Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Họa sỹ trẻ Hà Mạnh Thắng: Tôi vẽ chính tôi
Họa sỹ trẻ là Mạnh Thắng vài năm qua đã được biết đến như một cây cọ cá tính và gây ấn tượng. Anh đã triển lãm tranh cá nhân mang tên Cơn mưa và dòng suối nhỏ vào cuối tháng 5/2008 tại ERNST&YOUNG Asean Art Outreach, Singapore.

 

Chúc mừng triển lãm của anh tại Singapore. Có bao nhiêu bức tranh tham gia  triển lãm?

21 bức với hai loại kích cỡ, một khổ vuông 155cm-155cm, và một khổ 110cmx 200cm.

Vì sao các bức đều cỡ lớn như vậy?

Cỡ lớn vì sẽ bày trong 1 không gian lớn. Hơn nữa trong cuộc chơi quốc tế, kích thước lớn cũng nói lên được một năng lực làm việc thế nào đấy. Các họa sỹ đương đại trẻ khi tham gia các triển lãm quốc tế đều vẽ khổ lớn. Muốn tham gia vào những cuộc chơi chung mang tính quốc tế thì cũng phải chấp nhận luật chơi, phải biết ngoại ngữ, cách thức làm ăn, hành xử trong công việc, chứ không loanh quanh trong cộng đồng văn hóa nhỏ như một đặc sản mang địa phương tính.Ở Việt Nam có nhiều họa sỹ vẽ các khổ nhỏ để làm đồ lưu niệm, cho thương mại, chỉ là thuận

mắt, làm vui, không có ý nghĩa nhiều, tôi cho đó cũng là một sự phản ánh tư duy và năng lực làm việc.

Họa sĩ Hà Mạnh Thắng

Anh muốn giới thiệu gì với người xem ở Singapore  qua những bức tranh ấy?

Ban đầu tôi định chọn vài ba chủ đề, nhưng nghĩ là nó sẽ bị tản mạn, vì vậy tôi chỉ tập trung vào vẽ các chân dung, nhất là trong thời gian này tôi đang vẽ series tranh chân dung và có cảm giác khá tốt. Tôi vẽ lại các chân dung theo trí nhớ và các bản kí họa, đó là những khuôn mặt từ 30 đến 60 tuổi sống ở phía Bắc Việt Nam. Tôi cảm thấy hứng thú với những nhân vật này bởi họ thuộc thế hệ đã trải qua những năm tháng đầy biến động, va đập về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. 

Thật tiếc là anh không mang triển lãm những bức tranh theo lối KITSCH, dòng mà anh đã theo đuổi khá lâu và đã tạo được những ấn tượng nhất định.

Bảo tàng Mỹ thuật Singapore đã mua của tôi bức Cô dâu chú rể mà tôi vẽ theo lối KITSCH. Nhưng thực ra nghệ thuật ở bất kỳ thời điểm nào đều là cuộc sống, thời điểm sống của người nghệ sỹ. KITSCH chỉ là một cách định danh, không có ý nghĩa gì nhiều. Quan trọng là mình làm việc như thế nào.

Trong lối KITSCH, có thể thấy anh thường xuyên "chơi trò" xé dán như những bài thủ công của trẻ con!

Tôi hay đùa với bạn bè là tôi dùng kỹ thuật "ăn gian". Tức là những cái đã có sẵn rồi thì tôi thấy không cần mất công vẽ lại, chỉ dùng thủ thuật cắt dán, ví dụ các hình họa báo chí, tên các thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng, mắt, môi các cô người mẫu, những mẫu áo quần, xe cộ,... Bạn bè cho đó là đánh cắp công đoạn. Tôi thì cho đó là một thủ thuật nhỏ, tranh vẫn thế, thậm chí hiệu quả hơn, có giá trị hơn vì nó kỹ hơn. Nói chung theo lối KITSCH, việc sử dụng những kỹ thuật trên là tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố "dởm", tính phù phiếm của thời trang. Ngay cả tranh nhiều khi cũng thời trang, có tính nhất thời nhất thời nên không cần chú ý tới sự hoàn hảo của bề mặt và các yếu tố bền vững của tác phẩm.

Thắng từng có một bài tốt nghiệp bị đánh trượt, và phải tốt nghiệp muộn một năm. Giai thoại đó nhiều người còn nhắc...

Tôi đã vẽ một bức tranh với những cặp mông các cô gái. Tôi biết với một kỹ thuật ở một mức độ nào đấy thì đạt điểm tốt thì không khó, và tôi có thể tốt nghiệp dễ dàng. Nhưng tôi không thích sự giống nhau, sự nhợt nhạt. Thực ra tôi không tham vọng cái gì to tát với bài tốt nghiệp đó, nhưng có lẽ là do sự không hiểu nhau giữa các thế hệ. Tôi không thấy tiếc, đó chỉ là một dấu nho nhỏ trong cuộc đời.

Trước đây có thể thấy Thắng vẽ tỉa tót, chau truốt, mỗi bức tranh luôn cố gắng đưa ra một luận đề nào đó to tát, những "đại tự sự", nhưng sau này thì thấy không thế nữa. Đã có một sự thay đổi nào đó trong quan niệm?

Ban đầu tôi chú trọng sự hoàn hảo trong tất cả các khâu, bề mặt, kỹ thuật, sự thể hiện...Sau nhận ra đó không phải là tất cả, chỉ là gợi ý cho việc thể hiện. Tôi hiểu ra tranh là nhật ký hàng ngày của cá nhân nghệ sỹ. Trước đây tôi hay chọn những vấn đề lớn, có thể đó cũng là ảo tưởng ban đầu về nghề. Sau này tôi chú ý đến tiểu tự sự, vì nó thiết thân. Ví dụ, khi vẽ những chân dung nhiều khi tôi không đặt tên mà chỉ đánh số thôi. Tôi không nhớ mình đã gặp những chân dung ấy trong hoàn cảnh nào, họ là ai và họ ra sao, mà tôi nhớ lại cảm xúc, tâm trạng của bản thân trong lúc ấy, nghĩa là tôi vẽ họ những chính là đang vẽ những tâm trạng, cảm giác, tư thế của tôi thời điểm đó. Tóm lại cùng một nguyên mẫu, các cá nhân khác nhau sẽ vẽ khác nhau. Có người vẽ chân dung người miền núi mang tinh thần thành phố hoặc ngược lại. Mỗi bức tranh như một cuộc tự sự của người vẽ, có người kể được nhiều, có người kể được ít, có người chẳng kể được gì.

 Đến bây giờ  anh đã chọn được một lối riêng hay chưa?

Tôi vẫn đang loay hoay. Vì ham muốn tiến xa hơn thì một lý luận, một ngôn ngữ nghệ thuật riêng là điều tối quan trọng phải hướng đến, nhưng nó không thể đến ngay mà tích lũy dần dần theo thời gian. Gerhard Richter - họa sỹ đương đại lớn người Đức đã từng triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách đây mấy năm, có nói: tôi không có chương trình, không có định hướng, không có phong cách, để nhấn mạnh đến yếu tố ngẫu nghiên trong các tác phẩm của ông. Nhưng rõ ràng khi xem thì biết ngay đó là ông ta. Tôi cho đó không phải là một câu nói bông đùa, vô tình, thực tế ông ta đã vượt qua các lý luận và tìm được ngôn ngữ riêng của mình.

Những khen chê có ảnh hưởng thế nào tới anh?

Có những nhận xét làm tổn thương mình ở thời điểm nhất định, nhưng họa sỹ cũng giống như cầu thủ: phải quan tâm để luôn đạt phong độ cao nhất và ghi bàn. Còn phải bảo vệ bản thân, tránh chấn thương và những ác ý.

Anh nhận xét gì về các nghệ sỹ đương đại cùng lứa tuổi mình?

Thế hệ tôi là thế hệ chuyển giao. Tức là họ sinh ra khi đất nước đã hòa bình nhưng dư âm chiến tranh, dư âm của xã hội bao cấp vẫn còn đậm đặc trong họ, và trên cơ sở đó họ bước vào xã hội tiêu dùng. Thế nên họ luôn ở trên ranh giới chọn lựa, ở trong hoàn cảnh nhiều vấn đề, và bản thân họ cũng đầy xáo trộn, họ vừa muốn hi sinh tất cả cho cái tôi cao ngạo, nhưng lại vẫn lo âu về trách nhiệm. Nhưng tôi cho là không có xáo trộn, mâu thuẫn tác phẩm sẽ nhạt, xáo trộn khiến họa sỹ có nhiều chuyện để kể hơn cho người xem.

Theo anh yếu tố xã hội hiện nay  tác động thế nào đến lao động của các họa sỹ trẻ?

Họa sỹ Việt Nam trong hoàn cảnh thị trường và các hoạt động nghệ thuật kém chuyên nghiệp phải nỗ lực gấp mười họa sỹ ở nước phát triển.  Nhưng điều thuận lợi hơn là Châu Âu đã già cỗi, và trật tự quá nên vượt lên rất khó. Trung Quốc mặc dù vẫn đang là thị trường nóng, trong những phiên đấu giá nghệ thuật, hội chợ nghệ thuật thì hiện nay có khoảng 50% là tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã khá ổn định về các tên tuổi và giá cả. Giới sưu tập tranh đang tìm sang các nước đang phát triển, các nước thứ 3 với những đặc điểm, trạng thái chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mới mẻ, sinh động, biến đổi liên tục. Việt Nam vì thế đang là một thị trường tiềm năng. Đây là một tác động rất tốt tới các họa sỹ đương đại.

Cảm ơn anh. Chúc anh thành công!

 

 Diệu Thuỷ (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :