Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Chúng tôi là NUS-84 Việt Nam (HS-SV)
Đó là 6 cô gái bé nhỏ đến từ lớp K6 Hệ Cử nhân tài năng Khoa Môi trường - Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN gồm: Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Hương Giang, Đỗ Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Xuân, Lê Thị Bích Thuỷ. Họ cùng gắn bó với nhau bằng một ý tưởng mang tên “Nghiên cứu và truyền thông môi trường tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”. Đội của họ là NUS-84.

Họ chính là một trong 3 đại diện của Việt Nam được Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF) trao danh hiệu “Đại sứ Đất ngập nước vùng sông Mêkông năm 2004” (Wetland Ambassadors 2004 Mekong region) và là đội duy nhất của Việt Nam đạt giải thưởng: giải ba của cuộc thi này. Hãy xem hành trình của NUS-84 đến với danh hiệu Đại sứ Đất ngập nước vùng sông Mêkông 2004 như thế nào nhé!

Tại sao lại là NUS-84?

Tháng 4/2004, qua các thầy cô giáo của Khoa Môi trường Trường ĐHKHTN, Hồng Hạnh và Thanh Hải nhận được thông tin WWF kêu gọi các bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng các nước gửi ý tưởng tham gia chương trình xây dựng các dự án truyền thông bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước khu vực sông Mêkông. Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của các con sông và vùng đất ngập nước. Mặc dù lúc bấy giờ còn khá mơ hồ về chương trình này, chưa có kinh nghiệm gì về việc xây dựng dự án, lại càng không có kinh nghiệm về truyền thông nhưng hai bạn đã nhận được sự ủng hộ và đoàn kết của bốn thành viên còn lại trong lớp K6 Cử nhân tài năng Khoa Môi trường. “Làm thử. Cũng là một cách thử thách bản thân và áp dụng kiến thức ngành nghề trong một hoạt động thực tế hữu ích”, nhất trí như thế, 6 cô gái bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch.

Trước hết là việc chọn địa điểm để khảo sát. Tốt nhất là đến được khu rừng ngập mặn thuộc lưu vực sông Mêkông phía Nam đất nước, nhưng xa quá, rất bất tiện và tốn kém cho việc đi lại (chả là sinh viên mà, phải nghĩ đến chuyện kinh phí đầu tiên, cho dù dự án có được tài trợ). Một thành viên chợt nhớ đến một cái tên: Vân Long - một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tuyệt đẹp ở Ninh Bình vốn đã được các bạn tìm hiểu qua tài liệu, sách báo và trong một số chương trình trên đài truyền hình. Tham khảo ý kiến các thầy cô: ổn. Giờ thì lên kế hoạch chi tiết: sẽ tổ chức những hoạt động gì, hướng tới đối tượng chính là ai, dự trù kinh phí, dự đoán hiệu quả hoạt động... Mọi thứ có vẻ trơn tru không ngờ, mặc dù với các cô gái, đây là lần đầu tiên cho ra một sản phẩm là một dự án độc lập, có tính thực tiễn cao.

Cuối cùng thì cần một cái tên thật hay cho cả nhóm, vừa phải có tính “quốc tế hoá” vừa phải nói lên được mình là ai, mình từ đâu đến. Thế là NUS-84 ra đời. Đó là viết tắt của National University of Sciences 84 - nhóm 6 cô gái cùng sinh năm 1984 đến từ Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Điền form tham gia chương trình của WWF gửi đi rồi, cả nhóm thay nhau lên website của WWF để kiếm thông tin và hồi hộp chờ thông báo kết quả lựa chọn. Nghe nói có tới hàng ngàn ý tưởng tham gia... nhưng vẫn phấp phỏng... hy vọng.

600 USD và những điều làm được

Đến cuối tháng 5/2004, tin vui bay đến: dự án của nhóm đã được WWF chọn và được ký hợp đồng tài trợ để thực hiện. Ngoài ra, nhóm còn được tham gia đợt tập huấn về kỹ năng truyền thông tại văn phòng WWF tại Hà Nội cùng 2 đội khác đến từ Đại học Bách khoa. Được các chuyên gia WWF tư vấn, dự án của NUS-84 hoàn thiện hơn, mục tiêu và các chương trình hoạt động dường như rõ ràng hơn. Niềm vui và sự phấn chấn cũng vì thế mà tăng lên. 600 USD là toàn bộ khoản tiền mà WWF tài trợ cho mỗi đội - không nhiều nhưng cũng là rất lớn đối với 6 sinh viên đang tuổi được nuôi ăn nuôi học. Việc còn lại là lên lịch chi tiết cho chương trình hoạt động của nhóm, về... xin phép bố mẹ, chọn ngày giờ “đẹp” và lên đường.

Dự án “Nghiên cứu và truyền thông môi trường tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình” của NUS-84 có 4 nội dung lớn: Một là nghiên cứu những đặc điểm hệ sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Hai là giới thiệu khu sinh thái Vân Long trên các phương tiện truyền thông; Ba là tuyên truyền giáo dục nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung và hệ sinh thái đất ngập nước Vân Long nói riêng, đối tượng chính là học sinh THCS; Bốn là hợp tác với chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cộng đồng trong công việc của mình và trong các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hồng Hạnh, nhóm trưởng NUS-84 nói: Điều cả nhóm cảm thấy thoả mãn nhất là trong một khoảng thời gian ngắn, với một số tiền tài trợ không nhiều nhưng khối lượng công việc cả nhóm làm được là rất lớn. Nếu có kinh nghiệm hơn và may mắn hơn, chúng tôi đã có thể xin được tài trợ thêm từ các tổ chức khác thì chắc chắn các hoạt động sẽ còn phong phú hơn nhiều. Các nhóm đến từ Trung Quốc, Cămpuchia, Mianma cũng có kinh nghiệm “tiếp thị” hơn mình. Họ được các cơ quan và tổ chức trong nước quan tâm ủng hộ và tài trợ kinh phí thực hiện. Báo cáo kết quả dự án và các sản phẩm họ gửi cho Ban tổ chức được chuẩn bị rất công phu, gồm ảnh, phim video, những ấn phẩm in... rất ấn tượng. Các hoạt động của họ cũng được tổ chức rầm rộ hơn. Đặc biệt, họ tổ chức hẳn những seminar, tọa đàm khoa học mời các học giả có tên tuổi đến thảo luận và thuyết trình về vấn đề môi trường và bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước. Đó là những điều mà mình không bằng họ. Mặt khác, vì hoàn cảnh khách quan nên kết quả nghiên cứu hệ sinh thái khu Vân Long trong dự án của chúng tôi chưa được sâu. Đó cũng là một điều đáng tiếc.

Bù lại, hoạt động truyền thông của NUS-84 rất phong phú và hiệu quả. Nhóm đã xây dựng được một website quảng bá khu du lịch Vân Long cũng như các hoạt động của dự án tại địa chỉ www.nus-84.org, trên Chương trình phát thanh thanh niên của Đài tiếng nói Việt Nam, báo Sinh viên Việt Nam. Nhóm cũng phối hợp với Trường THCS Gia Vân, Ban Quản lý khu rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long tổ chức các lễ phát động tìm hiểu môi trường, tự tìm kiếm tư liệu và trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thực tế, nhóm xây dựng được hệ thống bài học rất phong phú và toàn diện về hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Các bài học hướng đến mục tiêu giáo dục nhận thức đúng đắn cho các em học sinh về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên và những việc cần làm để phát huy tiềm năng khu du lịch sinh thái của quê hương. Các trò chơi khám phá thiên nhiên, các buổi sinh hoạt thảo luận về con người và tác động hai mặt tới thiên nhiên, các cuộc thi vẽ tranh và làm bưu thiếp giới thiệu về vẻ đẹp của quê hương... mà các anh chị sinh viên tổ chức đã thực sự gây niềm thích thú, say mê cho các em nhỏ. Nhóm của Hạnh còn tổ chức những buổi giao lưu với đoàn thanh niên xã Gia Vân tổ chức các đêm văn nghệ, thời trang mang chủ đề “Thời trang cùng thiên nhiên Vân Long”, cuộc thi báo cáo viên môi trường dành cho các em học sinh sau khi tham gia khoá học… Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về môi trường, nhóm còn tổ chức, phối hợp tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường ở xã.

Nhận xét về dự án của NUS-84, WWF cũng đánh giá cao tính thiết thực, cụ thể và hiệu quả của những hoạt động của nhóm sinh viên Việt Nam mặc dù so với các đội đạt giải đến từ các nước khác, quy mô dự án chưa lớn và các phương tiện, thiết bị sử dụng của NUS-84 chưa hiện đại bằng.

Chúng tôi đã là một nhóm...

Đỗ Thị Hải Yến phát biểu: Nếu không có sự đoàn kết chặt chẽ của nhóm, sự giúp đỡ nhiệt tình của các tình nguyện viên thì chúng tôi không thể hoàn thành được công việc. Chúng tôi đã làm được bởi vì chúng tôi là một nhóm vững chắc. Những buổi tranh luận gay gắt đôi khi lại cho ra nhiều sáng kiến hay. Cứ như thế, từng bước một, vừa làm vừa nghĩ, mọi việc dần dần được giải quyết.

Còn Lê Thị Bích Thuỷ thì phát biểu: Cái được nhất rút ra từ dự án là cách thức tổ chức công việc khoa học, cách giao tiếp, liên hệ công việc với các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương. Toàn là những kinh nghiệm sống ngoài xã hội mà nếu không trực tiếp làm thì chúng tôi không thể biết được.

Sau dự án này, cả nhóm cũng có cả kho kỷ niệm với người dân Gia Viễn, Ninh Bình. Nhưng cảm động nhất vẫn là tình cảm của các em học sinh cấp I, II đối với các tình nguyện viên này. Vì quý các chị quá, các em ngày nào cũng chờ cả tiếng đồng hồ để đèo các chị bằng xe đạp đến lớp học, tham gia nhiệt tình mọi công việc mà các chị tổ chức. Cho đến tận bây giờ, các em học sinh vẫn thường xuyên viết thư cho nhóm và hỏi thăm xem bao giờ các chị về dạy tiếp. Thuỷ còn khoe, trong thời gian là cô giáo, mình đã học được khối chiêu dỗ trẻ và thuộc khá nhiều bài hát của các em.       

 Hậu NUS-84

Tháng 2/2005 vừa rồi, Hạnh đã thay mặt cả nhóm đi nhận giải và giao lưu với các nhóm đại sứ khác tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các bạn cũng đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về kinh nghiệm làm dự án cho các bạn sinh viên các khoá khác tham khảo. Trong dịp hè tình nguyện 2005 này, các bạn dự định sẽ tiếp tục các nội dung hoạt động của mình nhưng gắn vào phong trào hoạt động tình nguyện hè chung của Đoàn trường. Khi tôi hỏi: “Nếu có chương trình Đại sứ Đất ngập nước của WWF năm 2005, cả nhóm có sẵn sàng tham gia tiếp không?”, Hồng Hạnh đã trả lời chắc như đinh đóng cột: “Có chứ, chị. Mỗi lần tham gia là một lần có được nhiều kinh nghiệm quý, lại làm được nhiều điều có ích cho cộng đồng. Nhưng nếu được tham gia tiếp chắc chắn chúng em sẽ còn làm tốt hơn”. Tôi hỏi tiếp: “Bạn có lời nhắn nhủ gì cho các bạn sinh viên khác cũng đang mong muốn có được cơ hội và kết quả như NUS-84 không?” Hạnh rất vui vẻ trả lời: “Hãy có ý tưởng. Và phải có quyết tâm thực hiện ý tưởng đó. Niềm say mê và kinh nghiệm sẽ cho bạn thành công”.

 Thanh Lâm - Bản tin ĐHQGHN số 169, 3/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :