Trang chủ   >   >    >  
Đại học Quốc gia Hà Nội, định hướng phát triển trong thời kỳ hội nhập
Tiền thân của ĐHGHN ngày nay là Trường Đại học Đông Dương, có bề dày lịch sử trên 100 năm. Trải qua một thế kỷ xây dựng và phát triển đến nay, ĐHQGHN là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn và uy tín nhất cả nước.

Với bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và các loại hình đào tạo đại học chính quy, tại chức, văn bằng hai, liên kết đào tạo quốc tế... Hệ thống nghiên cứu KHCN bao gồm viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, trường đại học thành viên... ĐHQGHN đã đào tạo ra hàng vạn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Năm 2006 vừa qua với phương châm “chất lượng là số 1”, ĐHQGHN đã có 33 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 852 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ, 3.598 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy. Kết quả xếp loại tốt nghiệp của sinh viên đạt cao hơn so với năm trước, tỷ lệ sinh viên xuất sắc tăng 45%, giỏi tăng 20%, khá giảm 0,7%, trung bình khá giảm 2%, trung bình giảm 31%. Đây là những con số phản ánh rõ nét sự cố gắng trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ban Giám đốc ĐHQGHN cũng như sự chủ động của các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được thì việc hiện đại hoá chương trình, giáo trình theo chuẩn mực khu vực, quốc tế và việc đổi mới phương pháp dạy - học ở một số đơn vị đào tạo còn chậm và hiệu quả chưa cao. Việc kết hợp đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo chưa được ưu tiên, quan tâm và chưa có nhiều giải pháp hiệu quả.

Để đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng cao của đất nước trong tiến trình hội nhập, ĐHQGHN đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các đơn vị đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học trong sinh viên, quốc tế hoá mạnh mẽ chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo, ưu tiên khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng thực hành; đổi mới phương pháp dạy học trong đó đề cao yếu tố tự học, nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên; xã hội hoá sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư để tăng quy mô đào tạo.

Đất nước đã và đang chuyển mình hội nhập vào sân chơi toàn cầu. Điều đó đặt ĐHQGHN đứng trước hai vấn đề nan giải: Làm thế nào đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực; Làm thế nào để đứng vững trong thời buổi cạnh tranh gay gắt với các trường đẳng cấp khác. Chính vì thế, mục tiêu của ĐHQGHN đến năm 2010 phải phát triển ngang tầm các đại học tiên tiến ở Đông Nam á, tăng quy mô đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo quốc tế. Cụ thể, phát triển đội ngũ cán bộ, đưa tổng số cán bộ công chức lên hơn 3.000 người trong đó khoảng 1.700 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, 85% có học vị trên đại học, trong đó trên 60% có học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 20% có chức danh giáo sư, phó giáo sư và hầu hết các cán bộ giảng dạy có thể sử dụng tin học, ngoại ngữ, đưa phương pháp dạy học tiên tiến vào hoạt động giảng dạy của mình, trong đó 15% có thể giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ; Hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng nghiên cứu và cơ chế quản lý tự chủ, hiện đại, thành lập 3 trường đại học thành viên mới về các lĩnh vực kinh tế, luật, quản lý giáo dục và đào tạo quốc tế; lập 2 viện nghiên cứu khoa học mới về khoa học ứng dụng công nghệ cao, tài nguyên môi trường; thành lập một số đơn vị đào tạo nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ và một số doanh nghiệp khoa học công nghệ về công nghệ thông tin, tư vấn dịch vụ xã hội; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật trong đó có một số phòng thí nghiệm và trang thiết bị thuộc các ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, mũi nhọn đạt tiêu chuẩn quốc tế; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và công tác học sinh, sinh viên, đặt ra đến năm 2010 kết nạp 450 đảng viên, trong đó có 350 đảng viên là học sinh, sinh viên và mỗi đơn vị đào tạo có một trung tâm tư vấn hỗ trợ việc làm cho sinh viên; Mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và vị thế của ĐHQGHN trên trường quốc tế, hàng năm thu hút khoảng 400 suất học bổng cho cán bộ, sinh viên đi tu nghiệp trao đổi nâng cao trình độ, có khoảng 95 dự án hợp tác quốc tế, trao đổi cán bộ, sinh viên hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra một bước chuyển mới trong nền kinh tế nước nhà, đặc biệt ngành giáo dục sẽ đi tiên phong trong sự chuyển biến, hội nhập đó. ĐHQGHN cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo cho mình. Ban Giám đốc đã chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua và đã đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô đào tạo đại học tiếp tục được điều chỉnh để đảm bảo cân đối tỷ lệ hợp lý giữa các hệ đào tạo tập trung và không tập trung; quy mô đào tạo sau đại học tăng mạnh; chất lượng đào tạo đã có bước tiến rõ rệt, ổn định về quy trình đào tạo và trở thành hệ đào tạo thường xuyên; các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh và có bước tiến về chất lượng, hiệu quả; đã hình thành cơ chế đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hệ thống văn bản quản lý tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng cao. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là cơ chế quản lý tài chính tiếp tục được củng cố và phát huy hiệu quả. Vị thế và uy tín của ĐHQGHN trong cộng đồng giáo dục đại học khu vực, quốc tế được nâng cao. Cơ sở vật chất (đặc biệt là trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học) cũng như các điều kiện về tài chính được cải thiện rõ rệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu phát triển của ĐHQGHN. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQGHN trong năm học 2006-2007 là đẩy mạnh quốc tế hoá chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao và nâng cao chất lượng đầu vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; Điều chỉnh quy mô, cơ cấu đào tạo bậc đại học một cách hợp lý nhất, phát triển quy mô sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh tích hợp các đề tài, luận án tiến sĩ, thạc sĩ vào các đề tài khoa học công nghệ; Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng một số tập thể khoa học mạnh, tiến tới hình thành các khuynh hướng, trường phái khoa học tiêu biểu của Việt Nam; Hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng nghiên cứu, thành lập Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Giáo dục, Viện Vi sinh học và Công nghệ Sinh học; Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng cơ sở mới ĐHQGHN ở Hoà Lạc, quản lý tốt nguồn vốn đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; đồng thời thực hiện tin học hoá công tác quản lý đến các đơn vị đào tạo, nghiên cứu phục vụ chủ yếu. Để tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh việc đề ra và thực hiện các giải pháp chung, từ năm 2007, ĐHQGHN sẽ thực hiện các giải pháp đột phá sau:

Các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận trình độ quốc tế gồm: “Quốc tế hoá” hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đầu vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, áp dụng các yếu tố tích cực phương pháp đào tạo theo tín chỉ. Một số giải pháp khác do từng đơn vị đề xuất, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của mình.

Các giải pháp triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ đạt trình độ quốc tế một số lĩnh vực chọn lọc đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Các lĩnh vực đó bao gồm: tăng cường đầu tư các nguồn lực có trọng điểm kinh phí, nhân lực khoa học, thời gian và trang thiết bị cho một số lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn. Tăng cường, đổi mới nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là đổi mới về lý luận khoa học, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận, tiếp cận, tiếp thu các lý thuyết khoa học và phương pháp nghiên cứu hiện đại. Các giải pháp đột phá nhằm tập trung ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kế cận trở thành đội ngũ cán bộ đầu ngành, đầu đàn, đạt trình độ quốc tế.

Các giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ tiếp cận trình độ quốc tế gồm: Quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, quản lý tiếp cận trình độ quốc tế; Chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học về chuyên môn thông qua tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị; Tạo cơ chế, chính sách để thu hút cán bộ khoa học giỏi về ĐHQGHN. Tăng cường các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học thông qua: NCKH, trao đổi hợp tác, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế... Có cơ chế, chính sách trọng dụng các cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao.

Hy vọng rằng với định hướng phát triển và các giải pháp đột phá nêu trên, kế thừa và phát huy những thành tựu của giai đoạn trước, ĐHQGHN sẽ trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đa ngành đa lĩnh vực, từng bước tiếp cận trình độ quốc tế; tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam; đóng vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, nhất là trung tâm giao lưu quốc tế về khoa học, giáo dục, văn hoá của cả nước.

 Theo Báo Lao động Thủ đô số 17 ra ngày 27/2/2007.
Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: