Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Người 65 năm làm nghề đánh giầy
Những ai qua con phố Tràng Tiền (Hà Nội) hẳn đã đôi lần bắt gặp hình ảnh người đàn ông lầm lũi ngồi lau chùi những đôi giầy cho khách một cách cẩn trọng. Và có lẽ ở Việt Nam, dường như không có ai gắn bó với “cái nghiệp” đánh giầy lâu như ông! Từ thời Pháp thuộc, lúc đó mới 12 tuổi, ông đã rời bỏ làng quê lên Hà Nội đánh giầy. Và cho đến nay (khi đã bước sang tuổi 77) ông vẫn lặng lẽ ngồi đánh những đôi giầy cho khách để mưu sinh trên con phố Tràng Tiền này. Ông là Nguyễn Văn Bảng, quê Bình Lục - Hà Nam và được gọi là “Bảng hói”.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Người 65 năm làm nghề đánh giầy (pdf)

Tuổi thơ cơ cực…

Nguyễn Văn Bảng sinh năm 1933, tại Bình Lục (Hà Nam). Năm 1945, nạn đói đã cướp đi cả cha lẫn mẹ của cậu. Lúc đó, Bảng mới 12 tuổi phải rời vùng quê nghèo chiêm trũng lên Hà Nội kiếm sống. Khởi đầu, cậu Bảng lang thang xin ăn quanh khu vực Bờ Hồ được một thời gian thì cậu bị đám "đại ca" gom lại cùng với “một lũ” lít nhít đám bạn đồng trang lứa để đi đánh giày trên khắp các ngõ phố. Đội quân “đánh giầy” này tổng cộng có 16 đứa, mỗi đứa được các đại ca phát cho một hòm gỗ đồ nghề, đi lang thang cả ngày, tối về phải nộp tiền tô.

Ông kể, hồi đó vào năm 1945, ở Hà Nội chỉ có mấy ông Tây mới có giầy đi, chủ yếu là hai loại: giày mõm ngoé và bốt nhà binh. Loại bốt nhà binh ấy nếu giờ đem ra cân với mấy đôi bốt của các bà, các chị vẫn hay diện mùa đông thì không chắc có nặng hơn không, nhưng ngày ấy trong tay một đứa trẻ 12 tuổi như ông thì đúng như... đôi tạ. Mỗi đôi giầy cậu được 3 đồng tiền Đông Dương và một ngày cậu bé Bảng phải nộp “tiền hồ” cho “đại ca” ở phố Tràng Tiền là 30 đồng. Với mức tiền hồ nặng nề, cái đói luôn thường trực đối với cậu cũng như của tất cả đám trẻ đánh giầy khác. Không dừng lại ở đó, nhiều khi gặp phải lính Tây đi loại giày khủng bố nhìn thấy là ông hãi hùng, đánh xong mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, mà lâu lâu lại bị quỵt tiền, bị ăn đá đít bằng đúng đôi giày mình vừa đánh bóng.

Năm 1954, người Pháp bại trận phải rút lui nhưng họ “không quên” mang theo những đôi giầy da ở phố Tràng Tiền về bản địa. Cũng vào thời điểm đó, ở Hà Nội không còn mấy người đi giầy tây mà được thay bằng nhưng đôi dép cao su; vả lại nếu ai may mắn có được đôi giầy thì họ lấy đâu ra tiền để mà nghĩ đến việc đánh giầy trong khi miếng ăn còn mong từng ngày. Lúc này, ông lại rơi vào tình cảnh khó khăn trong nghiệp mưu sinh kiếm sống. Và rồi, ông đã đập bỏ thùng đồ nghề vốn đã “gắn bó” với ông gần 10 năm qua. Bỏ nghề đánh giầy, ông quay về quê lấy vợ, sinh một lèo được 4 người con. Song cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi ông đằng đẵng rồi ông lại phải khăn gói lên đường lang thang làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống qua ngày. Ông kể, tôi đã từng “cháy lưng” đi làm đường ở tận miền Nam và có lần hút chết với những “bưởng vàng” ở tận Gia Lai… Hơn 30 năm ông đã “từ bỏ” nghề đánh giầy, nhưng rút cuộc ông vẫn tay trắng, nghèo vẫn hoàn nghèo!. Để rồi, ông rút ra cho mình một bài học xương máu: với ông, chỉ có đánh giầy là không cần vốn mà vẫn kiếm đủ miếng ăn qua ngày!

Đến năm 1986, ông chính thức “tái xuất” nghề cho tới tận hôm nay.

Hạnh phúc với nghề mình đã chọn

Ai đã từng một lần được ông Bảng đánh giầy hẳn sẽ rất mãn nguyện, song cũng rất ngỡ ngàng ở chỗ, không giống như những đứa trẻ khác là phải rảo bước trên khắp các ngõ phố tìm khách, đằng này, ông chỉ ngồi đúng một chỗ mà khách vẫn cứ kéo đến ùn ùn. Chỗ ngồi quen thuộc gắn bó mấy chục năm nay của ông là dưới gốc cây sấu (cạnh cổng Trung tâm văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền). Và tại con phố Tràng Tiền này, ông là người duy nhất ngồi chiếm vỉa hè nhưng không bị cảnh sát khu vực thu đồ lần nào.

Điều ấn tượng của khách ở chỗ ông chuẩn bị “đồ nghề” rất công phu. Ông đánh một đôi giày bằng 4 loại bàn chải, một tấm dạ và một miếng mút. Đầu tiên là dùng cái bàn chải to nhất, chải sơ qua toàn bộ chiếc giầy cho rơi rụng hết đất cát bám trên giầy. Sau khi đã vệ sinh xong, ông bắt đầu quét một lượt xi bằng chiếc bàn chải đánh răng, vào từng kẽ giày Khi quét một lượt, ông Bảng đánh sơ qua và lại phủ lượt xi thứ hai trên toàn bộ chiếc giầy bằng một chiếc bàn chải nhỏ. Sau lượt xi này, chiếc giầy lại tiếp tục được đánh bóng trước khi được chuyển qua chiếc bàn chải cuối cùng. Thường ở chỗ này, lũ trẻ đánh giày bây giờ chỉ dùng loại xi nước rẻ tiền quét dối lên cho xong, nhưng ông thì vẫn cứ phải là xi hộp. Tiếp nữa là một cái bàn chải khác để đánh xi lên phần da chính và cái bàn chải cuối cùng cũng khá to được ông dùng để chà đi chà lại nhiều lần cho đến khi chiếc giầy bóng lộn mới thôi. Bước cuối cùng ông lại dùng miếng mút dùng để chà, và cuối cùng trước khi trao cho khách, ông còn cẩn thận dùng mút phủi lại lần cuối, loại bỏ hoàn toàn những hạt bụi còn vướng bám lại trên giày. Thời gian mà ông đánh xong một đôi giầy mất ít nhất là 20 phút, những đôi giầy bẩn hoặc khó đánh như đôi bốt của phụ nữ thì có khi mất cả tiếng đồng hồ mới xong.

Điều đặc biệt khác, ông không phải đi tìm khách mà ngược lại khách tự tìm đến với ông, ngày nào cũng vài ba chục người. Cho dù có nhiều khách đến nhờ ông “trang điểm” cho đôi giầy của họ, nhưng ông vẫn không tự cho phép mình “ăn bớt” công đoạn. Nếu khách đến đông thì phải chờ hoặc gửi lại, ông hẹn thời gian rồi ra lấy. Quanh chỗ ông ngồi lúc nào cũng có 5- 6 cái túi nilon to, bên trong đựng hàng chục đôi giày chờ đến lượt. Đấy là giày của các công chức, viên chức làm việc trên phố Tràng Tiền và những người dân ở các phố lân cận gửi tới. Thường họ gom chung dăm - bảy đôi lại với nhau rồi cử một người mang ra, cuối giờ làm việc quay lại lấy. Đấy là chưa kể đến những khách đợi lấy ngay, hầu như lúc nào cũng có đôi ba người ngồi chờ đến lượt được ông phục vụ. Nhiều người đánh giày chỗ ông có thói quen giống như...cắt tóc, họ đến lỡ không gặp ông (vì lý do ốm đau hay mưa gió) thì về, mai lại đến chứ nhất định không đánh giày nơi khác.

Ông tâm sự: Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7h30 sáng. vạn bất đắc dĩ tôi mới dám nghỉ một ngày. Khoảng 10 năm về trước, lượng khách tìm đến tôi rất đông. Bình quân mỗi ngày tôi kiếm được từ 300 - 400 ngàn đồng. Không chỉ có đánh giầy mà tôi còn nhận làm mới cả áo da. Nhưng vài năm trở lại đây, số trẻ em hành nghề đánh giầy rất đông nên lượng khách giảm đi. Nay, mỗi ngày tôi kiếm khoảng 80 - 150 ngàn đồng. Tuy số lượng khách có giảm đi song tôi làm việc không hẳn phải vì tiền mà vì uy tín, vì cái thương hiệu Bảng “hói” của mình.

Chia tay chúng tôi, giọng ông trầm xuống: “Đối với tôi, đánh giầy không phải là nghề đem lại nhiều tiền bạc và một cuộc sống dư dả. Thế nhưng, trong các nghề mà tôi đã chọn, trải qua và gắn bó, nghề đánh giầy cho tôi nhiều kỷ niệm nhất và cũng đem lại cho tôi nhiều thứ nhất…”. Có những điều mà tôi không thể lý giải được cặn kẽ nhưng đã giúp tôi hiểu biết, trân trọng giá trị cuộc sống và dành tình cảm cho mọi người xung quanh. Tôi hỏi tiếp: Sao già rồi ông không về quê cho con cháu chăm sóc, ông bảo: "Giờ vẫn cảm thấy sức khoẻ bình thường tội gì mà nghỉ cho sinh bệnh. Trời còn cho sức khỏe tôi còn gắn bó với nghề. Với lại ở phố phường cũng quen rồi, từ năm lên 12 tuổi, tôi cố gắng làm việc đến khi nào mệt thì tính chuyện về quê".

 

 Ngô Xuân - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :