Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Việt Nam dưới góc nhìn đa diện
Thế giới đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của ngành Việt Nam học (Vietnamese Studies). Từ những khảo cứu đơn lẻ theo từng chuyên ngành, ngày nay Việt Nam học đã trở thành một khoa học liên ngành thuộc phạm trù Khu vực học (Area Studies). Từ năm 1998 đến nay, cứ 5 năm một lần, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học (HTQTVNH) lại diễn ra quy tụ hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và thế giới tham dự...

HTQTVNH lần thứ III với chủ đề “Việt Nam - Hội nhập và Phát triển” vừa mới kết thúc, được đánh giá là bậc thang mới trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam học. GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN, Trưởng ban tổ chức HTQTVNH lần thứ III đã có cuộc trao đổi với ANTĐ Cuối tuần những vấn đề xoay quanh tình hình nghiên cứu Việt Nam học tại Việt Nam và thế giới.

Thưa Giáo sư, đánh giá của ông về số lượng lẫn chất lượng chuyên gia Việt Nam học ở Việt Nam hiện nay?

- Cho đến nay số lượng các chuyên gia quan tâm nghiên cứu Việt Nam đông về số lượng, lực lượng này tập trung chủ yếu trên “trận địa” của khoa học chuyên ngành. Ví như các nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu các vấn đề kinh tế Việt Nam, luật học nghiên cứu về pháp luật và hiến pháp Việt Nam… Còn các chuyên gia chuyên tâm và đủ hiểu biết về mặt lý thuyết, phương pháp nghiên cứu Việt Nam theo hướng liên ngành, khu vực học giống như nước ngoài còn rất ít. Chất lượng được phân ra nhiều loại, chúng ta có những nhà sử học gạo cội, có những chuyên gia hàng đầu, còn các chuyên gia nghiên cứu theo hướng khu vực học hiện chúng ta còn thua xa các chuyên gia người nước ngoài.

- Có những thời điểm người ta nhầm tưởng Việt Nam học = học... tiếng Việt, khái niệm này còn không thưa Giáo sư?

- Tôi có thể khẳng định là vẫn còn. Bởi, khái niệm Việt Nam học không mới ở nước ngoài, chưa muốn nói là xưa cũ. Nghiên cứu Việt Nam nghe quen tai, còn Việt Nam học là muốn nói tới một khoa học ở lĩnh vực học thuật nghe lại lạ tai. Chính vì vậy, con người ta thường gán những cái có sẵn, cho rằng đấy là chuyện của người nước ngoài (?) chứ không phải chuyện của Việt Nam. Và từ lâu chúng ta đã có những khoa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, sau họ đồng nhất cái đó với Việt Nam học.

Khái niệm Việt Nam học ở nước ta hiện nay dung chứa rất nhiều khuynh hướng khác nhau, có cả khuynh hướng nghiên cứu Việt Nam theo hướng chuyên ngành, hiện nó đã dần được làm rõ, nếu nó tồn tại dưới phương thức của một ngành học, thì phải có đối tượng, phải có phương pháp, lý thuyết… Nghĩa là nghiên cứu Việt Nam học phải theo các cấp độ không gian khác nhau, có thể cả một quốc gia, một vùng, nhỏ hơn nữa là một tiểu vùng, một làng…

- Phương pháp nghiên cứu của các nhà Việt Nam học nước ngoài và các nhà Việt Nam học trong nước có nhiều điểm khác nhau?

- Trước đây, sự khác biệt là rất nhiều, nhưng dần dần nó xích lại gần nhau, chính sự tác động của các nghiên cứu Việt Nam của người nước ngoài đã làm cho Việt Nam học ở Việt Nam phát triển.

- Hiện chúng ta đã có con số thống kê về số lượng các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu Việt Nam học?

- Hiện nay tại Nhật Bản, số lượng được coi là chuyên gia con số đã lên đến hơn 120 người, họ sinh hoạt thường niên và có Hội Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam nằm tại nhiều thành phố, nhiều trường ĐH khác nhau. Con số này ở Mỹ còn đông hơn nữa; tại châu Âu, mỗi một quốc gia có khoảng vài chục người. Tổng số trên toàn thế giới con số ước lượng có thể lên đến 500 người.

- Một người nước ngoài muốn trở thành một chuyên gia Việt Nam học cần quãng thời gian tối thiểu là bao lâu?

- Theo tốc độ phát triển tôi nhìn nhận hiện nay, với những sinh viên năm cuối, khi thầy giáo hướng họ sang nghiên cứu Việt Nam, cho đến khi họ trở thành một chuyên gia tương đương với học hàm Tiến sỹ, cao hơn là Phó Giáo sư mất khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm.

- Hiện nay, người nước ngoài sang Việt Nam nghiên cứu đông đảo, phần nhiều trong số họ chọn lựa ngành học nào thưa Giáo sư?

- Người nước ngoài sang Việt Nam đa phần nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Người ta nhận xét lịch sử Việt Nam rất đặc sắc, thậm chí đã có người nói nếu hiểu lịch sử Việt Nam, sẽ giải thích được rất nhiều điều đang diễn ra ở Việt Nam. Tôi nhớ là Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nếu người Mỹ chúng tôi hiểu lịch sử Việt Nam chưa chắc đã có chiến tranh Việt Nam”. Đến nay người ta vẫn coi lịch sử là chìa khóa để hiểu rất nhiều các vấn đề liên quan đến con người, văn hóa, kinh tế… Hiện nay số sinh viên nước ngoài lấy bằng tại Việt Nam về nước nhất lịch sử, nhì ngôn ngữ.

- Hẳn phải có một điểm mấu chốt đặc biệt quan trọng khiến các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam?

- Việt Nam là một không gian, ở đó có rất nhiều nét đặc sắc mà thiếu nó thì nhận thức thế giới không hoàn chỉnh. Việt Nam là một quốc gia nằm giao thoa giữa 2 nền văn minh lớn có tầm cỡ nhân loại, đó là ấn Độ và Trung Hoa. Nếu nhìn rộng ra, chúng ta chỉ thấy Việt Nam chịu tác động theo kiểu đan xen như vậy.

Người ta coi là một dạng thức đặc biệt, mà thế giới nghiên cứu để hiểu rõ, không thể bỏ qua. Với ý nghĩa đó, Việt Nam trở thành một đối tượng nghiên cứu bền vững, như một ngành khoa học được xác lập. Tôi đã từng hỏi, việc nghiên cứu Việt Nam của các bạn có nhất thời không (?) - Tất cả câu trả lời đều là “Không” - Nó chỉ có thể phát triển hơn, nhất là khi Việt Nam tạo điều kiện cho họ.

- Việt Nam học có giống các môn khoa học đang được nghiên cứu?

- Sự giống và khác luôn tồn tại song hành. Giống ở chỗ khi nó đã hình thành một ngành học thì phải tuân thủ theo những nguyên tắc chung của một ngành khoa học. Đó là phải xác định được đối tượng, phương pháp nghiên cứu, lý thuyết chung… Điểm khác đó là Việt Nam học theo nghĩa đang đề cập ở đây là một lĩnh vực khoa học có tính liên ngành - Đó là phạm vi nghiên cứu tổng hợp, phạm vi càng nhỏ nghiên cứu càng sâu.

- Ngôn ngữ có phải là rào cản lớn nhất của các chuyên gia Việt Nam học nước ngoài?

- Chắc chắn. Nghiên cứu một không gian, một khu vực nào đó mà không biết tiếng là một rào cản rất lớn, cho nên các nhà nghiên cứu Việt Nam học có nói rằng nếu không nói được tiếng Việt, không tiếp xúc được với người Việt Nam thì chưa phải là một nhà Việt Nam học chân chính. Từ đó hình thành một xu hướng bắt đầu với việc nghiên cứu là người ta học tiếng Việt.

- Vậy, chúng ta có tiếng Việt là một lợi thế, tạo sao chúng ta chưa phát huy một cách triệt để lợi thế đó?

- Đáng ra người Việt Nam phải nghiên cứu Việt Nam giỏi hơn người nước ngoài, nhưng chúng ta lại phạm phải những hạn chế khác. Hạn chế thứ nhất là phương pháp tiếp cận, chúng ta thường rơi vào trạng thái “hài lòng” vì “tưởng” rằng chúng ta biết rồi. Vì vậy, khi nhìn vấn đề chúng ta thường bị hạn chế, trình bày các vấn đề không sâu sắc. Hạn chế thứ hai đó là nghiên cứu thiếu mất vế phải so sánh. Hạn chế thứ ba là sự cọ xát, bắt nguồn từ việc đa phần các nhà nghiên cứu Việt Nam không giỏi ngoại ngữ.

- 15 năm, qua 3 kỳ Hội thảo, nhận định của Giáo sư về sự phát triển của Việt Nam học?

- Bước tiến được thể hiện trên 3 phương diện. Thứ nhất là sự tự thân, lần đầu tiên chúng ta vừa tổ chức vừa phải đi giải thích tại sao lại có Việt Nam học - nghĩa là tại sao Việt Nam lại cần nghiên cứu Việt Nam. Ngày đó, ĐH Quốc gia Hà Nội làm một công việc như là chắp mối, tạo ra một nơi tụ hội các nhà nghiên cứu Việt Nam. Lần thứ 2 đã bắt đầu hình thành các Tiểu ban trình bày theo khu vực học.

Lần thứ 3 là một nhận thức rất mới, chính vì vậy hình thành Tiểu ban tài nguyên - thiên nhiên - môi trường, tức là gắn sự phát triển của con người, đặc trưng của xã hội với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái. Tiếp đến là nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo người nước ngoài tại Việt Nam, vị thế quốc tế của ngành Việt Nam học ngày càng được khẳng định, đã có rất nhiều những hội thảo khác nhau ở quy mô nhỏ hơn diễn ra trên toàn thế giới.

- Giáo sư “mang” đến HTQTVNH lần thứ III này những gì?

- Đây là một câu hỏi hay (!) Nếu như lần thứ 2 tôi cổ súy cho việc nghiên cứu theo vùng, khu vực thì lần thứ 3 tôi đưa tới hội thảo một thông điệp là khi nghiên cứu Việt Nam cần phải kết hợp theo 2 lối tiếp cận: Theo không gian văn hóa tộc người và theo quốc gia dân tộc - Đó là lối tiếp cận theo xu hướng quốc tế.

- Trên cương vị của mình, Giáo sư có thể đưa ra những hướng phát triển cụ thể của ngành Việt Nam học?

- Cần nhanh chóng đào tạo bài bản các chuyên gia Việt Nam học, hướng tới các chuẩn mực, tối thiểu là các phương pháp tiếp cận để quốc tế hóa ngành Việt Nam học. Tiếp theo là xây dựng được các công trình nghiên cứu tổng hợp, hợp tác quốc tế.

- Giáo sư có lời khuyên nào cho những người quan tâm, muốn nghiên cứu Việt Nam học?

- Chúng ta hãy bắt đầu đi từ một công thức đơn giản nhưng vô cùng vạn năng, đó là chuyên tâm cố tìm ra đặc trưng của một không gian cụ thể bằng 1 tam giác: Người - Điều kiện tự nhiên - Môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử. Tất cả những yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau, hình thành nên đặc trưng văn hóa.

- Tại HTQTVNH lần này, Giáo sư có đặc biệt quan tâm đến một tham luận của một chuyên gia Việt Nam học nào đó?

- Tôi muốn xây dựng một hướng nghiên cứu Việt Nam theo hướng khu vực, nên tôi đặc biệt quan tâm đến bài phát biểu của Giáo sư Sakurai Yumio. Ông trình bày một bài tham luận có tính chất lý thuyết nhưng khái quát từ kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam, đó là “Việt Nam học từ nghiên cứu khu vực”.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 Quân - Trần (ANTĐ Cuối tuần) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :