Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Nguyễn Du: Nhà thơ yêu nước
Hơn hai trăm năm trôi qua, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước đã từng khẳng định và ngợi ca không tiếc lời trước thiên tài sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du...

Ngày nay, chẳng dễ dàng nếu muốn nói thêm được một điều gì đó mới mẻ xung quanh sáng tác của nhà thơ.

Rõ ràng là nếu như Truyện Kiều được hết lòng ngưỡng mộ và có sức sống trong lòng nhân dân đã bao năm tháng, thì phần thơ chữ Hán - phần phản ánh khá đầy đủ tâm hồn Nguyễn Du một cách sâu sắc mà chúng tôi đề cập dưới đây chỉ là một phương diện trong muôn màu tâm trạng của nhà thơ.

Bài này, người viết không đi sâu vào thế giới quan của thi hào, mà chỉ muốn nghiên cứu một chủ đề quan trọng trong sự nghiệp đồ sộ của ông. Đó là tâm trạng yêu nước và ý thức dân tộc trong thơ chữ Hán qua các tác phẩm cụ thể: “Thanh hiên thi tập”: 78 bài; “Nam trung tạp ngâm”: 40 bài; “Bắc hành tạp lục”: 131 bài (Tư liệu: dựa theo cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Hà Nội, 1965. Để nắm được ý chính của nguyên tác, người viết và trích nguyên văn bản dịch nghĩa).

Có thể nói đây là ba tập nhật ký liền mạch kéo dài khá đầy đủ gần 30 năm, kể từ “mười năm gió bụi” (Đề mục lớn trong Thanh hiên thi tập - xem Lời giới thiệu của giáo sư Trương Chính) (1786 đến 1795), rồi tiếp tục viết đến lúc giã từ cõi đời vào năm 1820. Nếu xem kỹ, ngày nay bạn đọc có thể hiểu được hoàn chỉnh con người và cuộc sống của Nguyễn Du về thế giới quan cũng như quan điểm thẩm mỹ. Dưới ngòi bút của tác giả, tuy là cảm xúc tức thời, song đối tượng phản ánh thật phong phú, sinh động, muôn hình muôn vẻ.

Đặc điểm nổi bật đầu tiên là về mặt đối tượng sáng tác. Nhà thơ không viết theo khuôn mẫu đề tài định sẵn, mà dòng cảm xúc tuôn trào đến đâu thì phóng bút đến đấy. Vui buồn, yêu thương, căm giận, ưu tư, ham muốn... tức thời đan xen. Suy nghĩ của nhà thơ không phải thể hiện theo những công thức giáo điều đương thời. Ông cũng chẳng hề viết theo đơn đặt hàng, càng không lệ thuộc vào các cuộc thi thố văn chương định kỳ có thưởng như ngày nay. Nếu như hồi thế kỷ XVIII - XIX, phần nhiều nhà thơ, nhà văn ở ta, tuy chưa bao giờ đặt chân lên đất Trung Hoa, nhưng thường vẫn nghiêng về ngâm vịnh sơn thuỷ, phong hoa, tuyết nguyệt theo kiểu nước người với bút pháp ước lệ, tượng trưng... thì ở Nguyễn Du lại có nét bút khác biết là chẳng phụ thuộc vào các mô hình truyền thống, mà chỉ ghi chép hiện thực tâm trạng bằng thơ những gì được nảy sinh từ đáy lòng mình qua từng bước nếm trải cuộc sống đời thường. Đó là nhật ký bằng chữ Hán.

Thật sẽ không sợ quá lời rằng, Nguyễn Du là một bậc “thánh thi”. Dường như mỗi bước đi, mỗi góc nhìn là có thể cầm bút viết nên một bài thơ tứ tuyệt, hoặc một bài thất ngôn đầy cảm xúc như lời đối thoại tâm tình với chính mình hoặc với thế giới bên ngoài, lúc bằng chữ Hán, lúc bằng chữ Nôm trước vô vàn chuyện cảnh, chuyện người trong biến đổi linh hoạt giữa dòng đời cuộn chảy.

Với một khối lượng kiến thức uyên bác, mênh mông, đầy nhạy cảm, qua các nhân vật văn hoá, lịch sử... của Việt Nam lẫn Trung Hoa, nhà thơ muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình về thời cuộc trên các nẻo đường đã trải qua. Đây cũng là một phong cách quen thuộc của không ít nhà nho xưa kia ở nước ta thường lấy điển tích trong sách vở tận bên Tàu để làm dẫn chứng sáng tỏ cho mọi vấn đề.

Cùng với chủ nghĩa nhân đạo, Nguyễn Du còn bộc lộ rõ tâm trạng yêu nước qua các bài thơ chữ Hán. Cụ thể là chùm thơ viết liền mạch 4 bài trong “Bắc hành tạp lục” được viết vào năm 1813 trên đường đi sứ: “Trấn nam quan”; “Quỷ môn quan”; “Giáp Thành Mã Phục Ba miếu” (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành); “Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu” (Đề miếu Mã Phục Ba ở Đại Than). Đã từ lâu, chùm thơ này, chưa một lần được chú ý đến trong hệ thống sáng tác của thi hào. Trước hết, hãy đọc bài “Trấn nam quan”:

Việc cũ đời Lý Trần xa xôi khó tìm biết,

Trải qua ba trăm năm cho đến nay.

Bức thành lẻ loi này phân chia hai nước,

Một cửa ải hùng vĩ đứng trần giữa lòng muôn ngọn núi.

(Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm)

Ở nơi hẻo lánh thường vì nghe lời đồn đại mà hiểu lầm,

Gần trời mới biết mưa móc thấm sâu.

Quay đầu trông về cửa khuyết ở ngoài tầm mây biếc,

Bên tai còn vẳng tiếng nhạc quân thiều”.

(Phạm Khắc Khoan và Ngô Ngọc Can dịch)

Trần nam quan” được nhà thơ khắc họa như lời khẳng định thêm một lần nữa biên cương của Tổ quốc từng được thiết lập bao đời giữa lưỡng quốc và hùng trấn một phương giữa điệp trùng núi non phân cách. Quả thật “nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm” là một bức tranh ngời sáng, hùng vĩ, đầy nét tạo hình cho người đọc nhớ đến âm thanh hào sảng từ bài thơ thần thời Lý Thường Kiệt (1076) hơn 700 năm về trước:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...”.

Và như đâu đây vẫn còn vang lên âm điệu mạnh mẽ của bản tuyên ngôn độc lập dân tộc “Đại cáo bình ngô” sau chiến thắng quân Minh: “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương...”.

Không phải tình cờ mà bài “Trấn nam quan” xuất hiện cùng thời gian với bài “Quỷ môn quan”. Có thể làm một sự so sánh với chùm thơ được viết trước đây trong hành trình thứ nhất đến Lạng Sơn nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long vào năm 1830 - tác giả đã sáng tác bài “Quỷ môn quan đạo trung” cùng 4 bài khác: “Lạng Sơn đạo trung”, “Vọng phu thạc”, “Đệ nhị Thanh động”, “Xuân tiêu lữ thứ”.

Quả là chùm thơ năm bài trên được xếp trong tập “Nam trung tạp ngâm” chỉ dừng lại ở cảm xúc trữ tình cá nhân trước thiên nhiên đầy ấn tượng chốn biên thuỳ hai nước Việt Trung, giống như các cảm xúc thường gặp mỗi khi nhà thơ đứng trước phong thuỷ hữu tình, mây trời tươi đẹp, nhất là trên quê hương Hồng Lĩnh, Lam Giang và dãy Hoành Sơn trùng điệp. Hơn nữa, tuy là đi sứ lần đầu, nhưng ở thời kỳ này tâm trạng nhà thơ đang buồn chán đến “nước mắt thấm khăn” trước nỗi đời đa đoan cũng như sự nghiệp chung ngổn ngang gò đống. Bây giờ, đúng lúc ông mới “lơ láo” (Lơ láo: tiếng Nghệ gần nghĩa ngơ ngác qua câu Kiều: “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?”) vào trốn quan trường của triều đình Gia Long vừa bước đầu xây dựng, và có lẽ, lòng dạ cũng trăm mối, nên ông chưa thể hòa nhập được với niềm vui thời cuộc mà chỉ muốn về quê (Trong bài “Lạng Sơn đạo trung” được viết ở thời kỳ tiếp sứ giả nhà Thanh (1803) có câu: “Mộng trung tùng cúc ức quy dư” (Trong mộng thấy tùng cúc lại nhớ đến chuyện muốn về). Nỗi bâng khuâng giữa dòng đời được bộc lộ rõ trong bài “Xuân tiêu lữ thứ” (Đêm xuân lữ thứ):

“... Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không nghĩ đến chuyện rong ruổi,

Trên đường danh lợi, buồn hay vui cũng không được tự nhiên.

Người thì tiều tuỵ, nhưng xuân vẫn đẹp,

Đứng dưới Đoàn thành (6), nước mắt thấm khăn”. (Đoàn thành: tên khắc của thành Lạng Sơn thời bấy giờ).

Khác hẳn bài “Quỷ môn đạo trung” viết mười năm về trước, trong chuyến đi sứ lần thứ hai, hình ảnh Quỷ môn quan lại hiện ra dưới tầm mắt nhà thơ - sứ giả một điểm nhìn mới với một sự tự ý thức đậm nét về “phương diện quốc gia” trong vai trò đại diện Việt Nam. Thật không phải ngẫu nhiên, tác giả lại tưởng nhớ về chuyện xưa với cảm xúc sử thi. Đúng là vị tướng quân nhà Hán từ năm 40 đã đánh chiếm đất Giao Chỉ, đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mà mỗi người dân nước ta đều không thể nào quên câu ca về thuở ấy:

Uy danh động đến Bắc phương,

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công...”

và tất nhiên Hán tướng quân phải đi qua cửa ải Quỷ môn.

Bởi thế nên khi tới cửa ải hiểm trở này, Nguyễn Du đã gọi đích danh Mã Viện để bình phẩm về viên tướng xâm lược, đồng thời chính trên mảnh đất lịch sử này, ý thức tự cường dân tộc của nhà thơ được thể hiện rành rành qua hai câu thơ đầu:

Núi liên tiếp cao vút tận mây xanh,

Nam - Bắc chia ranh giới nơi này”.

Đây là lời khẳng định lại lần nữa biên cương Tổ quốc có tự bao đời. Tiếp đến hai câu thực, tác giả xoáy sâu vào tấm bi kịch lịch sử mà chính tướng Phục Ba đã gây nên trong cuộc chiến tàn bạo đẫm máu:

Chốn này có tiếng nguy hiểm như thế,

Thương thay biết bao người vẫn phải đi về!”

Nguyên văn chữ Hán:

Khả liên vô số khứ lai nhân”

Nhà thơ không ngần ngại nhắc lại ý câu thơ cổ “khứ lai nhân” nói lên tình trạng nguy hiểm chết chóc đối với binh lính và dân binh phương Bắc thời xưa phải tham dự các cuộc chiến tranh xâm lược nước Việt. Câu thơ cổ như một lời nguyền vang vọng đầy cảnh báo:

Quỷ môn quan! Quỷ môn quan!

Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Mười người đi, một người về!) để rồi từ đó rút ra lời đánh giá sắc bén:

Từ xưa gió lạnh thổi đầy sương trắng,

Kỳ công tướng quân nhà Hán có gì đáng khen !”

(Kỳ công hà thủ Hán tướng quân)

Mã Phục tức Mã Viện, thời Đông Hán được phong Phục Ba tướng quân, lúc đã ngoài 60 tuổi ông vẫn muốn ra trận lập công; nhà vua thương Mã tuổi già không muốn cho đi. Ông bèn mặc áo giáp nhảy lên ngựa để chứng tỏ mình còn khoẻ. Tương truyền, khi tiến sang Giao Chỉ, Mã Viện còn dựng cột đồng ở tỉnh Quảng Tây làm biên giới đất Hán - Việt.

Đúng là Hán tướng quân đem binh mã rầm rộ sang đánh Giao Chỉ. Tuy thắng trận, nhưng quân lính chết rất nhiều, thật không phải chiến công đáng ca ngợi! Câu nói của người Trung Hoa xưa rất phù hợp: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô!”. Bản dịch đã diễn thành thơ khá đạt:

Ngàn thu gió lạnh phơi sương trắng,

Công cán khen gì tướng Hán hay!

Cũng chẳng khác nào tiếng cưới đả kích của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng thời, khi “ghé mắt trông sang...” đền thờ Sầm Nghi Đống, rồi bỗng hài hước hỏi gã tướng ấy rằng:

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!?”

Mở rộng hơn, sau khi đặt chân lên đất Trung Hoa, nhà thơ - sứ giả lại tiếp tục khắc họa tướng Phục Ba lúc đi qua miếu thờ của ông ta bằng hai bài đầy góc cạnh. Bài thứ ba “Giáp Thành Mã Phục Ba miếu” được mở đầu:

Người già sáu mươi tuổi thì gần sức suy,

Mà ông còn mặc áo giáp nhảy lên yên ngựa nhanh như bay..”.

Mặc dù vị chánh sứ không hề đề cập đến chuyện quan hệ đối ngoại trước mắt, song rõ ràng tác giả thể hiện đúng đắn ý thức dân tộc chân chính trong hồi tưởng quá khứ lịch sử, như ngày nay ta thường nói “lấy xưa để nói nay”; đồng thời cũng không phải ngẫu nhiên mà ông vạch rõ Mã Viện chỉ là kẻ xâm lược đích thực và còn chế giễu sâu cay hình ảnh “đồng trụ Mã Viện” cũng như chuyện vàng bạc, ngọc châu rắc rối lúc Phục Ba chết:

“...Cột đồng trụ chỉ lừa được đàn bà con gái đất Việt”

(Đồng trụ cân nặng khi Việt nữ)

Xe ngọc châu luống để lấy cho con cái trong nhà.

Hình tượng “cột đồng trụ” “chỉ lừa được đàn bà con gái Việt” vừa bóng bảy, đa nghĩa, thấp thoáng nụ cười mỉa mai, vừa toát lên niềm tự hào dân tộc. Từ đấy dẫn đến kết luận đích đáng về vị trí con người Mã Viện trong xã hội Trung Hoa bằng ngôn ngữ với giọng điệu châm biếm pha nét khinh bỉ:

Tên tuổi ông chỉ đáng ghi ở góc Vân Đài thôi,

Chứ sao lại còn đòi nước Nam hàng năm cúng tế ?”

Thật thú vị! Bài thơ ngắn mà câu tứ đầy nét tương phản qua các hình tượng trái ngược. Lời chất vấn quá khứ đầy sắc sảo, đậm nét phê phán đầy hóm hỉnh tạo nên tiếng cười thâm thuý. Không dừng lại đó, tác giả vẫn tiếp tục lên án nhân vật hiếu sát và hiếu danh ấy. Dường như muốn mọi người nhớ về quá khứ rằng tướng Phục Ba tuổi già hăng hái xông pha trận mạc, nhưng cũng từng nếm trải những tháng ngày khiếp sợ đến mức phải “hối hận” tại hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây) nơi ông ta đặt trạm chỉ huy trên đất Giao Chỉ gần hai ngàn năm trước qua bài “Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu”:

Mở đường Ngũ lĩnh sang đánh Viêm bang,

Công danh hơn đời ghi trong sở sách.

Về già còn khoe mình quắc thước,

Ngoài cơm áo, cái gì cũng là thừa.

Sóng gió nơi Đại Than lưu công trạng ngày trước,

Tùng sam cạnh miếu cổ cách làng xóm cũ.

Trong bóng chiều, dưới đám gai góc ở phía tây thành,

Lối xưa ở hồ Dâm Đàm như thế nào rồi?”

“Dâm Đàm di hối cánh hà như?” (Khuyết danh)

Câu hỏi nghi vấn mà khẳng định. Hình tượng “Dâm Đàm di hối”, thật hàm súc, sâu cay, gắn liền với chuyện xưa kể rằng, Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng, đóng quân ở hồ Dâm Đàm. Khi ông ta trông thấy mặt hồ đầy khí lam chướng, đến nỗi diều hâu bay lượn trên hồ đều bị rớt xuống nước. Trước cảnh tượng đó, vị tướng Tàu hối hận mà than rằng: “Nay nghĩ lại lời Thiếu Du, mới thấy đúng, nhưng không làm sao được nữa!

Phần mộ thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh

Chuyện còn kể thêm, lúc tướng Ba Phục lên đường đánh Giao Chỉ thì người em họ là Thiếu Du thương ông anh đã già mà ra đi chinh chiến đường xa đầy nguy hiểm, nên có lời khuyên: “Người ta sinh ra ở đời cốt ăn mặc vừa đủ thì thôi, nếu cần lấy thừa thãi thì sẽ khổ thân.” Dựa vào ý đó, Nguyễn Du nhắc lại bằng câu thơ: “Ngoài cơm áo cái gì cũng là thừa” nhằm chế giễu vị tướng Tàu tham danh, tham lợi, rồi lại hối hận là đã chót thì phải chét!

Hình tượng Mã Viện, một đối tượng lịch sử cụ thể, có thật, chẳng phải ngẫu nhiên được nhắc lại đến ba lần qua ba bài thơ, gắn liền với quá trình chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta từ những ngày đầu dựng nước và đã khắc họa cô đọng, mà đầy ý nghĩa sinh động. Những vần thơ ấy tuy cách xa chúng ta đến gần hai trăm năm, song vẫn dồi dào tính thời sự trên hình trình phát triển của thi ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại.

Về mặt nội dung cũng như nghệ thuật, bốn bài thất ngôn bát cú quả không nhiều trong tập thơ chữ Hán “Bắc hành tạp lục” gồm 131 bài. Tuy viết bằng Hán tự và phải khuôn theo lối kết cấu gò bó ngắn gọn, nhưng các tác phẩm ấy lại chứa đựng một dung lượng lịch sử rộng lớn, đa nghĩa, vừa súc tích trầm lắng, vừa sắc cạnh, đầy hình ảnh gợi cảm vượt cả thời gian, không gian khiến cho độc giả xưa nay phải suy nghĩ và càng hiểu rõ hơn con người cùng sự nghiệp đồ sộ của nhà thơ.

Rõ ràng là chùm thơ trên đã góp phần làm giàu thêm kho tàng văn thơ của nhân dân ta. Hơn thế nữa, qua đó người đọc còn khẳng định được tấm lòng yêu nước, ý thức dân tộc và ý thức công dân cao đẹp trong con người tài hoa, trong tâm hồn thi hào họ Nguyễn Tiên Điền, một danh nhân văn hoá thế giới.

 Nguyễn Trường Lịch - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :