Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Đoàn thanh niên Khoa Kinh tế một chặng đường phát triển
Đoàn Thanh niên CSHCM Khoa Kinh tế đã trải qua 2 nhiệm kỳ hoạt động theo mô hình Đoàn Khoa trực thuộc Đoàn ĐHQGHN. Nhiệm kỳ 2002 - 2005 là giai đoạn phát triển có tính chất then chốt của Đoàn Khoa Kinh tế.

Đây là giai đoạn Khoa Kinh tế tập trung đầu tư nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Khoa, thiết thực tạo dựng những nền tảng phát triển bền vững, chuẩn bị những điều kiện chín muồi để hình thành trường Đại học Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN vào cuối năm 2005. Góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là một thử thách mới của Đoàn TN Khoa Kinh tế, nhưng đây cũng chính là một môi trường thuận lợi để Đoàn TN Khoa Kinh tế tiếp tục khẳng định vị thế phát triển vững chắc của mình trong mô hình mới:

Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng: Luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên sinh viên, trong nhiệm kỳ qua, công tác này tiếp tục được Đoàn TN Khoa Kinh tế đặc biệt chú trọng. Các hình thức và nội dung hoạt động đã được quan tâm đổi mới, phù hợp hơn với yêu cầu, nguyện vọng của sinh viên. Số lượng các hoạt động cũng được tăng cường, diễn ra đều khắp trong năm học và đã thu hút được đông đảo đoàn viên, sinh viên tham gia. Thông qua những hoạt động này, đoàn viên - sinh viên Khoa Kinh tế luôn ý thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Trong Khoa, không có sinh viên mắc vào các tệ nạn xã hội. Đoàn viên - sinh viên Khoa Kinh tế đều thể hiện là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức phấn đấu vươn lên Đảng và luôn tự hào với truyền thống của tuổi trẻ Khoa Kinh tế, truyền thống của thanh niên, sinh viên Việt Nam nói chung.

Trong thời gian vừa qua, Ban chấp hành Đoàn TN Khoa Kinh tế đã tổ chức tốt các hoạt động như: cuộc thi “Olympic về tư tưởng Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tham gia cuộc thi tìm hiểu về “Lịch sử 75 năm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”; Tham gia cuộc thi tìm hiểu chiến thắng Điện biên phủ trên không, cuộc thi Âm vang Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Tổ chức hội trại, liên hoan gặp mặt sinh viên nội trú và sinh viên thuê nhà trọ nhân dịp năm mới 2002, 2003, 2004; Tổ chức cuộc thi các tiểu phẩm vui “Sinh viên với việc đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội”. Tích cực tham gia chương trình truyền thông phòng chống HIV/AIDS do UNAIDS tổ chức; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa Kinh tế; Tham gia phong trào Đi bộ vì hoà bình nhân Ngày hoà bình thế giới. Tích cực tham gia các Công trình thanh niên cộng sản do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.

Việc làm là chuyện sinh sinh viên quan tâm nhất.
Ảnh: Bùi Tuấn

Về công tác hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học: Có thể nói, hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Đoàn TN Khoa Kinh tế. Vì vậy, ở nhiệm kỳ qua, với nhiều hình thức phong phú mang đậm màu sắc sinh viên, hoạt động hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học được Đoàn TN  Khoa Kinh tế đặc biệt chú trọng. Nhờ vào tính hiệu quả mà các hoạt động này đã có một sức sống bền vững, thu hút được đông đảo sinh viên các khoá tham gia, góp phần nhất định vào việc duy trì và nâng cao ý thức học tập, ý thức thực hiện kỷ cương học đường và thi cử. Kết quả học tập của sinh viên dần được cải thiện. Hầu hết sinh viên đều quan tâm và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau. Chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng được nâng lên. Nhìn chung, hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học có thể coi là hoạt động nổi bật của Đoàn TN Khoa Kinh tế trong nhiệm kỳ vừa qua (2002-2005). Hoạt động này đã khẳng định được chiều sâu và khả năng phát triển bền vững của phong trào Đoàn trong việc tham gia thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của Khoa Kinh tế giai đoạn 2002 - 2005.

Điều đó được thể hiện qua các hoạt động như: tổ chức hội nghị chuyên đề “Kỷ cương lớp học” nhằm nâng cao ý thức học tập của sinh viên; Thường niên tổ chức các buổi tọa đàm về phương pháp học tập đại học và các môn học riêng biệt cho sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất. Đặc biệt, để nâng cao ý thức tự học của sinh viên, Đoàn TN Khoa Kinh tế đã và đang tiếp tục hoàn thiện Dự án đổi mới phương pháp học tập của sinh viên. Đặc biệt, trong những năm qua cuộc thi Eco - Tests & Games đã liên tục được cải tiến về mặt nội dung và hình thức nhằm thu hút đông đảo sinh viên tham gia với chất lượng chuyên môn cao hơn. Đặc biệt, năm 2004, cuộc thi lần đầu tiên đã được mở rộng với sự tham gia của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Thương mại.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Đoàn thanh niên Khoa Kinh tế đã tích cực hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi chuyên ngành như: Tìm hiểu Thương hiệu Việt do Thời báo Sài gGòn tổ chức (đoạt giải ba), ý tưởng sáng tạo do Thành Đoàn tổ chức (giải Ba), ý tưởng kinh doanh do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, Tìm hiểu pháp luật (Luật kinh tế) do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Đoàn TN Khoa Kinh tế cũng bước đầu thí điểm tổ chức cuộc thi Vinh danh thương hiệu Việt lần thứ nhất. Cuộc thi đã thu hút được 32 đội sinh viên tham gia và là cuộc thi có nhiều triển vọng để mở rộng trong nhiệm kỳ tới.

Đoàn TN Khoa Kinh tế đã phối hợp với Hội sinh viên tiếp tục xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ bạn nghèo. Trong thời gian qua, quỹ đã được gây dựng với số tiền khoảng 4 triệu đồng. Đây là số tiền nhỏ, nhưng thể hiện tình cảm của đông đảo sinh viên trong Khoa vì vậy, có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích các bạn sinh viên nghèo vượt khó trong học tập.

 Về hoạt động văn thể và công tác xã hội: Văn nghệ, thể thao là mảng hoạt động sôi nổi, có sức thu hút, tập trung đông đảo nhất sự tham gia của các đoàn viên, sinh viên. Hoạt động này trong thời gian qua đã được phát triển khá sâu rộng góp phần tạo nên một môi trường sinh hoạt lành mạnh, mở rộng quan hệ giao lưu đoàn kết, tạo động lực giúp sinh viên tích cực học tập và nghiên cứu khoa học. Nhiều nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, hỗ trợ học tập cũng được truyền tải sinh động thông qua việc lồng ghép với các hoạt động văn thể. Cùng với hoạt động giáo dục chính trị - tư tưởng, công tác xã hội là một nội dung hoạt động luôn được Đoàn TN Khoa Kinh tế quan tâm phát triển. Với nhiều hình thức ở nhiều quy mô khác nhau, công tác xã hội do Đoàn TN Khoa Kinh tế xây dựng trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Chất lượng của các hoạt động này đã tiếp tục bồi dưỡng tạo nên một tập thể sinh viên Khoa Kinh tế có tinh thần đoàn kết thân ái, có tính nhân văn sâu sắc và luôn ý thức được trách nhiệm của người đoàn viên, sinh viên đối với các vấn đề xã hội.

Các hoạt động tình nguyện, xã hội cũng được chú trọng, đặc biệt được đẩy mạnh nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và vào dịp nghỉ hè của sinh viên. Nâng cao tính sáng tạo, hiệu quả, xã hội hoá hoạt động, đẩy mạnh tình nguyện tại chỗ là định hướng mà thời gian qua hoạt động này được quán triệt tổ chức. Nét mới trong phong trào này chính là khả năng vận dụng sáng tạo năng lực chuyên môn, khai thác tiềm năng trí tuệ của đội ngũ sinh viên tình nguyện đưa vào giải quyết thử nghiệm ban đầu các vấn đề kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đây cũng là dịp để sinh viên thâm nhập thực tế, vì vậy, hoạt động đã có sức thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của sinh viên. Nhìn chung, trong lĩnh vực hoạt động này, Đoàn TN Khoa Kinh tế đã thể hiện sự cố gắng hết mình để đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trong giới hạn về nguồn lực tài chính, những hoạt động này là những bước tiến quan trọng của cán bộ đoàn viên và sinh viên Khoa Kinh tế trong thời gian qua.

Trong nhiệm kỳ 2002-2005, sinh viên Khoa Kinh tế tích cực tham gia và 2 lần giành được danh hiệu Vô địch giải bóng đá nam sinh viên ĐHQGHN. Tại giải bóng đá nam sinh viên Thủ đô, đội bóng sinh viên Khoa Kinh tế đã đạt giải ba cụm các đội Đống Đa...

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động tình nguyện giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách ở các đơn vị kết nghĩa nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, nhân ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4… cũng được Đoàn TN Khoa Kinh tế đặc biệt chú trọng.

Trong hơn 2 năm qua, Đoàn TN Khoa Kinh tế đã có 20 đội nhóm tình nguyện (cấp Khoa) hoạt động tại các địa bàn truyền thống là Quảng An - Hà Nội & Tiến Xuân - Lương Sơn - Hoà Bình và địa bàn mới như Nghệ An, Hà Tây, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn… Các sinh viên - thanh niên tình nguyện đều nhiệt tình, sáng tạo, hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đoàn Khoa cũng có các đội hình tham gia phục vụ SEA Games 22 và PARA Games 2, phục vụ kỳ thi tuyển sinh đại học với nhiều nét sáng tạo trong hoạt động được các hội đồng tuyển sinh ghi nhận. Năm 2004, Đoàn TN Khoa Kinh tế đã tổ chức thành công hội thảo khoa học sinh viên tình nguyện nhằm trao đổi, đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học gắn với tình hình thực tế ở các địa phương do các bạn sinh viên thực hiện trong các chuyến đi tình nguyện. Nhiều đề tài đã được đánh giá có giá trị tham khảo cao cho các địa phương như các đề tài: Phát triển măng hàng hoá ở Nông Thịnh, Giải pháp Marketing để phát triển khu du lịch Suối Ngọc - Vua Bà, Hiệp hội nhà cho người nước ngoài thuê ở Quảng An, Xoá đói giảm nghèo ở Quân Chu…

Nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, chung sức cùng cộng đồng được quan tâm như: chương trình ủng hộ nạn nhân sóng thần, chương trình ủng hộ đồng bào gặp thiên tai lũ lụt, chương trình ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, chương trình liên kết hoạt động với Trung tâm Giáo dục số 1 Ba Vì - Hà Tây, chương trình khuyến học tại Trường tiểu học Tiến Xuân - Hoà Bình…

Về công tác xây dựng tổ chức Đoàn: Nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo của các chi đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của công tác củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn TN Khoa Kinh tế trong nhiệm kỳ này. Với mô hình tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn TN ĐHQGHN, các chi đoàn có một vị trí đặc biệt quan trọng, vì vậy, hoạt động của các chi đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các mặt hoạt động của Đoàn TN Khoa Kinh tế. Với chủ trương này, nhiều biện pháp đã được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn cơ sở, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Đoàn. Vì vậy, tính chủ động hoạt động của các chi đoàn, các cán bộ Đoàn cơ sở đã được củng cố và nâng cao hơn.

Công tác phát triển Đảng là mảng hoạt động từ nhiều năm nay được Đoàn TN Khoa Kinh tế rất chú trọng đẩy mạnh. Thông qua việc tạo dựng môi trường phấn đấu đa dạng, phong phú, nhiều đoàn viên - sinh viên của Khoa đã cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện để được xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn TN Khoa Kinh tế đã giới thiệu 231 đoàn viên tích cực tham gia lớp học tìm hiểu về Đảng, đề nghị xét kết nạp Đảng cho 24 đoàn viên ưu tú, chuyển Đảng chính thức cho 9 đồng chí. Nhiều đoàn viên - sinh viên ưu tú là sinh viên năm thứ 3 đã được đề nghị kết nạp (15 đoàn viên). Phong trào “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên đảng CSVN” của Khoa Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhiệm kỳ 2002 - 2005 là nhiệm kỳ thứ hai Đoàn TN Khoa Kinh tế hoạt động với tư cách của một cấp bộ đoàn cơ sở. Vượt lên những khó khăn về quy mô và kinh nghiệm công tác, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng, về cơ bản, phong trào Đoàn TN Khoa Kinh tế đã đáp ứng được những đòi hỏi mới của tuổi trẻ Khoa Kinh tế theo như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn TN CSHCM Khoa Kinh tế lần thứ hai đã đề ra.

Hơn thế, từ việc triển khai thực hiện một cách toàn diện các nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đánh dấu vị thế phát triển ổn định của mình trong mô hình hoạt động mới, Đoàn Khoa còn tạo dựng được những nền tảng phát triển ban đầu vững chắc để từng bước trở thành một trong những tổ chức Đoàn TN có nội dung và chất lượng hoạt động hiệu quả, ngang tầm với Đoàn TN các trường đại học thành viên ĐHQGHN, góp phần quan trọng xây dựng Khoa Kinh tế trở thành Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học kinh tế chất lượng cao, hàng đầu của cả nước.

 Đoàn TNCSHCM
Khoa Kinh tế ĐHQGHN - Bản tin ĐHQGHN số 169, 3/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :