Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Bán hàng độc lập, mốt của sinh viên
Có nguồn thu nhập khá cao và ổn định, nâng khả năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ… và đặc biệt là chủ động thời gian. Đó chính là lý do mà ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn theo đuổi công việc tư vấn, bán hàng độc lập cho một hãng mỹ phẩm.

May mang cái "nghiệp" vào thân…

Đi siêu thị BigC (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) đúng ngày "ra mắt sản phẩm" của hãng mỹ phẩm Avon, Tám (SV năm thứ 2, ĐHKHXH&NV) bước vào cửa hàng, dùng thử sản phẩm, nghe tư vấn trang điểm, soi da… miễn phí. Tám rất hài lòng, tin tưởng và đăng ký làm tư vấn - bán hàng độc lập cho hãng. Sau khi trở thành "nhân viên" của hãng mỹ phẩm Avon, Tám nhận được 1 thẻ tư vấn viên, 3 catalo (sản phẩm, giá bán, giá khuyến mại trong tháng), hàng thử, 1 túi xách cùng ba sản phẩm miễn phí và dự 5 buổi học về mỹ phẩm, bí quyết bán hàng, quản lý và làm đẹp. Khâu “lăn tăn” nhất để quyết định đăng ký là khoản lệ phí - bởi nó liên quan đến túi tiền sinh viên. Số tiền này là điều kiện để tạo mối liên hệ giữa công ty và người đại diện. Tuy nhiên, so sánh với việc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, trả 50% tháng lương đầu và kèm theo bao trắc trở, khó khăn; thì khoản lệ phí này không đáng kể. Tám cho rằng: "Nộp 100 ngàn chỉ để tham gia 5 buổi học về mỹ phẩm, trang điểm, tư vấn đã là "đáng giá đồng tiền” lắm rồi”. Công việc chính của tư vấn, bán hàng độc lập là độc lập tìm khách hàng, lên công ty nhận hàng về bàn giao, không một hạn định nào về thời gian hay hiệu suất, tạo sự chủ động về thời gian cho người làm. Mặt khác, điều kiện tuyển chọn và đặc thù công việc không yêu cầu hình thức, cách ăn mặc, trang điểm khiến mọi sinh viên đều cảm thấy tự tin khi thử sức.

Mức "lương" của một tư vấn viên - bán hàng độc lập tính theo chiết khấu từ tổng doanh thu trong tháng: dưới 150 ngàn đồng - không được nhận chiết khấu, từ 150 ngàn - nhận 20%, từ 400 ngàn - nhận 25% hoa hồng, trên 1,5 triệu - nhận 30%. Phần trăm chiết khấu dựa vào giá niêm yết. Nhàn (SV năm thứ 2, ĐH Ngoại ngữ HN) bán hàng độc lập của hãng Avon cho biết: “Khó khăn lớn nhất là doanh thu trong tháng không vượt mức hạn định - 150 ngàn, thì coi như tháng ấy làm không công"... Cô tinh nghịch nói thêm: "Nhưng chẳng ai lại để rơi vào trường hợp này. Sinh viên là những người biết nắm cơ hội, họ luôn biết né tránh điều bất lợi trên".

Các bước để trở thành tư vấn viên hoặc người bán hàng độc lập
1. CMT phô tô (không cần công chứng).
2. Đăng ký trong thời gian tuyển dụng
3. Lệ phí (100- 150 ngàn)
4. Tham gia 5 buổi học thẩm mỹ, tư vấn…
5. Nhiệt tình làm việc.

Tư vấn mỹ phẩm không chỉ là công việc của riêng các học sinh, sinh viên nữ. Thành (SV nă
m thứ 3, ĐHKTQDHN), đại diện bán hàng độc lập của hãng mỹ phẩm Oriflame nhún vai: "Có mỹ phẩm dành cho con trai thì tại sao nam sinh không thể trở thành tư vấn viên?". Thành cho biết: tỉ lệ nam sinh làm tư vấn viên mỹ phẩm hiện chưa nhiều nhưng không phải hiếm. Các nam sinh làm công việc này thường đạt các tiêu chuẩn về ngoại hình, giao tiếp, sự tinh tế, tế nhị, mối quan hệ rộng rãi và rất hiểu tâm lý phụ nữ. Và thực tế, hiệu quả công việc của những tư vấn viên nam đôi khi còn cao hơn nữ.

Đáp ứng nhu cầu, làm giàu từ năng lực

Từ tháng thứ hai của công việc, mọi “phụ kiện” đi kèm công việc đều phải mua với giá ưu đãi. Catalo cập nhật theo tháng: 8000 đ/quyển, một mẫu son thử nhỏ: 4000 đ/thỏi…

Doanh thu của Tám đạt khoảng 200-250 ngàn/tháng tiền bán sản phẩm. Tám cho biết đây chỉ là mức bán hàng trung bình, rất nhiều tư vấn viên hiện là học sinh, sinh viên nhưng bán được tiền triệu. Những sinh viên làm công việc này đều cho rằng: “Đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chính là làm giàu từ năng lực".

Tất cả thời gian rỗi, Tám đã đến nhà người thân, người quen, các xóm trọ, ký túc xá, các trung tâm thương mại… vừa để thăm bạn bè, nhìn nhận cuộc sống vừa để tư vấn - chia sẻ các kỹ năng thẩm mỹ mà mình học được, đồng thời tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Gặp lại Nhàn sau hai tháng làm cho hãng mỹ phẩm Avon, Nhàn khoe: "Tớ vừa mua tủ lạnh mini từ tiền chiết khấu đấy". Và tháng nào Nhàn cũng sắm được vật dụng mới "giá trị" hỗ trợ học tập, công việc và mua tặng gia đình.

Còn Thành đang quyết tâm “thăng tiến” lên cấp Nhóm trưởng, quản lý. Tiêu chuẩn để được “thăng chức” là doanh số đạt 5 triệu/tháng. Mức chiết khấu cho cấp bậc này sẽ cao hơn. Thành dự định, thông qua mức chênh lệch ấy sẽ giảm giá, khuyến mại cho khách hàng, và tạo lập hệ thống "chân rết" hưởng phần trăm riêng từ trưởng nhóm, tuỳ số lượng hàng bán được. Và số tiền hàng theo tháng của Thành sẽ đạt được chỉ tiêu mới, tiếp tục được thăng chức… Để đạt đủ doanh số 5 triệu/tháng, Thành đã thuyết phục bố mẹ “đầu tư” để nhập hàng về, ăn phần trăm chiết khấu trước, ghi “điểm doanh số thi đua” rồi mới bán dần.

Thu nhập tiềm năng của một nhóm trưởng bán hàng độc lập cho Oriflame và Avon có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng và thậm chí hơn nữa. Làm thêm để kiếm thu nhập phụ thêm hàng tháng một cách chính đáng là xu hướng phổ biến của những sinh viên có quan điểm sống tự lập. Tuy nhiên, bất cập của đa số các công việc làm thêm đối với sinh viên là sự thiếu chủ động về thời gian. Quỹ thời gian của sinh viên khá eo hẹp: đi học, lên thư viện, gặp gỡ bạn bè, về quê, công việc đột xuất… và nhất là trong mùa thi. Có nguồn thu nhập khá cao và ổn định, nâng khả năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ, hiểu thêm về nghệ thuật làm đẹp… và đặc biệt là chủ động thời gian - Đó chính là lý do mà ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn cho mình công việc tư vấn viên, bán hàng độc lập. Đừng chờ đợi cơ hội ngẫu nhiên đến từ một tờ rơi, catalo hay qua một hội thảo giới thiệu sản phẩm mà hãy chủ động đăng ký để trở thành tư vấn viên hay người bán hàng độc lập.

 Mai Tuyết - Phương Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :