Trang chủ   >   >    >  
Để công nghệ thông tin Việt Nam “cất cánh” nên chuẩn hóa việc đào tạo
Những người quan tâm đến kỳ thi thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/IPCP lần thứ 31 hẳn không còn xa lạ với TS. Bùi Thế Duy - giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐHCN, ĐHQGHN - đồng Chủ tịch điểm thi Hà Nội.

Trong những ngày giữa tháng 3/2007, với vai trò là Huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam, TS. Bùi Thế Duy đã cùng 3 sinh viên Trường ĐHCN sang Nhật Bản tham gia vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/IPCP lần thứ 31. Kết quả cuối cùng, đội tuyển Việt Nam đã giành vị trí 48, đứng sau các đội tuyển đến từ các nước có nền công nghệ thông tin tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Để có được những thông tin đầy đủ về kỳ thi trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Thế Duy về các thông tin liên quan đến ACM/IPCP và thực tiễn đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay. Sau đây là nội dung trao đổi:

VNUnews: Thưa TS. Bùi thế Duy, xin anh cho biết một số thông tin khái quát về cuộc thi ACM/IPCP, vòng thi toàn cầu cuộc thi ACM/IPCP lần thứ 31 cùng một số thông tin về đội tuyển Việt Nam?

TS. Bùi Thế Duy: ACM/IPCP là tên viết tắt của ACM - Interrnational Collegiate Programming Contest, một cuộc thi lập trình quốc tế cho sinh viên được Hiệp hội Máy tính Quốc tế (ACM) bảo trợ. Cuộc thi ACM/ICPC đầu tiên được tổ chức năm 1970. Qua nhiều năm duy trì và phát triển, năm 1989, lần đầu tiên các đội tuyển tham dự vòng chung kết toàn cầu ACM/IPCP do Baylor University chủ trì phải qua các vòng loại tại bảng thi vòng ngoài của 6 châu lục (cấu trúc cuộc thi ổn định như vậy cho đến ngày nay).

Năm 2005 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia ACM/IPCP vòng khu vực và đã có một đại diện tham gia vòng chung kết toàn cầu là Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, tuy nhiên chưa được xếp hạng trong vòng chung kết. Năm 2006, Việt Nam cũng có một đại diện tham dự vòng thi toàn cầu. Đội tuyển Chicken - Việt Nam gồm 3 sinh viên lớp 48CA, Trường ĐHCN (Lê Huy Bình, Phan Đa Phúc và Trần thị Huyền Trang), trong đó có 1 sinh viên chưa từng tham dự các cuộc thi học sinh giỏi Tin học dành cho học sinh phổ thông, cuộc thi về công nghệ thông tin toàn cầu duy nhất có sự tham gia của học sinh, sinh viên Việt Nam trước khi ACM/IPCP thâm nhập giới IT Việt Nam.

TS. Bùi Thế Duy (ngoài cùng bên trái)

Vòng thi toàn cầu ACM/IPCP lần thứ 31 gồm 88 đội tuyển với 264 sinh viên cùng hơn 100 huấn luyện viên và gần 600 chuyên gia công nghệ thông tin đến từ 88 trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới. Trong số này, Mỹ có khoảng 20 đội tuyển, Trung Quốc có khoảng 20 đội, Nga có gần 10 đội tuyển tham dự vòng thi chung kết toàn cầu… Xét một cách tổng thể, đây là các đội tuyển đến từ các trường đại học uy tín trong việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trên thế giới và nhiều sinh viên đã giành giải thưởng tại các kỳ thi do các tập đoàn về công nghệ thông tin tổ chức. Trong thành phần của đội tuyển Warsaw (Ba Lan), vô địch vòng chung kết năm nay, có 1 sinh viên vừa vô địch Olympic Tin học quốc tế cho học sinh phổ thông năm 2006 và 1 sinh viên đã đoạt giải nhất lập trình do Google tổ chức. Đội tuyển của ĐH MIT (Mỹ) có 2 huấn luyện viên đứng thứ 1 và 2 trong bảng xếp hạng Top Coder - bảng xếp hạng những lập trình viên tốt nhất thế giới. Thành phần của đội tuyển ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) có 1 sinh viên đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Top Coder,…

VNUnews: Đánh giá của anh về kết quả của đội tuyển Việt Nam? Theo anh đâu là lý do của việc sinh viên Việt Nam chưa đạt được vị trí cao trong cuộc thi?

TS. Bùi Thế Duy: Năm 2006 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi ACM/IPCP vòng thi khu vực. Trong vòng thi chung kết của cuộc thi ACM/IPCP lần thứ 31 này, đội tuyển Việt Nam đứng thứ 48 trong tổng số 88 đội tham dự vòng chung kết và trong tổng số gần 1.500 đội tham gia vòng loại. Tôi cho rằng kết quả của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi là rất tốt, tuy nhiên mới chỉ là kết quả của việc đào tạo công nghệ thông tin đỉnh cao chứ không phản ánh được chất lượng mặt bằng chung của nền công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay.

Việt Nam mới chỉ dành thứ hạng 48/88 đội tuyển vòng chung kết toàn cầu do đề thi có độ mới và độ hiện đại khác vòng thi khu vực. Vốn tiếng Anh của sinh viên Việt Nam cũng chưa thật xuất sắc nên việc đọc hiểu đề bài cũng làm tốn khá nhiều thời gian, dẫn đến việc phân loại đề bài là chậm hơn so với đội bạn. Cùng với đó, việc sinh viên Việt Nam ít được cọ xát ở các kỳ thi quốc tế nên kinh nghiệm không có và việc chọn chiến thuật giải bài trong vòng chung kết toàn cầu vừa qua là chưa thật tối ưu.

VNUnews: Một phép so sánh giữa kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/IPCP với kỳ thi Olympic Tin học quốc tế dành cho học sinh phổ thông?

TS. Bùi Thế Duy: ACM/IPCP cho sinh viên và Olympic Tin học quốc tế cho học sinh phổ thông có điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều khác biệt lớn. Điểm giống nhau của hai kỳ thi này cùng là cuộc thi về công nghệ thông tin dành cho học sinh/sinh viên. Olympic Tin học quốc tế cho học sinh phổ thông là kỳ thi dành cho các cá nhân còn ACM/ICPC lại là cuộc thi dành cho đồng đội. Đối với cuộc thi Olympic Tin học dành cho học sinh phổ thông thì sự đánh giá xếp hạng chỉ là tương đối. Ví dụ như thế này: có thể hai thí sinh cùng đoạt huy chương vàng nhưng một thí sinh có thể đứng vị trí thứ 1 trong bảng tổng sắp nhưng đội còn lại có thể xếp thứ hạng ngoài 20. Đối với cuộc thi ACM/IPCP thì vị trí của các đội trong bảng xếp hạng là tuyệt đối.

VNUnews: Theo anh, cuộc thi ACM/IPCP có ý nghĩa như thế nào đối với các thí sinh tham gia?

TS. Bùi Thế Duy: Cuộc thi có ý nghĩa tích cực và hữu ích với các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin và các ứng viên. Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi này, sinh viên ngành công nghệ thông tin cần phải có kỹ năng tiếng Anh tốt, tính sáng tạo, tinh thần làm việc tập thể và tính hoàn thiện cho mỗi sản phẩm. Cuộc thi ACM/IPCP được giới công nghệ thông tin thế giới coi như một trong những chuẩn mực để đánh giá trình độ đào tạo công nghệ thông tin của mỗi quốc gia và mỗi trường đại học. Cùng với đó, kết quả của kỳ thi phụ thuộc vào thực tế đào tạo công nghệ thông tin của mỗi trường đại học và mỗi quốc gia. Đối với kỳ thi lần này, theo cách nói của những người làm công nghệ thông tin, đội tuyển Việt Nam được xếp vào hạng những đội mạnh, chỉ đứng sau các “cường quốc” về công nghệ thông tin như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

VNUnews: Theo anh giải pháp để đưa nền công nghệ thông tin Việt Nam “cất cánh” là gì?

TS. Bùi Thế Duy: Theo cá nhân tôi, để nền công nghệ thông tin nước nhà phát triển một cách nhanh chóng và theo kịp các nước khác, nên chuẩn hóa lại việc đào tạo công nghệ thông tin và đào tạo theo cách mà các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến đang làm. Đó là trang bị cho sinh viên công nghệ thông tin khả năng làm việc theo nhóm, khả năng lập trình, khả năng thực hành,… Cùng với đó là tạo điều kiện để sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ thông tin thế giới qua nhiều cách: khuyến khích sinh viên tham gia bảng Top Coder, các cuộc thi do các tập đoàn về công nghệ thông tin tổ chức… và hạn chế việc sinh viên học “chay” và chạy theo việc kiếm tiền trước mắt.

VNUnews: Suy nghĩ của anh về việc một trường đại học phối hợp đào tạo với một tập đoàn công nghệ thông tin?

TS. Bùi Thế Duy: Theo tôi đây là một hướng phối hợp đào tạo tốt. Tập đoàn sẽ là một địa chỉ cho đầu ra của sinh viên. Cùng với giảng viên của trường, nếu đơn vị đào tạo tận dụng được nguồn nhân lực trình độ cao của các tập đoàn công nghiệp - các chuyên gia cao cấp cùng tham gia đào tạo thì đầu ra của sản phẩm - sinh viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu của thực tế.

VNUnews: Còn việc tuyển sinh theo cách riêng của Trường ĐH FPT, anh nghĩ sao về việc này?

BTC trao cúp vô địch cho đội ĐH Tổng hợp Warsaw - Ba Lan

TS. Bùi Thế Duy: Tôi nghĩ đó cũng là một trong những cách hay để tuyển lựa được sinh viên phù hợp với chương trình đào tạo công nghệ thông tin. Ngành công nghệ thông tin hiện nay của các trường đại học thường tuyển sinh theo khối A mà thực tế cho thấy môn Hóa học không phục vụ trực tiếp cho việc đào tạo công nghệ thông tin bậc đại học; trong khi đó, học sinh đã được học Tin học từ lớp 10 nhưng khi tuyển sinh đại học thì môn này không được tính đến. Tôi thấy nên chuyển đổi và cải tiến môn thi - một trong những cách để lựa chọn nhân tài công nghệ thông tin. Để phân loại được đầu vào chất lượng cao và phù hợp với việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, tôi nghĩ trong kỳ thi tuyển sinh đại học nên thi các môn: Toán , Tin học và Tiếng Anh.

VNUnews: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.

 VNUnews (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 193, ra tháng 3/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: