Trang chủ   >   >    >  
Đoàn TNCS HCM với việc giáo dục chính trị và định hướng tư tưởng sinh viên trong trường đại học
Việc giáo dục chính trị và định hướng tư tưởng sinh viên là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục toàn diện cho sinh viên các trường đại học, bởi ngoài kiến thức chuyên môn ra, người sinh viên rất cần được trau dồi tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Việc giáo dục và định hướng đúng đắn hành động, suy nghĩ của sinh viên sẽ giúp bồi dưỡng cho sinh viên lòng yêu nước, sự quan tâm tới cộng đồng, và hơn thế nữa, giúp họ dần tạo lập và kiên định lập trường chính trị. Đây là một công tác quan trọng, là tiền đề để chúng ta có thể đào tạo ra một thế hệ cán bộ mới vừa giỏi chuyên môn, vừa vững vàng về lập trường chính trị, từ đó đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Trong một trường đại học, công tác giáo dục và định hướng tư tưởng sinh viên được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và qua nhiều đầu mối khác nhau. Trong số đó, Đoàn Thanh niên và các hoạt động ngoại khoá do Đoàn trường và các cơ sở Đoàn trong trường tổ chức, khởi xướng là một trong những đầu mối quan trọng giúp cho công tác giáo dục và định hướng tư tưởng sinh viên đi đúng hướng theo một cách riêng: không khô khan và không cứng nhắc, gò bó. Bởi phần lớn các hoạt động của Đoàn thanh niên là hoạt động ngoại khoá đáp ứng các sở thích khác nhau của sinh viên. Các hoạt động này đa phần do sinh viên đề nghị cũng như trực tiếp tham gia các công tác tổ chức, quản lý, điều hành và tham gia. Chính vì vậy, công tác giáo dục chính trị được lồng ghép qua các hoạt động này sẽ dễ dàng được sinh viên tiếp thu. Đây là một lợi thế rất lớn của công tác Đoàn trong trường đại học. Song, bên cạnh đó, thực tế công tác Đoàn cũng đã chỉ ra không ít những khó khăn đối với tổ chức đoàn TN trong công tác này như: lực lượng cán bộ làm công tác Đoàn mỏng, thành phần sinh viên đa dạng, nhu cầu về các hoạt động ngoại khoá cũng rất khác nhau và khó có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó. Việc nắm bắt tư tưởng sinh viên, do vậy, cũng gặp nhiều khó khăn. Bài viết này - vốn là một phần của đề tài NCKH cấp trường mã số N.04.34 của tác giả - được trích ra và nhằm đưa tới một cái nhìn khái quát về tình hình giáo dục chính trị tư tưởng sinh viên nói chung và tình hình thực hiện công tác này của Đoàn TN (ở đây là Đoàn TN Trường ĐHNN - ĐHQGHN) trong trường học. Thực trạng, nguyên nhân của tình hình đó qua góc nhìn của những người đoàn viên sinh viên trong trường (được thực hiện qua bảng hỏi gửi tới và nhận về từ 178 sinh viên trong trường).

Tân cử nhân trường Đại học Ngoại ngữ ngày nhận bằng. Ảnh: Bùi Tuấn

Đặc thù của các hoạt động do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên khởi xướng là các hoạt động ngoại khoá và các hoạt động sở thích. Các nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức lối sống được truyền tải thông qua các hoạt động đó. Vì vậy, việc các hoạt động có tác động hoặc có ảnh hưởng tới tư tưởng sinh viên được hay không phụ thuộc không chỉ vào nội dung cũng như hình thức tổ chức các hoạt động, mà nó còn phụ thuộc phần nhiều vào thời gian, điều kiện và sở thích của từng cá nhân sinh viên. Có tới 21,7% số sinh viên trong đợt điều tra cho biết họ không hoặc rất ít quan tâm tới các vấn đề chính trị, văn hoá, xã hội. Trong số đó, 64,7% đưa lý do là họ không có thời gian, 17,6% không thích các vấn đề đó và 17,6% số sinh viên còn lại cho rằng các vấn đề đó chưa cần thiết đối với họ. Với thực tế như vậy, công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cho sinh viên đã phải đứng trước những khó khăn không nhỏ, bởi một số lượng không nhỏ sinh viên bàng quan đối với vấn đề này.

Có một thực tế là số lượng sinh viên biết tới các hoạt động ngoại khóa do Đoàn TN khởi xướng lớn hơn nhiều so với số lượng sinh viên trực tiếp tham gia vào các hoạt động đó. Lý giải cho việc biết nhưng không tham gia, những người được hỏi đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó ý kiến của sinh viên tập trung vào một số vấn đề như: họ không có điều kiện tham gia các hoạt động trong trường, nhất là các hoạt động diễn ra tới tối muộn, do nhà xa hoặc do thuê nhà trọ, chủ nhà không cho phép về muộn...; có những hoạt động họ biết nhưng họ không có năng lực hoặc sở thích tham gia; chưa từng tham gia nhưng nghe nói các hoạt động đó không hay nên cũng không muốn tham gia; và vấn đề mà nhiều sinh viên phản ánh nhất đó chính là công tác tuyên truyền của các hoạt động Đoàn. Có nhiều hoạt động hay, thiết thực nhưng họ không được thông báo kịp thời hoặc thông báo nhưng không đầy đủ thông tin, và vì vậy họ đã không thể hoặc không muốn bố trí thời gian tham gia. Một số bạn khác cũng cho rằng một số hoạt động trên đây còn mang tính hình thức, chưa có giá trị sát thực, phù hợp với nhu cầu của sinh viên nên chưa đủ sức lôi kéo sinh viên tham gia, chưa tận dụng được sinh lực cũng như chất xám của sinh viên. Vì vậy, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận xét này được phản ánh đầy đủ hơn khi sinh viên đánh giá về tác động của các hoạt động của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trong việc định hướng tư tưởng chính trị cho sinh viên; đó là:

Chỉ có 8% sinh viên cho rằng các hoạt động của Đoàn trường có những ảnh hưởng tích cực và lôi cuốn được nhiều sinh viên tham gia, 28% cho rằng chúng có những ảnh hưởng nhất định. Theo họ, Đoàn thanh niên - Hội sinh viên đã tổ chức được các buổi sinh hoạt chính trị và định hướng tư tưởng cho sinh viên thông qua nhiều hình thức hoạt động khác nhau và sinh viên đã thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia các hoạt này. Phần đông sinh viên còn lại (64%) cho rằng các hoạt động của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên chưa sâu và chưa lôi cuốn. Sinh viên cũng đưa nhiều nguyên nhân khác nhau lý giải cho nhận xét của mình, trong đó nổi lên là các yếu tố sau:

Hoạt động: Có 6% ý kiến cho rằng bản thân các hoạt động còn mang tính lý thuyết, nặng nề, thuyết giáo, nhàm chán, thiếu tính sáng tạo và nghiêng nhiều về hình thức mà không làm phong phú nội dung, lại tổ chức vào nhiều thời điểm không hợp lý nên không lôi cuốn được phần đông sinh viên là điều dễ hiểu.

Nhân sự tổ chức: Có 22% ý kiến nghiêng nhiều về việc phê phán cán bộ tổ chức, cụ thể là cán bộ Đoàn - Hội các cấp. Theo họ, khâu tổ chức các hoạt động chưa chặt chẽ, trình độ tổ chức chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Thêm vào đó, khâu chỉ đạo ở một số cơ sở còn hời hợt, làm lấy lệ, chỉ chú trọng bề nổi nên chất lượng không cao, có nhiều hoạt động nêu ra nhưng không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không có hiệu quả. Nhân sự tổ chức cũng là một trong những tác nhân đôi lúc hạn chế hiệu quả của các hoạt động, đặc biệt khi họ làm công tác thông tin quảng cáo không tốt. Thông tin cần thiết không tới được với sinh viên hoặc tới quá muộn nên dù muốn tham gia sinh viên cũng không nắm rõ thời gian biểu để sắp xếp thời gian tham gia. Và điều đặc biệt nguy hiểm là khi cán bộ không tích cực, họ khó lòng có thể động viên phong trào, khó lòng giúp cho phong trào phát triển.

Sinh viên: Có 18% ý kiến công nhận một phần lỗi thuộc về chính các đoàn viên sinh viên trong việc tham gia các phong trào, hoạt động chung. Theo họ, sự trì trệ trong ý thức mỗi sinh viên là lý do chính. Nhiều sinh viên thờ ơ với phong trào, chưa nhiệt tình, tích cực với các hoạt động tập thể. Ngoài ra có một số cho biết họ chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của các hoạt động nên còn e dè trong việc tham gia và làm chủ các hoạt động đó.

Công tác tuyên truyền: Đây là khâu mà đông sinh viên cho là nguyên nhân chính hạn chế mức độ tác động của các hoạt động Đoàn - Hội trong việc định hướng tư tưởng chính trị cho sinh viên. Có tới 45% ý kiến nhất trí với quan điểm này. Theo họ, mỗi một hoạt động đều có những đối tượng của riêng nó bởi sở thích và nhu cầu của sinh viên rất đa dạng và khác nhau. Càng nhiều hoạt động càng đáp ứng được nhiều nhu cầu của sinh viên. Vấn đề ở chỗ các hoạt động đó có tới được sinh viên hay không, sinh viên có biết nội dung và hình thức của hoạt động không, họ có những tác động vào hình thức hay nội dung đó không và thời gian tổ chức các hoạt động đó có phù hợp. Tóm lại, công tác tuyên truyền cho các hoạt động được làm ở mức độ nào và cả trình độ nào. Theo họ công tác tuyên truyền phải làm sớm hơn, phải đi sâu hơn và phải đánh vào quyền lợi cũng như sở thích của sinh viên, hình thức tuyên truyền cũng nên được làm phong phú hơn, qua nhiều kênh khác nhau và đến được với nhiều đối tượng sinh viên hơn.

Ngoài ra, cũng còn một số ý kiến cho rằng ảnh hưởng của các hoạt động Đoàn - Hội đối với việc định hướng tư tưởng chính trị cho sinh viên vẫn còn hạn chế, chưa lôi cuốn được nhiều sinh viên tham gia là do sinh viên phải học quá nặng, không có thời gian, hoặc do các hoạt động tổ chức chồng chéo, hoặc do chi phí đối với các hoạt động còn thấp nên khó có thể làm tốt…

Liệu những ý kiến và các kiến nghị trên đây của sinh viên có hợp lý? Phản ứng của cán bộ Đoàn các cấp đối với vấn đề này như thế nào? Qua trải nghiệm và tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, có những ý kiến của sinh viên mang tính chủ quan nhưng phần lớn các ý kiến đều ít nhiều có căn cứ từ thực tế. Hoạt động định hướng của Đoàn tuy nhiều, tuy đa dạng nhưng mỗi hoạt động với những đặc thù riêng khi đến với sinh viên vẫn mắc một vài khâu nào đó làm cho hoạt động không thành công một cách toàn vẹn. Thêm vào đó, phần lớn các cán bộ Đoàn cơ sở đều kiến nghị công tác Đoàn phải được sự động viên cũng như tạo điều kiện hơn nữa từ phía chính quyền các khoa cũng như từ phía giáo viên trên lớp. Theo họ, nếu như một hoạt động được các thầy cô trên lớp hoặc các thầy cô chủ nhiệm tuyên truyền thêm về lợi ích của các hoạt động cũng như động viên sinh viên tham gia, hiệu quả của các hoạt động sẽ tốt lên rất nhiều. Bởi người thầy ở Việt Nam, dù ở cấp độ nào, cũng có tiếng nói rất lớn đối với học sinh, sinh viên...

Sinh viên cũng đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục hiện tượng trên. Trong đó tựu chung vẫn là các biện pháp khắc phục các hạn chế đã nêu. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Hình thức tổ chức các hoạt động phải được đổi mới và được đưa ra đa dạng hơn, nên tổ chức theo các hình thức giao lưu, đối thoại, trò chuyện về các vấn đề mang tính thời sự chính trị lồng ghép với các tiết mục văn nghệ. Phát triển các hoạt động ngoại khoá có mục đích, hoặc tổ chức các cuộc thi, các trò chơi có thưởng trong các hoạt động mang tính chính trị. Với các cuộc thi tìm hiểu, kỷ niệm, nên tổ chức cho sinh viên tự tìm tòi và viết tay chứ không đánh máy photo hàng loạt giống nhau như một số cuộc thi vẫn được tổ chức trong trường.

Bên cạnh đó cần được tăng thêm nhân lực cho công tác Đoàn và cán bộ Đoàn cần năng động hơn và tích cực hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Phải tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe ý kiến sinh viên. Phải có những diễn đàn cho sinh viên thể hiện bản thân và có động lực để sinh viên tích cực tham gia các hoạt động. Phải gắn các hoạt động với các lợi ích thiết thực của sinh viên, giúp sinh viên tham gia vào nhiều hoạt động và qua đó tuyên truyền tư tưởng và giáo dục đạo đức cho sinh viên từng ít một. Hơn thế nữa, người thầy cũng phải là một trong những tác nhân quan trọng khuyến khích, động viên để sinh viên quan tâm và nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn. Khi người sinh viên chủ động tìm tới với phong trào, chủ động đóng góp và tham gia các hoạt động, chúng tôi tin, hiệu quả của công tác giáo dục tư tưởng chính trị nói riêng và của công tác giáo dục toàn diện cho sinh viên sẽ được nâng lên rõ rệt.

 Trần Thị Tuyết - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 193, ra tháng 3/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: