Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Lễ Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn
Giáo sư Trần Văn Giàu nhớ lại, ngay cuối buổi lễ Độc lập ngày ấy, thực dân Pháp từ trên các lầu cao đã bắn lén vào các đoàn tuần hành, làm 47 đồng bào chết và bị thương. Tuy nhiên lực lượng cách mạng của ta rất kiềm chế, chỉ tạm giữ những kẻ tình nghi, không có bất cứ hành động đánh đập hay trả thù nào, kiên quyết không gây bạo loạn để kẻ thù lấy cớ đẩy thành cuộc binh biến, không có lợi cho tình thế cách mạng lúc bấy giờ.

Hơn 80 năm mới có một ngày
Vào thời điểm 2/9/1945 người Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, GS. Trần Văn Giàu, người trước đó vài hôm, vào ngày 25/8/1945, ông và các đồng chí đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
Ngày 31/8/1945, Trần Văn Giàu nhận được điện từ Trung ương cho biết vào lúc 2 giờ chiều ngày 2/9, tại Hà Nội, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Thế là Ủy ban Hành chính Lâm thời (UBHCLT) Nam Bộ quyết định tổ chức lễ Độc lập tại Sài Gòn vào đúng thời điểm đó để trực tiếp nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Lãnh đạo Ủy ban hội ý nhanh và phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt UBHCLT Nam Bộ phát biểu trước đồng bào. Đây là vấn đề đột xuất hệ trọng nhưng chỉ sau vài phút suy nghĩ, ông Trần Văn Giàu ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu bài diễn văn trước hàng triệu người dân thành phố lúc bấy giờ.
Vậy là chỉ sau hơn một ngày chuẩn bị, UBHCLT Nam Bộ đã tổ chức được một cuộc mít tinh, diễu hành lớn chưa từng thấy ở Sài Gòn thời gian trước đó. Hàng triệu người dân thành phố và các địa phương lân cận đã tập trung nhiều giờ trên đại lộ Cộng Hoà (nay là đường Lê Duẩn) để chờ giờ khai lễ. Cả thành phố tràn ngập màu cờ cách mạng và các khẩu hiệu “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Độc lập hay là chết”, “Đả đảo thực dân Pháp”... viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga.
Một sự cố hy hữu đã xảy ra. Thời điểm khai mạc lễ Độc lập ở Hà Nội đã trôi qua 30 phút mà Sài Gòn vẫn không bắt được tín hiệu radio vì thời tiết hôm ấy quá xấu, phương tiện kỹ thuật lạc hậu.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, nhiều tờ báo ở Sài Gòn đăng toàn văn hoặc trích đăng bài phát biểu của ông, trong đó có đoạn như: “Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... Việt Nam đang tiến bước trên con đường sống”.
Nhưng có lẽ điều mà mọi người quan tâm lúc này không chỉ là niềm vui chiến thắng, niềm kiêu hãnh là công dân của một nước có tự do, độc lập, mà cần phải tỉnh táo, khôn ngoan và cương quyết đối phó với âm mưu xảo quyết của kẻ thù, một khi chúng chưa chịu rút toàn bộ tàn quân khỏi miền Nam Việt Nam. Có lẽ vì thế mà người đại diện cho nhân dân Sài Gòn lúc bấy giờ đã đọc lời tuyên thệ sắt đá, bày tỏ ý chí, quyết tâm của người dân “Thành đồng Tổ quốc” với những lời lẽ đanh thép, bốn không: 1/ Không đi lính cho Pháp; 2/ Không làm việc cho Pháp; 3/ Không bán lương thực cho Pháp; 4/ Không dẫn đường cho Pháp!
Tiến tới! Vì độc lập tự do
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn cách đây 67 năm, cố GS.Trần Văn Giàu, người trực tiếp chỉ đạo và diễn thuyết tại Sài Gòn ngày ấy cho rằng, khát vọng độc lập suốt gần 100 năm đã làm cho cả triệu người dân nước Việt Nam kết thành một khối thống nhất, vừa hừng hực khí thế của niềm vui chiến thắng, vừa kiên quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho nền độc lập tự do của đất nước, dân tộc, vì “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”. GS. Trần Văn Giàu
Ngay tại buổi lễ Độc lập ấy, ông Trần Văn Giàu hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân - ra mặt hay giấu mặt - trở lại không?”. Thế là cả triệu người đồng thanh hô vang: “Không! Không! Không!” khắp một góc trời Nam.
Cuối buổi lễ Độc lập, thực dân Pháp đã gây hấn, cố tình khiêu khích trắng trợn hơn những ngày sau đấy. Lịch sử bao giờ cũng tiến triển theo quy luật của nó. Việc gì đến, ắt đến. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Độc lập, nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược trên cả nước dưới sự lãnh đạo của UBHCLT Nam Bộ. Vậy là “niềm vui ngắn chưa tầy gang” (Nguyễn Du), người dân trên một nửa đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến mới theo tiếng gọi thiêng liêng của vị cha già dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ dân chủ cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước”. Do đó, ông khuyên đồng bào hãy đề cao cảnh giác: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quí của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”... “Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng ký kết với Cộng hòa Pháp những hiệp ước cộng tác về kinh tế, về văn hóa, luôn về binh bị nữa, nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi. Nhược bằng trái lại, các người kể chúng tôi như tôi mọi thì liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề chết (chứ) không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào”.
Thay mặt hàng triệu người dân Nam bộ, ông nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”... “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.
Sau bài diễn văn ứng khẩu của Chủ tịch UBHCLT Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuyên thệ “cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”.

 Thu Giang - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   |