Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường ĐHQGHN giai đoạn 2000-2005
(Trích báo cáo tổng kết tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2000-2005) Trung tâm Nghiên cứu Tài Nguyên và Môi trường)

Trong giai đoạn 2001-2005, hoà cùng với xu thế phát triển chung của ĐHQGHN, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã thi đua, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị do ĐHQGHN giao phó và đã thu được các kết quả nhất định.

I. Công tác chính trị, tư tưởng

Ban giám đốc và các cán bộ của Trung tâm luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của ĐHQGHN, các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Không có cán bộ nào vi phạm các qui định chung. Trung tâm là một khối đoàn kết, hoạt động trên nguyên tắc tập trung - dân chủ, lấy hiệu quả công việc làm mục đích cuối cùng.

Trung tâm luôn bám sát chức năng và nhiệm vụ được ĐHQGHN giao, và phấn đấu là đầu mối liên kết các hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững giữa các đơn vị ở trong và ngoài ĐHQGHN.

II. Công tác tổ chức, quản lý

1. Công tác chính quyền

Trong Ban giám đốc đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng: Giám đốc là kiêm nhiệm, phụ trách chung và đặc trách về tài chính, tổ chức cán bộ và đối ngoại. Một phó giám đốc phụ trách công tác đào tạo. Một phó giám đốc phụ trách hành chính - tổng hợp và khoa học, công nghệ. Ban giám đốc hoạt động trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, tập thể chịu trách nhiệm, cá nhân phụ trách. Vào giữa nhiệm kỳ, do hai phó giám đốc đã hết tuổi quản lý, Trung tâm đã đề nghị Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm hai phó giám đốc mới thay thế.

2. Công tác tổ chức - cán bộ

Trung tâm đã từng bước hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận cả về mặt quản lý và chuyên môn.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ (2000), Trung tâm đã thành lập Phòng Hành chính -Tổng hợp, trong đó có bộ phận kế toán - tài vụ, Hội đồng khoa học - đào tạo và các nhóm chuyên môn. Đảm bảo chế độ báo cáo với ĐHQGHN (báo cáo giao ban hàng tháng, báo cáo tài chính và tổng kết năm học hàng năm) đầy đủ và đúng tiến độ.

Hiện nay Trung tâm có 55 người, trong đó có 8 người là kiêm nhiệm, 6 người là chính nhiệm và 41 cán bộ hợp đồng. Tất cả các cán bộ hợp đồng đều làm việc và hưởng chế độ theo đúng qui định của Nhà nước.

Vừa qua, Trung tâm đã làm việc với Ban Tổ chức Cán bộ - ĐHQGHN để được phê duyệt định biên cán bộ. Trong tháng 6, Trung tâm sẽ hoàn thành công tác tuyển dụng cán bộ và kiện toàn tổ chức theo định biên này.

3. Công tác đoàn thể

Do rất nhiều các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quan trọng nhất là do sự phân tán giữa các cơ sở của Trung tâm, trong một thời gian khá dài, công tác đoàn thể của Trung tâm chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động lẻ tẻ và chưa thực sự thu hút được cán bộ của Trung tâm tham gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đoàn thể đối với hoạt động chung của Trung tâm, Ban giám đốc đã từng bước khôi phục lại hoạt động này, trước hết là tổ chức Công đoàn và Chi đoàn thông qua Đại hội Công đoàn và Đại hội Chi đoàn lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2001.

Từ đó đến nay, hoạt động của hai đoàn thể quan trọng này đã từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Ban chấp hành Công đoàn đã động viên các đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động của chính quyền; đã chăm lo đến đời sống tinh thần của các anh, chị em trong Trung tâm, tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà đối với các công đoàn viên hoặc thân nhân bị đau ốm, vào các dịp hiếu, hỷ; tổ chức tốt các đợt nghỉ mát hàng năm... Một trong những chức năng rất quan trọng của Công đoàn là giới thiệu các công đoàn viên ưu tú, có năng lực và đủ điều kiện để gia nhập hàng ngũ của Đảng. Trong năm 2004, Trung tâm đã cử 3 cán bộ ưu tú (2 công đoàn viên và 1 đoàn viên) tham dự khoá học bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Các cán bộ này đã hoàn thành khoá học với tinh thần và kết quả tốt. Công đoàn đã giới thiệu 2 đoàn viên ưu tú để Chi bộ bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Công đoàn của Trung tâm đã tham gia hầu hềt các phong trào công đoàn chung của ĐHQHN như các đợt hưởng ứng quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, sóng thần, xây nhà tình nghĩa,…

Chi đoàn của Trung tâm hùng hậu về cả số lượng, và năng lực chuyên môn (trong tổng số 21 đoàn viên, có trên 60% đoàn viên có học vị thạc sĩ, 5% đạt học vị tiến sĩ, số còn lại là cử nhân). Tuyệt đại đa số đoàn viên có nhiệt tình cao khi tham gia các phong trào do Chi đoàn phát động. BCH Chi đoàn Trung tâm đã chỉ đạo toàn thể đoàn viên tham gia tích cực vào một số hoạt động của Đoàn thanh niên ĐHQGHN như: tham gia viết bài, báo cáo khoa học và cử các đoàn viên tham gia Chương trình Thanh niên tình nguyện, hưởng ứng các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị của cả nước cũng như những phong trào do Đoàn thanh niên ĐHQGHN phát động. Chi đoàn của Trung tâm đã được Đoàn thanh niên ĐHQGHN đánh giá cao và trao tặng danh hiệu Chi đoàn cơ sở xuất sắc.

Đảng viên của Trung tâm hoạt động trong Chi bộ Đảng các trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đảng uỷ ĐHQGHN. Năm 2004, Chi bộ đã được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

III. Công tác chuyên môn

1. Đào tạo

Một trong những thế mạnh của Trung tâm là công tác đào tạo. Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm đã tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về tài nguyên môi trường và các lĩnh vực có liên quan, tạo lập được uy tín tốt đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trên cả nước. Số lượng các học viên tham gia các khoá đào tạo này đã lên tới khoảng vài chục ngàn, trong đó chủ yếu là các cán bộ thuộc các sở, ban ngành, các chi cục kiểm lâm, vườn quốc gia ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Phát huy truyền thống đó, trong nhiệm kỳ 2000-2005, Trung tâm đã liên tục tổ chức các khoá tập huấn ngắn hạn cho đối tượng là các cán bộ ở các khu bảo tồn, chi cục kiểm lâm, nông dân cũng như giáo viên ở nhiều địa phương trong khuôn khổ các đề tài, dự án (tổng số 27 lớp tập huấn ngắn hạn, 3 lớp tập huấn trung hạn 3-6 tháng đã được tổ chức).

Trong năm 2005, cùng với sự nỗ lực của Ban giám đốc và các cán bộ trong Phòng Đào tạo, lớp tập huấn trung hạn về "Tiếp cận sinh thái học trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững" đã được khai giảng trở lại dưới sự tài trợ của tổ chức GTZ và InWent. Khoá học này đã tạo điều kiện trang bị cho Trung tâm một số thiết bị giảng dạy hiện đại, đồng thời có cơ hội hoàn thiện, cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại cũng như các tài liệu, giáo trình giảng dạy mới.

Trong năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã được ĐHQGHN cho phép đào tạo mã ngành thạc sĩ và tiến sĩ về Môi trường trong Phát triển Bền vững. Đây vừa là một cơ hội đồng thời cũng là một thách thức đối với Trung tâm trong cơ chế thị trường giáo dục và khoa học công nghệ hiện nay. Trung tâm đã khai giảng khóa đào tạo thạc sĩ đầu tiên vào tháng 11/2004 và hiện nay đang tổ chức tuyển sinh khoá II cho hệ thạc sĩ và khóa I cho hệ tiến sĩ.

Từ năm 2005, Trung tâm chính thức được ĐHQGHN cho phép liên kết đào tạo thạc sĩ với Viện Khoa học Thuỷ lợi - một viện nghiên cứu lớn đầu ngành của cả nước. Hy vọng sự liên kết đào tạo này sẽ là một cơ hội phát triển mới cho Trung tâm trong hoạt động đào tạo và phục vụ thực tiễn.

Trong những năm vừa qua và tiếp tục trong thời gian tới, Trung tâm được Quỹ NAGAO (Nhật Bản) chọn làm đại diện tại Việt Nam. Cho tới nay, Trung tâm đã chủ trì xét chọn và trao học bổng (với mức 700.000 đồng/tháng) cho hơn 200 học viên cao học của 7 trường đại học và 4 viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường trong phạm vi cả nước.

2. Hoạt động khoa học công nghệ

Hoạt động KHCN là thế mạnh truyền thống của Trung tâm NCTNMT. Trong giai đoạn 2000-2005, Trung tâm đã chủ trì/tham gia thực hiện 64 đề tài/dự án KHCN các cấp trong đó có 1 chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước 2001-2005, 1 đề tài KHCN cấp Nhà nước, 29 đề tài cấp Bộ/ĐHQGHN, 1 đề tài hợp tác với các địa phương và 25 đề tài hợp tác quốc tế. Ngoài chức năng chủ trì và thực hiện các đề tài nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan của Trung tâm còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu của các cơ quan trong nước, quốc tế và các công ước quốc tế với tư cách là thành viên nhóm nghiên cứu và chuyên gia tư vấn.

Trong giai đoạn 2001-2005, Trung tâm được Bộ KHCN chỉ định làm chủ nhiệm (GS. Trương Quang Học) và Văn phòng của Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước "Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai" mã số KC.08 với 30 đề tài và 1 dự án. Chương trình đã được Bộ đánh giá cao về công tác tổ chức và quản lý triển khai. Các đề tài của Trung tâm đã được nghiệm thu đúng hạn và đều được đánh giá loại tốt.

Nhìn chung, số lượng các đề tài nhiều và đa dạng nhưng đều tập trung vào các hướng chuyên môn ưu tiên của Trung tâm: các nghiên cứu liên ngành về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững và hoạch định chính sách với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng. Bên cạnh các giáo sư có kinh nghiệm, hiện vẫn đang giữ vai trò tiên phong trong các hoạt động KHCN, các cán bộ trẻ đã phát huy vai trò xung kích của mình, một số đã chủ trì các đề tài hợp tác quốc tế lớn, nhiều thạc sĩ trẻ (20 người) đã lần lượt chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN do Trung tâm quản lý, tạo nên một không khí làm việc sôi nổi trong Trung tâm. Trung tâm đã phát huy được vai trò là đầu mối liên kết giữa các đơn vị trong lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Nhiều đề tài đã tập hợp được các cán bộ chuyên môn của nhiều đơn vị trong ĐHQGHN và ngoài ĐHQGHN, và hầu hết các sở, ban ngành có liên quan ở tất cả các địa bàn nghiên cứu. Các hoạt động nghiên cứu khoa học đã, đang và sẽ hỗ trợ có hiệu quả cho công tác đào tạo, tự đào tạo (hầu hết các luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ của các cán bộ thuộc Trung tâm đều là các kết quả của các đề tài NCKH: 6 luận án tiến sĩ, 6 luận văn thạc sĩ bảo vệ ở nước ngoài; 2 luận án tiến sĩ và 5 luận văn thạc sĩ trong nước) nhất là cho khoá bồi dưỡng sau đại học "Tiếp cận sinh thái học trong quản lý tài nguyên và phát triển bền vững" và khoá đào tạo sau đại học của Trung tâm về “Môi trường trong Phát triển bền vững” bắt đầu từ năm 2004. Công tác quản lý các hoạt động khoa học công nghệ của Trung tâm đã đi vào nề nếp. Quy trình quản lý các đề tài/dự án kể cả các đề tài hợp tác quốc tế từ khâu xác định nhiệm vụ, kiểm tra, nghiệm thu đánh giá được thực hiện một cách nghiêm túc theo các quy định của ĐHQGHN và của Nhà nước.

3. Hoạt động xuất bản

Trong giai đoạn 2001-2005, Trung tâm đã xuất bản được 19 cuốn sách (cả tiếng Anh và tiếng Việt). Ngoài ra, còn có rất nhiều báo cáo khoa học, báo cáo đề tài của các cán bộ của Trung tâm được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và xuất bản, Trung tâm còn chủ trì và phối hợp với các cơ quan bạn ở Trung ương và địa phương tổ chức 21 hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Đây không những là cơ hội để các cán bộ của Trung tâm chia sẻ các kết quả nghiên cứu mà còn là cơ hội để học hỏi, nâng cao kiến thức cho các cán bộ trẻ.

Trung tâm có một Hội đồng Khoa học và Đào tạo mạnh và có uy tín, gồm nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, cố vấn về chất lượng khoa học cho các đề tài nghiên cứu do Trung tâm quản lý.

IV. Nâng cao năng lực

Bên cạnh công tác đào tạo cho các đối tượng học viên, tự đào tạo thông qua các đề tài NCKH, Trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo thông qua các khoá đào tạo chính qui ở trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2000-2004, Trung tâm đã cử 6 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ và 8 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài. Trong đó, 4 cán bộ của Trung tâm đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, 4 cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ. Số còn lại hiện đang học sau đại học tại các nước Hoa Kỳ, Thái Lan, Bỉ. Ngoài ra, Trung tâm đã cử trên 30 cán bộ tham gia các khoá tập huấn, đào tạo ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài như: úc, Nhật, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, áo, Srilanka, Bồ Đào Nha, Philipin, Campuchia, v.v…

V. Hợp tác quốc tế

Trong giai đoạn 2001-2005, Trung tâm đã có 25 đề tài hợp tác quốc tế, cử 14 cán bộ tham gia các khoá đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài, và nhiều lượt cán bộ đi trao đổi khoa học và tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế. Trung tâm là thành viên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và là Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Công ước CITES của Việt Nam. Trung tâm đã tham dự đầy đủ những hoạt động của các tổ chức trên.

Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt trao đổi học thuật và chuyên gia trên các lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm. Trong nhiệm kỳ 2001-2005, Trung tâm đã tiếp nhận 2 tiến sĩ người Mỹ sang nghiên cứu sinh thái nhân văn, 2 sinh viên Hà Lan, 2 sinh viên Canada, 1 sinh viên Đức và 2 sinh viên Mỹ đến học tập và nghiên cứu.

*

Cơ hội mở ra cho Trung tâm rất nhiều, song bên cạnh đó cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Khó khăn lớn nhất của Trung tâm là địa điểm hiện tại rất chật hẹp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đầu tư trang thiết bị, tổ chức các hoạt động học thuật và sinh hoạt chung của Trung tâm. Do Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp có thu (đảm bảo 100% vốn tự chi) trong ĐHQGHN nên đã phải cố gắng tạo lập đề tài nghiên cứu để đảm bảo công ăn việc làm và sự phát triển của Trung tâm. Vì vậy, chưa có được các điều kiện ổn định cho các thành viên, đặc biệt là các cán bộ trẻ của Trung tâm phát triển theo một hướng chuyên môn được quy hoạch lâu dài theo chủ trương "biết nhiều việc, giỏi một việc". Trung tâm mong muốn sớm có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN và phương hướng phát triển Trung tâm sắp tới là Viện hay Doanh nghiệp KHCN? Lãnh đạo Trung tâm còn lúng túng trong công tác quản lý theo cơ chế thí điểm; chưa mạnh dạn đổi mới và hiện đại hóa công tác quản lý. Chưa chú ý tới việc tổng kết và các danh hiệu thi đua...

II. Những định hướng cho giai đoạn tới

Dựa trên các xu hướng phát triển của công tác nghiên cứu về tài nguyên và môi trường của quốc tế (các vấn đề môi trường quốc tế, Agenda 21), các chiến lược phát triển của các tổ chức quốc tế (WWF, IUCN, GEF…), các chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia (2001-2010), Định hướng phát triển bền vững của Việt Nam (8/2004) và các chiến lược có liên quan khác của Đảng và Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của các viện, trung tâm nghiên cứu về tài nguyên và môi trường trong nước cũng như trong ĐHQGHN, dựa trên truyền thống và thế mạnh vốn có, Trung tâm đã xác định phương hướng phát triển như sau:

Về tổ chức, quản lý: Hoàn thành công tác định biên cán bộ cùng với các qui chế phù hợp về chính sách, chế độ cho từng loại cán bộ (6/2005); Kiện toàn tổ chức của Trung tâm (7/2005); Chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm (5-11/2005); Xác định kế hoạch phát triển trung tâm theo hướng một doanh nghiệp KHCN hoặc thành Viện Tài nguyên và Môi trường (theo chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN)...

Về đào tạo: Tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường thông qua các khoá tập huấn ngắn hạn gắn với các đề tài, dự án; Cố gắng tìm các nguồn tài trợ nước ngoài để duy trì khoá đào tạo 6 tháng về "Tiếp cận sinh thái học trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững" và khóa 3 tháng về "Quản lý và phát triển tài nguyên miền núi"; Tích cực kiện toàn Chương trình đào tạo thí điểm sau đại học, mã ngành Môi trường trong phát triển bền vững...

Về hoạt động khoa học công nghệ: Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tập trung để hoàn thành những công việc sau: (1) Cố gắng xây dựng và tham gia tuyển chọn được 1-2 đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010; (2) Tích cực tổ chức xây dựng và tham gia tuyển chọn các đề tài cấp ĐHQGHN; (3) Sử dụng 100% kinh phí hoạt động thường xuyên cho các đề tài cấp ĐHQGHN do Trung tâm quản lý để bồi dưỡng cán bộ trẻ và học viên SĐH; (4) Kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động NCKH và đào tạo SĐH.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Kết thúc và nghiệm thu tốt nhất 5 dự án hợp tác quốc tế hiện có, cố gắng phát triển sang pha mới; Triển khai các đề tài hợp tác quốc tế mới (với GTZ và Ovent - Hà Lan, Canada, Nhật, Đài Loan...).

Kết luận chung

Trong giai đoạn 2000-2005, dưới sự chỉ đạo sát sao và sự hỗ trợ có hiệu quả của Đảng uỷ, Ban giám đốc ĐHQGHN mà trực tiếp là Giám đốc GS.Đào Trọng Thi, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã phấn đấu để hoàn thành được các nhiệm vụ được giao, dần từng bước thể hiện vai trò đầu mối liên kết các hoạt động KHCN có liên quan trong và ngoài ĐHQGHN. Bên cạnh một số tồn tại và yếu kém cần được khắc phục trong thời gian tới, Trung tâm đang dần từng bước phát triển thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo về tài nguyên và môi trường có thương hiệu trong nước và nước ngoài, góp phần thực hiện sứ mệnh to lớn của ĐHQGHN.

 Trung tâm NCTN&MT - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :