Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Đi tìm cần câu cơm
Chưa bao giờ ở Hà Nội các trung tâm tư vấn việc làm lại phát triển như thời điểm hiện nay. Nhiều trung tâm đã trở thành gạch nối giữa cung và cầu, giải quyết không ít việc làm cho các đối tượng, mà trong đó phần đông là sinh viên...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trung tâm chỉ trao cho người đến tìm việc những lời hứa chắc như đinh đóng cột nhưng thực chất chỉ là một ngọn đuốc cho người đi trong đêm... mưa.

Lời nói... mất tiền mua!

Mai nhớ đi làm đúng giờ em nhé! ”, nghe lời dặn dò ân cần của chị nhân viên trẻ trung, một sinh viên rời bàn phỏng vấn, nét mặt lộ rõ vẻ sung sướng. Đây là hình ảnh quen thuộc trong rất nhiều trung tâm tư vấn việc làm mà chúng tôi đã khảo sát trên đường Láng.

Trong gian phòng rộng chưa đến 50m2 có hai chiếc bàn kê vuông góc, bề bộn giấy tờ, hồ sơ. Đó là nơi làm việc của nhân viên tư vấn. “Các em đến tìm việc à? Vào đây!”. Sau khi ngồi xuống hàng ghế nhựa cao trước mặt, chúng tôi vào ngay vấn đề: “Em muốn đi gia sư, chỗ chị có còn địa chỉ nào không?”. Tiếp chuyện chúng tôi là một cô gái tên là Hằng. Sau một lúc lục sổ sách, chị đưa cho chúng tôi một số địa chỉ nhưng không địa chỉ nào thích hợp. “Đành thôi vậy!”. Tôi đứng dậy, định ra về thì chị Hằng gọi lại: “Tiếc quá. Nhưng em yên tâm đi! Trung tâm của bọn chị liên tục có những địa chỉ mới. Em cứ đăng ký mua hồ sơ, chỉ có 25.000 đồng thôi, khi nào có chị sẽ gọi ngay cho em. Đấy như cậu vừa rồi đấy, cậu ta đăng ký cách đây mới một tuần…”.

Tôi tiếp tục hành trình tìm việc của mình tại một trung tâm khác nằm ở cuối phố Hạ Đình. Sau một vài thủ tục phỏng vấn, tôi lại nhận được một lời hứa “xưa như trái đất”: “Em cứ đăng ký đi, khi nào có việc chị sẽ gọi ngay!”. Nấn ná thêm một chút ở trung tâm này, tôi chứng kiến 3 sinh viên đã bỏ ra 25.000 đồng để đăng ký và sẵn sàng... đợi.

Một cậu sinh viên đến xin việc, sau khi phỏng vấn đứng dậy tươi cười khi được chị nhân viên tư vấn nói với theo: “Mai đi làm đúng giờ em nhé!”. Tôi chợt nhận ra cậu sinh viên đó chính là người mà tôi đã gặp ở một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng. Vẫn một cậu sinh viên đóng vai “đèn xanh, đèn đỏ”, vẫn một câu nói ấy với duy nhất một kịch bản được sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Qua cung cách làm việc của nhân viên tư vấn và thái độ hồ hởi của người đến phỏng vấn thì xem ra trung tâm này có vẻ làm ăn được! Các trung tâm tư vấn việc làm không chỉ phát tài nhờ “cò mồi”, nhờ những lời hứa, mà còn bởi những thủ đoạn móc nối với bên B “ma” để mời sinh viên cần việc làm sa bẫy.

Gặp Dũng (sinh viên năm thứ 2, ĐH Sư phạm Hà Nội) tại quầy bán băng đĩa - nơi cậu đang làm việc theo ca ngày 4 tiếng, tôi đã được nghe kể về hành trình đi tìm việc của cậu. Dũng kể những “kỷ niệm” của mình khi đi xin việc cách đây hơn một tháng. Lần đầu tìm đến trung tâm xin làm gia sư, Dũng đã tưởng vận may sẽ mỉm cười với mình khi cậu đã được bố trí ngay một địa chỉ đi dạy. Một bộ hồ sơ và hợp đồng lao động được ký nhanh chóng. Ngoài lệ phí giao dịch 20.000 đồng như giá ở các trung tâm khác, Dũng phải nộp cho trung tâm 50% tháng lương đầu tiên là 100.000 đồng. Được trung tâm cử người chở đến tận nơi, nhưng bên có nhu cầu gia sư đã từ chối Dũng. Lý do: “Trông cậu trẻ quá mà họ lại cần một ông thầy già dặn!” Theo đúng như hợp đồng, trung tâm không chịu trách nhiệm, và chỉ trả lại cho Dũng 60% số tiền nửa tháng lương. Như vậy, tự nhiên Dũng mất 60.000 đồng.

Chưa nản lòng, Dũng lại tìm đến một trung tâm khác nằm trên đường Trường Chinh. Lần này Dũng xin đi chạy bàn ở quán bar cho hợp với sự “trẻ quá” của mình. Nhưng... “lịch sử” lại lặp lại lần nữa. Sau khi hoàn thành thủ tục cần thiết, Dũng được trở ngay đến điểm hẹn. “Quán bar đó lại từ chối, anh ạ! Biết vì sao không? Vì cái này đây...”. Vừa nói Dũng vừa gỡ cặp kính cận ra khỏi mắt, đưa ra trước mặt tôi với một nụ cười méo xệch. “Học phí cho hai vụ đó là 200.000 đồng đấy. Sau này em mới biết rằng bên B đã từ chối mình là một mối “ma” của trung tâm” - Dũng thở dài, “Trung tâm và nơi làm việc đã móc nối với nhau để lừa những con “gà mờ” như tụi em”. Trong vở kịch đó Dũng vô tình là nhân vật chính mà cả hai trung tâm làm đạo diễn rất thành công với vô số những kẻ sẵn sàng mất một khoản tiền để hy vọng kiếm tiền.

Nơi thả bóng bắt mồi…

Những thủ đoạn của trung tâm không chỉ dừng lại ở đó. Nhiều trung tâm còn chẳng cần liên hệ gì với bên cần tìm việc. Họ chỉ cần tung ra một mạng lưới những vệ tinh đi khắp đường phố ngõ ngách để xăm soi tìm kiếm những nơi có dán tờ rơi cần tuyển người làm. Thăm dò một số yêu cầu cần khi đi làm việc, có khi làm theo cái kiểu “ang áng”. Chính vì thế mà những thông tin về việc làm thường không chính xác. Khi dẫn khách hàng của mình đến chỗ tuyển dụng, nhân viên tư vấn vào trước “rào đón” với chủ hàng mấy câu, sau đấy mới chính thức giới thiệu, và bỏ khách hàng tư vấn lại cho bên cần người theo đúng kiểu “sống chết mặc bay”.

Nhiều người tìm việc khi được dẫn đến chỗ cần việc làm ngỡ ngàng khi thấy những yêu cầu về công việc khác xa những yêu cầu mà nhân viên ở trung tâm cung cấp. Họ không nhận được việc, khi về trung tâm lấy lại phí thì lại chịu mất phần trăm, nhiều khi còn mất cả chì lẫn chài. Có trường hợp, trung tâm còn mời luôn cả nhân viên của bên có nhu cầu tuyển dụng đến để phỏng vấn trực tiếp. Mỗi cuộc phỏng vấn như vậy người tìm việc phải mất hai lần lệ phí. Một cho bên trung tâm, hai cho bên nhân viên của phía cần việc, mỗi bên khoảng 20.000 đồng. Nếu không vượt qua được cuộc phỏng vấn thì những phí đó coi như là tiền “giao dịch” mà người đến tư vấn phải nộp. Nhưng điều đáng nói là cần đặt dấu chấm hỏi đằng sau cái người gọi là nhân viên của công ty nọ, công ty kia khi trực tiếp phỏng vấn? Đó thực chất cũng chỉ là một dạng “phỏng vấn ma” mà thôi!

Tạm kết

Chuyện đi kiếm việc làm thêm đã trở thành lối suy nghĩ phổ biến, là xu hướng tất yếu trong giới sinh viên, nhất là trong thời đại ngày nay. Nó giúp sinh viên kiếm thêm được một khoản thu nhập, tích luỹ thêm được kinh nghiệm, được cọ sát với bên ngoài và nhất là chứng tỏ sự năng động của mình. Tuỳ theo khả năng, các sinh viên thường chọn những công việc thích hợp với ngành học của mình: sinh viên sư phạm thường đi gia sư; sinh viên ngành khoa học - xã hội thì giao báo sáng hoặc phát tờ rơi, phát quà; sinh viên khối kỹ thuật thì đi dán tem, bảo dưỡng bình ga... Và cách tốt nhất, nhanh nhất là nhờ cầu nối từ các trung tâm tư vấn việc làm. Những cái cầu nối đó đôi khi là chiếc “cầu khỉ”, sẵn sàng “hất” họ xuống sông bất cứ lúc nào. Vì thế, câu chuyện tìm việc làm của nhiều sinh viên ở các trung tâm dường như đã thành một “hành trình” không đơn giản. Trong thời gian gần đây, có một số lượng lớn các trung tâm tư vấn việc làm ở Hà Nội do tư nhân tự lập ra. Gọi là trung tâm, nhưng thường chỉ gồm 2 - 3 người thuê một căn phòng nhỏ ở địa điểm thuận lợi. Một người đứng ra làm “trưởng phòng” đi liên hệ quảng cáo, “lăng xê” trung tâm tại các tờ báo hay qua phát tờ rơi, đi liên hệ với bên B - những địa chỉ có việc cần người và còn đảm nhiệm cả việc nghĩ ra các “chiêu thức” làm ăn. Hai người còn lại trực tiếp làm nhân viên tư vấn. Khẩu hiệu được các trung tâm “tung ra” ngắn gọn nhưng đầy hấp dẫn: “Tuyển gấp” hoặc “Đi làm ngay”,…

Các trung tâm phần lớn tập trung ở trên đường Láng, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Trãi, đường Hoàng Quốc Việt, hay trên các phố nhỏ như phố Hạ Đình, phố Quan Nhân... đó là các địa điểm gần các trường đại học.

Nhu cầu làm thêm của sinh viên ngày càng tăng đồng nghĩa với việc các trung tâm có một mảnh đất màu mỡ để khai thác, cơ hội kiếm tiền mở rộng. Thủ đoạn càng nhiều thì số tiền bỏ túi càng tăng lên theo cấp số cộng. Chỉ riêng một phép tính về tiền giao dịch trong một ngày nếu trung tâm lừa được một số lượng “con mồi” kha khá thì số tiền đó không phải là ít. Những trung tâm kiểu như thế đã tự tạo cho mình một việc làm ổn định, thu nhập cao mà không phải đi “đăng ký” qua bất kỳ một địa chỉ trung gian nào. Sinh viên có thể tự kiếm được việc làm mà không cần qua các trung tâm tư vấn việc làm? Điều đó thật khó dù rằng những nơi có việc làm phù hợp với sinh viên không phải là ít. Sinh viên muốn đi làm thêm ngày càng nhiều, những trung tâm tư vấn cũng ngày càng lắm, nhưng hy vọng rằng những sinh viên trở thành “gà mờ” để một số trung tâm lừa sẽ ít đi. Để làm được điều đó cần những biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm soát trung tâm của các cơ quan có thẩm quyền, cần ở sinh viên một sự tỉnh táo khi đi xin việc. Nếu không, đợt này, có khi tôi cũng sẽ “mạnh dạn” thành lập ngay một trung tâm tư vấn việc làm!

 Trần Văn - Nguyễn Hoàng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :