Trang chủ   >   >    >  
Tạo lập bản sắc kiến trúc
Kiến trúc (KT) là lĩnh vực khoa học và nghệ thuật đặc thù kết hợp trong nó nghệ thuật tạo hình, hội họa, âm nhạc và các ngành khoa học như tâm lý học, xã hội học, triết học...

Tạo lập bản sắc kiến trúc

Kiến trúc (KT) là lĩnh vực khoa học và nghệ thuật đặc thù kết hợp trong nó nghệ thuật tạo hình, hội họa, âm nhạc và các ngành khoa học như tâm lý học, xã hội học, triết học... Dưới góc độ kỹ thuật và công nghệ ta có thể thiết kế các công trình KT theo các nguyên lý thiết kế, các tiêu chuẩn, quy phạm bên cạnh việc ứng dụng các thành tựu về khoa học công nghệ xây dựng, vật liệu hiện đại để cho ra đời những công trình có giá trị cao về sử dụng. Nhưng dưới góc độ nghệ thuật ta không có các công thức hay đường đi cố định để sáng tác ra một công trình KT có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, có bản sắc KT đặc thù. Tuy nhiên một nguyên tắc cơ bản đã được trải nghiệm từ trước tới nay mang lại hiệu quả rõ rệt trong sáng tác KT là phải đảm bảo tính phong phú đa dạng trong một quy luật thống nhất hoặc ngược lại là tính đồng nhất, tổng thể trong sự phong phú, đa dạng của các hình thái.

KTS Hoàng Hải trong lễ khởi công xây dựng một tòa nhà của khu ký túc xá sinh viên tại Hòa Lạc.
Ảnh: Bùi Tuấn

Một trong những yếu tố quan trọng trong sáng tác KT là đảm bảo sự hài hòa và liên tục trong không gian và thời gian - yếu tố góp phần xây dựng giá trị KT của một đồ án xây dựng, xét cả về yếu tố vật chất và phi vật chất, giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, môi trường vi mô và vĩ mô. Sự hài hòa và liên tục trong không gian của KT là sự hòa hợp, gắn bó hữu cơ thành một thể thống nhất được xác định bằng các quy luật nhất định của tất cả các thành phần vật thể và phi vật thể của kiến trúc. Sự hài hòa và liên tục trong thời gian của KT là sự  tiếp nối liên tục theo thời gian, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của các thành phần vật thể và phi vật thể tạo nên kiến trúc

 

Đối với một dự án trọng điểm quy mô lớn, dàn trải về không gian và thời gian như ĐHQGHN tại Hòa Lạc, nguyên tắc trên cần được đảm bảo ở mức độ cao nhất. KT của các công trình hay nhóm công trình trong một dự án thành phần cần có một phong cách kiến trúc, đặc điểm chung thống nhất khác với các dự án thành phần khác nhưng đồng thời lại phải tạo nên một tổng thể thống nhất hài hòa của toàn thể dự án ĐHQGHN.

Nhằm mục đích nghiên cứu xây dựng các định hướng tạo lập bản sắc KT cho ĐHQGHN, tôi kiến nghị tiếp cận vấn đề theo hệ thống các tiêu chí cơ bản với các cấp độ khác nhau:

HÌNH THÁI VÀ BẢN SẮC KT CÔNG TRÌNH.

Một trong các tiêu trí hàng đầu đảm bảo giá trị sáng tác của công trình KT độc lập, nhóm công trình hay dự án lớn là mang lại phong cách, bút pháp hay hình thái KT đặc thù cho công trình đó. Đối với các công trình, các dự án thành phần trong tổng thể ĐHQGHN, phong cách KT đặc thù có thể được thể hiện dưới góc độ một công trình độc lập, một nhóm công trình hoặc tổ hợp không gian, đặc điểm quy hoặch của tổ hợp đó. Một trong các ý tưởng có thể khai thác cho các công trình của ĐHQGHN là KT “xanh”, KT “mở” được đặc trưng bởi sự hoà đồng với thiên nhiên cây cỏ, hồ nước, đồi núi. Các công trình được hợp khối có bố cục chặt, mật độ xây dựng cao tạo hiệu quả sử dụng và không khí – cảm quan đô thị kết hợp với các không gian mở, dàn trải hoà nhập thiên nhiên tạo cảm ứng thiên nhiên – nhân tạo hài hòa. Bố cục vườn hoa, cây xanh, sân vườn cũng nên tuân theo quy tắc trên. Không trồng cây và bố trí các diện tích cây xanh dàn trải, đều đều mà cần có bố cục chính – phụ rõ ràng. Các cây cao, tạo bóng mát hài hoà với các thảm cỏ tự nhiên dàn trải, kết hợp với các khóm cây cảnh trang trí sẽ tạo ra những không gian xanh có giá trị về thẩm mỹ.

 

Các không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài công trình, giữa công trình và tự nhiên, giữa các công trình với nhau nên khai thác trong thiết kế xây dựng. Không áp đặt hình thức KT truyền thống bằng các chi tiết KT cụ thể. Không đưa các khối công trình đóng kín bởi bê tông sắt thép và các mảng kính bọc ngoài vì hoàn toàn không phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên của địa phương, không tạo được không gian KT hòa nhập với tự nhiên.

 

Về hình khối công trình và các chi tiết mặt đứng cần chú trọng đặc biệt về tỷ lệ, hình khối không gian, giữa các mảng đặc và rỗng, giữa chính và phụ giữa phần tường và cửa. Không thể hiện các chi tiết vụn vặt cục bộ. Giữa các công trình trong một nhóm và mở rộng hơn là trong một dự án thành phần cần có một ngôn ngữ KT thống nhất trong sự biến đổi đa dạng và tổ hợp không gian hình khối và chi tiết công trình. Tăng cường sử dụng các loại vật liệu hoàn thiện bên ngoài mang tính bền vững ít đòi hỏi sửa chữa, cải tạo tu sửa như vật liệu ốp lát hoặc bọc kim loại thay cho trát tường, sơn bả thủ công...

 

Trong dự án “Điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQGHN” do HOK thực hiện ngoài các dự án thành phần được phân khu chức năng riêng biệt có các không gian chuyển tiếp mang tính kết nối như khu trung tâm, khu vui chơi thể thao - cây xanh, hồ nước. Đây đã là đặc điểm quy hoạch tổng thể cần được phát huy và tăng cường. Quy hoạch chi tiết của các dự án thành phần cần  chú trọng tới mối liên hệ giao tiếp về không gian kiến trúc, quy hoạch cũng như công năng sử dụng của những dự án khác, nhất là các dự án tiếp giáp.

Thiên nhiên đẹp với nhiều hồ nước là thế mạnh của cảnh quan ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Trong ảnh là một hồ nước dưới chân núo Múc trong khuôn viên của khu nhà công vụ.
Ảnh: Bùi Tuấn

Mỗi dự án thành phần cần có một hình thái KT hoặc biểu tượng riêng khác với các dự án thành phần khác nhưng lại nằm trong một ngôn ngữ, một hình thái đặc thù của ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Hình thái và biểu tượng có thể được khai thác sử dụng dưới dạng một thành phần hoặc công trình kiến trúc, một dạng tổ hợp không gian, một hình thái sân vườn hay một gam mầu hoặc vật liệu đăc trưng được sử dụng... Nhưng hình thái và biểu tượng có chiều sâu lại cần phải được nghiên cứu, thể hiện bằng ngôn ngữ KT đặc thù.

Nhà công vụ số 1, phía xa là núi Ba Vì
Ảnh: Bùi Tuấn

 

Khu vực ĐHQGHN tại Hòa Lạc do điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc thù rất nóng bức về mùa hè, rất lạnh về mùa đông lại bị ảnh hưởng của gió Lào khô nóng nên khi thiết kế cần đặc biệt chú trọng tới bố cục không gian và nên hạn chế tối đa nắng nóng chiếu trực tiếp vào các phòng của công trình kiến trúc. Việc làm hành lang bên chịu tác động của nắng nóng trực tiếp làm cho các phòng bên trong rất nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông, vì vậy cần cân nhắc và hạn chế sử dụng. Nhà Công vụ số 1 là nhà ở dạng khách sạn sử dụng hành lang giữa được nhiều chuyên gia đánh giá tốt, phù hợp với thể loại công trình, không bị tác động trực tiếp của khí hậu nóng bức và lạnh. Tiết kiệm năng lượng khi sử dụng điều hòa làm mát hoặc sưởi ấm.

Dự án Đầu tư xây dựng khu Ký túc xá sinh viên - ĐHQGHN (dự án QG-HN05) có nhiệm vụ cơ bản là cung cấp nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập cho 41 nghìn sinh viên. Dự án đang đi vào giai đoạn triển khai thi công mạnh mẽ và phấn đấu đến năm 2015 có thể hoàn thành toàn bộ dự án. Nét đặc thù về quy hoạch chi tiết của cả dự án này là việc tổ hợp các công trình có chức năng khác nhau như nhà ở sinh viên cao và thấp tầng, nhà ăn, nhà câu lạc bộ... theo nhóm và tổ hợp hữu cơ, ở giữa có xây xanh, sân vườn, sân chơi đem lại nét đặc thù về KT quy hoạch cảnh quan vừa đảm bảo quy trình sử dụng thuận lợi, vừa chứa đựng  một chức năng quan trọng là sự giao tiếp, hội tụ mang tính nhân văn. Các công trình chủ yếu là nhà ở sinh viên 5 tầng có kết hợp một số dạng nhà ở cao cấp 2 - 3 tầng. Tại vị trí trung tâm mỗi khu ký túc xá được được định hướng bằng các “điểm nhấn” công trình cao 9 -12 tầng.

KT chung của toàn bộ dự án khu Ký túc xá sinh viên đảm bảo sự hài hoà với không gian, cảnh quan thiên nhiên, sự kết nối hữu cơ giữa cây xanh sân vườn nội khu và môi trường xanh tự nhiên. Trong  thiết kế công trình không áp đặt hình thức KT mô phỏng theo truyền thống hay hiện đại mà chú trọng vào tính đặc thù của công năng là nhà ở sinh viên phù hợp với điều kiện hiện nay đồng thời đáp ứng các yêu cầu của tương lai.

TÍNH BẢN ĐỊA, ĐỊA PHƯƠNG

Bất kỳ công trình KT nào cũng gắn liền với một không gian kiến trúc, nhân tạo và tự nhiên xung quanh và mở rộng hơn là không gian tự nhiên, nhân tạo và xã hội của địa phương mà công trình hay dự án được triển khai. Việc  đảm bảo sự hòa hợp, thống nhất với tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa xã hội của địa phương là rất cần thiết. Xét trong phạm vi hẹp mỗi công trình, nhóm công trình hay cả dự án ĐHQGHN gắn liền với một khu đất có đặc điểm riêng, đồng thời nằm trong tổng thể không gian cảnh quan của khu vực Hòa Lạc, Thạch Thất - Hà Tây. Tính địa phương của công trình cần toát lên tính chất của khu vực bán sơ địa có địa hình đồi thấp xen với các hồ nước. KT “xanh”, KT “hữu cơ” hoà nhập tự nhiên, cảnh quan khu vực Hòa Lạc dễ hòa nhập với KT và cảnh quan không gian địa phương. Đặc điểm khí hậu rất nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông, lượng mưa hàng năm tương đối lớn cần một hình thức KT đảm bảo chống nóng, lạnh, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Không nên đưa các công trình cao tầng bọc nhôm kính quá nhiều vào khu vực của dự án. Không nên quy định mang tính áp đặt các hình thức KT được coi là truyền thống như mái dốc, mái cong. Nên sử dụng các hình thái và vật liệu KT bền vững có tính cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong sử dụng.

TÍNH DÂN TỘC 

Trong nhiều năm trước đây xu hướng “Nhại truyền thống” với hiện tượng lấy mái dốc, mái cong quen thuộc trong KT truyền thống Việt Nam gắn cho cho hình thức bên ngoài các công trình từ nhà ở, biệt thự đến nhà hàng, khách sạn, chung cư, cao ốc văn phòng... để gọi là tạo tính dân tộc là rất phổ biến. Thời gian gần đây hiện tượng sao chép hình thức KT truyền thống một cách thô sơ, lệch lạc đã giảm dần và những định hướng và xu thế đi tìm tính dân tộc hay biểu tượng đã có sự thay đổi cơ bản. Một trong các xu hướng rất phổ biến tìm tòi tính biểu tượng, tính dân tộc bằng cách đưa hình tượng các vật thể, các con vật, các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên hiệu quả về mặt thẩm mỹ, tinh thần của các xu hướng mới cũng còn rất hạn chế và trong thực tế KT của chúng ta còn đang rất lúng túng trong việc tiềm kiếm những yếu tố mang tính dân tộc, mang biểu tượng quốc gia.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia với kinh phí đầu tư gần 5000 tỷ đồng hoàn thành trong năm 2006 là công trình do tư vấn nước ngoài thiết kế đã không đem lại những hiệu quả thẩm mỹ và nhất là tính biểu tượng, tính dân tộc như chúng ta mong muốn. Nét đặc trưng KT của công trình được đem lại bởi hệ thống mái lượn sóng rất tốn kém - biểu tượng hoá của “sóng Biển Đông”. Nhưng hình tượng “sóng biển Đông” không phải và không thể là biểu tượng hay tính dân tộc của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Dự án rất lớn xây dựng Bảo tàng Quốc gia Việt Nam với phương án giải nhất mang biểu tượng của bàn tay con người úp xuống - tượng trưng cho bàn tay con người tạo nên lịch sử và phương án giải nhì mang biểu tượng “Bọc trăm trứng” của Bà Âu Cơ hay các phương án khác tìm hình tượng dân tộc thông qua các vật thể như trống đồng, con chim Hạc... cũng không phải xu hướng thiết kế tiến bộ đem lại tính dân tộc Việt Nam cho kiến trúc.

Để có những định hướng đúng đắn trong việc mang lại bản sắc và tính dân tộc cho KT ĐHQGHN tại Hoà Lạc ta có thể nghiên cứu một số xu thế KT được áp dụng rất thành công ở Nhật Bản và một số nước phát triển khác.

Dự án xây dựng ĐHQGHN cần chắt lọc và thấm nhuần các tinh hoa của bản sắc dân tộc và KT truyền thống, không đi theo  xu hướng lạm dụng các chi tiết hiện hữu mang tính vật thể của truyền thống. Tính chân – thiện – mỹ, tính cộng đồng, tính nhân văn, tính hòa hợp thiên nhiên, những nét tinh hoa của văn hoá vật thể - phi vật thể và hệ tư tưởng dân tộc, sự hòa nhập trong KT của thơ ca, văn học, hội họa, tạo hình... là những yếu tố của bản sắc dân tộc mà dự án có thể khai thác sử dụng.

TÍNH TOÀN CẦU

Xét riêng về lĩnh vực kiến trúc, xây dựng toàn cầu hóa có tính chất 2 mặt:

Yếu tố tích cực – toàn cầu hoá về ứng dụng khoa học và công nghệ

Yếu tố tiêu cực – toàn cầu hoá về hình thái KT và bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không có danh giới rõ ràng giữa 2 yếu tố trên. Việc ứng dụng khoa học công nghệ không phù hợp với điều kiện, đặc điểm của một dự án sẽ để lại hậu quả. Ngược lại các hình thái văn hóa KT tiên tiến của thế giới được ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra các hình thái và bản sắc KT dân tộc mới mẻ.

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây ở hầu hết các nước phát triển, xu hướng xây dựng nền KT mang mầu sắc văn hóa đặc thù của mỗi quốc gia đã trở thành cấp thiết và phổ biến. Trào lưu “hiện đại hóa KT bản địa, KT dân tộc”  và ngược lại xu thế “dân tộc hóa, địa phương hóa KT hiện đại” đã diễn ra sôi nổi tại nhiều nước trên thế giới.

Ngược lại với xu thế toàn cầu hóa về hình thái và bản sắc văn hóa kiến trúc, việc ứng dụng các thành quả của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thế giới trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là KT – xây dựng là hết sức quan trọng và cần thiết. Dự án Xây dựng ĐHQGHN cần ứng dụng triệt để  các lĩnh vực của công nghệ thông tin và tự động hóa. Công nghệ thông tin cho phép con người có thể tiếp cận thông tin, làm việc, giảng dạy, học tập, điều hành từ xa, tạo hiệu quả to lớn cho giáo dục, đào tạo đồng thời tác động đến hình thái KT công trình.  Khái niệm công năng sử dụng công trình cũng có nhiều thay đổi cần tiếp cận. Các quy định theo tiêu chuẩn về diện tích sử dụng của từng phòng ban, công trình cũng như khối tích của chúng đã khác trước do trong thời đại công nghệ thông tin nhu cầu về diện tích sử dụng thực tế của phòng học, hội trường, văn phòng làm việc có thể giảm đi hoặc sử dụng linh hoạt, mềm dẻo.

Ngoài việc triệt để ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, dự án xây dựng ĐHQGHN nên sản sinh ra các công trình KT “xanh” mang tính bền vững, tiết kiệm năng lượng,  ứng dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên như mặt trời, sức gió, mưa... Hình ảnh của các trường đại học hiện đại trong thời đại công nghệ thông tin có thể khác xa trước đây. Và đây cũng chính là đặc điểm có thể tác động mạnh mẽ đến việc hình thành đặc điểm, ngôn ngữ KT công trình trong giai đoạn mới.

 TS.KTS Hoàng Hải - Trưởng ban QLDA QG - HN05 - ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 206, năm 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: