Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Sĩ tử “chê” phố ở làng
Vào thời điểm này năm ngoái, các sĩ tử đã rậm rịch ôn thi đợt 2 (từ sau tết). Nhưng xem ra sức nóng của các lò luyện thi năm nay đã giảm rất nhiều...

10h sáng, lớp Sử Việt Nam của thầy Lân (Trung tâm luyện thi 32 Tạ Quang Bửu) lao xao tiếng cười của thầy lẫn trò. Lớp học 15m2, 30 chỗ ngồi những chỉ có 12 học sinh. 15 chiếc bàn cho 12 học sinh thay vì 1 chiếc bàn cho 4 người ngồi. Quá rộng và thoáng đãng để mỗi người độc chiếm cho mình một vị trí mong muốn. Không còn cảnh đến muộn phải đứng nghe giảng.

Một chiếc quạt trần, hai chiếc quạt treo tường vẫn nhịp nhàng vòng quay xua tan cái nóng đầu hè. Hết cảnh học sinh một tay chép bài một tay quạt phành phạch. Mặt chẳng kịp ngẩng lên nhìn thầy. Thầy bớt mệt vì phải cố tăng âm lượng hết cỡ trong những chiếc micrô tậm tịt, hoạt động quá công suất hay yếu pin. Chỉ cần âm lượng vừa phải, truyền cảm đủ khiến lũ học trò ngồi dưới gật gù sung sướng. Cả thầy, cả trò, cả những chiếc quạt, cả phòng học… được "giảm tải".

Lò luyện bị… giải toả

Dọc khu trung tâm luyện thi trên đường Tạ Quang Bửu, các tấm bảng thông tin luyện thi đua chen san sát đã vắng bóng đi nhiều. Một số cơ sở luyện thi mới toanh bung ra mấy năm trước nay đã dẹp tiệm. Chỉ còn vài trung tâm cao tuổi có uy tín trụ hạng lại. Trước cửa mấy lớp học lưa thưa chục chiếc xe máy biển Hà Nội và vài hàng xe đạp ngay ngắn. Mọi năm riêng chuyện lo chỗ giữ xe cũng nan giải. Thiếu chỗ để, xe cộ xếp ngổn ngang, dựng tràn ra đường. Người ta cũng miễn phí luôn tiền gửi xe, có lẽ vì "không bõ" hay để câu kéo trước chính sách tiết kiệm của học sinh.

Vào mùa ôn thi nhưng cái ngõ bé xíu khu luyện thi cổng phụ trường Đ
HKHXH&NV đã giảm thiểu cảnh tắc đường. Nhiều năm trước sinh viên của trường vẫn phải tranh chấp, chen lấn từng mét vuông đường với các cô, cậu học sinh cấp III, lớp 13 ùn ùn tiến vào mấy lò luyện. Thay vì bị những chiếc lưng chen chúc, bò dài ra bàn đập vào mắt khi "chẳng may" ngó vào mấy nhà ven đường là những hàng máy vi tính, những tủ kính bày đồ lưu niệm lấp lánh. Mấy lò luyện ế ẩm đã tự dẹp và thay đổi phương thức làm ăn. Lấp vào những phòng học trống bàn ghế là những quán Internet, cửa hàng lưu niệm. Có 3 quán Internet và 1 cửa hàng đồ lưu niệm thế chỗ.

Vòng qua trung tâm luyện thi ở tập thể Đại học Sư phạm cũng chỉ thấy vài ba chiếc bàn, tấm bảng ghi thời khoá biểu đầu dãy. 3 giờ 30 phút chiều, nhưng dãy bàn tuyển sinh vắng tanh. Hàng tập lịch học chất đống trên bàn chờ chủ nhân thức giấc ngủ trưa. Hầu hết chúng đã bị phủ lên một lớp khói bụi của đường phố Hà Nội. Có lẽ do chúng nằm ở vị trí đó hơi lâu.

Tiến vào cửa trung tâm thứ ba, gọi mãi, tôi mới thấy bà chủ xuất hiện. Chị Hương đón tiếp tôi trong một bộ mặt ngái ngủ. Mặc dù bị đánh thức giấc ngủ trưa “hơi thô bạo” nhưng chị vẫn đón tiếp tôi vui vẻ. Mọi thắc mắc đều được giải đáp hết sức nhiệt tình. Từ chuyện thầy, cô, môn học, đến chuyện học phí, giờ giấc. Chị còn tư vấn miễn phí nên học thầy, cô nào khi tôi bày tỏ nhã ý đăng ký ôn một lớp khối C. Để trấn át nỗi lo lắng của tôi về sự chật chội, đông đúc của các phòng học, chị Hương quảng cáo ngay về lớp học tại hội trường của Đại học Sư phạm có tới 200 chỗ song hiện tại chỉ có 40 học sinh. Tôi có thể chọn thầy, chuyển lớp miễn không trùng giờ. Chị cho biết năm nay các lớp khá vắng vẻ, chỗ ngồi thoải mái không phải lo như mọi năm. Từ hồi tết ra trung tâm của chị mới có khoảng 100 học sinh đăng ký.

Ôn tại gia trở thành sự lựa chọn

Gặp anh Tuấn tại quán cóc ven đường Tạ Quang Bửu, anh đang dò hỏi địa điểm để thi thử đại học. Anh cho biết, anh đã đi xe máy gần 30km từ Hưng Yên sang để đăng ký cho cô em gái. Được sự giới thiệu của bà chủ quán nước, tôi theo chân anh vào đăng ký thi thử tại trung tâm Tô Hoàng, một trong những trung tâm được coi là khá uy tín tại đây. Thủ tục thi thử nhanh gọn đến không ngờ, có 3 khối thi: A, B, D. Mỗi môn 10.000đ, trong 2 ngày 30/4 và 1/5. Có khách đến đăng ký, chị coi cửa hàng vui như bắt được vàng. Khi được hỏi, chị cho biết năm nay giảm hơn rất nhiều so với mọi năm. Nguyên nhân là số học sinh ôn thi giảm cho nên số học sinh đăng ký chủ yếu là ở trong địa bàn Hà Nội.

Một thực tế, xu hướng ôn thi tại gia bắt đầu các sĩ tử sự lựa chọn. Anh Tuấn, cũng cho biết thêm, dù đã thuyết phục em gái lên Hà Nội ôn nhưng cô bé nhất định không chịu, với lý do “Kiến thức ở đâu cũng vậy, vấn đề là phương pháp học như thế nào". Với những cải cách của Bộ Giáo dục & Đào tạo về thi đại học: đề thi chung, kiến thức thi là kiến thức cơ bản được học trong tất cả các trường. Chia sẻ với quan điểm đó, thầy Quang (giáo viên Toán cấp III, Hải Dương) cũng cho rằng: “Ôn ở đâu không thành vấn đề, quan trọng là mình tự học như thế nào". Lớp ôn thi đại học của thầy tại tỉnh nhà luôn có tỷ lệ học sinh đỗ cao. Chính vì vậy lượng học sinh tham gia ôn luyện ngày càng đông đảo.

Nhiều bạn ở tỉnh xa cảm thấy ngại sự chật chội, thiếu thốn đủ thứ khi về Hà Nội luyện thi. Năm nay, Thuỳ Trang (Lào Cai), một "thành viên mới của lớp 13" quyết định ôn ở tỉnh mình vì năm ngoái cô cũng về ôn tận Hà Nội song kết quả không được như mong đợi. Ước mơ thành sinh viên Đại học Tài chính Kế toán tan tành mặc dù Trang học rất khá. Trong khi cô bạn thân ôn tại trường ở Lào Cai đỗ Đại học Ngoại thương với số điểm cao chót vót (29 điểm). Ôn ở nhà lại được bố mẹ quan tâm chăm sóc thích hơn nhiều.

Thêm một lý do nữa khiến các lò luyện thi ở Hà Nội năm nay bị "nguội", theo anh Bình (chủ một trung tâm luyện thi trên Tạ Quang Bửu), năm nay nhiều thầy cô còn về các tỉnh để mở lớp nên hạn chế phần nào việc học sinh lặn lội tận Hà Nội học cho khổ, tốn kém tiền ăn ở, đi lại. Mọi sự đã ít nhiều thay đổi. Thầy bắt đầu tìm tới trò. Trò bớt vất vả hơn khi cứ phải chạy theo thầy khắp nơi. Mùa luyện thi giảm căng thẳng. Hy vọng vì thế mùa thi năm nay Hà Nội cũng sẽ bớt "nóng" hơn.

 Trần Thảo - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :