Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Âm nhạc: Câu hát người quan họ
Tôi chìm vào giấc ngủ mà câu quan họ vẫn ngân vang... Hình ảnh liền anh, liền chị, góc này hát, góc kia hát cứ chập chờn trong tâm trí. Chưa bao giờ như đêm nay, tôi được đắm mình trong âm thanh mộc mạc, giản dị như từ quá khứ gửi về.

Giữa cuộc sống bề bộn cuốn phăng đi cái tĩnh lặng từ sâu thẳm trong tâm hồn, con người đã lãng quên cái tình tứ được người xưa sáng tạo gửi vào câu hát.

Tôi đã có dịp nghe quan họ "xịn" cách đây 17 năm, đã biết về nét đẹp của môn nghệ thuật này. Liền anh, liền chị có duyên với nhau về nghệ thuật mà không được phép kết duyên với nhau trong đời thường đó là luật của người quan họ. Chính điều này đã làm tăng thêm những tình cảm lưu luyến, nhớ nhung mỗi khi họ đi hát cùng nhau.

Nét độc đáo của thể loại này, họ không hát một mình mà lúc nào cũng hát theo cặp, đối đáp giữa cặp nam và cặp nữ, không có nhạc cụ đệm. Phần lớn lời ca trong quan họ được sáng tác bằng thơ lục bát. Âm thanh nảy, láy vang rền, lúc ngắt lịm tưởng như có ai đang chỉ huy. Hai giọng chập vào nhau, người hát dẫn, kẻ hát luồn, thật mê hồn. Tôi là người trong làng cổ nhạc, nghe vài lần rồi vẫn không thể phân tích nổi tại sao nghe hay thế, tại sao hiệu quả âm thanh lại kỳ diệu vậy. Sự sáng tạo âm thanh, kết hợp những kỹ thuật nảy láy chỉ có trong quan họ. Tôi cũng muốn thử cái kiểu hát đơn giản mộc mạc mà tinh tế đến lạ kỳ. Rồi cũng cất giọng hòa cùng liền chị làn điệu giã bạn trước khi chia tay và..rất… vào…dễ dàng lạc chốn mê cung…Phải dừng thôi ca trù đang đợi!

Nghe rồi lại thấy xót xa! Giờ thì còn đâu "liền chị" tìm đôi để luyện tập từ nhỏ. Lớn lên tìm kết bạn với liền anh làng bên để cùng nhau chơi với những câu ca, đố nhau đối lề lối mà thắm đượm tình người, hồn quê. Liền chị ra làn điệu, liền anh đối lại làm sao cho liền chị phục cái tài tình. Cứ say sưa như vậy họ hát thâu đêm, hát quên ăn, quên ngủ, có những canh hát kéo dài tới hai ngày.

Không biết đã bao thế hệ các lớp liền anh, liền chị đã sáng tạo nên những lề lối và ngày nay còn lưu truyền lại 300 làn điệu. Quả là giàu có xiết bao! Hát hết ngày này sang tháng nọ. Và nếu như ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục giữ được phương thức sáng tạo này chắc chắn con cháu chúng ta sẽ còn giàu có hơn chúng ta hôm nay. Vậy mà… Than ôi, còn đâu nữa! Các liền chị đều đã ngoài 40, không có lớp kế cận. Để tìm được người có giọng hợp với mình thành cặp đã khó, tìm được thầy truyền lại càng khó hơn, cùng tu luyện chăm chỉ 3, 4 năm rồi tìm được cặp nam kết bạn (cũng phải là một cặp nam đã luyện tập với nhau chừng ấy thời gian). Những đêm trăng thanh gió mát tìm đến nhau để cùng hát đối đáp, cùng thỏa sức sáng tạo nghệ thuật với những tình cảm bay bổng. Mỗi khi chia tay họ lưu luyến hò hẹn "xin mai gặp lại học đôi ba vần", người quan họ ý tứ, bóng gió, xa mà gần…

Trên đường về, trong lòng chúng tôi đều hụt hẫng, làm sao giữ lại không gian văn hóa truyền thống này đây? Tại sao chúng ta không tìm cách ghi chép lại? - Ai đó đã thốt lên. Nhưng những ghi chép hay những bản ký âm cũng chỉ là ghi chép để người sau biết tới vậy thôi. Còn cái âm thanh tự thuở nào truyền lại thì chẳng có giấy mực nào ngân lên được. Ngay cả trữ liệu âm thanh cũng không thể truyền sang ta cái thần, cái "hồn cốt" dân tộc của người xưa đã truyền lại. Tôi đã nghe băng rất nhiều, nhưng không hề cảm nhận giống hôm nay. Thậm chí cách đây 17 năm tôi cũng không cảm nhận như bây giờ. Thời gian, tuổi đời cùng những trăn trở, tôi hiểu hơn về những giá trị đang biến mất. Cuộc sống đã đầy đủ hơn, người Việt đã giàu có hơn, vậy mà quốc hồn quốc túy lại chẳng được ai chăm nom, gìn giữ. Sức cá nhân nào có thể dựng lại được những giá trị văn hóa đang trượt theo năm tháng. Ai có đủ tiền bạc, sức lực để phục hồi lại cả một không gian văn hóa với sự tinh tế được xây dựng bằng tâm tư tình cảm, bằng sáng tạo nghệ thuật, bằng cả sự rèn luyện ngày đêm, bằng nỗi nhớ thương? Những người dân nơi đây không được giáo dục về những giá trị văn hóa, họ đã bị những loại hình âm nhạc ngoại lai tràn vào trong các loa đài, ti vi, khắp nơi đâu đâu cũng phát lên những bản nhạc pop rock, ai còn hứng thú nghe câu hát xưa. Người quan họ lập ra đoàn quan họ, dạy trong trường nghệ thuật và…họ đưa nhạc cụ vào đệm, bỏ đi những tiếng láy, nảy vang rền, bỏ đi tính hát cặp- đặc thù riêng, bỏ đi tính đối đáp đầy sáng tạo. Những gì đẹp nhất thì họ lược đi và họ biến thành những ca khúc mượt mà như chúng ta vẫn được nghe trên đài, tivi. Các nhà nghiên cứu gọi đó là "quan họ đài", "quan họ cải biên". Chúng ta đã lầm tưởng đó là sáng tạo! Chúng ta tưởng là đã bảo tồn! Thật trớ trêu thay cổ nhạc Việt Nam ơi!

Chúng ta đem những câu hát ghi âm lại thành bản nhạc và tưởng rằng bằng cách đó có thể giữ được những âm thanh từ đời xưa truyền lại. Ôi những âm thanh phải luyện tập công phu, cùng với sáng tạo không ngừng của bao thế hệ… và nhất thiết phải được cất lên từ những tài năng âm nhạc. Băng đĩa chỉ là sự truyền đạt âm thanh của máy móc. Chúng ta đâu cảm thấu được âm nhạc của người quan họ đối đáp với nhau bằng nghĩa, bằng tình? Kỹ thuật thanh nhạc, thơ ca, làn điệu, phương thức sáng tạo đều đạt tới đỉnh cao!Đâu dễ gì một sớm một chiều hình thành lên vùng văn hóa đặc sắc như Quan họ cổ ta vừa được nghe? Hỡi ơi! "hồn cốt" xa rời…

 

 Phạm Thị Huệ - Ảnh: NMHà - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :