Trang chủ   >   >    >  
Tháp xoay ở Dubai
Dubai được ví như sân chơi của các kiến trúc sư, nơi họ có thể thỏa sức sáng tạo nên các tòa nhà kì dị nhất thế giới, nơi những túi tiền khổng lồ của các ông vua dầu lửa có thể tài trợ cho những dự án điên rồ nhất. Sau khi xây dựng một khách sạn vô cùng xa xỉ dưới nước, đảo nhân tạo có hình cây cọ và một quần đảo nhân tạo theo hình bản đồ thế giới. Và bây giờ là một tòa tháp tự động xoay.

Một kiến trúc sư người Ý, David Fisher vừa hoàn thành dự án xây dựng một tháp cao chọc trời ở Dubai với tên gọi “tòa nhà chuyển động đầu tiên trên thế giới” – một tòa nhà 80 tầng với các tầng tự xoay độc lập tạo nên một sự thay đổi liên tục hình dáng kiến trúc – điều chưa từng xảy ra trước đây.

Những tầng xoay như những chiếc nhẫn quay quanh một lõi bê tông cố định, làm cho những người sống trong đó chiêm ngưỡng một sự thay đổi tầm nhìn liên tục của vịnh Gulf và ngắm nhìn sự biến đổi của đường chân trời ở các góc độ khác nhau.

Trên kênh AP của New York, khi giới thiệu về kế hoạch của mình, David Fisher nói: “Đây là tòa nhà đầu tiên có hình dáng năng động và thay đổi liên tục”. Ông nói thêm rằng: “Bạn có thể điều chỉnh hình dáng theo cách bạn thích theo mỗi lúc cố định. Tòa nhà này biến đổi theo thời gian và được thiết kế cho cuộc sống luôn biến đổi.”

Sự chuyển động của phần còn lại của tòa nhà có thể được dàn dựng bởi một nhóm các nhà thiết kế, theo đó, hình khối của tòa nhà có thể biến đổi từng giờ, từng phút. Các tầng bện xoắn lại với nhau chỉ là một trong rất nhiều các dự án đặc biệt dành cho tương lai của Fisher. Những turbine gió khổng lồ được đặt giữa mỗi tầng có thể sản xuất ra đủ số điện cung cấp cho toàn bộ tòa nhà và thậm chí còn có thể thừa để dự trữ điện trong các đường dây điện.

Fisher giải thích rằng: “Tôi đã luôn luôn nghĩ về việc làm thế nào để sử dụng được sức gió. Gió là kẻ thù của của các tòa nhà cao tầng, chúng tôi biết rõ điều đó, nhưng tôi nghĩ tại sao chúng ta lại không sử dụng sức gió thay vì phải chiến đấu với nó?” và ông cũng nói thêm rằng: “Hãy biến gió thành nguồn lợi cho chúng ta.”

Một hệ thống thang máy đặc biệt cho phép cư dân sống trong tòa nhà này có thể đỗ xe ngay trong căn hộ của mình thay vì phải lái chúng vào những ga-ra chật chội trên mặt đất. Để làm được tất cả những điều trên thì chắc chắn phương pháp xây dựng tòa nhà này phải rất khác biệt và dị thường.

Kiến trúc sư Fisher nói rằng mỗi tầng sẽ được đúc sẵn tại một xưởng sản xuất tại Italy, sau đó sẽ được chuyển đến địa điểm xây dựng và được lắp ráp vào với lõi công trình. Việc lắp ráp một toà nhà theo cách này sẽ chỉ đòi hỏi 80 kĩ thuật viên với 20 tháng làm việc nghiêm túc, điều đó có nghĩa là sẽ tiết kiệm được 10 triệu USD trong tổng số 700 triệu USD cho xây dựng công trình.

Kiến trúc sư đã từ chối việc đưa ra một cách chính xác địa điểm xây dựng tòa tháp ở Dubai hay khi nào công trình nổi tiếng này có thể bắt đầu. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng xưởng sản xuất những khối nhà này đã được đặt để bắt đầu trong những tuần tới và tòa tháp, bao gồm những khu văn phòng, khách sạn cao cấp và khu căn hộ sẽ được hoàn thành vào năm 2010. Giá của mỗi căn hộ sẽ vào khoảng 9000 USD/m2, trong đó căn hộ bé nhất có diện tích khoảng 123 m2 có giá khoảng 4 triệu USD và căn biệt thự lớn nhất có diện tích 1.198 m2 thì giá của nó có thể là 39 triệu USD.

Ông Fisher thừa nhận rằng ông chưa từng xây một căn nhà chọc trời nào như thế từ trước đến nay nhưng điều đó không ngăn cản ông ngày một hoàn thiện dự án của mình với sự giúp đỡ của kĩ sư xây dựng hàng đầu thế giới, Leslie E. Robertson – người đã chỉ đạo thi công Trung tâm Thương Mại Thế Giới và Trung tâm Tài Chính Thế Giới ở Thượng Hải. Không những thế, David Fisher còn hoàn thành xong đồ án xây dựng một tòa nhà thứ hai như thế tại Moscow.

 Mỹ Ngọc - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: