Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Ðậm đà văn hóa biển miền Trung
Tại sao có một bờ biển dài như vậy mà người Việt Nam ta lại không tiến ra biển mà chỉ bám vào đồng bằng, nhìn lên núi và quay lưng lại với biển cả? Tại sao yếu tố văn hóa biển lại mờ nhạt ở người Việt tại Bắc bộ và Nam bộ mà có phần đậm đặc hơn ở miền Trung?

Có nhiều cách thức để trả lời câu hỏi trên đây. Về mặt lý thuyết, có thể nói biển cả là một môi trường hết sức hung dữ, con người rất khó chinh phục. Trên phạm vi toàn cầu, loài người mới tiếp cận và khai thác các nguồn lợi dụng chứa trong loại hình môi trường này chưa bao xa. Muốn chinh phục được loại môi trường này, con người đòi hỏi phải được sự hỗ trợ của kỹ thuật. Ðứng về mặt tâm thức của lịch sử, có thể nói mặc dù cha ông ta đã có những chiến thắng vang dội tại các trận thủy chiến oanh liệt tại Bạch Ðằng giang, tại đảo Vân đồn... nhưng nhìn chung trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước “phía biển” vẫn là phía rất khó phòng thủ, không ít lần kẻ thù đã sử dụng con đường này để xâm lược nước ta.

Tiến ra biển

Về mặt sinh kế, tại Bắc bộ và Nam bộ, người Việt ra biển rất muộn lại vì các lý do khác. Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp, vấn nạn của người nông dân Việt mãi cho tới những năm 90 của thế kỷ XX vẫn là lương thực. Do đó trong tâm thức cũng như trong thực tế, họ chỉ hướng về ruộng đồng. Ðể có them ruộng trồng cấy, người Việt - nhất là người Việt tại Bắc bộ - khi tiếp xúc với biển đều ưu tiên khuynh hướng “quai đê lấn biển” để có ruộng làm nông nghiệp và họ đã “kéo dài văn hóa nông nghiệp” ra bờ biển cả. Theo hướng đó, người Việt đã trồng sú vẹt, ngăn biển tiến, quai đê lấn biển, khai hoang, thau chua rửa mặn... tạo nên những cánh đồng bát ngát, những xóm làng trù phú dọc theo ven biển.

Buổi sáng ở một chợ cá

Người Việt tại Bắc bộ và Nam bộ chỉ mới vươn ra biển đánh cá nước mặn trong thời gian chưa bao lâu. Một mặt do kỹ thuật, thuyền bè, chài lưới kém không thể đánh cá ngoài biển được chưa nói đến chuyện trước đây khi dân số chưa đông, đồng bằng Nam bộ chưa ngập nước, lắm tôm nhiều cá, chưa có thị trường, người nông dân chỉ khai thác cá tự cấp tự túc cho nhu cầu thường nhật thì đánh cá biển xa bờ chưa phải là điều bức thiết? Bởi thế mà theo một số nhà dân tộc học thì cho tới gần đây, người Việt ở Bắc bộ vẫn chưa có thói quen ăn cá biển - khi chế biến cá biển họ thường sử dụng các món gia vị làm cho cá biển mất mùi khiến món ăn này có hương vị giống với cá đồng...

Nhưng ở Trung bộ, nhất là cực nam Trung bộ thì lại khác. Do kiến tạo, các luồng hải lưu trên biển đã dẫn dắt các luồng cá lớn vào gần bờ, hơn thế về mặt địa hình, tại miền Trung, núi ăn xuống sát biển, đất nông nghiệp cằn cỗi và chật hẹp, song ngòi ngắn, nước chảy xiết, ít ao hồ, rất ít cá nước ngọt, nên khi thiên di tới vùng đất này, người Việt đã có cách thức lựa chọn khác: Sắm thuyền lưới vươn ra ngoài biển cả đánh bắt cá để sinh tồn. Nếu cho rằng sở dĩ người Việt đưa ra sự lựa chọn này là do họ tiếp thu được truyền thống biển của người Chăm, thì đó cũng chỉ là một giả thuyết. Trên thực tế, trong toàn bộ cộng đồng người Chăm cư trú tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thì chỉ có 1 làng làm nghề đánh cá biển mà nghề cá của họ cũng không mấy được phát triển.

Hai cha con ngư dân

Do đó có thể lý giải theo cách khác: Khi di chuyển vào miền Trung, ít ruộng đồng để trồng cấy, ít ao hồ, không có cá nước ngọt, mà tại vùng biển này lại lắm tôm, cá vào sát bờ nên người Việt đã lựa chọn thích nghi với biển cả nhằm kiếm sống lâu dài. Vì vậy, tại các tỉnh miền Trung nhất là khu vực Nam Trung bộ, tính chất biển có thể nói là rất đậm đặc trong văn hóa của người Việt. Bởi thế mà trong cộng đồng ngư dân sinh sống tại khu vực Trung bộ, nhất là cực Nam Trung bộ đã hình thành được một nếp sống văn hóa biển...

 >> TS. Nguyễn Duy Thiệu - Bảo tàng Dân tộc học >> Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :