ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bác Hồ “dọn vườn”

Một sáng chủ nhật năm 1966, nhà báo Lê Hữu Vy đang trực ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì nhận được điện thoại của Bác Hồ. Bác nói đại ý: TTXVN vừa đưa tin một tờ báo nước ngoài gọi đồng chí Phạm Văn Đồng của chúng ta là “chính khách”. Dịch như vậy chưa chuẩn đâu các chú ạ! Bác có đọc bài báo nước ngoài, họ viết “homme politique” tức là “nhà hoạt động chính trị”, chứ có viết “politicien” đâu”. Bác còn dặn: “Hai từ đó khác nhau, nếu các chú chưa rõ thì tra từ điển”.

Lần khác, cũng tại TTXVN, trong thời chống Mỹ, nhà báo Đoàn Văn Tần đang trực ban thì nhận được điện thoại của Bác. Anh kể: “Bác bảo các chú coi lại xem, có phải là một viên tướng Mỹ bị quân ta bắn bị thương ở miền Nam không? Và sao lại gọi là “tướng giải phẫu?”. Tôi giật mình nhận ra một đồng nghiệp chữa tin nhanh hôm qua đã nhầm. Từ “Surgeon General” nghĩa là bác sĩ trưởng quân y (Mỹ dùng) chứ không phải là tướng giải phẫu. Tôi xin lỗi Bác và nhận thiếu sót. Bác nói: “Bác không rõ nên hỏi lại các chú. Bác không phê bình gì đâu...”.

Một điều thú vị nữa được nhà báo Trần Xuân kể: “Một hôm (vào năm 1960) nhân bàn về dịch thuật với ông Wen Zhuang - cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Bác nói: “Vừa qua, Bác có đọc cuốn “Hồng Đăng Ký” (của Trung Quốc) do một bạn Trung Quốc dịch sang tiếng Pháp với tên “L’ Histoire de la lampe rouge” (Chuyện cái đèn đỏ). Bác nghĩ, dịch như vậy chưa đúng, từ lampe rouge là đèn đỏ, nhưng trong tiếng Pháp từ này đồng nghĩa với maison de passe tức là nhà chứa. Ở các đô thị lớn của Pháp thường có quartier de lampes rouges tức khu nhà thổ. Trong dịch thuật, người dịch có nắm được “cái thần” của chữ thì dịch mới đúng, mới hay”.

Tiếp xúc với những tư liệu trên, tôi nhớ tới điều Bác căn dặn các nhà báo (trong bức thư Người gửi lớp học viết báo đầu tiên của chế độ ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949): “Nhà báo ít nhất phải biết một ngoại ngữ để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta”. Từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và cộng tác với TTXVN, tôi được biết các nhà báo ở 2 cơ quan này đều noi theo gương sáng của Bác Hồ về học ngoại ngữ và cẩn trọng trong những công việc liên quan đến ngoại ngữ. Xin nêu một ví dụ: Nhà báo Trần Văn Chương, công tác tại Đài TNVN và TTXVN từ 1945, khi hai cơ quan này mới được thành lập. Hồi đó, một lần, ông được giáo sư Tạ Quang Bửu (thầy giáo tiếng Anh của ông ở Huế) giao cho việc đánh máy một số bức điện Hồ Chủ Tịch gửi các vị đứng đầu các nước Liên Xô, Anh, Mỹ (do giáo sư thảo bằng tiếng Anh, theo gợi ý của Bác). Với câu: Việt Nam đó giành được “độc lập hoàn toàn”, giáo sư dùng cụm từ “complete independence”. Khi duỵệt bài, Bác đã thay tính từ “complete” bằng "full" cùng nghĩa, nhưng gọn và mạnh hơn. Ông Chương còn kể: Năm 1948, khi biên dịch một bài phát biểu của Bác Hồ, gặp câu: “Hàng chục triệu nông dân miền Bắc Việt Nam đang...”, tôi phân vân nên dùng cụm từ "Adozen million" (hơn chục triệu) hay là "Tens of million" (vài chục triệu). Tôi nhờ ông Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Nha thông tin xin ý kiến của Bác. Bác dặn: “Nên dịch hơn chục triệu nông dân”. Những lần như vậy, tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc, bởi được làm quen và học hỏi văn phong Bác Hồ.

Đêm Vọng, Hà Nội

 Dương Quang Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :