Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia: “Sân chơi” bình đẳng cho các nhà khoa học
Mới được thành lập, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (PT KH&CN) được nhiều nhà khoa học hy vọng sẽ tạo nên một “sân chơi” bình đẳng cho cả những nhà khoa học trẻ và nhà khoa học lão thành. Trong cuộc trao đổi ngắn với Bản tin ĐHQGHN, TS. Phan Hồng Sơn - Giám đốc Quỹ PT KH&CN cho biết:

Ðây là lần đầu tiên ở Việt Nam việc tài trợ nghiên cứu khoa học theo mô hình Quỹ và không mang tính kinh doanh tiền tệ. Thông qua việc đầu tư dài hạn (long term) sẽ giúp các nhà khoa học theo đuổi hướng nghiên cứu một cách liên tục và kế thừa. Ở nước ta hiện nay, nhà khoa học khi có được nguồn tài trợ, nghiên cứu xong cũng là lúc…dừng đề tài, không xác định rõ hướng nghiên cứu tiếp theo.

Xin ông cho biết khác biệt giữa mô hình Quỹ và các mô hình tài chính trước đây?

TS. Phan Hồng Sơn

Có hai khác biệt cơ bản: Thứ nhất, về bản chất, Quỹ tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu mang tính tự do được đề xuất bởi các nhà khoa học. Quỹ không đề ra các nhiệm vụ để các nhà khoa học đấu thầu, mà chính các nhà khoa học tự đề xuất các vấn đề nghiên cứu, sau đó Quỹ tiến hành xét duyệt tài trợ. Khác biệt thứ hai, tính kế hoạch hóa không giống việc tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu của các Bộ, ngành theo niên độ ngân sách: Quỹ có một khoản vốn nhất định và sẽ xét duyệt kinh phí cấp cho các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đề xuất bất cứ thời điểm nào, và việc xét duyệt cũng được tiến hành tương tự. Ðây được xem là một cơ chế tài chính linh động.

Với cơ chế như vậy hẳn các nhà khoa học có cơ hội được “làm” những gì mình muốn?

Ðúng vậy. Từ trước tới nay các Bộ, ngành tài trợ cho các nghiên cứu mang tính định hướng. Nhà nước ra “đề bài” phát triển KH&CN theo chiến lược đặt ra, các nhiệm vụ “rót” từ trên xuống, còn đối với Quỹ thì ngược lại. Cơ chế như vậy sẽ giúp các nhà khoa học được làm những gì mình muốn.

Thế còn đối với những nghiên cứu trẻ mới làm xong tiến sỹ hay postdoct thì sao?

Ở nước ta đang có “hiện tượng” nhiều nhà khoa học trẻ không được (chứ không phải không có năng lực) tham gia các chương trình tài trợ lớn của Nhà nước mà thường thì chỉ có những nhà khoa học làm việc lâu năm mới “giành” phần thắng. Nhiều nhà khoa học trẻ than phiền đó không phải là “sân chơi” của họ. Ðối với Quỹ, do không hạn chế đối tượng, nhà khoa học trẻ có thể nộp đơn tự do. Bên cạnh đó Quỹ cũng đã đề xuất để tài trợ các học bổng nghiên cứu cho các nhà khoa học như hợp tác với VEF để đưa ra các chương trình tài trợ cho các học giả Việt Nam đã từng học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Nhiều chương trình như vậy có thể thu hút được nhiều nhà khoa học Việt kiều. Bên cạnh đó, Quỹ cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình tài trợ độc lập khác nhau như: công bố chương trình tài trợ dành riêng cho những nhà khoa học có cùng một trình độ (level); hay các chương trình tài trợ cho những nghiên cứu trẻ mới làm xong tiến sỹ, postdoc…để tiếp tục theo đuổi những đề tài nghiên cứu mà họ đã và đang làm ở nước ngoài. Quan trọng hơn cả, Quỹ sẽ tạo một “sân chơi” bình đẳng cho cả những nhà khoa học trẻ và nhà khoa học lão thành. Việc này sẽ được thực hiện bằng việc tiến hành xét duyệt và đánh giá theo một quy trình khách quan.

Một quy trình như vậy sẽ được tiến hành như thế nào?

Khi nhận hồ sơ theo các biểu mẫu, Quỹ sẽ phân loại theo các lĩnh vực; lựa chọn các nhà khoa học làm phản biện độc lập, gửi đề cương nghiên cứu cho ít nhất hai người; người phản biện đánh giá đề cương thông qua phiếu. Những nhà khoa học phản biện độc lập phải có chuyên môn sát với đề tài nghiên cứu của người xin tài trợ. Sau đó Quỹ sẽ tổ chức các phiên họp Hội đồng khoa học trong từng các lĩnh vực chuyên môn để xét duyệt từng đề tài, đồng thời xem xét cả ý kiến của các chuyên gia phản biện độc lập để cuối cùng đưa ra kết luận. Kết luận của hội đồng sẽ được trình lên Hội đồng Quản lý Quỹ xem xét tài trợ.

Nhưng trong quy trình này vẫn chưa thấy một chuẩn quốc tế nào được áp dụng?

Việc đánh giá, xét duyệt đề tài ở nước mình cũng khá giống với phương thức mà quốc tế làm trên nguyên tắc dùng peer review. Nhưng từ trước đến nay mặc dù đã dùng peer review nhưng chất lượng đánh giá trong nước độ tin cậy còn thấp. Chính bởi vậy, ngoài việc dùng peer review để đánh giá, chúng tôi sẽ đồng thời lựa chọn các nhà khoa học tham gia, và việc mời các thành viên tham gia phải khách quan, vô tư. Chẳng hạn, khi thành lập Hội đồng đánh giá, chúng tôi sẽ sử dụng các “kỹ thuật” để người đánh giá và người nộp đề cương không biết nhau. Ðặc biệt các nhà khoa học trẻ có năng lực nghiên cứu cập nhật cũng sẽ được mời tham gia vào các Hội đồng xét duyệt chứ không chỉ có các nhà khoa học “cây đa, cây đề” như trước đây. Sự “pha trộn” này sẽ đổi mới các hội đồng xét duyệt và lựa chọn các chuyên gia.

Tại sao chúng ta không mời các chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều tham gia vào một Hội đồng như vậy để nâng cao chất lượng và tính khách quan khi đánh giá?

Chúng tôi rất muốn làm việc đó nhưng phải đối mặt với hai rào cản. Thứ nhất là rào cản ngôn ngữ, khi buộc các nhà khoa học phải nộp đề cương bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là một “gánh nặng” cho các nhà khoa học bởi không phải ai cũng viết thông thạo đề cương bằng tiếng Anh. Muốn mời các nhà khoa học nước ngoài chúng ta phải vượt qua hàng rào ngôn ngữ. Thứ hai, do Quỹ mới đi vào hoạt động nên chưa có được cơ sở dữ liệu đầy đủ các nhà khoa học Việt kiều có thể hỗ trợ chúng ta. Chừng nào chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu các chuyên gia đủ lớn thì việc mời các nhà khoa học Việt kiều còn nhiều khó khăn. Trước mắt để khắc phục hai rào cản trên chúng tôi đưa ra “giải pháp” hợp tác với một Quỹ của nước ngoài, sau đó ký các thỏa thuận: Quỹ PT KH&CN sẽ nhận hồ sơ bằng tiếng Anh sau đó chuyển cho Quỹ nước ngoài để họ đánh giá rồi sau đó lại gửi lại cho chúng ta. Chúng tôi hy vọng việc này sẽ giúp khả năng đầu tư “đúng người, đúng việc” cao hơn.

Liệu đó có phải là giải pháp hiệu quả để đầu tư “đúng chỗ”?

Muốn đầu tư đúng chỗ trước hết phải xác định những hướng nghiên cứu ưu tiên. Ở trong nước việc xác định này còn yếu. Mặc dù chúng ta có chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010 hay 2020 nhưng lại không khoanh rõ cần tập trung nghiên cứu giải quyết vấn đề gì. Khi làm việc với các Quỹ khoa học của châu Âu họ đều khuyên chúng ta rằng, việc quan trọng trên hết là phải xác định được các hướng nghiên cứu trọng điểm quan trọng đối với Việt Nam. Ðể làm được việc này đòi hỏi các nhà quản lý phải có kỹ năng tiến hành khảo sát, điều tra, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học trong cả nước để xác định được nhu cầu nghiên cứu mà đất nước cần, đồng thời phải xác định được “nội lực” có đủ khả năng thực hiện được những nghiên cứu đó. Do nguồn lực nghiên cứu chất lượng hạn chế, chúng ta chỉ nên khoanh vùng hẹp hướng nghiên cứu ưu tiên. Quỹ sẽ phối hợp với Bộ KH&CN thu hẹp phạm vi tài trợ để đầu tư có trọng điểm.

Trong trường hợp chúng ta chọn nhầm đối tượng, thì những hành vi không trung thực trong nghiên cứu sẽ được xử lý như thế nào?

Ðây là một vấn đề nhạy cảm. Bởi vì muốn làm được việc này trước hết phải có những quy định, văn bản pháp lý rõ ràng. Chẳng hạn, phải định nghĩa thế nào là vi phạm trong nghiên cứu khoa học? Hiện nay chúng ta vẫn chưa có những chế tài xử lý những vi phạm như vậy. Cho nên, cũng giống như những Quỹ khác hiện nay, chúng tôi có những quy định xử lý như: các hành vi không trung thực khi nghiên cứu, không thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu sai mục đích hay có các vi phạm nghiêm trọng thì tuy mức độ Quỹ có thể không xem xét tất cả đề nghị về sau...

Cuối cùng, xin ông cho biết một số hoạt động tài trợ sắp tới?

Trong 2009 chúng tôi sẽ tiến hành tài trợ cho các lĩnh vực nghiên cứu cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên; Tài trợ cho các nhiệm vụ đột xuất phát sinh; Chương trình tài trợ các nhà khoa học trẻ; Chương trình tài trợ phát triển mang lưới các nhóm nghiên cứu mạnh.

Xin cảm ơn ông!

 Đức Phường (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :