Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Khắc khoải tiếng rao thuở ấy
Tiếng rao tự bao giờ đi vào đời sống một cách tự nhiên và trở nên quen thuộc với mỗi người. Nó góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm đa sắc màu và thi vị. Trong xã hội hiện đại, khi khoa học - công nghệ phát triển không ngừng, tiếng rao cũng có những bước chuyển mình cùng sự tiến bộ của nhân loại.

Tiếng rao thời thơ ấu...

Tôi, ngày 2 buổi tới trường, tóc còn để chỏm, kem mút và kẹo kéo là 2 đồ ăn vặt ưa thích. Mỗi lần, vẳng bên tai tiếng “bip… bip… bip… ai kem mút đây…”, chúng tôi rối rít chạy ra cổng, đưa vội 200 đồng để mua một que kem mút. Thời thơ ấu, kem ngon và thơm lạ lùng! Tôi nhớ cái cảm giác được cắn ngập chân răng miếng kem lạnh buốt, tê tê đến từng tế bào trên cơ thể...

Nhớ tiếng rao “ai kẹo kéo đây”, “nhôm đồng sắt vụn đổi kẹo kéo đây…” đã theo lũ trẻ chúng tôi vào trong giấc ngủ. Thời thơ ấu, chúng tôi đua nhau gom những đồ phế liệu để mang đổi kẹo kéo. Kẹo kéo càng kéo càng dài, ăn "dè" được lâu vì ngậm mãi mới hết. Kẹo dẻo thơm ngon, có hương thơm nếp mới... Tiếng rao kem mút và kẹo kéo đã gắn bó với tuổi thơ và lớn lên trong ký ức của mỗi chúng tôi. Tiếng rao hàng cứ vang vọng từ đầu xóm đến cuối ngõ, qua khắp từng nẻo đường giữa những buổi trưa, buổi chiều nắng lửa. Những tiếng rao thân thuộc vang lên từng ngày, từng giờ, có khi rất nhẹ nhàng, đầy mời gọi, có khi lại ngân nga, du dương, tha thiết.

Lại nhớ, cứ mỗi sáng sớm, bà hàng xôi lại bưng cái thúng đi rao: “Ai xôi đây… xôi khúc, xôi gấc, xôi lạc đây!”. Buổi sáng đến trường, tay cầm nắm xôi rẻo vừa đi vừa ăn đó là sở thích của chúng tôi. Mỗi lần được mẹ đổi cho đôi dép mới là y như rằng chúng tôi mừng quýnh chạy khoe khắp nhà trên xóm dưới để những đứa khác phải tròn mắt tán thưởng. Nhớ tiếng rao cô hàng dép đầy cám dỗ: “Ai đổi dép đây, dép cũ đổi dép mới đây…”. Và cái tiếng rao khàn khàn nhưng ấm áp của chú hàng chiếu “ai chiếu đây!” cũng thân quen biết mấy. Xe đạp trở thành phương tiện chuyên dụng và chủ yếu theo những người rao hàng khắp mọi nẻo đường.

…và thời nay

Sống giữa thành phố, mọi người trở nên bận rộn với một khối lượng công việc khổng lồ. Chỉ khi tĩnh tâm lại, ngồi thưởng thức hương vị cuộc sống mới thấy tiếng rao vẫn hiện hữu xung quanh mình. Tiếng rao bây giờ trở nên hối hả, giục giã và hiện đại hơn hẳn trước kia. Tiếng rao được ghi âm lại, tạo thành băng và chỉ cần một chiếc ắc-quy nhỏ gắn vào xe đạp là âm thanh rao có thể vang lên bất cứ lúc nào...

Đêm thành phố, trong căn gác trọ chật chội, tôi đã nghe tiếng rao “ai bánh bao đây, bánh bao nóng đây!” liên tục vang lên và lặp lại một cách nhàm chán.

Hàng rong bây giờ, xe đạp không còn là phương tiện chủ yếu, thay vào đó là chiếc xe máy vừa nhanh lại vừa tiện. Những chú xe máy lượn vèo vèo từ phố này đến phố khác chỉ để rao “ai bán chó đây”, “ai mua cây cảnh đây…” Những âm thanh của tiếng rao lẫn với âm thanh các phương tiện giao thông của nhịp sống đô thị hiện đại. Thỉnh thoảng đâu đó trên các con phố, ta mới bắt gặp hình ảnh những người rao hàng vẫn cọc cạch chiếc xe đạp cũ kỹ. Họ dường như phải gồng mình để theo kịp những chiếc xe gắn động cơ và cố gắng để tiếng rao của mình không bị lạc lõng giữa thị thành. Công nghệ hiện đại, xã hội phát triển, tiếng rao không thể không chuyển mình. Dịch vụ mọc lên như nấm, buộc tiếng rao cũng phải đa dạng hơn, đem sản phẩm đến tận nhà để giành giật khách hàng...

Đang ngồi giữa thành phố, tôi lại thèm được nghe một tiếng rao nhẹ nhàng, êm dịu, mang hồn dân dã vọng về từ ký ức: “Ai cốm đây… cốm làng Vòng đây...”.

 Nguyễn Thị Đóa - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :