Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Ngẫm từ khúc hát ru
Như mọi buổi chiều khác, tôi lại thong dong thả bộ dọc theo những con phố cổ để tìm cho mình phút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố công nghiệp. Đang tần ngần đuổi theo dòng ký ức, bất chợt vẳng đâu đây một âm thanh quen thuộc khiến trái tim tôi lạc nhịp: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu. Mẹ mày đi cấy… đồng sâu chưa… về. Bắt được con chuối, con trê. Cầm cổ lôi về… cho cái ngủ ăn”...

Phải! Đã quá lâu rồi tôi không được nghe lại một câu hát ru. Phải chăng chỉ những con ngõ dọc phổ cổ này mới đủ chật chội để lưu giữ tiếng hát ru kia? Tiếng hát ấy nhất định không phải là tiếng ru của người thành phố, cũng không hẳn của người phụ nữ nông thôn, nhưng đó chắc chắn là âm thanh của cả ngàn năm văn hiến vọng lại... Hát ru, đó là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên người mẹ truyền cho đứa con, để từ tiềm thức của mình khi còn nằm trong vòng tay mẹ, các chàng trai, cô gái tạo nên khúc giao duyên đằm thắm, những điệu lý, câu hò trữ tình, mượt mà. Những khúc hát ru có thể là những bài ca đích thực, được dân gian sáng tác để ru trẻ con ngủ, cũng có thể là những trích đoạn Kiều, Chinh phụ ngâm, hiện đại hơn là thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu… Nó không chỉ đơn thuần là những bài ca đưa đứa trẻ vào giấc ngủ, mà còn là nỗi lòng thía ruột thấm gan của bà, của mẹ, của chị. Người phương Đông vốn trọng tình nên việc giáo dục tình cảm cho con trẻ diễn ra thường xuyên, liên tục, ngay trong hình thức đơn giản mà ấm áp và thấm đẫm tình thương. Hát ru vì thế được xem như thứ sữa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con người và lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiếc thay cuộc sống hiện đại đang dần có xu thế lãng quên các giá trị ấy. Năm dòng kẻ đã thay thế hoàn toàn các “hơi”, “điệu” với các cung bậc “non”, “già”, “rung”, “nhấn” đặc thù của nhạc cổ, những nốt nhạc đã làm mất đi những hò - xừ - xang của cha ông xưa kia. Không thể phủ nhận tính tối ưu và tiện ích của ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, nhưng thiết nghĩ cũng nên dạy cho người ta biết thế nào là nhạc cổ truyền dân tộc, khuyến khích và phổ biến những làn điệu dân ca hoặc ca khúc mang âm hưởng dân gian để gắn kết con người hiện đại với những giá trị truyền thống.

Con người thay đổi theo xu thế của thời đại mới: trẻ trung, năng động và hiện đại. Định hướng thẩm mỹ và nhu cầu hưởng thụ vì thế cũng biến đổi. Trong âm nhạc, giới trẻ không còn ưa thích những khúc giao duyên đầy tình tứ nhưng cũng rất kín đáo, tế nhị của cha ông, những âm hưởng ngọt ngào, trữ tình của những bài ca thời đầu tân nhạc, cũng chẳng hợp với những giai điệu hùng tráng của những bản hành khúc trong khí thế hừng hực của những đoàn quân ra trận, hay chẳng còn thích thú gì với nỗi buồn u uất chia ly của những bài ca trong chế độ Cộng hòa... Những Văn Cao, Hoàng Quý, Doãn Mẫn, Đặng Thế Phong... rồi Đỗ Nhuận, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu... giờ đã vào dĩ vãng của những con người thời xưa. Với lớp trẻ bây giờ phải là thứ nhạc mạnh, chứa đựng nỗi đau của một cuộc tình đơn phương hay một cuộc tình dang dở. Đó là thể loại nhạc thị trường: vô bổ, vô ích. Nhưng biết làm sao được khi cuộc sống luôn cuốn con người theo vòng quay của nó, bản sắc dân tộc vì thế cũng có xu hướng lu mờ vì các giá trị ngoại lai, giới trẻ thích nghe nhạc hiện đại hơn nhạc truyền thống, đó dường như là căn bệnh mãn tính của thời đại. Nếu quên đi dòng nhạc truyền thống thì tất cả chúng ta sẽ không thể biết rõ về cội nguồn của dân tộc mình, cũng như các nước trên thế giới không thể biết đến quá khứ và cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giá như con người biết cách dung hòa cuộc sống, tìm được cho mình phút giây sâu lắng tâm hồn để đứa trẻ nằm trọn trong vòng tay êm ấm của tình mẫu tử, để tuổi thơ của đứa trẻ lưu giữ những giá trị nhân bản của cuộc sống gia đình…

Trời dần về tối, tôi lững thững những bước cuối đường để trở về tổ ấm, từ vô thức vọng lại mấy câu thơ Nguyễn Duy:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn…

Bà ru mẹ, mẹ ru con

Liệu mai sau lớn con còn nhớ chăng?

 Đinh Đức Long - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :