Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Hội đồng nghiên cứu khoa học Châu Âu: Bàn tay rút tiền từ ví liên minh Châu Âu
Làm thế nào giúp Châu Âu không bị lạc hậu về mặt khoa học và công nghệ? Thành lập một “siêu” cơ quan để tài trợ cho các nhà nghiên cứu thuộc 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) chỉ dựa trên tiêu chí duy nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học. Mọi thứ đều đã cam kết nhưng không thực hiện được bởi các quốc gia thành viên EU quá keo kiệt…

Các nhà khoa học quá mệt mỏi với các chương trình nghiên cứu Châu Âu thường bị ca cẩm là quan liêu phiền hà đã thốt lên như vậy. Thế nhưng, khi lời kêu gọi các dự án nghiên cứu lần đầu tiên được tung ra vào năm 2007, Hội đồng nghiên cứu khoa học Châu Âu (ERC) nhận được không dưới 9.167 hồ sơ. Và tới 95% các nhà nghiên cứu đệ đơn sẵn lòng chấp nhận sự rườm rà ấy, đó là còn chưa nói đến lượng hồ sơ khổng lồ nói trên. Nhờ ERC, cơ quan tài trợ cho nghiên cứu cơ bản độc lập, EU chứng minh cho thế giới thấy rằng nền khoa học Châu Âu sẽ trỗi dậy. Tính từ đầu thập niên này, đã 3 lần số giải Nobel của Châu Âu ít hơn Hoa Kỳ và chưa bao giờ các phòng thí nghiệm của Cựu Lục địa lại bị bỏ xa như hiện nay. Liệu ERC có giúp Châu Âu bắt kịp đà phát triển hiện nay không? Một trong những nghịch lý của mảng khoa học trong Liên minh Châu Âu là nó không ở đúng vị trí như người khác nghĩ. Tất cả “đồ trang trí” cho nền khoa học Châu Âu như: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và chế tạo các tên lửa Ariane, Hội đồng nghiên cứu vật lý lượng tử Châu Âu và chế tạo các máy gia tốc phân tử khổng lồ… đều là sản phẩm của hợp tác liên chính phủ. Thay vì thành lập các cơ quan có giá trị, chính sách khoa học của EU do một thể chế có cái tên hết sức tối nghĩa quyết định: Chương trình khung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (FP). Từ năm 1983, các chương trình kéo dài nhiều năm này cứ nối tiếp nhau theo một đường hướng chỉ đạo chung: hỗ trợ phát triển kinh tế hơn là phát hiện các kiến thức mới, hỗ trợ cải tiến kỹ thuật hơn là nghiên cứu cơ bản.

Chiến lược LISBONNE

Năm 2000, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã phát động “chiến lược Lisbonne” nhằm biến Liên minh Châu Âu thành “nền kinh tế tri thức có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới”. Mục tiêu đề ra: đến năm 2010, đầu tư ít nhất 3% tổng thu nhập quốc dân (GDP) cho nghiên cứu khoa học. Sau đó, Ủy ban Châu Âu (EC) còn ồ ạt rót thêm ngân sách cho FP. Tuy nhiên, theo quan điểm duy ý chí luận, biện pháp này vẫn chưa đủ để khởi động một chu kỳ đầu tư khép kín đầy thuận lợi. Thật vậy, khoảng tiền do FP tài trợ chỉ chiếm 20% tổng kinh phí do các quốc gia chi trả. Và các nước thành viên - trừ các quốc gia Bắc Âu - vẫn tiếp tục hỗ trợ một cách kiêm tốn cho nghiên cứu khoa học. Hai năm nữa là đến kỳ hạn do chiến lược Lisbonne đề ra nhưng đầu tư của các nước cho nghiên cứu khoa học vẫn dậm chân tại chỗ: chỉ chiếm 2% GDP và Liên minh Châu Âu có vẻ như chưa muốn bắt kịp tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật của thế giới. “Mặc dầu FP tăng kinh phí hỗ trợ đáng kể, tính cạnh tranh của các nền kinh tế Châu Âu vẫn không ngừng giảm sút. Ðiều này cho thấy rõ ràng chính sách khoa học có vấn đề”, Norbert Kroo, nhà vật lý học người Hun-ga-ri, thành viên Hội đồng khoa học của ERC nhận xét...

Trên thực tế, chiến lược Lisbonne đã rơi vào quên lãng nên Liên minh Châu Âu phải cân nhắc hành động của mình. Do đó, tại các cuộc họp trù bị cho chương trình khung số 7 (2007 - 2013), đã có ý kiến đề xuất Châu Âu tái tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh mô hình top-down (EU đầu tư những lĩnh vực Châu Âu ưu tiên phát triển), nên bổ sung mô hình chỉ đạo bottom-up (các nhà khoa học đệ trình các dự án của họ lên cơ quan hỗ trợ kinh phí). Thực chất, ý kiến này chẳng có gì mới mẻ: vào thập niên 1970, khi mảng khoa học trong EU mới chập chững những bước đầu tiên, ý kiến ấy đã được đề cập đến. Thế nhưng, từ ngày đó, hai nhân tố mới đã xuất hiện. Thứ nhất, quá trình khám phá trí thức được đẩy nhanh và kiến thức ngày càng đa dạng, nhất là ở những lĩnh vực tiệm cận nhau như công nghệ na-nô, sinh-tin học hoặc khoa học nhận thức. “Hệ thống Châu Âu tỏ ra rất có năng lực trong việc hỗ trợ một nền khoa học phát triển chậm, tuyến tính nhưng lại không thích nghi được với nền tri thức mới, phát triển theo hệ dọc, đòi hỏi nó phải nhanh nhạy hơn, ít tập quyền, quan liêu hơn để mọi cánh cửa được hé mở”, Andrea Bonaccorsi, nhà kinh tế học của Trường ÐH Pisa (I-ta-li-a) phân tích. Thứ hai, cộng đồng các nhà khoa học Châu Âu dõng dạc yêu cầu thành lập cơ quan tài trợ độc lập đa quốc gia. Trong số các sáng kiến đưa ra, lá thư đề nghị mở 57 công ty khoa học kỹthuật đã được công bố trước Ủy ban Châu Âu (EC) năm 2006. Vấn đề sâu xa ở đây là: các thủ tục xin trợ cấp tài chính của FP quá rườm rà… đến nỗi ngày càng nhiều nhà nghiên cứu nhờ các văn phòng tư vấn chuyên trách soạn thảo hồ sơ cho họ! Chất lượng nghiên cứu khoa học không phải tiêu chí được dùng để đánh giá. Vị trí của các nhà khoa học nữ và sự hiện diện của các nhóm nghiên cứu Ðông Âu cũ trong các liên hiệp nghiên cứu cũng là vấn đề đáng bàn. “Thậm chí một vài nhóm nghiên cứu tốt nhất Châu Âu không còn quan tâm đến các lời mời nộp hồ sơ xin tài trợ của FP bởi họ có những nguồn hỗ trợ ít bị ràng buộc hơn và dễ tiếp cận hơn”, Eric Banda, nhà địa vật lý người Tây Ban Nha và Chủ tịch Euroscience (vai trò của nó tương tự như American Association for the Advancement of Science của Hoa Kỳ) nhận xét.

ERC đã khẳng định rằng các hồ sơ sẽ được chính các nhà nghiên cứu xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí duy nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học! Thế nhưng, nguyên tắc hoạt động của “cơ quan thực thi” độc lập này không được các phòng ban EC, không chịu từ bỏ quyền kiểm soát tiền công quỹ của mình, dễ dàng chấp nhận. Thêm nữa, các quốc gia thành viên, vốn luôn lo lắng sao cho các phòng thí nghiệm nước mình nhận được số kinh phí hỗ trợ ứng với phần đóng góp của mình cho Liên minh Châu Âu. Chính thức được phủ nhận nhưng thực ra nguyên tắc “trả lại” này áp dụng cho toàn bộ chương trình nghiên cứu của FP. Nhằm dẹp bỏ mọi sự khó nói trên, ERC phải có được tính pháp lý khoa học không bàn cãi được.

Do đó, năm 2005, ủy viên phụ trách nghiên cứu khoa học của Ủy ban Châu Âu, ông Philippe Burquin giao cho Lord Patten (người Anh) thành lập một hội đồng khoa học điều hành ERC. Lord Patten là một nhà chính trị tài ba: ông đã tham gia đàm phán trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Ðể thực hiện nhiệm vụ tế nhị này, ông đã tập hợp quanh mình một nhóm nhỏ trong đó có Catherine Bréchignac, hiện là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Ủy ban này đưa ra một tiêu chí rất đơn giản: để được chọn, một nhà khoa học mang quốc tịch bất kỳphải được các cơ quan của các nước khác đề nghị. Năm 2006, Ủy ban Patten đề xuất một danh sách gồm 22 nhà khoa học. Nói một cách chính thức, tất cả các nhà khoa học này được còn vì lý do duy nhất: họ có tài, đồng thời trong danh sách ấy, tất cả các ngành đều có mặt. Tuy nhiên, những cái tên ấy nhận được sự tính nhiệm phần nào cũng nhờ ngoại giao: Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Pháp và Anh, mỗi nước có hai công dân thuộc Hội đồng khoa học còn nhiều quốc gia bé nhỏ khác, đặc biệt là các nước Ðông Âu, không có công dân nào.

Đề cao chất lượng nghiên cứu

Cuối năm 2005, Ủy ban khoa học này bầu chủ tịch và đi vào hoạt động. Chủ trương: tăng cường chất lượng “các công trình nghiên cứu ở những lĩnh vực tiệm cận nhau” và chống chảy máu chất xám. EC cam kết chi 7,6 tỷ euro cho 7 năm. Sau nhiều lần bàn thảo, rốt cuộc đã đi đến thống nhất: 45% dành cho vật lý và các ngành kỹ sư, 40% cho khoa học đời sống và 15% cho khoa học xã hội và nhân văn; mỗi ngành lớn trên còn chia thành các lĩnh vực nhỏ theo chủ đề. Hội đồng khoa học đã chọn hai công cụ là: starting grants - trợ cấp khởi đầu - (đến 2 triệu euro) dành cho các nhà khoa học trẻ tuổi, bất kể người nước nào, muốn thành lập hoặc phát triển một nhóm nghiên cứu tại EU hoặc tại các quốc gia liên kết và advanced grants - trợ cấp cao cấp - dành cho các nhà khoa học đã có danh tiếng cần hỗ trợ kinh phí lớn và lâu dài (đến tận 3,5 triệu euro cho 5 năm).

Tình hình kêu gọi “Các nhà nghiên cứu trẻ tuổi” năm 2008 không đạt được kết quả như mong muốn. Thứ nhất, chất lượng nghiên cứu là tiêu chí đánh giá duy nhất vẫn được tôn trọng dẫu có gây ra một số căng thẳng. “Có lúc, chúng tôi đã rất lo lắng vì tỷ lệ các nhà khoa học nữa giành được tài trợ không cao (26%) bởi EU coi xúc tiến bình đẳng giới như một trong những chính sách chính của mình”, Alain Peyraube, nhà ngôn ngữ học người Pháp và thành viên Hội đồng khoa học kể lại, “nhưng EC đã vào cuộc và không gây khó dễ gì”. Thứ hai, nếu nói ERC đã chinh phục được quyền lực của mình thì nó vẫn chưa có phương tiện để đạt các tham vọng. Gói kinh phí năm 2008 chỉ đủ tài trợ cho 300 dự án, trong khi đó có tới 430 dự án đạt chất lượng cao như yêu cầu của ERC và hơn… 90.000 hồ sơ đệ trình. Như vậy, tỷlệ thành công chỉ 3%, thấp nhất thế giới, nên điều này có thể làm nản lòng các nhà nghiên cứu muốn đệ đơn xin kinh phí một cơ quan có tính chọn lọc cao như vậy. “Ít nhất 10% là tỷ lệ chấp nhận được và chúng tôi sắp đạt tỉ lệ này với chương trình “advanced grants”, nhận được ít đơn bởi các nhà nghiên cứu thành danh thường nhận được các nguồn tài trợ khác. Các nhà nghiên cứu trẻ đổ xô nộp hồ sơ ngay khi lời kêu gọi được phát đi vì rất ít nơi tài trợ kinh phí để thành lập nhóm nghiên cứu ở Châu Âu. Ðiều này chứng tỏ ERC đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Daniel Estève, nhà vật lý người Pháp và Phó chủ tịch ERC cho hay.

Tỏ ra thận trọng, nhưng ERC đã dự kiến một vài điều kiện nhằm giảm số lượng đơn xin kinh phí ở các đợt sau là nộp hồ sơ đầy đủ ngay giai đoạn đệ đơn đầu tiên; kéo khung thời hạn được chọn lựa từ 2 đến 9 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ như hiện nay xuống còn 3 đến 8 năm sau khi nhận bằng tiến sỹ…

Cuối cùng, mục tiêu đảo ngược chiều hiện tượng “brain-drain” (chảy máu chất xám) đã không thực hiện được. 15 đơn nộp từ Nga, 6 từ Trung Quốc và 3 từ Ấn Ðộ nhưng không có đơn nào được chọn. EU vẫn chưa cạnh tranh nổi Châu Mỹ đầy hấp dẫn. Việc các nhà khoa học người Châu Âu đạt trình độ sau tiến sĩ sống tha hương trở về Cựu Lục địa cũng không giải quyết được vấn đề: tuổi trung bình của các nhà nghiên cứu nhận được tài trợ là 36, cao hơn nhiều so với độ tuổi các nhà khoa học có trình độ sau tiến sĩ Hoa Kỳ trở về quê hương. Theo Daniel Estève, “điều này là do các ủy ban lấy chất lượng nghiên cứu khoa học làm tiêu chí đánh giá hồ sơ, tức ưu tiên những người nhiều kinh nghiệm nhất. Không có những lời kêu gọi đặc biệt dành cho những người có trình độ sau tiến sỹ nhưng trong tương lai, các ủy ban sẽ lưu tâm nhiều hơn đến nét đặc trưng của hồ sơ những người này”.

Lỗi ở các quốc gia

Ngân sách hiện nay còn rất yếu để cho ERC đóng vai trò chủ chốt. Ủy viên Châu Âu phụ trách nghiên cứu khoa học Janez Potocnik đã đồng ý nâng ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học lên gấp đôi nhưng “vấn đề không phải từ phía Ủy ban Châu Âu mà từ các quốc gia thành viên”, Eric Banda cho biết. Các nước này muốn ấn định tổng ngân sách EU dành cho nghiên cứu khoa học ở mức 1% GDP của cả Liên minh cho đến tận năm 2013. Trừ phi nâng nâng sách của EU lên, nếu không, không có cách nào tăng kinh phí cho ERC. Tuy nhiên, tương lai của ERC không chỉ phụ thuộc vấn đề tài chính mà cả chính trị. Philippe Larédo, nhà nghiên cứu các chính sách cải tiến tại Trường Cầu đường quốc gia Pháp cho rằng: “Mọi cơ quan đều tài trợ đầu tiên cho các ngành khoa học “mainstream” (chủ đạo) để nó “cày cuốc” những lĩnh vực có sẵn đã, và nếu còn tiền mới tài trợ cho các nghiên cứu thuộc các ngành tiệm cận nhau, cách tân hơn nhưng cũng nhiều rủi ro hơn. Ở Châu Âu, hệ thống tài trợ kinh phí bị phân tán thành nhiều định chế quốc gia. Ðịnh chế nào cũng muốn bám trụ trong cuộc đưa đến các ngành khoa học chủ đạo nên ít tài trợ cho các nghiên cứu thuộc các ngành tiệm cận nhau”. Từ đó, theo ông, nảy sinh một thách thức mang tính quyết định đối với ERC: phải trở thành một dạng “cơ quan của các cơ quan” chứ không phải một cơ quan bên cạnh những cơ quan khác. “Thành công hay thất bại của ERC nằm ở (ngoài việc tăng ngân sách) khả năng củng cố mối liên kết với các cơ quan quốc gia để nhân hiệu quả các hoạt động lên gấp bội”, Philippe Larédo nhận xét. Bước tiến đầu tiên theo hướng này vừa mới được triển khai: Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và các cơ quan đồng cấp của Italia, Ðức dự định hỗ trợ các hồ sơ được ERC đánh giá có chất lượng nghiên cứu cao nhưng không nhận được tài trợ do thiếu kinh phí.

Công việc cuối cùng sẽ định đoạt tương lai của ERC là: giảm bớt các quy tắc ràng buộc việc sử dụng các quỹ Châu Âu. Nếu như các nhà khoa học đã đồng thanh đánh giá cao tính đơn giản của các hồ sơ xin kinh phí ERC thì hiện nay những người may mắn giành được tài trợ thẫn thờ khám phá rằng, các quy tắc hành chính ràng buộc việc sử dụng khoản tiền được cấp rất khắc nghiệt. Vốn sinh ra từ Chính sách nông nghiệp chung, càng ngày các quy tắc này càng tỏ ra không còn hợp với nhu cầu cần linh hoạt và mềm dẻo của các phòng thí nghiệm.

 Nhà báo khoa học Nicolas Chevassus-au-Louis - Người dịch: Hồ Thuỷ An - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :