Trang chủ   >   >    >  
10 sự kiện tiêu biểu về công nghệ thông tin năm 2004
Năm 2004 chứng kiến những biến đổi rất lớn trong ngành công nghệ thông tin thế giới. Cho dù sự phát triển về mặt thương mại có thể chưa thật rực rỡ, nhưng trong năm qua rất nhiều cột mốc quan trọng đã được thiết lập, hứa hẹn một sự lột xác hoàn toàn về mặt kỹ thuật để rồi thay đổi triệt để cuộc sống của mỗi người trong số chúng ta. Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu về công nghệ thông tin năm 2004 do chuyên trang công nghệ thông tin mạng Trí tuệ Việt Nam bình chọn.

1. Các cuộc mua bán và sáp nhập: Trong khi mọi người trên thế giới tất bật đi mua sắm vào dịp cuối năm, những đại gia trong làng CNTT cũng ráo riết thực hiện những thương vụ khổng lồ. Riêng những con số cao chóng mặt của các thương vụ này cũng đủ khiến chúng trở thành những sự kiện đáng chú ý nhất của năm 2004.

Gây “sốc” nhất là việc hãng sản xuất máy tính Lenovo của Trung Quốc ngày 8.12 tuyên bố mua lại bộ phận sản xuất PC của IBM với tổng trị giá lên tới 1,75 tỉ USD. Sau vô vàn trắc trở, cuối cùng hôm 13.12 Oracle đã mua được PeopleSoft với giá 10,3 tỉ USD.

Ngay lập tức, Symantec thông báo dự kiến mua Veritas Software với cái giá phá kỷ lục của Oracle: 13,5 tỉ USD. Sắp tới, một cuộc sáp nhập nổi đình nổi đám khác có thể sẽ diễn ra giữa Sprint và Nextel Communications, với trị giá dự kiến lên tới 35 tỉ USD. Trong xu thế hội nhập, hầu hết những vụ sáp nhập nói trên đều sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường CNTT VN.

2. Sôi động thị trường âm nhạc kỹ thuật số: 2004 là một năm đầy biến động trong lĩnh vực âm nhạc kỹ thuật số, mà tâm điểm là chiếc máy nghe nhạc iPod (ảnh) của Hãng Apple, với hơn 10 triệu chiếc đã được bán ra trên toàn thế giới.

Thị trường thiết bị nghe nhạc kỹ thuật số chỉ thực sự nóng lên sau thành công quá lớn của iPod. Chiếc máy nhỏ xinh này đã tạo ra một cuộc chiến khốc liệt giữa các nhà sản xuất đồ điện tử, tất cả đều quyết soán ngôi số 1 của nó. Hàng loạt cửa hàng nhạc trực tuyến cũng ra đời nhằm cạnh tranh với iTunes của Apple. Tại VN, “mốt iPod” có vẻ chưa thịnh hành, nhưng qua việc Công ty FPT trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm của Apple tại VN, chắc chắn iPod sẽ xuất hiện nhiều hơn.

3. Wi-Fi nở rộ: Theo cách nói của Intel, thì 2004 là năm mà trái đất trở thành một “môi trường sống không dây”. Những điểm truy cập Internet không dây Wi-Fi mọc lên như nấm trên khắp thế giới. Tại VN, trong năm qua cũng đã xuất hiện nhiều điểm truy cập Wi-Fi ở các khách sạn, quán cà phê và nhiều khu vực công cộng khác.

4. Công nghệ di động phát triển mạnh: Cũng trong xu thế không dây hoá, thị trường điện thoại di động toàn cầu tăng trưởng mạnh trong năm 2004, một phần do nhu cầu với các loại máy mới có màn hình màu và máy ảnh số, một phần do sự phát triển của các mạng di động băng thông rộng. Rất nhiều nước bắt đầu triển khai thành công các mạng 2,5G và 3G, trong đó ở VN có các mạng của VinaPhone, MobiFone và S-Fone cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, vượt qua những chức năng nghe, nói và SMS truyền thống.

5. Cuộc chạy đua công nghệ tìm kiếm: Google chuyển mình thành “gã khổng lồ” trị giá hàng tỉ USD sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Microsoft, Yahoo! và nhiều đối thủ khác ồ ạt chạy đua đẩy mạnh vị thế trên thị trường tìm kiếm đang bị Google “độc diễn”. Trong khi đó, Google tiếp tục đưa ra hàng loạt dịch vụ mới và vươn tới cả lĩnh vực tìm kiếm nội bộ bằng dịch vụ Desktop Search.

6. EU trừng phạt Microsoft: Tháng 3.2004, Liên minh Châu Âu (EU) ra phán quyết phạt gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm - Microsoft, số tiền lên tới gần nửa tỉ euro, đồng thời buộc hãng này phải đưa ra phiên bản hệ điều hành Windows không có phần mềm Windows Media Player tích hợp sẵn. Đây là một đòn trừng phạt nặng và chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng tới thế độc quyền của Microsoft không chỉ ở riêng Châu Âu.

7. Linux vững tiến: Trong khi đó, hệ điều hành nguồn mở Linux vẫn tiếp tục tiến những bước vững chắc cả trong các hệ thống lớn lẫn thị trường tiêu dùng. Khá nhiều cơ quan thuộc chính phủ các nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... trong năm 2004 đã chuyển sang sử dụng những hệ thống Linux, trong đó có cả hệ thống dự báo thời tiết của Mỹ trị giá nhiều triệu USD. Nhờ chi phí thấp, Linux cũng tìm được đường vào rất nhiều dự án máy tính giá rẻ ở nhiều nước, trong đó có chương trình Thánh Gióng và một số chương trình khác ở VN.

8. An ninh mạng bất ổn: Virus, thư rác, phần mềm gián điệp và nạn lừa đảo phishing là những vấn đề làm đau đầu mọi người trong năm 2004 và gây vô số thiệt hại. Ngay cả những tổ chức trọng yếu của các nước như NASA (Mỹ) hay các cơ quan quốc phòng của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài mục tiêu tấn công của tin tặc.

9. Game - nguồn lợi vô tận: Các công ty sản xuất trong lĩnh vực game kiếm bộn tiền trong năm 2004, nhưng cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Một loạt game ăn khách như Doom III, Grand Theft Auto: San Andreas, Half-life 2... đã mang lại doanh thu cao hơn cả những siêu phẩm điện ảnh Hollywood. Vô số game trực tuyến khác thu hút hàng vạn người tham gia qua mạng. Sang năm tới, xu hướng chơi game “mọi lúc mọi nơi” sẽ tiếp tục phát triển mạnh với các sản phẩm PSP của Sony, Nintendo DS của Nintendo và N-Gage của Nokia.

10. Những cuộc rượt đuổi ngoạn mục giữa các siêu máy tính: Khái niệm teraflop (nghìn tỉ phép tính/giây) trở thành quen thuộc đối với nhiều người trong năm 2004 bởi cuộc đua quyết liệt giữa những siêu máy tính như Earth Simulator của NEC, Blue Gene/L của IBM và Columbia của Silicon Graphics. Các kỷ lục cứ liên tiếp tăng từ 36 lên 43, rồi 70 teraflop... Phòng Nghiên cứu Quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ) còn dự kiến sang năm sẽ lắp đặt một hệ thống Blue Gene/L có khả năng xử lý tới... 360 nghìn tỉ phép tính/giây.

 Theo ttvn.com.vn - số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: