Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Đưa “net” về phòng ở sinh viên
Trong nhịp sống số hiện nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi chúng ta và lần đầu tiên một Ký túc xá trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện chương trình “Đưa net về phòng ở sinh viên”. Đó là Ký túc xá ĐHNN, thuộc ĐHQGHN...

Tân là một thành viên của phòng 117 nhà A, Ký túc xá ĐHNN, ĐHQGHN. Trước khi Internet được lắp đặt tại phòng, Tân phải thường xuyên ra cửa hàng dịch vụ để truy cập mạng tìm kiếm thông tin phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Nhưng hơn 1 tuần nay kể từ ngày 23/4/2005, Tân không còn phải ra hàng nữa mà có thể vào mạng ngay tại phòng ở của mình vì hệ thống Internet đã được cung ứng đến tận nơi. Phòng của Tân từ khi được nối mạng trở nên vui nhộn hẳn. Tân nói với sự thích thú: "Mình cảm thấy không còn "đói” thông tin như trước nữa” - cô vui vẻ đùa - “Được thoả mãn thông tin với giá rất rẻ chỉ có 1500đ/giờ thì tội gì mà ra hàng dịch vụ. ở ngoài hàng cứ 2500đ/giờ thì đúng là "ngồi cứ thấy thời gian trôi vùn vụt". Bây giờ có Internet ngay tại phòng, vừa mát mẻ vừa thoải mái, tự nhiên. Chúng mình thực hành nhiều, cần phải lên mạng thường xuyên để thu thập tài liệu nghiên cứu, nếu mà như trước ra hàng Internet thì ngoài tiền trả phí dịch vụ còn phải tiền in tài liệu về đọc, tốn kém lại bất tiện".

Sinh viên truy cập internet từ phòng trọ. Ảnh: Bùi Tuấn

Còn Nga, phòng 116 nhà A lại có mối quan tâm khác. Vấn đề giá cả không thật sự quá quan trọng, việc mình được phục vụ như thế nào mới đáng phải bàn. "Nhiều khi ra hàng Internet mình bực không chịu được. Có những lúc mạng trục trặc, chủ quán đã thờ ơ không giúp đỡ mình thì thôi lại còn gắt ầm lên" - Nga kể. "Việc Ký túc xá trường mình nối mạng Internet ở từng phòng đúng là có nhiều cái lợi cho sinh viên. Mình thấy lợi nhất là về mặt thời gian. Hàng dịch vụ thì chỉ mở vào một thời gian nhất định thôi, có lúc mình đi học về muộn, các hàng Internet đóng cửa hết cả, muốn vào tìm kiếm tài liệu mà không được. Có "net" ở phòng còn tranh thủ được lúc tối muộn, hoặc lúc sáng sớm, cập nhật thông tin rất là nhanh chóng và thuận tiện."

Dự án đưa “net” về phòng đã được ông Vũ Minh Quý, Trưởng Ban quản lý và các cán bộ Ký túc xá ấp ủ từ 2 năm trước. Bao nhiêu trăn trở về bài toán quản lý, cuối cùng dự án cũng được thực hiện với sự kết hợp của Công ty cổ phần thương mại và công nghệ AG. Tận dụng 35 máy tính chưa dùng tới, Ban Quản lý đã thử nghiệm nối mạng tại 35 phòng ở sinh viên của khu nhà A và bước đầu thu được phản hồi tốt. Đối với sinh viên thì điều bất ngờ nhất là họ không hề phải đóng bất kỳ một khoản phí phần cứng nào ngoài phí truy cập. Tất cả các máy đều được sử dụng đường truyền siêu tốc ADSL. Đặc biệt để quản lý thật tốt trang thiết bị về tận từng phòng, Ban quản lý đã áp dụng phương án dán tem, dùng khóa tủ để tránh bị tháo lắp thiết bị phần cứng. Một trong những điều có lợi nhất đối với ông Quý chính là việc thực hiện sự kết nối trực tuyến giữa Ban quản lý và sinh viên. Ông nói: "Chúng tôi thử nghiệm dự án với mong muốn xây dựng Ký túc xá thực sự trở thành một Ký túc xá điện tử. Công ty AG chịu trách nhiệm về giải pháp mạng, về phần mềm, kỹ thuật. Về dịch vụ họ lo hầu như toàn bộ. Yêu cầu quan trọng nhất mà chúng tôi đưa ra với đối tác chính là phải làm sao vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ cho sinh viên hiệu quả nhất vừa phải hạn chế tới mức tối đa những mặt trái mà Internet có thể mang lại, để Internet là tích cực đối với sinh viên chứ không phải là tiêu cực. Họ cũng đã rất cố gắng tạo ra những phần mềm giúp cho việc quản trị mạng được dễ dàng và đơn giản hơn."

Khi gặp trục trặc về máy tính, đường truyền hoặc sự cố mạng, virut..., sinh viên có thể nhắn vào nick hỗ trợ trực tuyến để được trợ giúp 24/24. Tuy nhiên, để sinh viên không sa đà vào những hoạt động Internet không lành mạnh, Ban Quản lý cũng quy định thời gian tiếp khách trong phòng đồng thời có một Trung tâm điều hành mạng dành riêng cho Ký túc xá.

Anh Thiện, Trưởng nhóm Quản trị mạng của Ký túc xá khẳng định: “Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng phần mềm Firewall để kiểm soát mạng, lọc web và tăng tốc độ đường truyền. Với phần mềm này, chúng tôi có thể ngăn chặn các trang web đen ngay từ máy chủ sever”. Để chứng tỏ điều này, anh giới thiệu Thuỳ - thành viên phòng 146 và cũng là một trong những thành viên tham gia làm thẻ đầu tiên của Trung tâm điều hành mạng nói chuyện với chúng tôi. Thuỳ vui vẻ kể: "Hồi trước mình không tin rằng các anh ấy có thể kiểm soát được các trang web đen khi chúng xâm nhập vào hệ thống. Nhưng bây giờ thì mình "phục sát đất”. Cô cười: “Đúng là khi truy cập mạng tại phòng Ký túc xá thì chưa bao giờ chúng mình gặp phải những trang web đen (mà thường là về sex) hay những trang web có nội dung không lành mạnh".

Đưa Internet về tận phòng sinh viên nội trú, điều không bao giờ có trong suy nghĩ của thế hệ sinh viên 10 năm trước đây giờ đã thành hiện thực. Theo dự định, đến hết tháng 6/2005, Ban quản lý KTX ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN sẽ tổng kết dự án thử nghiệm, nếu sinh viên thực sự được lợi từ việc lắp đặt Internet và vấn đề quản lý tốt thì có thể tiến tới nhân rộng mô hình này.

 Ngô Bá Thành - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :