Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Báo in, niềm tin từ SV học báo
Hôm vừa rồi, trong một hội thảo do sinh viên khoa báo chí tổ chức, chúng tôi đã sôi nổi tranh luận về vấn đề: "Có hay không cái ngày báo in sẽ mất vị thế?". Hàng chục ý kiến và rất nhiều tham luận đã được trình bày tập trung vào luận điểm: Báo in luôn có vị trí vững chắc trong các mô hình xã hội. Hóa ra, bạn đọc trẻ đã gửi vào báo in niềm tin không dễ gì thay đổi...

Báo in thời khủng hoảng

Chúng ta, ai cũng biết rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống nhân loại trong đó không loại trừ báo chí. Thời khủng hoảng, từ internet, truyền hình, phát thanh đến báo in đều bị ảnh hưởng. Nhưng liệu có hay không cái ngày "báo in thất thế?". Những sinh viên học báo chí như chúng tôi xin khẳng định là "không"...

Với tuổi đời hơn 300 năm tồn tại, chúng ta tin rằng không một kỹ thuật hiện đại nào có thể thay thế được tính chất tiện lợi của báo in - dễ xem, dễ vận chuyển, giá rẻ, tái chế được... Theo báo cáo của WAN (Hiệp hội báo in thế giới), trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với truyền hình, mạng internet và các nguồn thông tin truyền thông đa phương tiện khác, báo in vẫn chứng tỏ là một đối thủ "đáng gờm" và dễ thích nghi. Nguyên nhân phải chăng vì báo in là một vật liệu có thể cầm nắm được...?

Ở một số quốc gia, báo in rất được ưa chuộng do thói quen đọc báo của người dân. Thậm chí công chúng ngày càng quan tâm hơn đến những tờ báo khổ nhỏ. Chẳng hạn ở Nhật Bản có khoảng 624/1.000 người ở độ tuổi trưởng thành đọc báo in hàng ngày. Một số tờ như Yomiuri phát hành 10 triệu bản mỗi năm (nguồn từ The Washington). Nếu xét về mức phát triển chung của nền kinh tế thế giới thì không phải bất kì người dân ở mọi quốc gia đều có khả năng sở hữu 1 chiếc máy tính điện tử, hay khả năng truy cập vào internet để đọc tin tức. Theo số liệu mà Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng công bố ngày 12/6/2008, thì Việt Nam có gần 6 triệu thuê bao Internet - một lượng quá khiêm tốn so với số lượng 86 triệu dân của nước ta. Trong khi ấy, Việt Nam lại đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông cao nhất trên thế giới. Vậy thì với những quốc gia chậm phát triển khác, liệu số người có thể tiếp cận với báo mạng điện tử là bao nhiêu? Bên cạnh đó, liệu có giải pháp nào đơn giản, tiện lợi và rẻ hơn là thu nhận thông tin từ báo in...

Báo in "chuyển mình" để thích nghi

Sống trong thời đại internet, việc tìm kiếm thông tin của chúng ta trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Với tư cách là ông chủ của những tờ báo hàng đầu thế giới như The Sun, The Times tại Anh và The Wall Street Journal tại Mỹ, Rupert Murdoch - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thồng NewsCorp xác nhận rằng internet đã đem đến cho độc giả rất nhiều quyền lực. Ông nói: “Tất cả mọi người đều muốn tự đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình và nhờ việc sở hữu máy tính cá nhân, họ tự chủ hơn trong cuộc sống hàng ngày, tất nhiên họ sẽ tìm đọc cái mà họ muốn hoặc những điều mà họ thích. Thế giới đang thay đổi và báo in phải thích nghi được với điều đó...”. Trong thực tế, báo in đã chứng minh được sự thích nghi của mình. Khi được internet hoá, các tờ báo in sẽ không chịu sự chi phối của việc in ấn, vì vậy chúng hoàn toàn có thể khai thác lợi thế của truyền thông như việc ghi âm hay làm các video. Những tờ báo đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể tới The Guardian và The Daily Telegraph. Họ cải thiện nhanh chóng hình ảnh của mình trước hết là một nhà cung cấp tin tức trực tuyến và sau đó mới là một tờ báo in. Đây là một cách làm việc mới mẻ với chính các nhà báo, còn với độc giả thì họ lại thích thú về điều đó. Kết quả hiện nay tờ The Guardian đã thu hút hơn 20 triệu lượt truy cập hàng tháng.

Mọi tờ báo đều phải gồng mình để chống chọi với cơn bão suy thoái kinh tế, đồng thời cũng phải thiết lập hoặc tìm kiếm những quỹ tài chính để đầu tư cho những cơ hội mang tên kỹ thuật số trong tương lai. Ngài Martin Sorrell ở Tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới WPP bày tỏ: “Nhiều người quan ngại rằng các tờ báo in đang trong giai đoạn hấp hối. Riêng tôi thì lại không cho rằng báo in sẽ biến mất bởi vì báo in là cách thức tốt nhất hoặc là một trong những cách thức tốt nhất bên cạnh truyền hình để truyền tải những lĩnh vực rộng lớn tới người dân và chẳng có cớ gì mà báo in lại biến mất cả”. Chính những tờ báo đi tiên phong và bắt kịp sự thay đổi nhanh nhất sẽ đạt được vị trí tốt nhất để tồn tại và phát triển thịnh vượng.

Thay cho lời kết, người viết xin được trích dẫn câu nói của Mario Garcia - Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Garcia (Mỹ) tại hội nghị WAN: "Người ta đã nói nhiều đến việc một phương tiện truyền thông mới xuất hiện sẽ xoá sổ những gì tồn tại trước đó: Đầu tiên là sách xoá bỏ những bài thuyết giáo, sau đó báo có thể xoá bỏ sách, phát thanh xoá bỏ báo và truyền hình có thể giết chết tất cả các phương tiện truyền thông. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhưng chúng ta cần phải tiếp tục xử lý một yếu tố quan trọng là thời gian. Một người bình thường có thể làm được bao nhiêu điều trong vòng 24 giờ? Đó chính là thách thức của chúng ta".

 Tuyên Truyền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :