Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Nông thôn Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn văn hóa
Tôi cũng như rất nhiều bạn đồng nghiệp hiện đang công tác ở Trung ương Hội Nông dân hay một số cơ quan trung ương đều thống nhất với nhau quan điểm rằng: Chúng ta phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Nếu làm được điều đó, sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả ở thành phố. Sẽ có một ngày chúng ta làm việc ở thành phố nhưng lại về sống ở nông thôn cũng giống như ở nhiều thành phố lớn, hiện đại trên thế giới...

Làng quê Việt còn nghèo!

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ lớn về chuyển dịch cơ cấu, nhưng đến nay yếu tố nông nghiệp của nền kinh tế nước ta vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Trên 70% dân số nước ta vẫn là nông dân. Chúng ta vừa có những công bố mới nhất. Cụ thể, cả nước có 14,7% hộ nghèo theo tiêu chuẩn năm 2005. Trong đó, nếu phân loại ra, nông thôn, nông dân chiếm 90% của 14,7% hộ nghèo đó. Ðặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, chiếm tới 51,3%. Miền Tây và miền Trung 41%. Tỷ lệ bình quân chung là như vậy, còn độ chênh lệch giàu nghèo trong vùng cũng rất khác nhau. Số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số thật sự rất nghèo. Theo điều tra của các cơ quan chuyên môn thì chênh lệch về thu nhập giữa nông dân với các thành phần dân cư khác hiện cách nhau từ 5 - 7 lần, cá biệt có nơi tới hàng chục lần. Sự chênh lệch quá xa về kinh tế, đời sống sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội, chính trị. Nông dân là tầng lớp xã hội đông nhất, luôn đi đầu trong các cuộc cách mạng, hy sinh nhiều cho đất nước, cho chế độ, cũng là thực hiện công bằng xã hội. Phải làm thế nào để khu vực nông thôn tăng trưởng nhanh hơn, thu nhập của người nông dân tăng cao hơn? Ðó là những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp... Tôi nhớ, có lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng, cố gắng mỗi năm chúng ta giảm từ 2% đến 3% hộ nghèo. Nếu đạt được như trên, đến năm 2010 chúng ta còn khoảng dưới 10% hộ nghèo và năm 2020 là dưới 5%. Nhưng để làm được điều này cần phải có trách nhiệm từ cả hai phía, một là của Ðảng và Chính phủ, các đoàn thể quần chúng, những doanh nghiệp thành đạt đối với người nghèo. Hai là, nếu muốn nước ta trở thành một nước công nghiệp và thoát ra khỏi khối các nước nghèo, nước kém phát triển, thì phải không còn số người nghèo kể trên. Không thể nói nước ta giàu mạnh mà vẫn còn chừng ấy hộ nghèo. Và thực sự đây cũng là mong muốn của nhân dân cả nước nói chung và của những người nông dân nói riêng...

Ðô thị hóa và “sóng ở trong làng”

Chúng ta có thể thấy, mô hình gia đình ở nông thôn hiện nay không hoàn toàn thuần nông như thuở trước. Trong một ngôi nhà có thể có cả trí thức, công nhân, nông dân, cả người về hưu, lẫn người trẻ. Từ những túp nhà mái ngói thôn quê, đã có rất nhiều người con trưởng thành trên con đường tri thức. Họ vươn ra thành thị và đem về quê nhà những tư tưởng và lối sống của một văn hóa khác hẳn. Ðiều đó, dù ít hay nhiều cũng làm cho bức tranh đời sống nông thôn thay đổi. Bố mẹ tôi là nông dân và nhiều gia đình cũng như thế. Với những gia đình thuần nông thì người ta cũng tìm mọi cách để thay đổi được cơ cấu lao động trong gia đình mình. Ðiều đó vừa thể hiện một chế độ tốt đẹp, vừa điều phối mối quan hệ xã hội tạo nên những tầng lớp đan xen nhau ngay trong một gia đình. Một gia đình với nhiều giai tầng như thế, thì sự hòa hợp sẽ cao hơn ở một xã hội có nhiều giai cấp. Ðiều quan trọng nhất là phải làm sao giảm được sự chênh lệch giữa nông thôn và thành phố. Thành phố đang ngày một sầm uất hơn thì nông thôn cũng phải chuyển mình. Phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống để khi ấy sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả thành phố...

Nhìn ở góc độ nào thì đều có thể khẳng định rằng, nông thôn nước ta trong những năm trở lại đây đã và đang “thay da đổi thịt”, khởi sắc từng ngày. Khởi sắc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa. Nơi nào cũng có truyền hình, phát thanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, điện, đường, trường, trạm… Nhưng bất cập lớn nhất lại là quy hoạch nông thôn của chúng ta hiện nay hết sức “cẩu thả”, bao gồm cả cơ sở vật chất, hạ tầng và con người. Quả thực có nhiều cái rất thiếu văn hóa trong cái đã được gọi là “làng văn hóa”. Nhà sau lãnh đủ mùi hôi thối của nhà trước do chuồng trâu, bò, lợn, gà vịt… Hơn nữa “làng văn hóa” nhưng văn hóa truyền thống bị tha hóa, thậm chí biến mất hoàn toàn. Những cái mà chúng ta đang phục dựng lại thì không còn tính chất của văn hóa truyền thống...

Làng quê Việt còn rất nghèo

Một vấn đề khác đó là an ninh nông thôn hiện nay cũng rất đáng lo ngại. An ninh nông thôn là biểu hiện cuối cùng của cái gì? Của văn hóa công nghiệp nặng, của du nhập văn hóa thành thị vào nông thôn, của những tệ nạn xã hội do chính quá trình phát triển đem tới, của tình làng nghĩa xóm nhạt đi rất nhiều. Bốn yếu tố đó tạo thành an ninh nông thôn. Mục tiêu cuối cùng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là vì con người, vì nông dân. Mà địa bàn sinh sống của người nông dân là ở nông thôn. Họ có thể làm việc ở nhiều nơi, nhưng địa bàn sinh hoạt của họ vẫn là ở nông thôn. Nông thôn không chỉ có người nông dân sống mà còn có cả những cái mà người dân sống ở đô thị nhiều đời vẫn phải nhớ về. Vậy phải làm sao cho nông thôn Việt Nam tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam...


 >> Lưu Quang Ðịnh >> Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :