Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Vài kỷ niệm về thầy Võ Đức Tôn
Một sáng tháng Ba, khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện tại Phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì thầy Trần Văn Triển - Phòng Sau đại học đến báo tin PGS.TS Võ Đức Tôn, Nguyên bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mất đêm qua...

Tất cả chúng tôi lặng đi trong xúc động. Bao ký ức về thầy bỗng tràn về quanh tôi. Mới đây thôi, thầy trò còn nắm tay nhau trò chuyện thân tình vậy mà giờ thầy đã vội đi xa. Thương tiếc thầy, trong tôi nhiều suy nghĩ lộn xộn, rồi tự nhủ mình phải làm điều gì đó để vĩnh biệt thầy. Mấy dòng dông dài này, tôi viết để tưởng nhớ đến thầy.

Tôi biết về thầy Võ Đức Tôn khi còn là sinh viên năm thứ Ba, nhưng phải đến năm 2000, tôi mới có cơ hội được tiếp xúc với thầy vì chúng tôi không được học các môn thầy dạy. Đó là khoảng thời gian, tôi công tác tại Khoa Toán - Cơ - Tin học. Khi ấy, tôi là trợ lý phụ trách công tác sinh viên. Thỉnh thoảng thầy đến Khoa hay ghé qua Văn phòng, thầy hay bắt tay và hỏi thăm từng người một. Lần đầu gặp thầy, thầy đã hỏi: “Em đã quen với công việc mới chưa”? Bất ngờ vì sao thầy lại biết mình, tôi liền đánh bạo hỏi: “Em mới ở lại khoa công tác, thầy cũng biết em ạ?” Thầy bảo: “Thầy biết. Trước đây em là Bí thư Liên chi đoàn, thầy còn biết cả hoàn cảnh của em nữa. Phải cố gắng lên em ạ! Các thầy cô trong Khoa rất tốt, nhất là thầy Phạm Kỳ Anh đã tạo điều kiện cho em. Em phải làm tốt mới không phụ lòng các thầy cô...”.

Từ đó, lần nào gặp nhau, hai thầy trò cũng nói chuyện với nhau rất thân tình. Mỗi năm tết đến, tại ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể Kim Liên, hai thầy trò cũng tâm sự với nhau rất lâu. Thầy thường kể về thời thanh niên của thầy, về những kỷ niệm thời gian công tác tại Khoa, tại Trường. Rồi thầy nói chuyện về cuộc sống, về những điều trong sách vở. Tôi hợp với thầy một điểm là rất thích đọc sách lý luận, nhất là lý luận Mác - Lênin. ở tuổi ngoài 60 mà sức đọc và sức làm việc của thầy vẫn rất tốt. Thầy hay động viên tôi: “Em có khả năng về lý luận và công tác xã hội nhưng vẫn phải luôn cố gắng và bền bỉ. Mình xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn thì phải cố gắng hơn người khác một chút, phải đọc thật nhiều để mở mang kiến thức cho mình và làm việc tốt hơn. Hồi còn nhỏ, thầy cũng rất vất vả, nhưng được Đảng và Nhà nước quan tâm, thầy đã có nhiều cơ hội để học tập và công tác...”.

Thầy Võ Đức Tôn sinh năm 1940 tại quê hương Xuân Thủy, Lệ Ninh, Quảng Bình trong một gia đình nông dân nghèo có công với cách mạng. Sau những năm tháng học tập cấp 1 - 2 tại Lệ Thủy, thầy được chuyển ra học tiếp tại trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Tại đây, thầy được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Với kết quả học tập xuất sắc, thầy được Nhà nước cử đi đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessca thuộc Liên Xô cũ, chuyên ngành Toán học. Đây cũng là thời thanh niên sôi nổi của thầy. Với kết quả học tập xuất sắc và thành tích hoạt động, thầy được bầu là Chi hội trưởng lưu học sinh Việt Nam, được Ban cán sự Đoàn tại Liên Xô tặng danh hiệu Đoàn viên thanh niên Điện Biên - ấp Bắc và được chi bộ công nhận là đối tượng kết nạp Đảng. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1966, thầy trở về nước và công tác tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Odessca - nơi thầy đã học đại học. Hơn 10 năm công tác tại Khoa, thầy đã giữ nhiều trọng trách như: Thư ký Công đoàn khoa (nay gọi là Chủ tịch công đoàn khoa), Chủ nhiệm bộ môn Toán cao cấp. Thầy được kết nạp Đảng ngày 27/11/1977. Năm 1980, thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và lại trở về Khoa Toán công tác.

Trong những năm tháng khó khăn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy đã được giao đảm trách những nhiệm vụ quan trọng: Phó chủ nhiệm Khoa Toán (1981 - 1987), Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ (1988 - 2000), Phó hiệu trưởng Trường ĐHTHHN, được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 1990 - 1992. Năm 1992, thầy vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Dù ở cương vị nào thầy cũng luôn cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Sau năm 1992, khi thôi không giữ chức vụ quản lý nữa, thầy đi thực tập khoa học và làm việc tại Hungari và Liên bang Nga. Năm 1996, thầy lại trở về Khoa công tác cho đến năm 2003. Những năm gần đây, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và công tác quản lý tại Trường Đại học Dân lập Đông Đô cho đến ngày thầy mất.

Trong cuộc sống và trong công việc, thầy là người rất nghiêm khắc. Về điều này, tôi có một kỷ niệm rất nhớ. Đó là thầy có 2 người con trai học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học là Huy và Tuấn. Thầy không bao giờ để cho các con ỷ lại vào bố. Thầy nói với tôi cứ để các em tự phấn đấu để vươn lên, có như thế mới trưởng thành được, thầy không muốn vì thầy mà ảnh hưởng đến Khoa và không muốn ai nói rằng sự vươn lên của các con nhờ và bố là cán bộ trong trường. Tôi luôn khắc ghi điều đó và vẫn thầm lặng dõi theo những bước đi của 2 em. Nghiêm khắc là thế nhưng bất cứ lúc nào cũng bắt gặp ở thầy nụ cười hiền hậu, cái bắt tay ấm áp, thân tình. Gặp ai có hoàn cảnh khó khăn, thầy cũng hỏi thăm, động viên ân cần. Có người nói rằng cũng chính vì thầy hay thương người nên thầy đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Đúng sai thế nào, chỉ có thời gian mới có thể phán xét.

Tang lễ của thầy được Nhà trường và gia đình tổ chức trọng thể. Thầy được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang Định Công (Hà Nội). Rất đông bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò đều có mặt để tổ chức tang lễ và đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn. Vẫn biết sinh - tử là quy luật của muôn đời, song sự ra đi đột ngột của thầy là sự mất mát quá lớn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các học trò.

Vĩnh biệt thầy! Chúng tôi sẽ mang theo hình ảnh và những lời dạy của thầy trên những chặng đường cuộc sống. Nhớ về thầy, trong tôi như vẳng đâu đây câu hát “Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi”. Cả cuộc đời cống hiến hết mình rồi nhẹ nhàng ra đi. Thầy đi rồi nhưng sự nghiệp mà thầy đã cống hiến vẫn còn đặt lại cho chúng tôi - lớp người kế tục những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang.

Nhớ thầy Võ Đức Tôn, tôi lại nhớ về những tấm lòng của các thầy cô trong Khoa Toán - Cơ - Tin học như những người cha, người mẹ: thầy Nguyễn Duy Tiến, thầy Đặng Huy Ruận, thầy Phạm Kỳ Anh, thầy Nguyễn Thủy Thanh, thầy Nguyễn Đức Đạt, thầy Lê Đình Định, thầy Hoàng Quốc Toàn, cô Nguyễn Viết Triều Tiên… Những con người bình dị nhưng chứa chan tình nghĩa.

Mái trường sẽ mãi mãi là mái nhà đầm ấm, chở che, là con đò êm ả đưa các thế hệ học trò vượt qua sóng gió, thác ghềnh để tới bến bờ tương lai đầy hy vọng.

Hà Nội, tháng 3 năm 2007.

* Bài viết có sử dụng tư liệu của Trường ĐHKHTN, đặc biệt là điếu văn vĩnh biệt PGS.TS Võ Đức Tôn do PGS.TS Trần Huy Hổ - người đồng đội của PGS.TS Võ Đức Tôn chắp bút.

 Trần Văn Dũng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 194, ra tháng 4/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :