Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
"Copy - Paste" kĩ năng hay " tiểu xảo"
Thay vì ngồi hàng buổi trên thư viện thì ngày nay chỉ cần vài giờ lướt web sinh viên đã " search" được hàng tá những tài liệu để làm bài tập nộp cho giảng viên. "High- tech" đã len lỏi vào trong đời sống giảng đường lúc nào cũng không ai hay. Chỉ biết người trẻ đã mắc chứng nghiện "copy - paste" và trở thành nô lệ của kiểu công nghệ cao này

Những siêu sao "copy - paste"

Đây là cụm từ mà dân tình phòng 309, Nhà  C1 KTX Mễ Trì "phong" cho T.Trang. Cứ mỗi lần thầy giao bài tập là T. Trang lại lao vào ôm chiếc máy tính. Lướt web vài phút T.Trang đã "copy" được rất nhiều thứ liên quan đến đề tài thầy giao. Và chỉ trong vài giờ cô nàng "siêu sao" đã hoàn thành xong cả núi bài tập. Những người trong phòng chỉ trố mắt ra nhìn. Không chỉ có T. Trang mà phần nhiều sinh viên ngày nay đã  áp dụng chiêu thức này để làm bài tập. Như trường hợp của M. Thuần thì mới thấy nực cười. Vừa nghe được đề bài của thầy, không cần suy nghĩ cô đã "online" và "copy" cả một đống thứ không cần đoán cũng đủ biết nó chẳng hề liên quan đến nội dung đề bài. M. Thuần vui vẻ: "Mình nghĩ làm bài tập không quan trọng! Chỉ cần làm đủ thôi, nộp cho thầy, thầy có đọc đâu!". Chính vì sự "không đọc" của thầy mà giới sinh viên cứ lao nhao đi "copy" trên internet và mặc kệ đứa con tinh thần của mình muốn đi về đâu thì về. Tinh thần học tập ấy "bon chen" vào phong cách học của sinh viên nhanh đến chóng mặt.

 

Trong giờ thu bài của lớp K50 Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV, thầy Dương Xuân Sơn đã ngồi nhặt ra cả một đống sạn "cười ra nước mắt" của học trò. Thầy tâm sự: "Câu cú thì lủng củng, nội dung không hợp với đề tài. Tôi đọc mà ù hết cả tai. Cả lớp có 90 người mà chỉ có vài người làm việc hết mình thôi". Đó là thực trạng đáng buồn trong cách học của sinh viên. "Tìm tòi và nghiên cứu" là cụm từ không tưởng của người trẻ bây giờ.

"Nô lệ" của " copy - paste"

Nếu không có máy tính và internet đảm bảo T. Trang sẽ chỉ biết ủ rũ vò đầu bứt tai và mong được cứu cánh khi có bài tập của thầy. Đặc biệt trong khi cô phải học tín chỉ khối lượng bài tập dày đặc thì chuyện không " copy- paste" là chuyện thật khó tin. T. Trang chia sẻ: "Thật ra mình cũng không muốn vậy nhưng quen rồi. Bây giờ tự nghiên cứu chắc mình làm không nổi". Còn M. Thuần thì đã được một phen bẽ bàng với bạn bè khi thầy giáo đọc lên những chuyện cô "paste" vào bài làm của mình. "Copy - paste" đã chế ngự và trở thành "chủ nhân" của các cử nhân tương lai tự lúc nào. Hải, sinh viên K51 Trắc địa bộc bạch: "Mỗi lần làm mấy môn xã hội không hiểu gì, em lại "online" và tóm  được vài thứ có ý giống thế rồi  "paste" vào bài. Thế là mang nộp cho thầy". Không hiểu câu hỏi của thầy, Hải bị thầy vặn lại chỉ đúng một câu, Hải chỉ đứng trơ như "ngỗng…". Bạn buồn bã: "Bây giờ em không biết cách học mấy môn đó nữa, không "copy" chắc em đi mất". Từ thực tế như vậy nên ta cũng  không quá ngạc nhiên với những trường hợp 4 - 5 năm trong trường đại học mà vẫn không hiểu một chút gì về định nghĩa "vật chất" trong Triết học. Huy, sinh viên K48 Toán - Tin, Trường ĐHKHTN thật thà: "Nói thật mấy môn xã hội bọn mình chỉ biết copy - paste chứ bảo tự học thì bó tay. Không hiểu gì cũng cố mà "copy" miễn là đủ bài". Mỗi bài tập của Huy ngoài môn chuyên ngành ra thì cái gì cũng cần phải "copy - paste". "Ai mà chẳng "copy", ngồi trên thư viện mà "tụng" thì thành thầy tu mất" - Huy tâm sự. Hay một nhân giấu tên ở Trường ĐH Ngoại thương còn ngậm ngùi: "Không "copy - paste", thì tớ thấy ngứa ngáy kinh khủng. Nó ăn vào máu tớ mất rồi".

"Copy - paste" đã trở thành "mốt" học mới của sinh viên. Tình trạng thầy giáo thì gò lưng tìm sạn và tống cả một loạt bài tập nhạt nhẽo vô hồn vào kho thì sinh viên nheo mắt đi "copy - paste". Đây đã trở thành chuyện thường ngày, quen như "cơm ăn nước uống" trong nhịp sống trẻ nơi giảng đường. Phong cách học ấy đã từng ngày từng giờ làm biến chất lượng "đầu ra" của mỗi trường đại học. Phải chăng " copy - paste" là tiểu xảo?                                                                        

 

 Nguyễn Thu Hà, K50 Báo chí - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 206, năm 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :