang thực tiễn cuộc sống với những thay đổi sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học, cơ chế quản lý v.v. Tuyên bố thế giới của UNESCO về giáo dục đại học (Paris, 1998) đã chỉ rõ: “Phải bảo vệ và phát triển các chức năng cơ bản của giáo dục đại học bằng cách hướng tất cả mọi hoạt động nhà trường đáp ứng những yêu cầu đạo đức, tính nghiêm túc khoa học và trí tuệ. Phải tăng cường chức năng khám phá và phê phán như sự phân tích thường xuyên mọi xu thế mới về xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị v.v.”. Nhà trường nói chung và trường đại học nói riêng đã và đang có những bước chuyển cơ bản từ nhà trường truyền thống sang nhà trường hiện đại. “Sứ mệnh của giáo dục đại học là góp phần vào yêu cầu phát triển bền vững và phát triển xã hội nói chung”.

Xu hướng phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, nền giáo dục đại học ở Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản, như sau:

- Chuyển từ đáp ứng nguồn nhân lực cho cơ quan nhà nước sang việc đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế thị trường đa thành phần.

- Chuyển từ việc chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước dành cho giáo dục sang việc sử dụng các nguồn vốn khác nhau.

- Chuyển từ kế hoạch hoá tập trung sang phi tập trung ở cấp tỉnh và cấp ngành.

- Chuyển từ cấp học bổng cho mọi sinh viên sang việc yêu cầu sinh viên đóng học phí.

- Chuyển từ chuyên môn hoá đơn ngành sang đa ngành, đa lĩnh vực.

Giáo dục đại học Việt Nam cũng đang thay đổi theo yêu cầu của xu thế toàn cầu hoá:

a) Đại chúng hoá

Về mặt quốc gia, giáo dục đại học là phương tiện phát triển nguồn lực và cũng là để duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy tính thống nhất dân tộc và tính kết dính xã hội. Mặc dù chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng nhưng không vì thế mà Việt Nam thu hẹp quy mô của giáo dục đại học. Vấn đề là cần tìm giải pháp để tăng quy mô cho hợp lý và cân đối về cơ cấu trình độ, vùng miền và ngành nghề.

b) Thị trường hoá

Quy mô tăng kéo theo chi phí cho giáo dục đại học tăng đã gây áp lực lớn cho ngân sách. Vì vậy không có cách nào khác là phải cơ cấu lại giáo dục đại học với sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Việt Nam đã đi theo hướng này, nhưng còn chậm chạp và chưa có nhiều kết quả. Các trường ngoài công lập ngày càng tăng ở mọi bậc học, riêng đại học sau 16 năm đã có 25 trường đại học ngoài công lập được hình thành, thu hút hơn 140.000 sinh viên (chiếm 11,7% tổng số sinh viên cả nước).

Trên thế giới hiện nay, ngân sách nhà nước chỉ tập trung lo cho việc nâng cao dân trí, còn càng lên bậc học cao thì càng mở rộng trách nhiệm xã hội. Việt Nam chúng ta chưa thay đổi được tư duy này, cũng có nghĩa là giáo dục đại học chưa đi đúng quy luật, ít nhất là nguồn đầu tư tài chính.

c) Đa dạng hoá

Việc chuyển từ đại học đơn ngành sang đa ngành, đa lĩnh vực được nhiều trường đại học thực hiện. Ngay cả trường đại học sư phạm, sau một thời gian dài đào tạo đơn ngành, nay nếu chưa chuyển sang đa ngành thì cũng đã mở thêm nhiều ngành phi sư phạm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học cũng như nhu cầu nhân lực của thị trường.

d) Quốc tế hoá

Cùng với sự phát triển của CNTT, viễn thông và tự do hoá thương mại trong dịch vụ giáo dục, một bộ phận sinh viên, giảng viên, cơ sở đào tạo và chương trình giảng dạy đã vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia. Nhiều sinh viên Việt Nam đã ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, nhiều trường quốc tế liên kết đào tạo tại Việt Nam, xu thế du học tại chỗ đang ngày càng tăng.

Phát triển giáo dục đại học ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những thập niên đầu thế kỷ XXI với sự tác động ngày càng mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá đã và đang đặt ra những cơ hội phát triển chưa từng có đồng thời là những thách thức to lớn về chất lượng và hiệu quả giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia. Vượt qua thách thức không chỉ là yêu cầu mà còn là đòi hỏi cấp bách của mỗi quốc gia, trong đó nước ta không nằm ngoại lệ trong cuộc ganh đua quyết liệt vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong thế giới hiện đại.

Sau 100 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) mà tiền thân là Trường Đại học Đông Dương, một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đã khẳng định được vị thế của mình trong nền giáo dục đại học Việt Nam. ĐHQGHN đã và đang hết sức nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành, tìm các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, tìm các bước đi thích hợp, phát huy được mọi tiềm năng và lợi thế của mình, để sớm trở thành một trung tâm đại học ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, phía trước còn biết bao gian nan, khó khăn và thử thách.

Trước tình hình giáo dục đại học thay đổi như thế, chúng ta cần trả lời các câu hỏi sau:

1. ĐHQGHN đang ở đâu trong cuộc đua giữa các đại học tiên tiến trong khu vực? Đang ở vị trí nào trong 14 đại học trọng điểm của Việt Nam?

2. Chúng ta sẽ đi hay chạy? Đi bằng cách nào, đi như thế nào để thực hiện thành công sứ mạng và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho?

Hy vọng là, mỗi dịp năm hết, Tết đến, chúng ta có dịp tự đánh giá, suy ngẫm và hành động cụ thể, góp phần trả lời câu hỏi trên. Chúng tôi tin tưởng và mong mỏi nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các nhà quản lý đào tạo đại học, cao đẳng trong cả nước, các cán bộ giảng viên và sinh viên, các nhà sử dụng sản phẩm đào tạo, chung vai xây dựng ĐHQGHN và vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc bạn đọc Bản tin ĐHQGHN một năm mới an khang, thành công và thịnh vượng.

 Nguyễn Văn Nhã (PGS.TS, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :