Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Những đứa trẻ "trời nuôi" bên sông Phó Đáy
Sớm tinh sương, tiếng cười khúc khích của bọn trẻ đã đánh thức cả một vùng sông nước mênh mang, một ngày chìm nổi của người dân vạn chài trên sông Phó Đáy lại bắt đầu. Làng chài ấy nằm kẹp giữa hai thôn Bắc Bình và Ngọc Mỹ của huyện Lập Thạch, không có tên, cũng như những đứa bé lớn lên chỉ nghe người ta gọi cái Hĩn, thằng Tũn mà chẳng biết tên thật của mình.

Ban ngày chúng hồn nhiên lặn ngụp cùng mẹ cha giữa dòng nước lờ đục để mưu sinh, nhưng tương lai thì mịt mờ như mặt sông lúc về đêm. Cái khó nghèo ôm eo cả xóm, những người dân chài lo được hai bữa ăn một ngày cho đàn con đông đúc đã mướt mồ hôi, còn sự học hành, ăn mặc, sức khoẻ của chúng đành phó mặc để “trời nuôi”...

Nổi nênh theo chiều con nước

Gần 65 đứa trẻ của 21 hộ thuyền chỉ có chừng 10 đúa may mắn biết dăm ba chữ, còn lại là mù tịt, có đứa chưa từng cầm vào cái bút…” - anh Võ Thuỷ Lâm (Trưởng xóm) bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng thở dài. Ở tuổi 40 nhưng anh đã mang nụ cười và gương mặt của một ông lão lục tuần. Chỉ tay vào con thuyền gỗ ọp ẹp mới tu lại, anh cười: “Dinh cơ của cả 8 nhân khẩu nhà tôi đấy, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè như thế này thì nóng như hoả lò. Mấy đứa trẻ ban đêm thường mang chiếu trải lên bãi cát nằm ngủ...”. Bốn đứa con của anh sàn sàn như nhau đen đúa, rắn rỏi, chịu khó nhưng đều không biết chữ. Ngày nào cùng vậy, Luân (cậu anh cả) cùng với cô em gái kế đi đội cát thuê cho các chủ thuyền từ tinh mơ đến tối mịt để kiếm 22 ngàn đồng một công. Những đứa khác còn nhỏ thì theo phụ cha mẹ mò cua kéo cá, không dư dật gì chỉ mong đủ sống qua ngày. Trên hai chục gia đình ở xóm vạn chài đều có hoàn cảnh na ná như anh Lâm. Cuộc sống của họ tạm bợ và thiếu thốn, nhà nào cũng con đàn cháu đống, bảy tám nhân mạng chen chúc nhau trên một chiếc thuyền.

Vào mùa nước nổi, dòng sông có hung dữ nhưng còn dễ kiếm sống. Cứ hạn hán như mấy tháng trước đây thì cả xóm liêu xiêu vì đói. Nước cạn, cát trơ, thả lưới cả ngày cũng chẳng kiếm được gì, người lớn phải vào làng làm thuê còn lũ trẻ mang mê rổ dắt díu nhau xuống mạn kênh, đồng trũng mò tôm, xúc tép. Sinh ra và lớn lên đã gắn với con đò, bến sông, biết dòng nước là nguồn sống chính, nhiều đứa trẻ đã thút thít khóc khi nhìn thấy cồn cát ngày một lấn sâu ra dòng chảy. Cũng như ông bà, cha mẹ những đứa trẻ ở vạn chài này rất sớm ý thức được vai trò của mình. Lên hai, lên ba chúng đã tập bơi. Lên bốn, lên năm chúng đã bơi giỏi như rái cá. Đó cũng là lúc bọn trẻ có thể theo người lớn đi buông lưới.

Từ ngoài bãi, chúng tôi vào làng chài nhờ con thuyền do một em bé có tên là Tuấn cầm chèo, em mới 14 tuổi. Cái tuổi đáng nhẽ phải được học hành, vui chơi, “đói không lo, no không bàn” thì cậu bé đứng trước mặt tôi lại già dặn và từng chải đến ngạc nhiên. Rít một hơi thuốc thật sâu, Tuấn nói chậm rãi bằng giọng của một người đầy kinh nghiệm: “Nước sông Phó Đáy chảy trong lành là thế nhưng có rất nhiều luồng chảy xoáy ngầm bên dưới. Khi nước to nếu không phải người thạo đường thì dễ thành mồi cho hà bá. Có một lần, khi ấy em 12 tuổi, đang mải lơ đãng thì thuyền bị hút vào điểm xoáy. Con nước ụp cả người lẫn thuyền chìm nghỉm. May mà em được ông dạy cho từ trước nên cố nhịn thở mất tới một phút để đợi nước đẩy lên. Nếu lúc ấy mà cố gắng đánh vật với nó thì vòng xoáy sẽ nghiền nhão hết cơ, chết là chắc…”. Em nhoẻn cười trước ánh nhìn kinh ngạc của những người khách lạ. Xóm chài hiện ra, những tiếng chào hỏi vang lên từ những khoảng tối mò mò. Từ trong mui một chiếc thuyền cũ nát, bốn năm đứa trẻ rách rưới, có đứa trần như nhộng lốc thốc bò lên thành thuyền nhìn chúng tôi chằm chặp. Mấy đứa táo bạo sau một lúc phân vân đã nhảy sang thuyền, tủm tỉm ra hiệu muốn chụp ảnh. Tuấn vui vẻ đưa chúng tôi đến thăm một số nhà thuyền. Sao ở đây người ta đẻ nhiều con đến vậy.

Cuộc sống quá vất vả, đánh trần trên mặt sông cả ngỳa mà vẫn không đủ ăn. Bởi thế chẳng có bậc phụ huynh nào còn nghĩ đến chuyện học hành của con cái. Cụ Tố, 72 tuổi (người cao niên nhất vạn chài) chép miệng: “Từ bao đời nay do cuộc sống cơ hàn mà bố mẹ sinh con cái ra nhưng lại phó mặc chúng cho trời nuôi. Lũ trẻ lớn lên tự nhiên và rất hiếm đứa nào biết chữ…!”. Ông cụ chỉ tay ra bãi cát. Những đứa bé gầy gò, nheo nhóc và đen đúa. Ngoài đôi mắt trong trẻo, lấp lánh sau những nụ cười hồn nhiên thì mọi thứ còn lại như ẩn khuất vào màu đùng đục phù sa của dòng Phó Đáy.

Ngày trước, tôm cá còn nhiều đời sống dân chài đỡ vất vả, những đứa trẻ tuổi 11 - 13 không phải nhọc nhằn đi làm thuê làm mướn. Kể từ khi phong trào đánh cá bằng kích điện du nhập vào làng chài thì con cá, khúc sông không thể nuôi sống con người được nữa. Người lớn thất nghề, trẻ còn thất nghiệp đành nai lưng ra làm thêm nghề hút cát, gánh cát, đội cát thuê ở ven sông hoặc vào làng làm phu hồ, phụ xây theo những tốp thợ. Không ít người cha, người mẹ phải bỏ lại cả đàn con dại vì bị sụt cát mãi mãi không về. Những đứa trẻ trong xóm còn kể lại câu chuyện thương tâm của chị em cái Bống. Bố mẹ nó cùng làm thuê cho một chủ thuyền cát ở bên kia sông. Thế rồi một chiều mưa gió, ba chi em nó chờ mãi không thấy ai về. Hôm sau có người đến báo tin cha mẹ nó bị cát vùi không tìm thấy xác. Mấy chị em ngơ ngác nhìn số tiền đền bù người ta để lại trên bàn, sao mẹ nó không về để đi mua gạo?. Từ ấy, 3 đứa sống trong sự đùm bọc của cả vạn chài, cứ chiều chiều cái Bống lại dẫn em ra bến sông đứng ngóng về bờ bên kia cho đến tối mịt. Giờ đây ba đứa trẻ không biết đã lang bạt tận nơi nào, người trong xóm bảo rằng một họ hàng xa đã đón chúng về Hà Nội.

Những ước mơ con bên bờ sóng

Thiếu mặc, thiếu ăn, thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ, thiếu cả cái chữ những đứa trẻ “trời nuôi” bên sông Phó Đáy dường như không có một mối quan hệ nào với xã hội xung quanh. Khát vọng được học hành, được sống như những đứa trẻ bình thường khác luôn cháy bỏng trong tim những em bé vạn chài. Chẳng thế mà mỗi khi có lớp học tình thương do các tổ chức xã hội hay các đội sinh viên tình nguyện về mở tại xóm các em vui như có hội. Hầu như lớp học chẳng mấy khi vắng tiếng trẻ cười đùa. Nhiều em bàn tay đã chai sạn vì cầm chèo, cầm xẻng thế mà khi cầm cây bút nhỏ bé lại run rẩy, không vững. Cũng có em bị ốm, sốt tới 38oC vẫn nhờ bạn dìu đến lớp để không lỡ buổi học. Em kể: “Nhà em nghèo lắm, bố mẹ em làm quần quật từ tinh mơ đến tối mịt cũng không đủ nuôi 5, 6 miệng ăn. Đó là chưa kể những lúc con cái ốm đau, bệnh tật, tiền thuốc thang không biết chạy đâu? Hai đứa em của em đã bị thương hàn mà chết, khi chúng bệnh bố mẹ chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện chứ không dám đưa đi viện vì không có tiền…Em chỉ mong khi ốm có tiền mua thuốc…”.

Cũng chính vì lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, khắc khổ mà trẻ con nơi đây trông đứa nào cũng già trước tuổi. Cả ngày chúng hì hục làm lụng mưu sinh, ngoài công việc chẳng biết thêm một thứ gì khác. Dân vạn chài chỉ có một phương tiện giải trí phổ biến là cái đài con, nhà nào sang thì có thêm chiếc ti vi đen trắng chạy bằng ắc quy. Nhớ những đêm giao lưu văn nghệ được tổ chức bên sông, cả xóm chài tưng bừng, nhộn nhịp, mọi người tập trung ở bãi ngay khi mới nhọ mặt người. Nhìn những đứa con lam lũ của mình xúng xính, hồn nhiên đứng trên sân khấu hát múa, nhiều người mẹ đã ứa nước mắt. “Sinh con ra mà không lo được cho chúng cơm no, áo ấm, được đến trường, ai mà không sót. Nhung trời bắt vậy, biết phải làm sao…” - chi Bến mẹ của 4 đứa trẻ tâm sự. Ước mơ lớn nhất của người dân xóm chài là làm sao con cái họ được đi học. Thiếu thốn về vật chất đã khổ, nhưng nếu thiếu thốn về tinh thần, mù về văn hoá thì còn khổ hơn gấp nhiều lần. Đời ông thất học, đời cha mù chữ, đời con cũng cùng chung số phận bởi một nguyên nhân cố hữu: vì nghèo. Ông Lê Hồ, bố của 7 đứa con, ông của 21 đứa cháu nói như phân bua: “Nhiều người không hiểu cứ nghĩ chúng tôi không quan tâm đến chuyện học hành của con cháu. Nhưng thưch tế đâu có đơn giản vậy, một đứa đi học là mất một người lao động. Đó là chưa kể chi phí học hành bây giờ cao chất ngất nên con nhà nghèo theo sao được...”.

Đứng trên bờ sông tôi lặng nhìn xóm chài giữa một buổi chiều chạng vạng. Xa xa, trên những con thuyền của dân chài thấp thoáng những ánh đèn dầu bập bềnh, lay lắt tự như những kiếp người chìm nổi trên sông nước mênh mang. Những đốm sáng ảo mờ, nhỏ nhoi ấy là ước mơ của những em bé vạn chài… mai rồi sẽ cập bến nơi đâu…?

 Nguyễn Sáng Dài - Ảnh: LêZu - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan