Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Sinh viên và... tàu chợ
Có một chuyến tàu xuất phát từ ga Long Biên lúc 14 giờ 20 phút không chỉ làm cho nhiều người phải ngạc nhiên vì cái giá “vô cùng hấp dẫn” của nó mà còn vì rất nhiều điều thú vị trên suốt chặng đường chưa đầy 90 km…

Nhìn bảng giá vé tàu Thống Nhất, tôi thấy thương cho các bạn nhà xa, tận trong Thanh Hoá, Nghệ An trở vào. Mỗi lần về nhà, họ mất hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn cho chi phí đi lại. Trái lại, có một chuyến tàu xuất phát từ ga Long Biên lúc 14 giờ 20 phút không chỉ làm cho nhiều người phải ngạc nhiên vì cái giá “vô cùng hấp dẫn” của nó mà còn vì rất nhiều điều thú vị trên suốt chặng đường chưa đầy 90 km…

Tám nghìn đồng cho... 80 km…

Có lần, Thanh (Nghệ An) hỏi tôi về giá tàu Hà Nội - Thái Nguyên và câu trả lời đã làm cô nàng cực kỳ ngạc nhiên vì cái giá cực rẻ, cả đi cả về chưa mất đến 20.000 đồng. Thực ra thì cái giá đó là dành cho sinh viên, những người sử dụng thẻ ưu đãi. Còn người bình thường đi từ ga đầu tiên tới ga cuối cùng thì mất nhiều hơn một chút - 11.000 đồng.

Không chỉ có Thanh mà rất nhiều bạn nhà xa, tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào hoặc mãi trên Lào Cai, Sơn La đều tỏ ra ngạc nhiên như thế khi tôi nói giá tàu về quê mình.

Giá tàu mà họ thường đi, đã bao gồm cả thẻ ưu đãi ít nhất cũng phải từ 30.000 đồng/vé/lần. Cái giá kia đối với họ chỉ là... trong mơ. Vì thế mà Dung (Quảng Trị) từng thốt lên: “Tàu về nhà tao mà rẻ thế, chắc cuối tuần nào tao cũng về”. Dung nói vậy vì cả năm bạn “chỉ được về nhà 2, 3 lần vào các dịp lễ, Tết, không chỉ do hạn chế thời gian mà còn cả bởi chi phí đi lại khá đắt đỏ. Mỗi lần đi, về cũng mất hơn 200.000 đồng. Sinh viên mà, sót ruột lắm...

Còn Tố Nga (Yên Bái) thì chắc do “ghen tỵ” nên chép miệng: “Cái giá cứ như cho không người ta ấy. Mà nói chung thì tiền nào của nấy thôi…”, rồi cô nàng cười đầy khoái trá. Có lẽ nhận định của Nga cũng không phải là không có lý vì chặng đường có hơn 80 km mà phải đi mất 3 tiếng đồng hồ, con tàu mới đến được ga cuối cùng, theo nhận xét vui của một cậu bạn tôi là “chẳng may mà tàu gặp sự cố như tàu S1 hồi trước thì với tốc độ đó cũng chẳng hề hấn gì”.

Hành khách chủ yếu thì chỉ có sinh viên và các “bà buôn”. Thế nên vào các dịp cuối tuần hay lễ, Tết, nhà ga có nối thêm toa thì hàng người chen lấn trên tàu vẫn cứ đông như chảy hội. Có lẽ đó chính là lý do vì sao người ta quen gọi con tàu này là tàu “chợ” hay tàu “sinh viên”.

Niềm vui từ những chuyến tàu “chợ”…

Bất kỳ bạn đi chuyến tàu nào từ Hà Nội lên Thái Nguyên đều sẽ có ấn tượng và không thể nào quên một người câm bán bánh xu xuê (hay còn gọi là bánh phu thê) và bánh gai. Chuyến tàu nào cũng vậy, cứ đến ga Đông Anh là người ta lại thấy một người đàn ông trên dưới 50 tuổi bê một thúng đầy bánh lên tàu bán. Tất cả hành khách, không ai bảo ai đều tự động nhường đường cho ông vì họ đã quen với sự có mặt của ông trên con tàu này. Người ta không chỉ biết đến ông chỉ vì ông bị câm mà còn vì bánh của ông rất ngon, không kém cạnh gì bánh phu thê đặc sản Bắc Ninh và nhất là ông lại rất vui tính, mặc cho mọi người trêu đùa, ông cũng chẳng cáu bao giờ, chỉ ú ớ gì đó, ra tay làm ám hiệu và cười thân thiện. Lần nào mà “ông Câm” (tên mọi người vẫn quen gọi) không đi bán bánh, sẽ có nhiều người thắc mắc và tiếc vì không mua được vài chiếc bánh làm quà cho mấy đứa trẻ con ở nhà.

Hành trình đi lên thì có “ông Câm”, còn chặng đường đi từ Thái Nguyên xuống thì có hẳn một “phiên chợ”. Đến các ga Phổ Yên, Trung Giã, các bà, các cô đi buôn lại thi nhau gánh những sọt rau, sọt hoa quả lên tàu để mang vào nội thành Hà Nội bán. Hồi trước, khi gia cầm chưa bị cấm như bây giờ, những chuyến tàu này còn kiêm thêm nhiệm vụ vận chuyển gà, vịt, ngan, ngỗng nữa. Còn bây giờ, hàng hoá của những người phụ nữ tần tảo này chỉ là rau quả. Nhưng thế cũng là quá đủ cho sinh viên. Những “phiên chợ” như thế thường giúp cho hành khách đi tàu, chủ yếu là sinh viên mua được nhiều loại hoa quả tươi ngon, hợp với khẩu vị của họ mà giá cả thì cũng hấp dẫn không kém gì... giá tàu. Mùa nào thức ấy, từ ngô, khoai, sắn, lạc cho tới củ đậu, dưa chuột, bưởi, chuối,... thứ nào sinh viên cần, chợ phiên đều “phục vụ đầy đủ”.

Theo chị Hoa, một “bà buôn” khá thân quen với con tàu này thì: “Bọn mình mang hàng hoá vào bán ở nội thành Hà Nội là chủ yếu. Nhưng sinh viên mua thì cũng chẳng từ chối làm gì. Thường thì bọn mình không bán đắt cho bọn trẻ bao giờ vì thông cảm với cảnh học xa nhà, chi phí sinh hoạt đắt đỏ của chúng. Con cái mình cũng thế thôi mà. Chắc vì thế mà lượng khách hàng này cũng thường xuyên và đông đảo lắm, dù cho số lượng họ mua không nhiều…”. Các bà buôn ở đây còn nhớ mãi một kỷ niệm, có một bạn sinh viên lần đầu tiên đi tàu Thái Nguyên - Hà Nội và cũng lần đầu thấy “chợ phiên” ngay trên tàu nên mua liền một lúc 5kg dưa chuột với giá 2.000 đồng/kg, tổng cộng hết có 10.000 đồng. “Nhìn cảnh con bé người bé tẹo khệ nệ xách túi dưa mà ai cũng vừa thương vừa buồn cười”, chị Hoa cười và nhớ lại…

Sinh viên thì cũng quen với sự xuất hiện thường trực của “phiên chợ” này rồi nên cứ tới hai ga Phổ Yên, Trung Giã, họ lại kéo nhau xuống các toa chở hàng để “họp chợ”. Lan Anh (ĐH Mỏ - Địa chất) nói: “Mình thích đi tàu chợ vì đúng nghĩa của nó, có “chợ” ngay trên tàu. Mình có thể mua được nhiều loại hoa quả mình thích làm quà cho bạn bè luôn mà giá lại rẻ, phù hợp với túi tiền…”.

Tàu “rẻ” - kỷ niệm của sinh viên… ồn ào, xô bồ và có phần “chợ búa” nhưng những chuyến tàu “chợ” như vậy thường để lại nhiều kỷ niệm trong thời sinh viên của những ai hay đi tàu Thái Nguyên - Hà Nội. Nó không chỉ rất rẻ mà còn chứa đựng nhiều điều thú vị mà những con tàu sang trọng không bao giờ có. Nếu có một lần bạn đi trên con tàu này, hãy thử nghiệm xem những điều tôi nói có đúng không nhé!

 Trần Thị Minh Phương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :