Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tiếp lửa truyền thống 100 năm ĐHQGHN - Đoàn TNCS HCM Trường ĐHKHTN tự hào chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển
Phong trào học sinh, sinh viên nhà trường đã góp phần không nhỏ vào phong trào chung của tuổi trẻ Thủ đô cũng như của tuổi trẻ cả nước.

Những ngày đầu thành lập…

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954) cán bộ và sinh viên thuộc 3 trung tâm đại học kháng chiến: trung tâm Việt Bắc, trung tâm Thanh - Nghệ, trung tâm Khu học xá Trung ương lần lượt chuyển về Hà Nội để cùng với các cơ sở đại học mới được tiếp quản ở Hà Nội lập thành: Đại học Văn khoa; Đại học Khoa học; Đại học Sư phạm Văn khoa; Đại học Sư phạm Khoa học; Đại học Y - Dược. Đến năm học 1956-1957, trước yêu cầu phát triển giáo dục đại học của giai đoạn cách mạng mới, dựa trên những cơ sở giáo dục đại học hiện có, ngày 4/6/1956 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2183/TC thành lập bổ nhiệm GS. Ngụy Như Kontum làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Thời gian đầu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chỉ gồm có Khoa Tự nhiên và Khoa Xã hội.

Năm học đầu tiên của trường đã được khai giảng trọng thể vào ngày 15/10/1956 tại Đại giảng đường của khu Đại học Việt Nam, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội với niềm phấn khởi, tự hào của tập thể 43 cán bộ và giáo sư cùng 430 Đoàn viên, thanh niên. Đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, trở thành Lá cờ đầu của công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các trường đại học của thủ đô Hà Nội Anh hùng.

Ngày 23/5/1957, một sự kiện quan trọng trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của nhà trường, Bác Hồ kính yêu đã đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy trò hân hoan chăm chú nghe từng lời dạy của Bác. Người dạy “thầy trò phải thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập chính trị, thời sự, lịch sử, nhất là lịch sử cách mạng để rút ra những bài học bổ ích cho việc xây dựng đất nước”. Bác còn dạy “thầy trò phải biết kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học sinh phải cố gắng học tập, kính thầy, yêu bạn”. Những lời dạy của Người mãi mãi còn nguyên giá trị cho lớp lớp các thế hệ thầy trò chúng ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường.

Những đại hội lên đường đánh Mỹ…

Thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 8/1965 theo quyết định của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo toàn trường khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thủ đô Hà Nội lên khu sơ tán Đại Từ, Bắc Thái.

Giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất nhiều sinh viên đã rời ghế giảng đường, viết những bức thư bằng máu xin được nhập ngũ, sẵn sàng đến nơi mà Tổ quốc cần. Trong cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc - cựu sinh viên Khoa Toán có đoạn viết về không khí sục sôi những ngày ấy: “…cả một sư đoàn sinh viên, Trường Đại học Tổng hợp đi hơn 300 người, chia thành 3 đại đội. Con nghe nói sắp lấy thêm một số nữa ở trường và tháng 11/1971 lại tiếp tục thêm một đợt…” Quang cảnh những đại hội chi đoàn đặc biệt của sinh viên Tổng hợp trước giờ xung trận “Đại hội lên đường chống Mỹ cứu nước’’ sẽ mãi in đậm trong tâm trí của mỗi đoàn viên hôm qua, là hành trang để mỗi thế hệ sinh viên hôm nay vững bước trên con đường xây dựng và kiến thiết đất nước.

Chính lý tưởng, sự hy sinh cao đẹp ấy đã góp phần làm lên thắng lợi của 30 năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong những năm tháng khói lửa ấy, dù ở Hà Nội hay di chuyển về các vùng sơ tán sinh viên nhà trường vẫn luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, và nghiên cứu, trở thành những nhà khoa học hàng đầu, những cán bộ chủ chốt phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới…

Giữa dòng thời đại, vào những năm cuối của thế kỷ XX, trước những thách thức to lớn của lịch sử với sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN Đông Âu, cùng cả nước chúng ta vượt ra khỏi cơ chế bao cấp, bước đầu xây dựng nền kinh tế thị trường. Sau gần 20 năm đổi mới, với những kết quả to lớn đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng. Và hôm nay, chúng ta đang nguyện mang hết sức mình phấn đấu xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành trường tiên tiến xuất sắc.

Sinh viên ngày nay không chỉ hăng say học tập và nghiên cứu khoa học, mà còn sẵn sàng tham gia các hoạt động tình nguyện, tới các vùng khó khăn mang tri thức của mình đóng góp cho xã hội. Những phong trào lớn đã được thực hiện như mùa hè tình nguyện Sắc xanh tự nhiên, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học… Cùng sinh viên cả nước tạo nên những bước đột phá quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước trên tiến trình kiến thiết đất nước và bước đầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Là con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình’’

Trong giai đoạn phát triển đã qua chúng ta đã làm được được một số việc quan trọng, tuy nhiên giai đoạn kế tiếp sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức mới đòi hỏi những nỗ lực, phấn đấu mới. Chúng ta phải đầu tư chiều sâu theo hướng đại học nghiên cứu. Đồng thời chúng ta phải chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở tại Hoà Lạc. Tất cả những công việc ấy cần làm trong khi những nhiệm vụ thường xuyên vẫn không được phép sao nhãng. Tất cả còn nhiều việc phải làm ở phía trước đòi hỏi mỗi đoàn viên phải là một chiến sĩ tiên phong trong trận chiến đấu mới. Tuy nhiên với những truyền thống hào hùng, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng và Nhà nước.

Với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, với trí tuệ, sức trẻ và bầu nhiệt huyết của tuổi hai mươi, chúng ta sẽ phải nghĩ gì và làm gì để 50 năm sau nữa những sinh viên của tương lai lại có thể tự hào như mỗi chúng ta ngày hôm nay khi được học tập, rèn luyện dưới mái trường thân yêu này? Câu hỏi này xin dành cho tất cả mọi người và nếu ai cũng cố gắng tìm cách trả lời thì nhất định lịch sử của ngày mai sẽ là những trang vàng rực rỡ.

 Lưu Thành Trung - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :