Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Thất bại đầu đời
Suốt 12 năm cố công dùi mài để có thể bước chân vào giảng đường đại học, thật chẳng dễ dàng gì nếu đắc bất dĩ phải tạm biệt mái trường đại học quá sớm. Nhiều sinh viên “đứt gánh nửa đường”, phải bỏ cuộc trên đường đua lấy tấm bằng “xanh”, đành ngả theo một dòng đời mới...

“Đắm mình" trong thất bại

Cách đây hai năm, N.T.B vẫn là sinh viên Khoa Anh, trường ĐH Ngoại ngữ. Tháng 4/2004, trong khi bạn bè cậu làm luận văn tốt nghiệp, cũng là lúc B nhận giấy quyết định bị buộc thôi học của Ban giám hiệu nhà trường. Lý do: Nghỉ học quá thời gian quy định, bỏ thi kết thúc học phần và nguyên nhân chính là do B bị kiện vì nợ nần lên tới cả trăm triệu đồng, không có khả năng thanh toán.

Từ năm thứ hai, B đã khá nổi tiếng với tài đàn hát và khả năng “hái ra tiền”, được nhiều sinh viên nữ trong trường coi như "thần tượng" cho riêng mình. B kể: "Cuối năm thứ nhất, số tiền mà tôi kiếm ra có thể tiêu thả phanh cả tháng". Sáng đi học, chiều, tối đi làm thêm, cuộc đời cậu sinh viên tưởng chừng đang “thăng hoa”. Nghỉ hè, trong khi những bạn bè cùng học về quê thì B bám trụ lại Hà Nội làm đủ nghề để kiếm tiền. Rủng rỉnh nhất là vào mùa thi đại học, B nghĩ ra cách giải đề thi rồi bán cho những thí sinh để so kết quả và mỗi đợt cậu kiếm được một khoản kha khá. Sẵn tiền, những “ông bạn vàng” chẳng hiểu từ đâu mò tới kết tình. B bắt đầu nhiễm vào các thói lô đề, cờ bạc, rượu chè và tuột dốc…

Sang năm học cuối (2003- 2004), B ngày càng "biết chơi", số tiền mà cậu ta kiếm ra mỗi tuần bằng cả tháng ăn của sinh viên thì bây giờ không đủ cho một bữa nhậu nhẹt. B càng lúc càng bị quay vào với vòng xoáy "thèm tiền", lúc nào cũng tìm mọi cách để kiếm ra tiền nhiều hơn. Cùng thời gian này, thông qua bạn bè, B bắt đầu gặp gỡ các “đại gia” chuyên đánh điện thoại di động từ biên giới Việt - Trung về Hà Nội. Chuyến thứ nhất, tháng 9-2003, B đi trong vòng 10 ngày, lúc trở về ôm trong tay mười triệu đồng tiền lãi. Thấy ngon ăn, chuyến thứ hai, B chạy đôn chạy đáo vay được gần trăm triệu đồng định làm “quả độc đắc” để rút lui. Chuyến này cậu lang thang ở xứ người hơn một tháng để lấy hàng. Nhưng vừa về đến biên giới thì bị hải quan "sờ" đến. Bỏ của chạy lấy người, B về tới Hà Nội cũng là lúc kỳ thi kết thúc học phần đã xong và kết cục là bị đuổi học.

Giờ, cậu sống vạ vật, nay đây mai đó, lúc ngược Lạng Sơn khi xuôi Hà Nội hay thành phố Việt Trì (quê của B) để kiếm sống qua ngày và trả nợ món tiền gần trăm triệu đồng đã vay.

Vượt lên chính mình

M.Đ.C, sinh viên Trường ĐH Thuỷ sản Nha Trang, trước kia khi xa gia đình vào Nam để học vẫn là chàng trai ngoan ngoãn, hiền lành và học giỏi. Cậu cho biết: "Khi mới vào đại học, tôi trọ ở ngoại ô thành phố. Nơi đó có những tay "anh chị" sinh sống…". Sống cùng họ, M.Đ.C dần ảnh hưởng phong cách "giang hồ", "chủ nghĩa anh hùng dởm" và rồi trở thành đại ca ở lớp, ở trường lúc nào không hay. Một lần thay bạn nhận tội để tỏ rõ “nghĩa khí giang hồ”, M.Đ.C chấp nhận “ra trường sớm”. “Lúc ấy tôi nghĩ, đằng nào người bạn ấy cũng có điều kiện học hơn tôi, thà mình nhận tội để bạn mình được học”, M.Đ.C giải thích, “Kể ra cũng tiếc, nhưng nếu tôi tiếp tục học thì tôi lại càng ngày càng sa ngã và hậu quả khó mà lường được…"

Bị đuổi học, người yêu bỏ rơi, bạn bè xa lánh và gia đình thất vọng, tưởng rằng C sẽ không thể đứng dậy. Rồi cậu đã vượt qua những tháng ngày day dứt, tự gây dựng một quán Internet ở thành phố Bỉm Sơn. "Năm nay tôi sẽ lên Hà Nội thi Đại học Công nghệ thông tin và bắt tay làm lại cuộc đời”- M.Đ.C khẳng định.

Q.T.H, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, chính anh cũng có một thời "quay mặt vào tường xám hối" khiHọc viện An ninh mời "ra trường sớm". Anh Q.T.H kể: "Tuổi trẻ ai chẳng có lúc làm chuyện … điên rồ. Hồi đó tôi đánh nhau ở trường và bị đuổi học. Lúc đầu tôi thực sự chán nản và thất vọng về mình, nhưng sau đó, tôi quyết định ôn lại và thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự…". Hiện nay anh Q.T.H đang là giảng viên. Nhìn anh chúng tôi nhận ra niềm hạnh phúc đang tràn ngập trên khuôn mặt của một con người biết vượt lên chính mình.

Còn bao nhiêu trường hợp đang đứt gánh giữa đường khác mà những người chúng tôi kể trên đây chỉ là một phần rất nhỏ. Họ giống nhau vì đã từng vấp ngã, chỉ khác nhau ở chỗ biết chấp nhận và có biết vượt lên chính mình để làm lại từ đầu.

 Hoàng Diệp - Phương Thảo - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :