Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Bất ngờ với Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng
Cuốn sách Việt sử địa dư mà Phan Đình Phùng biên soạn mới được ấn hành có thể coi là một phát hiện bất ngờ về chí sĩ cách mạng yêu nước này.

Phan Đình Phùng được biết đến với tư cách là lãnh tụ bất khuất của khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương, một vị Đình nguyên Tiến sĩ rất được Nho lâm kính nể. Và bây giờ, cuốn Việt sử địa dư của ông được tìm thấy đã giúp hiểu thêm về nhà yêu nước tài trí dũng lược này, bởi cuốn sách thực sự có giá trị tri thức và học thuật.

Nước ta có nhiều sách địa lý, từ cấp độ quốc gia đến cấp độ tỉnh, huyện, xã như: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Hoàng Việt dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Hà Nội địa dư, Sơn Tây chí, v.v. với phương pháp biên soạn phổ biến là ghi chép về đất đai, đường sá, phong tục, tập quán xã hội của đất nước hay của địa phương. Đặt tên cuốn sách của mình là Việt sử địa dư, Phan Đình Phùng trình bày cuốn sách theo xu hướng tích hợp lịch sử - địa lý. Dựa vào chính sử là hai cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Việt sử ký, ông trích dẫn hoặc tóm tắt các sự kiện lịch sử theo trật tự thời gian có liên quan đến địa danh đó rồi khảo cứu sự thay đổi tên đất theo từng thời kỳ của đất nước cho đến thời của ông. Viết địa lý hoàn toàn theo cách này được xem là một hiện tượng chưa từng có trong học thuật nước nhà bấy giờ.

Ví dụ căn cứ vào chính sử, ông tóm lược sự kiện lịch sử: "Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 4 (1013), vua đích thân đi đánh châu mục Vị Long", và chú giải: "Vị Long, tên châu thời Đinh, Lê gọi là Vị Long; thời Lý, Trần vẫn gọi theo như thế; thời thuộc Minh đổi là Đại Man; thời Hậu Lê vẫn dùng như tên thời thuộc Minh. Nay là châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang".

Giáo sư sử học Chương Thâu cho biết: "Trước đây Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh có gọi cụ Phan Đình Phùng là "học giả", tôi cứ băn khoăn. Khi đọc được cuốn Việt sử địa dư này tôi mới hiểu. Đây là một cuốn sách hiếm hoi đặc biệt bởi phương pháp biên soạn mới mẻ chưa từng có".

Người Việt xưa ít chú ý đến sự thay đổi địa danh, nên ngày nay giới nghiên cứu, các học giả, giảng viên, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tra cứu. Vì thế nhà nghiên cứu Bùi Thiết cho rằng có thể gọi đây là cuốn từ điển địa danh lịch sử Việt Nam, và đây là một cách phổ cập kiến thức lịch sử hiệu quả để dân ta biết sử ta.

TS Nguyễn Hữu Mùi, người đã phát hiện, dịch và chú giải cuốn sách này khẳng định đây là cuốn sách viết tay độc bản của cụ Phan, và có lẽ cụ Phan đã có ý định, đã tập hợp tư liệu từ lâu rồi đến năm 1883 không làm quan nữa mới viết. Nguyễn Hữu Mùi nhận định: "Sự ra đời của Việt sử địa dư mang ý nghĩa lớn lao, khẳng định đất nước Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ưu điểm nổi trội của Việt sử địa dư chính là việc chú giải về sự thay đổi của 631 địa danh trên toàn quốc, tính từ thời điểm dựng nước đến những năm cuối thế kỷ XVIII. Đọc tác phẩm này không những giúp độc giả hình dung một cách toàn diện về địa danh nước ta mà còn giúp giới nghiên cứu có tư liệu để tra dùng trong các công trình nghiên cứu".

 

 Phúc Sơn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :