Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Cảnh giác khi cho mượn xe máy
Chiếc xe là một phương tiện khá giá trị và quan trọng với SV. Thật khó chối từ khi bạn bè ngỏ ý muốn mượn "chút". Nhưng đã có không ít kẻ lợi dụng lòng tốt của bạn mình để kiếm chác, đem xe của bạn đi "luộc"...

1. Khi lòng tốt bị lợi dụng

Thắng (ĐH Kiến trúc) được bố mẹ sắm cho một con “dream chiến” để tiện đi học. Vốn là một người hào phóng, tốt bụng với bạn bè nên xe của Thắng thường xuyên "được mượn". Khi thì đi về quê, lúc lại đi có việc,.. Có khi còn cho "đi ở” để thằng bạn lấy tiền đóng học phí để được thi,… quăng qua, quăng lại như vậy. Đến một lần cậu thấy con xe “tã” quá, đem đi bảo dưỡng thì mới té ngửa khi biết rằng con "giấc mơ" Thái bây giờ không khác một con dream Tàu. Tất cả những gì có thể thay được đều đã bị “luộc”. Từ bộ chế, lọc gió, IC rồi phuộc trước - sau đến cái yếm, cốp đến dàn đèn. Ngay cả bộ xi lanh, pit tông cũng của Tàu nốt. Con "giấc mơ" Thái xịn giá hơn 3 chục triệu của cậu giờ đây chỉ còn bộ khung bán được không quá 10 triệu.

T.T. Minh (ĐHKHXH&NV) là sinh viên xa gia đình, trọ ở xa trường, tối lại phải đi học tại chức, rồi đi làm thêm nên được bố mẹ cho một chiếc Wave alpha để đi lại. Một lần một người bạn trong lớp hỏi mượn xe nói chỉ đi một tiết rồi về. Minh vui vẻ cho mượn. Thế nhưng 2 rồi 3 tiết mà chẳng thấy bạn đâu. Cô ngồi trong lớp mà lòng cứ bồn chồn lo bạn gặp phải chuyện gì. Đến khi lớp tan học rồi đợi một lúc mới thấy cậu bạn đem xe về trả nói lý do là bị công an bắt vì đỗ sai phần đường, phải xin xỏ mãi mới cho đi. Trông điệu bộ “thảm thương” của cậu bạn Minh cũng thấy mủi lòng không hỏi gì nữa vội lấy xe để kịp đi học tối. Khi lên xe, nổ máy đi được một đoạn thì chiếc xe đột nhiên chết máy giữa đường, dù đề hay đạp mãi vẫn không nổ. Cuối cùng cô phải nhờ một người đi đường sửa giúp. Sau mấy phút đạp, đề, lau bugi,... thì chiếc xe cũng nổ được nhưng cứ đi được mấy mét thì lại hụt hơi, chết máy. Đoạn đường từ lớp học tối về nhà thường ngày cô chỉ đi hết 10 - 15 phút thế mà lần này 8h40 tối tan học nhưng mãi tận hơn 9h30 cô mới về tới nhà. Cũng chỉ tại chiếc xe cứ đi được mấy mét lại dở chứng chết máy. Đường vắng, trời lại mưa. Vừa nổ xe cô vừa khóc mà không biết trông vào ai. Rõ ràng lúc chiều đi học chiếc xe vẫn chạy tốt, ấy thế mà sau khi cho mượn thì lại giở chứng thế này. Sáng hôm sau mang xe ra tiệm sửa thì cô mới "giật mình" khi biết rằng bộ chế xịn giá 450.000 đã bị luộc bằng đồ Tàu giá chỉ vài chục nghìn. Không chỉ có vậy mà cả phuộc trước, bộ đề và IC cũng đều đã bị thay bằng hàng rởm. Đến nước này cô chỉ biết kêu trời.

2. Công nghệ luộc xe

Những trường hợp như Thắng và Minh đã không còn là chuyện hiếm. Khi mà hàng Tàu tràn ngập thị trường thì "luộc" xe đã trở thành một công nghệ "luộc" đẳng cấp. Một con xe chỉ cần sau 2-3 giờ luộc là khách có thể cầm từ 3-4 triệu đồng ngon ơ. Những tay thợ lão luyện chỉ cần nhìn chiếc xe, nghe tiếng máy là đã biết ngay đời xe, có thể “ăn” được những đồ gì. Họ tháo chiếc xe chỉ trong vòng vài phút, rồi thành thạo "luộc" những món đồ theo yêu cầu của khách: "luộc chín" hay "luộc sống". "Luộc chín" có nghĩa là thay toàn bộ phụ tùng xe có thể "ăn” được còn "luộc sống" thì chỉ "ăn" những thứ mà khách yêu cầu. Hầu hết những chiếc xe bị luộc đều không phải là của chính chủ nhân của nó vì không ai dại gì mà "rước hoạ vào thân". Đó đều là những chiếc xe đi mượn của bạn bè, người thân hay "hàng nhảy" (xe ăn cắp không tiêu thụ được “mổ” ra bán) rồi nhiều người trông xe thấy khách sơ hở cũng lợi dụng mang đi luộc. Cũng có trường hợp đem xe của mình "đi luộc” để lấy tiền tiêu xài, cá độ, hút chích... Nhiều người khi đem xe đi sửa không để ý cũng bị thợ tráo mất đồ.

Khách luộc xe cũng chia làm 2 loại: khách chuyên nghiệp và khách nghiệp dư. Khách chuyên nghiệp là những người thường xuyên mang xe đến luộc nên được trả hậu hĩnh “để còn giữ mối” (một thợ luộc đã nói vậy). Còn khách nghiệp dư - mới luộc lần đầu hoặc đôi ba lần, lớ ngớ thường bị ép giá thấp.

Đặc điểm của thợ “luộc” xe là chỉ ăn hàng Nhật. Các loại xe của Honda từ Wave đến Spacy đều luộc được (chỉ trừ xe @ có ít đồ thay thế) như Dream Thái, Future, Wave,... có thể luộc được từ A đến Z từ bộ chế (khoảng 200-250 nghìn), cặp giảm sóc (250-300 nghìn), bộ IC, đề (giá 200 nghìn) rồi bộ cam, niền, đùm sau (cỡ 500 nghìn) đến bình xăng (250-300 nghìn), bộ đầu nòng (khoảng 450-500 nghìn). Chưa kể đến xilanh, cam, xupap, mâm lửa, gắp... ngay cả ốc "xịn" cũng bị thay. Riêng Spacy chỉ "luộc" được IC, bình xăng và dàn đèn nhưng cũng được hơn triệu. Bất cứ loại xe nào mới ra thì chỉ một thời gian sau là có ngay hàng nhái, dễ dàng cho dân "luộc" hành nghề.

Có người thắc mắc không hiểu hàng xịn luộc xong mang đi đâu. Những món phụ tùng chính hiệu ấy sẽ được dùng để lên đời những con xe Tàu hay xe xịn đã “quá đát” và cũng để phục vụ những người bị luộc phải đi mua lại đồ thay vào xe. Tất nhiên giá bán cũng đắt gấp vài lần so với giá mua vào. Ngoài ra nó còn để lắp ráp thành một con xe "xịn" hoàn chỉnh nếu khách có nhu cầu. Với 2-3 thợ "mổ", bình quân mỗi tháng kiếm được gần chục triệu, tháng nào "làm ăn phát đạt” việc kiếm được vài chục triệu chẳng khó khăn gì.

3. Hành trình "chuộc" lại xe

Những người bị luộc xe không sớm thì muộn cũng biết xe mình bị luộc. Cảm giác đầu tiên là bất ngờ, rồi tức tối mà không làm gì được vì không có bằng chứng để buộc tội ai. Sau đó là hành trình đi sửa xe thường xuyên, những người bị "luộc" chế thì xe ăn xăng như nước. Nếu bị “luộc kỹ” thì chiếc xe chẳng khác xe Tàu. Đành đi tìm đồ xịn để thay thế.

T.T.Minh sau khi biết bị luộc đồ liền gọi người bạn đã mượn xe của mình ra cửa hàng sửa xe để “đối chất”. Sau một hồi nói chuyện, than vãn. Anh bạn kia "cương quyết" không nhận là đã luộc xe nhưng cũng đồng ý là chịu một nửa tiền thay lại đồ xịn. Dẫu biết là "bất công" nhưng có còn hơn không. Minh đành cắn răng sửa chiếc xe mất gần 2 triệu bằng tiền của mình vì anh bạn kia "lúc này đang bí quá” hẹn mấy hôm sau sẽ trả. Khi đem chuyện này kể với một người bạn trong lớp thì cô mới biết là không chỉ có mình xe cô bị luộc đồ mà có đến gần chục người trong lớp cũng bị "luộc" và đều nói là sau khi cho cậu bạn kia mượn thì xe mới bị trục trặc bộ chế, đề, giảm sóc,... Ai cũng tự nhủ không bao giờ cho "nó" mượn nữa và cảnh báo cho mọi người trong lớp biết. Về phần Minh thì mãi vẫn chưa được trả tiền, mỗi lần hỏi thì đều bị lảng tránh hoặc lấy cớ thoái thác.

Còn Thắng, sau khi biết tin thì tức tối mà chẳng làm được gì vì không biết ai mà hỏi. Cậu đành bán con xe với giá 12 triệu (trong khi mua hết hơn 30 triệu) rồi xin thêm tiền bố mẹ mua xe khác. Ai hỏi mượn Thắng cũng đều từ chối, nên cậu mang tiếng là "keo kiệt". Cậu tâm sự: "Thà mang tiếng còn hơn cho mượn để rồi mình phải mang xe đi sửa. Chẳng tin được ai đâu. Như Hạnh, đứa bạn cùng lớp với mình, cho người yêu mượn xe, ai ngờ anh chàng lại mang đi "luộc".

Phát hiện ra, Hạnh chia tay luôn không luyến tiếc. Ai đời lại đem xe của chính người yêu mình đi luộc.” Hay một cậu công tử đem xe của nhà đi luộc để rồi ông bố lại “lóc cóc” đi chuộc lại đồ hết lần này đến lần khác đến nỗi ông thuộc lòng địa chỉ và trở thành khách hàng quen thuộc của các hiệu luộc đồ.

Tất cả những chiếc xe bị luộc đều có chất lượng rất kém và thường gặp phải những căn bệnh thường gặp ở xe Tàu như: nghẹt xăng, tăng tốc không được, tốc độ không ổn định, hay chết máy, tốn xăng,... Nếu kết cấu máy móc và phụ tùng bên ngoài bị thay đổi quá nhiều bằng những chi tiết kém chất lượng, người vận hành xe có thể gặp nguy hiểm vì những hỏng hóc bất ngờ của chúng như: gãy giảm sóc, vỡ vòng bi, đứt xích tải hay xe đang đi đột nhiên chết máy giữa đường,... gây nguy hiểm cho người điều khiển xe.

Hiện nay ở Hà Nội có một số nơi chuyên luộc và bán phụ tùng cũ như: chợ xe máy - đồ cũ Dịch Vọng, chợ trời (phố Huế), chợ Đê La Thành trước cổng trường Đại học Văn Hóa, chợ bên ngoài hàng rào công viên Thống nhất hay gần ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn ngay sát cổng Khách sạn Đường sắt,... Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Quyết một thợ sửa xe trên đường Nguyễn Trãi khuyên những người bị luộc đồ xe không nên tìm mua hàng "xịn" đã qua sử dụng vì mình không biết chất lượng của nó như thế nào, có thể là vỏ xịn nhưng ruột rởm. Nếu có người quen rành về xe máy thì có thể nhờ đi mua. Còn không thì nên vào cửa hàng chính hãng mua, tuy có đắt hơn nhưng đảm bảo chất lượng.

Tình trạng luộc xe ngày cảng trở nên phổ biến. Đây là một hiện tượng đáng báo động, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt những đối tượng “luộc xe” chủ yếu là thanh niên mượn của bạn bè, người thân,... và đáng nói hơn là trong số đó sinh viên, học sinh chiếm tỉ lệ rất lớn. Cả việc "luộc xe" và đem xe của người khác đi “luộc” đều là trái pháp luật, cần được ngăn chặn kịp thời. Đây cũng là bài học đối với nhiều người, nên "chọn mặt mà gửi xe" không thì tự mình lại chuốc họa vào thân.

 Huy Hưng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :