Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Mùa thuê nhà trọ
Có đến 65% sinh viên đi học phải thuê nhà trọ. Trung bình ký túc xá của mỗi trường chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nhà ở cho sinh viên.Có những người 4 năm học đại học đã trở thành những “chuyên gia” trong lĩnh vực thuê nhà và ở trọ…

Mùa thuê nhà: đến hẹn lại lên!

Các cụ vẫn thường chả bảo: "An cư rồi mới lạc nghiệp", vậy nên công cuộc đi tìm nơi an cư của dân trọ cũng có bao điều phải nói. Cánh sinh viên chia ra một năm có hai mùa thuê nhà trọ. Thường vào đầu năm học khoảng tháng 8, tháng 9 là rôm rả: Người người đi thuê, nhà nhà cho thuê. Nguyên nhân tạo nên cơn sốt nhà mùa này là do các tân sinh viên nhập học tạo ra một khối lượng nhu cầu về nhà ở khá lớn. Thêm nữa, các sinh viên cũ (tức là những sinh viên năm 3 trở đi) không được ở ký túc xá nữa cũng buộc phải vác chăn màn quần áo mà đi kiếm lấy chỗ dung thân.

Còn mùa thuê nhà lần hai trong năm là khoảng sau Tết, bắt đầu tháng 3, tháng 4. Vào khoảng thời gian này cánh sinh viên năm cuối đi thực tập nên số lượng phòng trống nhiều. Lại theo "truyền thống" từ ngày xưa: Các "tử sĩ" của năm trước thường chọn thời điểm này khăn gói đến các trung tâm luyện thi nên cũng tạo nên một mùa thuê nhà trọ nhộn nhịp.

Vật vã trở về, vật vã ra đi!

Đó là cảnh ngộ của hầu hết những người mang trong mình trọng trách kiếm một căn phòng. Mùa thuê nhà tuy nhà ở nhiều nhưng người đi thuê cũng lắm, và không phải ai cũng có thể kiếm được cho mình một căn phòng như ý. Nói như Thắng (ĐHGTVT) thì: "Đi thuê nhà cũng phải có kỹ năng, và hình như là cũng cần phải có một chút duyên với chủ nhà nữa".

Sau nửa tháng đi tình nguyện về, Thắng hăm hở nhận lời với thằng bạn cùng phòng sẽ ở lại chịu trách nhiệm tìm một căn phòng mới để đầu năm học thoát khỏi cảnh “đêm thấy (nhà) ta là thác đổ" vào mùa mưa nữa. Tuần đầu tiên bon bon với con Wave tàu chán chê, nhịn cả ăn để đổ xăng vậy mà cũng chẳng được cái gì. Đang bơ vơ, chán nản thì gặp ông anh họ đang học năm cuối bên ĐH Bách khoa - một chuyên gia ở trọ từ năm nhất. Lão ta nhìn Thắng rồi bĩu môi cười: "Cứ nhảy lên xe máy mà phóng vèo vèo thì đến tết công - gô cũng đừng mong có lấy cái lều đâu. Đi tìm nhà thì phải đi xe đạp thì mới len lỏi vào các ngõ ngách được". Cũng may, sau 2 ngày đạp xe thì Thắng cũng tìm được cho mình cái nhà tạm ổn.

Dân đi thuê nhà trọ thường bị một hội chứng chung gọi là "hội chứng cho thuê". Cứ đi đường mà nhìn thấy cái bảng ghi "cho thuê" là y như rằng tên nào cũng quay ngoắt lại mắt sáng rực rỡ rồi lại xịu lơ khi thấy đó là "cho thuê cốt pha xà gỗ" hoặc là "cho thuê bàn ghế hội nghị"… Bên cạnh "hội chứng cho thuê" là điệu bộ láo liên, mắt đảo như rang lạc (để tìm nhà mà ). Phương Vũ kể lại: Lần ấy cả buổi chiều đi tìm nhà không được. Tối hẹn chàng đi chơi, đi qua mấy ngõ nhỏ mình quen thói cứ ngó nghiêng liên tục, cố gắng đọc tất cả những cái bảng treo ở trước cửa các nhà. Lúc đưa mình về chàng hỏi có vẻ dỗi: "Em có hẹn với ai nữa hay sao mà đi chơi cứ không yên thế?" Trời ạ, tất cả cũng là do đi tìm nhà đấy!

Hỏi sao không bỏ ra mấy chục ngàn cho trung tâm nhà đất đỡ phải hùng hục đi tìm, vừa nắng nôi lại vừa mất thời gian thì tôi nhận được câu gọn lỏn: Chả dại! P.Hoa (ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nói với tôi giọng vẫn rất phấn nộ: "Tụi hắn trưng biển ra đấy toàn nhà đẹp, địa chỉ ngon nhưng đến khi dẫn mình đến thì chủ nhà kêu hết phòng rồi. Không thì là phòng rách nát có khi ở chỗ khác vừa xa đường, vừa xa trường, xa chợ. Mục đích của tụi hắn là sau vài lần như vậy mình sẽ chán mà bỏ, rồi hiển nhiên mình mất luôn 50.000đ phí dẫn đi xem nhà…".

Có lẽ đó là lý do cho cánh sinh viên kể cả có tiền nhưng cũng quyết không đến các trung tâm mà tự mình dong duổi đi tìm một mái ấm cho mình.

360 độ thuê nhà

Kiên (ĐH Ngoại ngữ) sau nhiều ngày đội nắng dầm mưa đi tìm nhà, may mắn thay cuối cùng hắn cũng được một ông cụ bán nước ở Quan Nhân chỉ cho cái nhà ở gần đấy. Hăm hở đi tìm theo cái địa chỉ cuối cùng hắn đứng trước một khu trọ khá rộng. Vừa đẩy cửa bước vào thì một cái bảng ghi nội quy nhà trọ đập vào mắt hắn. Dừng lại đọc, đến dòng cuối cùng chữ vừa to vừa đậm: “Nếu vi phạm đừng trách chủ nhà ác!" hắn vuốt mồ hôi quay xe đi thẳng. "Chứ ở cái nhà có vẻ ưa bạo lực này chắc mình chẳng toàn mạng mất".

Vào mùa thuê nhà, chẳng có khu nào được bình yên cả. Đang giờ ngủ trưa lại bị gõ cửa, mà không chỉ một lần mới tức chứ. Có ngày phải trả lời cả chục lần câu “Không có đâu cháu/em ạ!” cho một câu hỏi duy nhất: “ở đây có phòng cho thuê không ạ?". Thế nên mới có kiểu thỉnh thoảng đi qua khu trọ nào đấy, thay vì treo bảng có phòng cho thuê thì lại là chữ: "Hết phòng" to đùng, hoặc có khi còn có gặp tấm bảng: “Cấm không được hỏi có phòng cho thuê không!"

Kỹ năng đi thuê nhà trọ

- Điều đầu tiên là nên đi bộ hoặc đi xe đạp, như vậy bạn mới không ngại len lỏi vào các ngõ ngách hoặc dừng lại để hỏi thăm. Hơn nữa bạn sẽ ít có khả năng bị chủ nhà “chém đẹp" khi họ nhìn thấy biểu hiện "Nhà có của ăn của để” ở bạn.

- Quán nước ven đường của các bà, các chị là một trong những trung tâm thông tin lớn nhất về nhà cho thuê. Kinh nghiệm cho thấy, lân la ở những quán cóc này khả năng kiếm được nhà rất cao, khoảng 80%.

- Vấn đề không kém phần quan trọng trong việc thuê nhà là nguồn nước: nhớ phải xem xét kỹ nguồn nước từ màu sắc của nước cho tới khả năng cung cấp cho nhu cầu của bạn. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nhan sắc của bạn thì rất nên chú ý. Kế đó phải chú ý xem cái WC xem "nó" có an toàn và đảm bảo không.

- Hàng xóm cũng là một nhân tố đáng kể, tốt nhất là sinh viên thì nên ở cùng với sinh viên. Chứ nếu hàng xóm phần nhiều thì là dân đi làm hoặc lao động thì cũng "xin kiếu". Bởi lịch sinh hoạt của các tầng lớp này khác với chúng ta rất nhiều.

Tóm lại, nếu bạn tìm được một cái nhà ưng ý thì giữ bộ mặt ngây thơ làm thân với một ma cũ và hỏi xem khu trọ này thế nào đã rồi hãy quyết định. Tránh tình trạng lỡ sa chân rồi thì khó mà rút ra ngay được.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là: Chúc bạn thành công!

 Tố Nga - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :