Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Đời sống giới trẻ: Blog và ngôn ngữ Blog
Trong vòng khoảng hơn hai năm trở lại đây, "nhịp sống" của cư dân trên mạng đã trở nên sôi động hơn nhiều bởi "thế giới blog". Trào lưu sử dụng dịch vụ Yahoo! 360 (một trong những nhà cung cấp dịch vụ mạng nổi tiếng) đã thu hút hàng vạn blogger Việt. Họ coi đây là một diễn đàn "hot" số một hiện nay. Mới lạ, hấp dẫn, có sức lan tỏa nhanh và mạnh, trào lưu viết blog đã trở thành một "cơn lốc" với tất cả mặt được và chưa được của nó. Ở đây, tôi chỉ xin trao đổi đôi chút từ phương diện ngôn từ

Blog là gì?

Nghe câu hỏi này nhiều người có thể cho là thừa. Bởi chả cứ gì cư dân mạng, cư dân "không mạng" cũng dễ dàng trả lời ngay: Blog là "nhật kí điện tử" chứ còn gì nữa? Điều đó chỉ đúng phần nào. Blog là công cụ hỗ trợ cho mỗi cá nhân có điều kiện ghi chép tốt nhất những sự kiện diễn ra đối với họ. Đó chính là nhật kí. Ngày xưa, người ta phải viết nhật kí bằng tay (khá phiền phức, khó thực hiện, khó chia sẻ...). Bây giờ, chỉ cần một hai phút mở máy, vào mạng, lướt phím vài đường là có ngay một entry cho mình. Giao diện máy vi tính làm cho các dòng chữ kia đẹp hơn, lung linh hơn (cùng với các hình ảnh, họa tiết biểu trưng) và dường như đọc hay hơn (!). Nhìn sang xung quanh, người viết còn nhận ra một "rừng" blogger tầng tầng lớp lớp đủ kiểu, trăm hoa đua nở. Chà, thích thật đấy! Tội gì mà không "lướt cùng blog" cơ chứ!

Nhưng blog không chỉ là nhật kí điện tử. Người ta cho rằng tiện ích này đáp ứng được rất nhiều nhu cầu khác. Chẳng hạn: Sưu tầm và lưu trữ tư liệu trực tuyến (online), trong đó có hình ảnh, âm thanh, video...; Ghi chép, trao đổi ý tưởng, thảo luận phục vụ cho mọi hoạt động khác nhau; Vận động thực hiện một công việc, nhiệm vụ nào đó (quyên góp, làm từ thiện, mở cuộc thi theo sở thích cá nhân...); Phục vụ cho công việc giảng dạy, học tập trực tuyến; Kinh doanh, buôn bán, PR các sản phẩm, dịch vụ; Đăng tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật...; Đưa tin, phân tích, đưa ra ý kiến cá nhân về bất cứ chủ đề gì (chính trị - xã hội, tình yêu, thể thao, lối sống...); Giao lưu kết bạn, tìm việc, tiếp thị bản thân... (Nguồn: Tia Sáng, 11/2007)

Như vậy, thật khó mà đưa ra một định nghĩa chính xác và tường minh về blog. Cả thế giới đều giữ nguyên mà không dịch thuật ngữ mang tính quốc tế này. Nó hoàn toàn không phải chỉ là "nhật kí riêng ta chỉ viết cho riêng mình". Bởi các trang blog luôn đặt trong chế độ "public" (mở, công đồng cùng chia sẻ) và như thế người khác hoàn toàn có thể truy cập, đọc thoải mái và cũng có thể trao đổi, "cãi lộn" rồi "văng tục" thoải mái. Có blog mà chỉ một entry theo chủ đề lạ mà đã thu hút hàng ngàn comment (ý kiến) vào tham gia bình luận không biết mệt. Blog của Chelsea - cô con gái rượu của cựu Tổng thống B. Clinton và vợ ông, Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ 2008 - vừa rồi có tới năm vạn ý kiến nhân bài phỏng vấn cho riêng cô.

Và chuyện chữ nghĩa trên Blog

Dù lưu trữ nhiều "sản phẩm" khác nhau (hình ảnh, âm thanh, video) nhưng dung lượng chủ đạo của các blog vẫn là văn bản chữ nghĩa. Mà cũng chỉ có chữ nghĩa người ta mới thực hiện được một cách tốt nhất các thông điệp giao tiếp. Đến đây, sẽ có một vấn đề đặt ra là, nên viết blog thế nào cho phải?     Khi loài người phát minh ra chữ viết thì lúc đó, ngoài giao tiếp lời nói đã xuất hiện thêm một dạng giao tiếp văn tự. Đó chính là cơ sở để hình thành nên một ngôn ngữ mang tính văn hóa (ngôn ngữ cần tuân thủ các chuẩn mực cộng đồng). Nếu nói trong phạm vi hai người hay một vài người thì khác. Còn nói với đông đảo mọi người thì cách ứng xử ngôn ngữ sao cho phải lại là một vấn đề rất cần phải cân nhắc.

Tôi xin mời các bạn xem thử mấy trang blog in kèm theo đây mà tôi có dịp download từ trên mạng. Đó là sản phẩm của các tay blogger Việt "sành điệu". Trong buổi trao đổi trên VTC5 (ngày 17/2/2008) tôi đã chịu không luận ra được những văn bản này. Hôm đó, tôi phải nhờ đến một học sinh tuổi "teen", vốn là "chuyên gia" quen đọc các văn bản tương tự "dịch" hộ. Hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng rồi cô cũng đọc khá lưu loát. Như vậy, đây không phải là mật mã khó tới mức không giải được. Song thực tình, đa số mọi người khi tiếp cận văn bản như vậy đều lắc đầu, không khác gì mình bị "đánh đố". Đơn giản hơn là cách dùng các từ ngữ theo kiểu "biến tướng" cho khác đi, về âm thanh và chữ viết: Hi anh! (Chào anh); 2 Cu Moc! (Chào Cu Mốc), Dạo nè e  bùn lém (Dạo này em buồn lắm), Bụn tau bít hít rùi (Bọn tao biết hết rồi), Hum wa mì kó quà j  dzậy? (Hôm qua mày có quà gì vậy?), Hit h, lặn lun (Hết giờ đi luôn), Vâg, mìn hôg chịu nủi (Vâng, mình không chịu nổi), Trùi ui, trừi ưi, chài ai (Trời ơi), D. sao ngun ng  kũg không fản á đợc kảm xúc kủa c.ngời Vịt (Dù sao ngôn ngữ cũng không phản ánh được cảm xúc của con người Việt)...

          Đi sâu vào thế giới mạng, ta thấy các blogger của ta càng ngày càng muốn thể hiện hết mình cái tôi "sáng tạo" của họ. Sáng tạo tới mức "siêu quậy" và phá  vỡ các chuẩn mực về các quy định ngôn từ cần tuân thủ.

          Cách viết tuỳ tiện như vậy, có thể chỉ là một thú chơi riêng, một cách thể hiện riêng trong từng nhóm. Và rất nhiều người cho rằng thú chơi này là bình thường, vô hại. Họ nghĩ lớp trẻ quá nhiều stress trong học hành, cần phải giải toả bằng cách bày trò tiêu khiển. Lớp trẻ thich thế và không áp dụng cho những nơi khác hoặc những nơi khác cần nghiêm túc. Cũng có thể, nhưng cái gì dùng lâu cũng sẽ thành quen. B. Spock nói rằng: "Trẻ em không hư nếu hành vi chỉ gặp một lần. Đứa trẻ chỉ hư khi những sai lầm về giáo dục được lặp lặp lại trong một thời gian dài". Lối viết, lối nói tuỳ tiện của các em đã "nhập tâm" lúc nào không hay và đoi khi "bột phát" thể hiện ngay trên bài viết "giấy trắng mực đen" của họ.

          Trên báo Khoa học & Đời sống gần đây, trong bài Những cái lỗi nằm ngoài kiến thức? chúng tôi đã có ý kiến không đồng tình về việc học sinh hiện nay sử dụng khá nhiều các kí hiệu tắt trong bài thi (Chẳng hạn, viết k0 , kg, k = không, ng.    = nguyên nhân, ~  = những, of  = của, &, and = và...). Nhiều giáo viên có trao đổi với chúng tôi rằng, các chữ tắt như vậy đã quá thông dụng, thậm chí trên thế giới cũng sử dụng. Vậy, bắt lỗi các em như vậy có khắt khe và máy móc quá không? Tôi nghĩ viết tắt, viết "tốc kí" cho mình đọc và hiểu thì có thể. Nhưng đem cách viết như thế vào bài vở, thậm chí bài thi như vậy hoàn toàn có thể bắt lỗi và trừ điểm kĩ năng để uốn nắn các em về một thói quen nghiêm túc về chuẩn ngôn ngữ nói chung.

          Để kết thúc, tôi phải nói thêm rằng, trên thế giới, cộng đồng blog cũng đa dạng và sôi sục không kém gì ta. Ở Mỹ, người ta đã thống kê được trên 34 triệu blogger các loại. Năm 2007, có tới 500 ngàn blogger tham gia bầu chọn các blog tiêu biểu (blog hay nhất, blog đẹp nhất, blog kinh doanh, blog từ thiện, blog giải trí, blog giáo dục, blog hài hước, blog ẩm thực, blog nhạc pop, blog kì dị, blog dành cho ngày Valentine....) và các giải thưởng cho blogger từng loại này được khá nhiều người đánh giá là "danh giá chẳng kém gì giải Oscar trong điện ảnh". Trông người mà ngẫm đến ta. Bởi ngẫm thử,  chúng ta cũng phải giật mình là dân ta mới làm quen với blog theo kiểu "cuốn theo chiều gió" thôi nhưng đã tung hoành phá cách hơn cả họ. Hãy cẩn thận! Thái quá sẽ thành bất cập đấy!

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :