Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Sinh viên với vui buồn chuyện đi thực tế
Năm thứ ba, khi đã qua ngưỡng cửa đại cương, kiến thức chuyên ngành khá hòm hòm... chúng tôi bắt đầu... đi thực tế. Những chuyến đi ấy đã để lại bao chuyện vui buồn và trở thành những ấn tượng khó quên trong quãng đời sinh viên...

1. Khấp khởi trông chờ chuyến đi

Thông thường, những chuyến thực tế dài từ 10 - 15 ngày được khởi hành đúng vào những lúc xét thấy "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" nhất. Đấy là khi vừa hết một kỳ học, chưa môn nào phải thi, thời tiết tốt, giá cả phải chăng, địa điểm hấp dẫn... Trước khi có thông báo chính thức về lịch trình, hầu như mỗi người đều to nhỏ rỉ tai nhau “thông tin ngoài luồng” về chuyến đi, thành viên đi, nhân vật trưởng đoàn, hay kinh phí ăn uống... Mỗi người đều chuẩn bị cho mình một “hầu bao kha khá” bởi “Đi xa, có nhiều cái phải chi, nguồn phát sinh chắc chắn có! Phải chủ động”. (Thảo - K47 Sinh học). Trước một vài tuần, các buổi học ầm ĩ, rôm rả đủ chuyện xoay quanh đề tài thực tế. Đứa bảo “Tao sẽ mua cái này, cái kia", đứa thì: "Mè xững Thiên Hương, tôm chua Huế ngon lắm". Rồi bắt đầu là lên kế hoạch mua sắm, chuẩn bị thứ gì để đến đấy “tiết kiệm tối đa nhất, giá cả sinh viên nhất”. Những kinh nghiệm từ các anh chị khóa trước được khai thác tối đa. Họ nghiễm nhiên trở thành những quân sư quạt mo "ban phát" cho các em bao "chiêu thức" quý giá: nào là cách mua quà cho gia đình, cách "sử dụng hết công suất" theo kiểu sinh viên tại các nhà khách, điểm dừng chân, thậm chí cách đi đứng, giày dép, nói năng hay lời cảnh báo không ôm đồm, tham lam chụp ảnh quay phim... để tránh lãng phí phim và băng hình.

Có thể nói, trong lúc chờ đợi, mọi sự hứng khởi cho chuyến đi như lên đỉnh điểm. Ai cũng chuẩn bị chu đáo cho một chặng hành trình đầy thú vị mà theo họ là "thăm thú, vui chơi”, là “cơ hội để tiêu tiền chính đáng”. Chỉ cần một cuộc họp lớp, lời thông báo, dặn dò... thì alê hấp... sáng mai có thể răm rắp khởi hành. Lần đầu tiên thấy họ không giờ giấc cao su như những cuộc họp, những buổi lên lớp... khiến giảng viên phải chờ dài cổ.

2. Thiết thực hơn cả... thực tế

Năm nay, K47 trường ĐHKHXH&NV tập trung “thương về miền Trung” với những chuyến “hành trình di sản" khá thành công. Khoa Văn CLC thì về Nghệ - Tĩnh nơi đang nhộn nhịp năm du lịch Nghệ An, về nguồn với mộ Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc... ở Hà Tĩnh. Khoa Quốc tế, Đông phương, Báo chí xuyên dọc các tỉnh miền Trung, từ Phong Nha - Kẻ Bàng, nghĩa trang Trường Sơn, cố đô Huế... cho đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... Cũng có khoa về Hà Tây nghiền ngẫm với đình chùa, hoành phi câu đối như Văn học và Hán Nôm, về Cao Bằng như Văn K47... Nhưng dù ở đâu, sau mỗi chuyến thực tế ấy, trong mỗi cáo báo thực tập họ đều rút ra được nhiều điều bổ ích, nhiều kỷ niệm vui, những bài học quý. Và có lẽ, cái đầu tiên buộc họ phải nhìn nhận lại là "gạt ra khỏi đầu hai chữ du lịch” (Cô Minh Thái - trưởng đoàn Khoa Báo). Thực sự mỗi người được một chuyến “công cán” vất vả, vui nhưng thực sự “lăn xả vào thực tế". Vì vậy, mới nảy sinh nên bao chuyện vui buồn, dở cười, dở mếu... suốt dọc chuyến đi.

SV thực tập tại kinh thành Huế

Sau một thời gian dài nghiền ngẫm với cả một kho lý luận ở giảng đường, thư viện... đây chính là lúc họ thể hiện mình khi áp dụng chúng trong chuyến thực tế. Họ chủ động với mọi tình huống khi làm việc, tự sáng tạo mỗi tác phẩm của mình. Đấy có thể xem là những chặng bay đầu tiên trước khi những chú chim đủ lông cánh cứng cáp rời tổ. Minh Đức (K47 Hán Nôm) chia sẻ: “Bọn mình đã làm việc thực sự, không có thời gian nghỉ. Ngày thì đi sưu tầm, in chữ lên giấy gió ở các văn bia, nhà thờ... Tối thì chụm đầu vào, chia nhau dịch nghĩa, phân tích... Trải qua một thời gian dài, nhiều chữ bị mờ hoặc mất nét. Đánh vật với công việc, mệt khủng khiếp nhưng được cái vui. Không tự hào sao được khi lần đầu tiên tự mình sưu tầm, tìm gốc, làm mọi công đoạn... Và tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Chỉ cần một cái gật nhẹ của thầy giáo - những chuyên gia đầu ngành về Hán Nôm là thấy lâng lâng, nhẹ nhõm, bao vất vả tiêu tan hết...".

Ngọc (K47 Đông phương) lại hồ hởi khoe khi phát hiện ra bao điều kỳ diệu ở văn hóa cổ từ phố Nhật, người Nhật, cầu Nhật Bản - Lai Viễn Kiều tại Hội An... dưới con mắt của một sinh viên học chuyên ngành Nhật Bản. Còn Linh (Quốc tế học) lại nhấm nháy cười bởi: "Mình tăng hai cân cơ đấy! ẩm thực miền Trung hợp với mình lắm! Lần đầu tiên mình được nếm những món ăn dân dã, ngon lành như vậy".

Còn K47 Báo, tất cả thầy trò đều cảm thấy rất tuyệt vời bởi một chuyến đi thành công, đầy ý nghĩa. Ngay từ đầu cô Minh Thái đã quán triệt tinh thần: “Đi về đúng lịch trình! Đi thực tế, làm việc chứ không phải chơi. Ai không chấp hành, tự chịu trách nhiệm". Nhờ một trưởng đoàn năng động, nhiệt tình, quan hệ rộng, một phó đoàn có trách nhiệm, cả đoàn tổ chức được nhiều cuộc đối thoại thú vị về các vấn đề nóng nhất với sinh viên Ngữ văn, Báo chí Huế, phóng viên báo Tuổi trẻ, Lao động thường trú tại miền Trung về đồi Vọng Cảnh; với báo Đà Nẵng, báo Thanh niên và Đài Tiếng nói tại miền Trung về phương pháp làm báo hiện đại và trách nhiệm của nhà báo trước thời đại mới; tọa đàm cùng Chủ tịch HĐND thị xã Hội An về vấn đề bảo tồn và phát triển phố cổ...

Với sự nhiệt tình, sáng tạo của tuổi trẻ, với tinh thần trao đổi học hỏi, sinh viên Báo chí đã gây được ấn tượng tốt, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống sau này.

3. Vui buồn chuyện thực tế

Mặc dù vậy, sau mỗi chuyến đi, việc đầu tiên là ngồi lại nhận xét, kiểm điểm và bàn về thành quả thu được. Những chuyện buồn cười, những "sự cố" bất ngờ... bỗng trở thành những "giai thoại" lưu truyền trong giới sinh viên. Đó là những câu hỏi ngớ ngẩn trong buổi đối thoại thể hiện sự thiếu hụt, hớ hênh trong kiến thức thực tế. Một vài chuyện "buồn cười" của lũ con trai lắm chuyện, những câu nói "lỡ miệng", những chặng dừng chân nhốn nháo, đi sai quy định bởi trời tối, lẫn lộn “nam tả, nữ hữu” trong quá trình "giải quyết khâu bí”... Đặc biệt, buồn cười nhất khi chúng tôi đến Đà Nẵng. Cả ngày đi Hội An, Mỹ Sơn về, mệt quá... ngủ quên. Theo lịch trình đúng giờ xe sẽ đưa mọi người đến giao lưu với báo Đà Nẵng, xe nổ máy mà không một bóng người... Thầy giáo, cô giáo phải đi đốc thúc từng phòng, bất kể các "ông hoàng, bà chúa" đang ngon giấc với đủ kiểu tư thế... vội vàng, mắt nhắm mắt mở, lao xuống xe. Lúc đã yên vị, mọi người mới nhìn nhau cười và ôi thôi: "Sao mày mặc áo trái? Đầu mày như quạ ấy? Rồi máy ảnh tao quên trong phòng rồi?"... Thôi thì rạo cả lên... và úm ba la... nhắm mắt lại "để các nàng tự biên tự diễn, chỉnh đốn xiêm y" ngay trên ghế xe... Chỉ khổ chú lái xe tủm tỉm cười, không thể nhắm mắt vì điều kiện "an toàn tuyệt đối" mà gương chiếu hậu thì cứ... sừng sững trước mặt... Thật đáng nhớ!

Còn nhiều, thật nhiều vui buồn quanh chuyện chúng tôi đi thực tế. Ai cũng thấy như mình trưởng thành hơn một ít sau chuyến đi. Lớp thì đoàn kết, gần gũi hơn. Sinh viên phát hiện ra bao điều dí dỏm, tuyệt vời ở giảng viên khi họ bên ngoài giảng đường... Và hơn hết, tự ai cũng thấy được môi trường làm việc thực tế sau này, được ứng dụng bao điều lý luận soi vào thực tế. Học và hành - chuyện tưởng như "biết rồi" mà đi vào thực tiễn mãi vẫn thấy thiếu, thấy chưa đủ, thấy tự mình cần phải cố gắng nhiều hơn mình nghĩ.

 minhtruong - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :