Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Quyền Văn Minh dạy con và jazz
“Khán giả của jazz ở Việt Nam hiện rất ít, lựa chọn con đường này, mình phải chấp nhận. Nhưng nay con đường ấy đã dài thêm, lực lượng cũng đã lớn lên và điều mấu chốt là việc cha con cùng chơi nhạc jazz,” Quyền Văn Minh nói. Niềm tự hào lớn nhất của anh có lẽ chính là đã tiêm nhiễm jazz thành công vào cậu con độc đinh - Quyền Thiện Đắc.

Anh luôn có xu hướng tạo sức ép lên Quyền Thiện Ðắc. Có bao giờ anh thấy con căng thẳng hoặc muốn phản ứng?

Có! Phản ứng bằng nhiều cách. Nhưng cậu vẫn phải chịu. Vì sức ép này không bao hàm kinh tế, không mang tính gia trưởng mà mang tính trách nhiệm với âm nhạc. Cậu làm như mọi nhạc công khác là việc của gia đình. Còn anh không thổi thì tôi thổi. Tôi phải lên thổi mà anh ngồi chơi, thiên hạ cười tôi.

Còn công việc cơ quan. Anh tốt nghiệp ở Mỹ về thật, nhưng cơ chế Nhà nước, anh phải thi công chức. Phải chờ làm hợp đồng. Lương lúc đầu 700-800.000 đồng cho đến 1 triệu đồng, anh thấy căng thẳng là anh tầm thường. Bố hơn 4 triệu đồngvì bố có 40 năm gắn bó âm nhạc. Ðồng lương đó rất ý nghĩa, nhưng không quan trọng. Ðể sống, mình còn làm rất nhiều việc khác. Những cái nhỏ nhoi ấy, không phải tự cậu nhìn thấy mà bị tác động xung quanh. Vài anh châm chích. Ðấy gọi là “đài địch”, là “không cùng sóng”. Ðọc được những điều đấy thì tôi phải phân tích cho Ðắc: Nếu chỉ để diễn thôi, thì việc gì bố phải đầu tư cho con đi học. Lúc đấy, con đã chơi rất hay rồi. Từ 1997, khi bố mở jazz club, con đã chơi hay nhất đất nước này rồi. Kể cả có anh Trần Mạnh Tuấn bố cũng nói luôn. Nghe con thổi cổ điển, rồi jazz trong bữa rượu, anh ấy đã phục lăn. Vì anh ấy không thể làm được. Nhưng bố cho con đi học để con lấy tầng kiến thức, con về xây dựng ngành saxo cho rực rỡ lên. Con phải hiểu, phải có trách nhiệm với bố, với ngành nghề. Bố là người đầu tiên dạy ngành jazz mà bố không học ở đâu cả. Bố phải tự tích tụ bằng mọi thứ. Tham khảo tất cả ngành khác để xây dựng ngành này. Giờ con có điều kiện âm nhạc mà không làm nốt cho ngành này sáng lên thì người ta cười. Nếu con cần tiền thì con bảo bố, chúng ta cố gắng chắt chiu cùng làm.

Thực ra, anh ấy cần một sự đối xử xứng đáng. Tại sao phải vội thế? Năm nay con 29 tuổi. Bố mường tượng năm 29 tuổi của bố, bố phải nuôi 2 đứa con. Bố buộc phải tập kèn làm sao thật giỏi để bất cứ ai cần gì là làm được. Tuồng, chèo, cải lương- thổi hết để kiếm tiền. Nhưng trong đầu bố vẫn có một chữ jazz. Nếu năm 29 tuổi bố không nghĩ đến sẽ phải chơi jazz, làm công trình nọ kia, thì làm sao bố có được điều kiện như bây giờ...

Quyền Văn Minh: Tôi đã tưởng tôi được dừng để viết, có thể có những concert riêng, nhỏ nhỏ thôi. Chính sau khi chơi chương trình đó xong, tôi nghĩ tôi chưa dừng được...

Phải chăng vì anh thấy đội ngũ kế cận chưa đủ tâm huyết với jazz?

Cái đó cũng một phần. Mô hình CLB này đã hoạt động đến năm thứ 11, không nghỉ một ngày nào, các nghệ sĩ chắc phải rất điêu luyện. Nhưng phải nói thật, cũng rơi rụng một số. Một số bắt đầu chơi được được một tí thì nghĩ rằng đủ rồi, giỏi rồi, thì lại tản mạn, không gắn bó với CLB nữa, thì lại đào luyện tiếp. Một số trụ vững, ví dụ Nguyễn Hồng Sơn, Bảo Long - là những học trò kèn của tôi. Những người đó lại phải cần một lực lượng cân xứng mới chơi cùng được. Thì phải lựa chọn. Và tôi nghĩ rằng mình buộc phải làm nhiều concert để các thành viên mới được xuất hiện nhiều hơn, được tôi luyện. CLB chỉ là chỗ bồi dưỡng nâng cao để ra sân khấu lớn hơn. Chương trình big-band năm nay toàn các thành viên mới.

CLB diễn 7/7 đêm trong tuần - đối với các nghệ sĩ liệu có căng thẳng quá?

Ở CLB, người làm nhiều nhất là ba buổi. Người phải lao động vất vả nhất là Quyền Thiện Ðắc vì tôi muốn có một sức ép với Ðắc. Ðắc mới đi học về, tuổi đang trẻ, đáng lẽ còn phải làm việc 7/7 nhưng còn có hai nghỉ để sáng tác, giải trí. Tôi không bao giờ có ngày nghỉ.

Tôi có nói với Quyền Thiện Ðắc, tất nhiên mỗi thời một khác, nhưng thời kỳ này chính là thời chiến của nhạc jazz. Xưa thời bao cấp, bố vất vả lo toan tất cả thì bố xác định là thời chiến, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường. Bây giờ mọi điều kiện đều tốt hơn, nhưng với jazz vẫn còn đang thời chiến. Vì chỉ cần dừng một cái là lực lượng này sẽ oải, ngả sang chơi pop cho nhẹ nhàng, có tiền hơn.

Hiện nay, nhiều khi sự xuất hiện của tôi ở CLB còn có chữ Nghĩa. Các thành viên định nghỉ, định bỏ còn phải nghĩ đến cái nghĩa đối với bố. Từ những ngày đầu tiên, những ngày khốn khổ, những ngày vắng khách, bố vẫn không nợ, không thiếu các con một hào nào, kèm cho các con đến ngày hôm nay...

Không có tôi, nhạc jazz chỉ chậm lại một tí thôi, chứ không phải là có ông này mới có nhạc jazz. Tôi đã từng tuyên bố từ lâu, trước Quyền Văn Minh, đất nước này đã từng có những người chơi jazz, nhưng không đi theo đến cùng. Tôi đặt mục tiêu đi theo đến cùng vì hai điều, thứ nhất là đam mê; thứ hai: cương vị giảng dạy buộc tôi phải tìm chỗ biểu diễn cho học trò. Hai cái đó cộng lại làm tôi xiết chặt thắt lưng, nghiến răng để làm CLB và các chương trình.

Cuộc sống của nghệ sĩ chơi jazz nói thật là khó khăn. Các cháu ở đây một tối, tất nhiên đừng đăng tiền, nhưng đại khái có thể biết các cháu được 140 nghìn và giải lao được uống nước. Và để lo 140 nghìn đấy, tôi đã phải đi làm rất nhiều việc khác. Vì bản thân doanh thu không thể đủ được. Bởi chi phí thuê nhà, điện nước, mình đều phải trả, và trả như một doanh nghiệp.

Nói thực, đôi lúc cũng muốn tiết kiệm người, nhưng không thể. Tôi cũng chỉ được phép thổi 2 tối/tuần. Quyền Thiện Ðắc 5 tối vì có nhiều ý tưởng âm nhạc- chơi với ba nhóm để vực các bạn lên. Nói thật, tôi muốn vắt kiệt Quyền Thiện Ðắc. Vì mình đầu tư cho con đi học. Về con phải có gì đáp lại. Nếu Ðắc tác động tốt đến ban nhạc, đến CLB, tức là anh đã trả nghĩa gia đình, trả nghĩa bố, trả nghĩa thầy.

Tóm lại ở đây, chế độ dân chủ là như nhau. Chỉ mong rằng nếu anh kém người khác thì hãy tự trọng vươn lên.

Anh làm những việc gì khác để duy trì CLB?

Tôi đi dạy thêm... Tôi từng phải đi diễn pop. Tôi cũng lặng lẽ xách kèn ra sân khấu thổi hai bài để lấy triệu rưởi hai triệu. Thực ra mình không nên làm thế.

Thỉnh thoảng anh thổi mấy bài pop thì có gì ghê gớm đâu?

Nhưng mình đang giương ngọn cờ tất cả vì jazz. Nhưng nhiều lúc kinh tế cũng làm cho mình... Các cháu bận đi chơi nhạc pop, mình không bao giờ trách. Nhưng có thể vẫn bài đấy chơi chỗ khác không thể nào có không khí như ở jazz club. Chơi ở sảnh khách sạn, văng vẳng tiếng nhạc, người ta nói chuyện là chính, làm sao có tiếng vỗ tay. Mà không có tiếng vỗ tay làm sao hưng phấn được. Nhưng ở đây là có. Ở đây, khách đến uống nước và chăm chú nghe. Không khí riêng. Tôi đã làm được điều đấy.

Ðã có một lượng khách nghe jazz ổn định tại CLB, thưa anh?

Chưa. Vì khách tại chỗ: người nước ngoài, cán bộ sứ quán, người của các công ty lớn- đều cần những tiện nghi cao cấp mà điều đầu tiên là mình không có chỗ đỗ xe. Chỉ còn lực lượng chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, hay những người đang làm ở đây- có bạn bè sang chơi thì đưa đến. Ở đây tiếp nhiều đại sứ, thậm chí cả Thủ tướng, phó Thủ tướng... nhưng chỉ là một hôm thôi. Khách Việt Nam cũng có lớp trẻ, sinh viên- nhưng đồng tiền có hạn. Chỉ một cốc cà phê để nghe, thẩm thấu nhạc jazz.

Một cách làm dễ ăn khách là chuyển soạn các ca khúc nổi tiếng trong nước thành hòa tấu. Anh có nghĩ tới?

Tôi có thu đĩa. Phát hành ít thôi. Chủ yếu bán ở CLB. Có cả tiền chiến, tình khúc quốc tế, cả Ðoàn Chuẩn nữa... Mình chiều khách nhưng mình vẫn phải nghĩ đến hướng phát triển của bọn trẻ. Chiều mình thì các cháu cũng lượn 1-2 bài thôi. Chứ chúng lại quyết tâm đánh sâu sắc những bài ấy thì lại thành giống mình, lại mất hơi thở contemporary của jazz đi. Nó là cái mâu thuẫn mà mình vẫn chưa có giải đáp đấy.

Anh có nói chưa chắc các nhạc sĩ trong nước đã đồng ý cho mình thổi nhạc của họ thành jazz?

Trong chương trình Cha, con và jazz tới đây, xuất hiện một ca khúc chính tác giả yêu cầu tôi phối lại cho jazz và tôi sẽ thể nghiệm. Sau đó, có thể tôi sẽ lựa chọn những bài nổi tiếng, thậm chí tôi thử chơi qua phong cách ấy cho tác giả nghe, nếu họ đồng ý thì tôi mới làm.

Anh quan tâm đến sáng tác ca khúc?

Tôi viết đúng một bài: Lời mẹ ru- lấy chất liệu ả đào cho Thu Hồng đợt đi Singapore. Bên đó, họ cũng muốn nghe một bài chất liệu dân gian lại có thể chơi thành jazz. Bài này chưa có điều kiện thu hát, tôi đã chuyển thành hòa tấu trong đĩa Ðồng cảm. Tôi rất thích viết ca khúc, thậm chí chuyển lời thành tiếng Anh. Nhưng vẫn còn đang nghiên cứu. Vì phát âm tiếng Anh khác, mình lại phải biến giai điệu của mình đi.

Người nghe thông thường dễ bị hấp dẫn bởi giọng hát. Nhưng ca sĩ jazz ở CLB của anh hơi hiếm?

Năm nay có Diệu Thúy. Cũng đang nâng dần. Vì thường ca sĩ Việt Nam, kể cả chị Tuyết Loan, chỉ hát cái giai điệu jazz là xong. Ðấy chưa phải jazz. Hát jazz là người ca sĩ phải thẩm thấu, phải trình diễn như một nhạc công, cũng solo bằng cổ họng. Chương trình vừa rồi, tôi có viết một đoạn solo bằng du-bda cho Diệu Thúy với dàn big-band.

Ở đây, chính ra có ba cô ca sĩ. Thúy Quỳnh làm ở báo Tin tức online, ngày xưa học piano ở trường Nghệ thuật Hà Nội - hát nói chung tốt. Có khả năng đào luyện nâng tầm thành ca sĩ jazz.

Xin cảm ơn anh!

 Nguyễn Mạnh Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   |