Blog' SV
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Blog' SV  >  
Mùa thực tập: Chuyện sinh viên “tay ngang” sang viết báo
Chỉ 2 tuần lễ ngắn ngủi tiếp xúc thực tế trong môi trường nghề nghiệp hấp dẫn này, họ chợt nhận ra hướng đi và thay đổi quan niệm: Điểm số đẹp cho 4 đơn vị học trình không phải là tất cả...

“Dặm trường ai có qua cầu mới hay…”

Đầu tháng 2, Khoa Văn học bận rộn hơn với kỳ thực tập của sinh viên năm thứ 3 đến gần. Bên cạnh những sinh viên theo đoàn thực tập ở địa phương, các báo thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì cũng không ít bạn hăm hở đi viết báo. Nhưng tiếp xúc thực tế, thấu hiểu “gai mật”, họ sớm nhận ra: Nghề báo không chỉ toàn màu hồng. Thiếu kiến thức báo chí, chưa định hướng rõ ràng, những sinh viên “tay ngang” này gặp không ít khó khăn khi đến toà soạn báo. M.T, nam sinh viên Khoa Văn học nói: “Tuy học chuyên Văn, nhưng tôi không nghĩ sẽ viết văn, hay nghiên cứu khoa học khi tốt nghiệp, vì tự nhận thấy bản thân không đủ khả năng. Định hướng nghề nghiệp tương lai nói chung chưa có con đường nào cụ thể, rõ ràng, mà cũng chưa biết thực tập ở đâu…”. Khi nghe lời “quân sư quạt mo”, M.T quyết định tức thì: Đến toà soạn báo để thực tập cũng hay! Buổi đầu tiên đến toà soạn báo Nông thôn ngày nay, M.T được nhà báo Hoàng Sơn hướng dẫn. Cậu bộc bạch: “Khi tiếp xúc môi trường làm báo, tôi còn chưa biết một chút nào về khái niệm thể loại báo chí, không biết tư duy đề tài ra sao, nên trong suốt quá trình thực tập tôi không làm được gì, dù nhà báo Hoàng Sơn rất tận tình hướng dẫn”. Cùng có tâm trạng thất vọng, chán nản như M.T, nữ sinh viên Đ.H (Khoa Văn học) thực tập tại Đài truyền hình Hà Nội, cũng không sáng sủa gì hơn. Đ.H cho biết: “Đài truyền hình này nhận 2 sinh viên thực tập do Khoa giới thiệu. Tôi được vào trường quay, quan sát những ê kíp thực hiện chương trình. Công việc chỉ có vậy. Tôi rất muốn được làm gì đó, nhưng chỉ sợ làm hỏng việc của anh chị phóng viên. Quanh quẩn chẳng biết làm gì, thôi thì… tiếp trà nước vậy. Bây giờ, chưa biết lấy gì để nộp báo cáo thực tập…”

Là sinh viên Khoa Ngôn ngữ, Nam không theo đoàn điền dã vùng cao, nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, mà ở lại Hà Nội. Thực tập tại báo Nhân dân, có phụ huynh làm biên tập viên, nhưng thành công chưa mỉm cười với Nam. Cậu tâm sự: “3 ngày đầu lên tòa soạn, tôi hầu như không biết làm gì. Phóng viên tất bật với công việc, nên thời gian dành cho sinh viên thực tập không nhiều. Tôi ngồi chơi chán lại đọc báo, rồi lại… chơi games online trong tòa soạn”. Sau gần một tuần lễ “làm quen không khí”, Nam cũng được theo phóng viên đi viết bài ở cơ sở. Chuyến đi về Hưng Yên vẻn vẹn trong 1 ngày, Nam chưa có cơ hội thể hiện năng lực, nhưng cũng thu được một số bài học nhất định. Cậu cho biết: “Tôi được chỉ bảo từ cách phát hiện đề tài, thu thập thông tin, nghệ thuật phỏng vấn ra sao, đến xử lý tư liệu và hoàn thành bài báo. Một quy trình khép kín với những kỹ năng vận dụng trong thực tế, tôi chưa từng được học trước đây…”

Khác với những sinh viên ở lại Hà Nội thực tập, Tuân (Khoa Văn học) đã quyết định về báo Cao Bằng để thử sức. Tuân kể: “Tôi có 2 bài đăng trong 2 tuần thực tập. Thời gian tuy ngắn ngủi, chưa làm được nhiều việc, nhưng qua tiếp xúc trực tiếp với công việc ở toà soạn và được anh chị phóng viên hướng dẫn nhiệt tình, tôi cũng thu được nhiều bài học. Giờ nhìn thấy một bài đăng trên báo, tôi không cảm thấy quá “ngợp” như trước kia nữa. Nó nằm trong tầm tay của mình và không quá phức tạp. Sau khi ra trường, tôi sẽ về quê làm báo, nơi đang thiếu những người trẻ tuổi có trình độ…”. Dù thực tập đạt kết quả cao hay không, những sinh viên trái ngành đi làm báo cũng có được cái nhìn tương đối chân thực về nghề. Sự sàng lọc khắc nghiệt sẽ giúp họ có nên “nếm mật nằm gai” với nghề hấp dẫn này hay không…?

Phía trước là bầu trời

Ai cũng có quyền thử sức ở những ngành nghề hấp dẫn. Nghề báo không phải của riêng ai. Thực tế báo chí Việt Nam cho thấy, không phải nhà báo giỏi, đã thành danh đều được đào tạo chính quy báo chí. Nhưng đối với sinh viên đang học việc, đặc biệt sinh viên “tay ngang” thì khó khăn là ở nghiệp vụ - kỹ năng làm nghề. Môi trường Khoa Văn học hay Khoa Ngôn ngữ học đã xây đắp cho họ lượng kiến thức dồi dào về văn chương, ngôn ngữ, và một phông văn hóa vững chắc (nếu học hành nghiêm túc). Họ thực tập ở toà soạn, bước sang làm báo là chấp nhận thử thách lớn, nơi đòi hỏi họ những kỹ năng, yêu cầu khác xa so với những lý thuyết hàn lâm khoa học được tiếp xúc tại giảng đường. Vì vậy phần lớn sinh viên đều thở dài chán nản sau đợt thực tế không thành công, và kết quả chỉ là xoá bớt cảm giác u u, minh minh về nghề báo thì thật phí.

Tuy vậy, có không ít sinh viên làm được nhiều hơn thế. 20 bài được đăng báo, kết quả rất mĩ mãn của Mạnh Cường (Khoa Văn học) trong 30 ngày thực tập, và gây… choáng cho không ít sinh viên chuyên ngành Báo chí. Cường xin liên hệ thực tập ở báo Bóng đá và cộng tác với trang Web thể thao của VTV - lĩnh vực không mấy liên quan tới văn chương. Cường cho biết: “Tôi đã cộng tác với báo Bóng đá gần được 2 năm rồi, nên đến lúc đi thực tập thì làm việc cũng thuận lợi hơn các bạn khác, cứ thể hiện như những gì mình đã làm trước đây. Có những bài vở cần thận trọng, liên quan tới chuyên môn, tôi luôn hỏi anh chị phóng viên nhằm nâng trình độ bài viết. Cứ hỏi thật nhiều, đó là cách của tôi…”. Cường quan niệm, thực tập không chỉ đơn thuần là… thực tập, mà còn là khoảng thời gian quyết định việc chọn nghề trong tương lai. Sinh viên làm được việc, thể hiện được khả năng của mình ngay khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường sẽ luôn được toà soạn chú ý. Đến khi tốt nghiệp, tìm việc làm sẽ không còn là vấn đề quá khó khăn nữa.

Đối với nghề làm báo, sinh viên Khoa Văn học, Khoa Ngôn ngữ hay bất kỳ khoa nào khác cũng có được những cơ hội chia đều. Qua đợt thực tập ngắn ngủi này có thể thấy, những sinh viên dù “ngoại đạo” hay sinh viên chuyên ngành báo chí chính quy, nếu có ý thức lựa chọn con đường đi rõ ràng của mình; chuẩn bị tư thế cho một kỳ “sát hạch” quan trọng này, thì kết quả thực tập hẳn khả quan hơn rất nhiều…

 Toàn Nguyễn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :