Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
183, Qua những câu chuyện tình trên phim
Giới trẻ Việt Nam đã bị cuốn hút thực sự vào những mối tình éo le, huyền ảo, lãng mạn trên phim ảnh. Rồi từ đó nhiều người trẻ đã mơ mộng đi kiếm tìm một tình yêu như trong phim.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, khán giả Việt Nam đã bị bội thực bởi các bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông... được phát sóng liên tục trên màn ảnh nhỏ. Không ai có thể phủ nhận được sức tác động của nó đối với đối với khán giả (đặc biệt các bạn trẻ). Trong đó một chủ đề xuyên suốt các bộ phim đáng được chúng ta quan tâm chính là chuyện tình yêu của các nhân vật.

Vậy những câu chuyện tình trên phim truyền hình hư - thực ra sao? Và giới trẻ nên học cái gì thông qua những hình mẫu tình yêu được nhào nặn bằng lăng kính nghệ thuật đó, để đi tìm, xây dựng cho mình một tình yêu, lối sống đích thực của thời đại này. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được lấy dòng phim truyền hình Trung Quốc để làm minh chứng cho vấn đề.

Một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình dài tập ở châu á là Trung Quốc. Trong thời gian gần đây phim truyền hình Trung Quốc đã chiếm một vị trí rất lớn trên các kênh truyền hình của Việt Nam. Trong đó, hai dòng phim truyền hình đã để lại ấn tượng nhất trong lòng khán giả Việt là: Dòng phim cổ trang - chưởng dựa theo tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long… và những bộ phim tình cảm lãng mạn - dựa theo tác phẩm của các tác giả Quỳnh Dao, Trương Hận Thuỵ, Diệp Tân... (tạm chia như thế). Và trong khuôn khổ bài viết như đã nói ở trên, chỉ xin đưa ra những nhận xét đánh giá về chuyện tình yêu trong các bộ phim đó.

Một đặc điểm nổi bật nhất trong tình yêu của những bộ phim truyền hình cổ trang, chưởng, phim tình cảm lãng mạn... của Trung Quốc là đều ít nhiều mang màu sắc, hoặc ẩn sâu đằng sau đó những vấn đề của xã hội. Mà ở đây là những biến cố xã hội của đất nước Trung Hoa qua các triều đại, giai đoạn lịch sử khác nhau. Những bộ tiểu thuyết chưởng của Kim Dung đều đã được dựng thành phim truyền hình và đã đều được phát sóng trên các kênh truyền hình ở Việt Nam trong hơn chục năm trở lại đây.

Một nét nổi bật nhất trong tình yêu của những bộ phim truyền hình cổ trang - chưởng này là nó đề cao lòng thuỷ chung và nghĩa hiệp của con người. Cốt truyện của những bộ phim đó đều diễn ra vào các triều đại phong kiến của Trung Quốc như Đường, Tống, Minh, Thanh. Như chúng ta đã biết xã hội phong kiến Trung Quốc là một xã hội bị ràng buộc bởi những luật tục, quy định rất khắt khe, nặng nề.

Đáng lẽ ra trong xã hội phong kiến hà khắc đó không có khái niệm tình yêu. Với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” và đạo tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” thì người phụ nữ vô cùng thiệt thòi. Nhưng tình yêu mà những bộ phim truyền hình cổ trang đề cập đến thì lại hoàn toàn khác.

Cả một thế giới trong các bộ phim này đã được đạo diễn và các nhà biên kịch xây dựng lên trong giới giang hồ. ở đó, con người sống với nhau, yêu nhau không bị trói buộc bởi các lễ giáo phong kiến. Những mối tình của Hoàng Dung và Quách Tĩnh (trong phim Anh hùng xạ điêu), Kiều Phong và A Châu (trong phim Thiên long bát bộ) hay Dương Qua và Tiểu Long Nữ (trong phim Thần điêu đại hiệp)... đều mang những lý tưởng cao đẹp. Họ đến với nhau bằng một thứ tình yêu nghĩa hiệp. Chàng là những đại hiệp mang bên mình thanh gươm công lý, hành tẩu giang hồ làm những việc nghĩ khí để giúp đời. Còn nàng là những cô nương xinh đẹp, sắc nước nghiêng thành trong giới giang hồ. Các nàng cũng có tấm lòng nghĩa hiệp và điều quan trọng là chỉ khâm phục và tin yêu vào người con trai mà mình cho là đại hiệp, có hành động cao đẹp.

Có nhiều người cho rằng các nhà văn mà tiêu biểu là Kim Dung và các nhà sản xuất phim truyền hình cổ trang Trung Quốc đã lãng mạn và thi vị chuyện tình yêu thời xưa. Nhận xét đó cũng đúng, hơn nữa các nhà văn, nhà viết kịch phim lại đều sinh ra vào thời hiện đại. Họ, tất nhiên cũng có cái nhìn vào hiện thực xã hội. Nhưng điều quan trong là họ đã thi vị tình yêu để nó trở thành lãng mạn một cách đặc biệt trong giới giang hồ và có cách riêng để đi vào lòng khán giả.

Về nghệ thuật thì các nhà sản xuất phim truyền hình Trung Quốc cũng gần như đạt đến trình độ bậc thầy. Những cảnh quay yêu đương cũng rất thơ mộng, lãng mạng và điều quan trọng là vô cùng kín đáo. Nó hợp với truyền thống á Đông. Tuy tình yêu trong các bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc đã phá toang những luật tục phong kiến. Chàng và nàng đến với nhau chỉ có 2 người và đất trời, thiên nhiên chứng giám. Nhưng tình yêu đó không hề suồng sã. Tình yêu đó đề cao và chân trọng một cách tuyệt đối sự thuỷ chung và trinh tiết.

Chỉ cần một lời thề với nhau thì sống chết cả cuộc đời họ sẽ bên nhau. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Chỉ cần một lời hứa mà Dương Qua đã đợi Tiểu Long Nữ suốt 16 năm trời. Chỉ một lời ước hẹn với A Châu thôi mà suốt đời Kiều Phong đã không yêu ai (dù là A Châu đã chết). Mái đầu có bạc thì tình này vẫn không phai, những con người này luôn nghĩ như vậy. Những đấng anh hùng võ công cao cường, giết người không ghê tay, ấy vậy mà trong chuyện yêu đương lại hết sức si tình, mềm yếu.

Chuyện tình yêu trong những bộ phim truyền hình cổ trang này không hề đề cập đến vấn đề vật chất. Họ coi vật chất chỉ là những cái hư vô. Tình yêu ở nơi họ chỉ có một con đường “lúc trẻ họ yêu nhau cùng nhau xả thân trên giang hồ để thể hiện lòng nghĩa hiệp của mình, và khi về già một giấc mơ của họ là cùng nhau quy ẩn miền sơn ước”. Chỉ có 2 người cùng đàn con cái vây quanh, cuộc sống thật đơn sơ và ấm áp...

Những cái kết trong phim cổ trang thường có hậu, nó cũng giống như kết của bao câu chuyện cổ tích, thần thoại vậy. Người tốt, làm việc nghĩa thì cuối cùng sẽ có được hạnh phúc và cuộc đời êm ấm. Xem phim truyền hình cổ trang Trung Quốc, Hồng Kông... thấy những cảnh yêu đương của các hiệp khách, cô nương giang hồ, thì giới trẻ chúng ta sẽ có cảm nhận là nó đẹp, lung linh và có cái gì đó rất mờ ảo, phi hiện thực. Tất nhiên các bạn trẻ sẽ không bao giờ kiếm tìm được một tình yêu như thế trong hiện thực xã hội ngày nay. Tuy nhiên, một nét rất tích cực mà các bạn trẻ ngày nay có thể tiếp nhận từ những mối tình cổ trang này là: sự thuỷ chung son sắc, lòng chân thành, chân thật cao cả trong tình yêu. Đương nhiên là không cần phải câu nệ và tuyệt đối hoá nó quá mức như trong phim ảnh.

Khi soi chiếu vấn đề này vào thực tế hiện nay thì chúng ta mới thấy các bạn trẻ bây giờ yêu nhau một cách vội vã, nhạt màu quá. Nhiều bạn trẻ coi tình yêu và trinh tiết một cách quá rẻ rúng, tầm thường. Dòng phim truyền hình thứ hai của Trung Quốc cũng gây ấn tượng cho khán giả Việt Nam là những bộ phim tình cảm với cốt truyện xảy ra vào thời cận - hiện đại Trung Quốc với những biến động dữ dội trong xã hội. Dòng phim này chúng ta có thể kể đến phim Xóm vắng, Câu chuyện Thượng Hải, Mùa quýt chín, Những ngày tháng tư, Gia tộc Kim phấn, Tân dòng sông ly biệt... Ngoài ra còn một loạt những bộ phim truyền hình khác dựa theo tác phẩm của nhà văn nữ Quỳnh Dao và Diệp Tân.

Những bộ phim truyền hình này đề cập đến một giai đoạn xã hội Trung Quốc xảy ra các biến cố lịch sử dữ dội. Tuy nhiên đây là các bộ phim tâm lý tình cảm nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề xuyên suốt. Suốt hơn nửa thế kỷ từ những năm cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, xã hội Trung Hoa liên tiếp diễn ra những cuộc cách mạng của giai cấp tư sản và sau đó là vô sản. Khi những luồng văn hoá tiến bộ bên ngoài (Nhật Bản, phương Tây) tràn vào Trung Quốc. Nó đã hoà vào luồng văn hoá thủ cựu trước đó. Chính điều đó đã tạo ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt trong xã hội. Và tình yêu cũng là một đề tài trọng yếu trong đó. Chính trong bối cảnh đó các nhà viết văn, biên kịch Trung Quốc đã khéo léo xây dựng lên những câu chuyện tình, những bộ phim tình yêu nhuốm màu giai cấp, tầng lớp. Trong các bộ phim dạng này một môtíp tình yêu thường thấy là giữa một chàng trai quý tộc sống trong đại gia tộc với một cô gái nhà nghèo, tầm thường hoặc ngược lại. Những nhân vật trong phim này đến được với nhau phải trải qua vô vàn những thử thách. Như tình yêu của Kim Yến Tây với Lãnh Thanh Thu trong bộ phim Gia tộc Kim phấn (dựa theo tiểu thuyết của Trương Hận Thuỵ). Yến Tây là con trai của vị Thủ tướng nước Trung Hoa dân quốc còn Thanh Thu chỉ là một cô gái bình thường, một cô nữ sinh nhà nghèo đã mất bố. Tình yêu của 2 người đã phải vượt qua bao phen sóng gió. Nhưng cái đáng nói nhất trong tình yêu đó là họ đã vượt qua những tư tưởng cũ của chế độ phong kiến tiêu biểu là quan niệm môn đăng hậu đối để đàng hoàng đến với nhau. Sự hưng thịnh và suy vong trong gia tộc của một vị thủ tướng cũng là một quá trình đấu tranh cho tình yêu của 2 nhân vật chính trong phim. Hay như câu chuyện tình của Y Bình và Hà Thư Hoàn trong bộ phim Tân dòng sông ly biệt (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Quỳnh Dao) cũng vậy. Mối tình của hai người đã phải trải qua bao biến cố, rào cản xã hội và nó đều gắn liền với những đổi thay của thời đại. Khi luồng tư tưởng mới từ bên ngoài dội vào thì giới trẻ Trung quốc không thể nào còn chấp nhận được những phong tục xã hội cũ nữa.

Bối cảnh mở ra trong những câu chuyện tình ở các bộ phim truyền hình này là lúc xã hội cũ đang suy vong. Và kết thúc phim là những cuộc cách mạng. Đây được xem như là những cuộc cách mạng mang yếu tố chính trị tiến bộ, nhưng đồng thời nó cũng tạo điều kiện cho tình yêu được đến với những tư tưởng mới tiến bộ hơn, chân chính hơn.

Có ý kiến cho rằng những bộ phim dựa theo tiểu thuyết của Quỳnh Dao và số số tác giả văn học khác cùng thể loại lãng mạn tình cảm là ướt át và đau thương quá... Nhưng một cái quan trọng mà chúng ta có thể rút ra sau khi xem những bộ phim này là nó cũng đề cao tình yêu ở một góc độ chân chính và hiện thực nhất. Những mối tình đích thực của các nhân vật có được sau những cuộc đấu tranh giai cấp, vượt lên xã hội và đấu tranh trong chính nội tại bản thân mình để cho những tiến bộ của thời đại làm át đi những tư tưởng hủ tục của xã hội cũ trong bản thân.

Cuộc đấu tranh để có được tình yêu chân chính đó vô cùng dai dẳng và đau thương. Nhưng kết cục thì đa số các phim đều là có hậu, nó cũng đúng với lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Khi cách mạng thành công có nghĩa là tình yêu cũng được giải phóng và họ xây dựng hành phúc trên một đất nước mới tươi đẹp và dân chủ hơn.

Dòng phim truyền hình tình cảm lãng mạn này tuy có số lượng không nhiều và không được phát sóng một cách liên tục như phim truyền hình tình cảm Hàn Quốc hay các bộ phim chưởng - cổ trang. Nhưng nó cũng có một chỗ đứng riêng trong lòng khán giả Việt. Bộ phim Tân dòng sông ly biệt đã không dưới 5 lần được chiếu trên các kênh truyền hình Việt Nam mà vẫn được công chúng, nhất là các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận. Chính qua câu chuyện tình và diễn xuất thành công trong bộ phim này mà diễn viên Triệu Vi đã thực sự đến với các fan hâm mộ Việt Nam (chứ không phải là bộ phim Hoàn Châu cách cách trước đó, như một vài người đã nhận định).

Như vậy, với việc đánh giá một số đặc điểm của những câu chuyện tình trên phim truyền hình dài tập nước ngoài, chúng ta có thể rút ra một vài điều. Những bộ phim của Hàn Quốc, Trung Quốc đã có một tác động to lớn đến đời sống văn hoá tinh thần của giới trẻ Việt Nam. Trong đó vấn đề mà chúng ta đặt biệt chú ý là chuyện tình yêu - chủ đề muôn thủa. Trong thời gian qua giới trẻ đã sôi sục lên bởi những cuốn nhật ký hồi ký chiến tranh của Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc và đặc biệt là những bức thư tình của liệt sĩ Hoàng Kim Giao gửi về từ chiến trường. Đó là niềm tin và lẽ sống của một thế hệ đã sống trong lửa đạn. Nó đã đi vào được đời sống của các bạn trẻ.

Nhưng cái cuối cùng là dù thông qua những câu chuyện tình trên phim hay sách thì các bạn trẻ cũng phải tự tìm ra cho mình một tình yêu lẽ sống đích thực của thời đại. Phải biết chắt lọc những điều cao cả trong tình yêu mà những nhà làm phim gửi gắm trong nét văn hoá truyền thống của dân tộc ta.

 Dương Văn Hải - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :