Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Dân buôn công nghệ thế hệ 8X
Với một cái di dộng giắt túi, một con xe tàng tàng không cần đẹp mã làm phương tiện đi lại, nick luôn chế độ online, đó chính là chân dung một “con buôn” công nghệ thế hệ 8X.

Phi thương bất phú

Thời đại ngày nay, chuyện những gương mặt còn non với năm sinh 8x lao vào làm ăn tự kiếm tiền phục vụ cho nhu cầu vật chất của mình đã không còn là chuyện mới mẻ với nhiều người. Và lĩnh vực công nghệ là nơi quy tụ nhiều nhất những anh tài "máu" làm ăn. Đơn giản, họ là người trước hết được tiếp xúc với tri thức mới, họ còn có đủ lòng nhiệt huyết, dám đương đầu với thách thức và dám chịu thất bại.

Nhắc đến Thái (SN 1983, ĐHGTVT) giới buôn bán linh kiện máy tính không ai là không biết đến hắn. Là sinh viên năm thứ nhất, Thái về nhà nằn nì các cụ đầu tư 60 triệu để hùn vốn với bạn mở quán net. Bố mẹ Thái bao: "Mày chả được tích sự gì, chỉ giỏi phá của thôi". Tự ái nổi lên đùng đùng, Thái thề sẽ tự kiếm tiền ăn học, không thèm ngửa tay xin bố mẹ đồng nào nữa. Nói là làm! Mới đầu Thái xin vào công ty máy tính với công việc chính là... bốc vác máy. Dần dần, vừa làm Thái vừa mày mò học hỏi rồi được chuyển lên phòng kỹ thuật. Lúc ấy Thái đang học năm 2.

Với cái đầu luôn bùng nổ, Thái nghỉ việc ở công ty bứt ra làm ăn riêng. Đầu tiên khách hàng thường là những mối quen biết, làm chủ yếu lấy uy tín. Hàng cũng dừng lại ở mức mua đi bán lại, làm chỉ đủ ăn còn học phí của Thái thì nợ triền miên từ kỳ này qua kỳ khác.

Càng về sau Thái càng mở rộng địa bàn làm ăn. Bỏ qua hẳn lối làm ăn cò con, bây giờ khách hàng của Thái giao dịch qua mạng. Nguồn hàng được trưng dụng từ Móng Cái, Lạng Sơn hoặc các... hiệu cầm đồ, miễn sao còn tốt là OK. Gặp Thái tôi hỏi đùa: "Kỳ này có phải nợ học phí không?" Hắn cười rất to: "Tớ trả trước đến cuối khóa rồi cơ".

Chợ công nghệ thời công nghệ

Khoảng hơn một năm trở lại đây thị trường công nghệ có nhiều thay đổi. Khách hàng mua máy tính ít khi mua trọn bộ luôn, mà họ thường cho mua từng bộ phận rồi ráp thành máy. Theo dân buôn chuyên nghiệp như vậy là khôn bởi một bộ máy không bắt buộc phải tốt 100% các bộ phận. Có những phần có thể thay thế bằng hàng cũ mà chất lượng máy vẫn đảm bảo. Có cầu thì sẽ có cung, dân buôn linh kiện máy tính xuất hiện ngày càng nhiều.

Và cũng từ hơn một năm nay, khi công nghệ được áp dụng trong kinh doanh thì internet trở thành cái "chợ" cực kỳ hiệu quả. Các mặt hàng nói chung và các linh kiện máy tính nói riêng được rao bán nhan nhản trên các diễn đàn. Trên các diễn đàn của ttvnol.com, muaban.com, home.vnn.vn... có tới vài nghìn thành viên và luôn có khoảng 300 đến 400 thành viên online. Họ là những dân sành máy vào tìm hàng hoặc đối tác làm ăn. ở đây họ thoải mái lựa chọn hàng, thỏa thuận giá, khâu cuối cùng là cho số điện thoại và địa chỉ. Đối tác chỉ việc phóng thẳng xe đến là OK.

Hải (SN 1981, ĐHBKHN) - một dân buôn lâu năm cho biết: Điều quan trọng là phải giữ chữ tín và cơ sở lớn nhất để có thể làm ăn qua mạng là sự tin tưởng lẫn nhau. Dân buôn ai cũng rành về máy nên ít có trường hợp bị xỏ mũi lắm. Trong danh sách của Hải có khoảng 200 cái tên là đối tác làm ăn. Bây giờ Hải chỉ việc ngồi nhà vào mạng là có thể kiếm tiền ngon lành. Mỗi khi cần hàng chỉ một cú "Alô" là xong.

Tuy nhiên không phải chuyện làm ăn nào qua "chợ mạng" lúc nào cũng gặp suôn sẻ. Thái đã từng bị một cú nhớ đời khi tin tưởng ông bạn đối tác quá nên đã nhập phải lô hàng Trung Quốc, vậy là phải đền toàn bộ số hàng đó. Lo xong vụ này hắn gầy đi mất 3kg. Thế mới biết không buôn bán thì không giàu, mà buôn bán thì có khi còn nghèo hơn cả lúc nghèo.

Lời kết

Với những người Việt Nam trẻ tuổi không chịu ngồi yên, họ luôn tìm cách thử sức mình ở mọi lĩnh vực. Thời đại công nghệ mở ra cho họ những hướng làm ăn mới. Mục đích lớn nhất của họ không chỉ là kiếm tiền mà họ muốn khẳng định mình trong xã hội. Thế hệ 8x Việt Nam hôm nay cũng nhanh nhạy và năng động không kém gì so với bạn bè thế giới. Không cần nguồn vốn với con số khổng lồ, chỉ cần cái đầu biết bùng nổ đúng lúc, họ - những người Việt còn rất trẻ đã và đang tạo ra một hình mẫu năng động, một sự thay đổi ý thức lớn trong văn hóa kinh doanh của lớp người Việt trẻ.

 Tố Nga - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :