Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Tình nguyện viên ký túc xá
Dưới tán những cây xà cừ cổ thụ, một đội sinh viên tình nguyện “không giống ai”: 100% là sinh viên nội trú được thành lập để giúp đỡ thí sinh. Những giọt mồ hôi của họ kết tinh thành “thương hiệu” tình nguyện viên ký túc xá...

Kế hoạch hè đổi thay

Thông báo của Ban quản lý Ký túc xá được đưa ra vào phút chót trước ngày nghỉ học đã quay ngược 180 độ kế hoạch nghỉ hè của nhiều sinh viên. Trong phòng máy tính của Ký túc xá, chủ đề chính của các dòng yahoo messenger vẫn là… tình nguyện.

Gặp cô bạn trên mạng, câu đầu tiên thay cho lời chào, Tú ở phòng 304 B1 đã "nổ súng liên thanh": "Cậu có đi tình nguyện không? Mười ngày. Được ở ký túc xá miễn phí, được giúp thí sinh tìm chỗ trọ... ý nghĩa lắm?".

Lê Quỳnh (SV K49 Khoa Báo chí) đang thu xếp đồ đạc để về quê thì nghe thông báo tuyển sinh viên tình nguyện của Ký túc xá. Chiếc ba lô đầy áo quần xếp ngăn nắp lại được trút trở ra.

Ký túc xá Mễ Trì ra quân từ 30/6, các đội viên tình nguyện toả đi các bến xe, các điểm thi, các điểm nút giao thông… để tư vấn nhà trọ, chỉ dẫn đường đi, giúp đỡ các thí sinh và phụ huynh.

Mang đặc thù của dân nội trú, các sinh viên phát huy "thế mạnh" của mình là đi tìm nhà trọ. Hơn ai hết, các khu Mễ Trì, Phùng Khoang, Hạ Đình, Triều Khúc… họ đã đi mòn gót chân. Anh em tình nguyện sẵn sàng giúp đỡ các thí sinh và người nhà vào Ký túc xá đăng ký hay tìm nhà trọ rẻ, an toàn và thuận tiện nhất.

22 tình nguyện viên tiếp sức mùa thi của Ký túc xá Mễ Trì hầu hết là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai - những người vừa một, hai năm trước cũng là những thí sinh từ quê ra thành phố thi đại học. Nhiệt huyết tuổi trẻ, sự đồng cảm với những nỗi niềm của các thí sinh ngoại tỉnh đã giúp sinh viên tình nguyện hoạt động một cách hăng say dưới cái nắng hè gay gắt.

Quệt giọt mồ hôi trên má, Vương Ngân Bình (K49 Hoá học, ĐHKHTN) nở nụ cười tươi rói: "Mệt và khát nhưng mình rất vui. Mỗi khi tư vấn được cho một người về đường đi hay tìm nhà trọ, qua ánh mắt, mình biết họ cảm ơn mình nhiều lắm".

Sống trong vòng tay bố mẹ từ nhỏ, hè năm nay, chàng sinh viên năm nhất Trần Nam Trung quyết định tham gia đội quân tình nguyện Ký túc xá để được cùng mọi người rong ruổi trên các tuyến đường. Trung cười: “Mới hoạt động được mấy hôm mà da đen đi trông thấy. Hè này về chắc mẹ lại lo. Nhưng đen thì đen chứ nhằm nhò gì. Năm sau tớ sẽ tiếp tục đăng ký đi tình nguyện".

Nắng bỏng rát, cổ họng khát, mồ hôi mặn chát, niềm vui dào dạt… là những câu văn vần của dân tình nguyện Ký túc xá. Cắn quả mận đỏ au au, giòn tan trong miệng, Lệ Quyên (SV Khoa Quốc tế, ĐHKHXH&NV) háo hức: "11 giờ trưa, bọn mình đang chỉ đường cho thí sinh thì một bác người Thanh Hoá mang hẳn một túi mận to lại biếu và cảm ơn vì tụi mình đã giúp bác tìm nhà trọ. Vui không tả nổi, tranh nhau "đánh" vèo cái đã hết. Lại có thí sinh mang cả một quả dưa to lại mời các anh chị ăn cho đỡ khát”.

Niềm vui nhiều, cạnh tranh cũng lắm

Nhờ có những đội viên tình nguyện ấy mà gần 1000 thí sinh và phụ huynh đã có chỗ ở vừa rẻ lại an toàn, thoáng mát trong Ký túc xá. Bác Nguyễn Văn Thành, ở Hải Dương rít điếu thuốc lào xòng xọc, nhả khói một hơi thật dài cười khà khà: "Thật may mắn khi được các cô các chú ấy chỉ đường cho vào đây, ở hết có 35.000 đồng trong cả đợt thi mà giường chiếu sạch sẽ, phòng thoáng mát, có tủ, có quạt, điện nước đầy đủ. Bà nhà tôi ở quê có nằm mơ cũng không nghĩ là hai bố con ở trên này lại sướng đến thế".

Ngồi giường bên, bác Ngô Văn Thuỵ, ở thị trấn Đông Hưng, Thái Bình thêm vào: "Gớm, nghe nói đến các đội tình nguyện đã nhiều rồi, nhưng các anh chị ấy dẫn đến tận nơi, lại còn cho mượn chiếu, mượn xô chậu để dùng thì quả là cảm ơn hết nhẽ".

Hoạt động tại các điểm thi, các nút giao thông, sinh viên tình nguyện Ký túc xá cũng gặp không ít khó khăn. Hương Giang, lớp Sư phạm Hoá kể: "Một số nhà trọ không đảm bảo được các điều kiện như điện nước, giá lại trên trời nên nhiều bác theo bọn mình về Ký túc xá. Vì thế nên nhiều khi bọn mình phải chịu những lời nói thậm tệ của mấy bà chủ nhà trọ. Cũng có lúc buồn, có lúc cáu lắm, nhưng nghĩ cảnh năm ngoái mình cũng ngơ ngác như các em ấy, bây giờ lại giúp được các em ít nhiều nên vẫn vui vẻ làm việc".

Còn Nguyễn Văn Dũng, hoạt động ở bến xe Hà Đông thì lại gặp phải phản ứng dữ dội từ cánh xe ôm. Thấy các cậu khuyên người nhà thí sinh đi… xe buýt, có người lấy xe đạp, xe máy chở thí sinh về tận Ký túc xá chẳng trách mấy bác tài xe ôm chướng mắt.

"Người hiền thì họ chỉ than bọn mình làm hỏng hết việc của họ, nhưng có những người phản ứng rất gay gắt, thậm chí doạ dẫm xua đuổi bọn mình. Mãi rồi cũng quen, việc ai nấy làm, mình cứ nhịn một chút cho các em được nhờ", Dũng nói.

Không quá đông đảo, không ra quân rầm rộ hoành tráng, không giấy khen, không cộng điểm… họ chỉ hoạt động lặng thầm vì chính dòng máu sinh viên nội trú đang chảy trong mình. Sơn Văn (sinh viên năm thứ nhất Khoa Báo chí) hồ hởi: "Em thấy mình may mắn vì được ở Ký túc xá này nên cũng muốn góp sức mình cho các bạn lần đầu ra Hà Nội có may mắn ấy. Mong sao cho các em có được sức khoẻ tốt. Biết đâu sang năm mình lại gặp lại các em ấy đến nhập học thì còn gì vui hơn nữa".

 Phan Văn Kiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :