Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Giai thoại kể dịp đầu xuân: GS.NGND Nguyễn Kim Đính và những câu đối vui về các thầy của Trường Đại Học Tổng hợp Hà Nội
Nhấp một chén trà thơm, ông im lặng ngắm dây tầm xuân ghé vào mép cửa. Gió xuân hây hẩy đẩy những bóng nắng vàng ruộm vào phòng làm cho gương mặt của thầy Đính như bừng sáng…

Đã qua cái tuổi 75, nhưng thầy vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Xoay quanh câu chuyện về trường lớp, thầy đã đọc cho tôi nghe vài câu đối về các thầy giáo từng là lãnh đạo của ĐH Tổng hợp Hà Nội…

* Năm ấy, GS. Nguyễn An đang là Hiệu trưởng của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Trong một buổi gặp mặt đầu xuân, giữa không khí vui vẻ, ấm cúng, tôi đã đặt một vế đối và cho đến giờ chưa có vế đối lại. Vế đối là:

Lưỡng An Thiêm Thị Tôn Ứng Vận

Có nghĩa là: Hai ông thầy tên An thêm một ông Thị để tôn lên cái vận của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội - Mượn tên của các ông Nguyễn An, Trịnh Đình An, Lê Quang Thiêm, Phan Trường Thị, Nguyễn Văn Tôn, Đặng ứng Vận… đều là cán bộ lãnh đạo Nhà trường khi ấy…

* Dịp ông Hiệu trưởng Nguyễn An khánh thành nhà mới có mời anh em, bạn bè, đồng nghiệp đến chia vui. Trong bữa tiệc, tôi ngẫu hứng mà đặt ra vế đối:

An nghiệp, An cư, An trường sở

Có nghĩa là: Chúc ông An khi đã ổn định về sự nghiệp, ổn định về nơi ở thì cũng phải làm cho trường sở được yên.

Tưởng là mọi người đều chịu nhưng có một thầy đã ứng khẩu đối rằng:

Khoán công, Khoán việc, Khoán tiền lương

(mượn tên ông Nguyễn Văn Khoán, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khi ấy).

* Câu đối này tôi cũng ứng khẩu trong một dịp gặp mặt đầu xuân khi ấy Trường ĐHKHXH&NV vừa thành lập (có mặt đầy đủ các vị trong Ban giám hiệu như các ông Phùng Hữu Phú, Phạm Quang Long, Phạm Xuân Hằng, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Minh Thuyết), đến giờ cũng chưa có vế đối lại:

Thăng Long đích trung tâm, Hằng Thuyết giảng nhân văn dĩ quốc lực Khánh hưng phong Phú.

Có nghĩa là: Trung tâm của đất Thăng Long, ngày ngày thuyết giảng về nhân văn để lực nước càng thêm phong phú.

Nói đến đây, GS.NGND Nguyễn Kim Đính dừng lại mỉm cười. Tôi biết ông đang chờ hậu thế tìm vế đối lại…

 Văn Trương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :