Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Dòng sông đâu có vô danh
Tổ quốc ta được trời phú cho một địa thế tuyệt đẹp, núi liền núi, sông liền sông. Nhờ có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc mà đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi do được phù sa bồi đắp. Trong trái tim mỗi chúng ta đều ẩn hiện một hình bóng quê nhà, nơi ấy, ngoài cây đa, giếng nước, sân đình, còn có bến sông và rặng tre xanh mướt mát đôi bờ. Tôi dang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ…

Những dòng sông không chỉ mang chở phù sa cho đồng bãi mà còn góp phần làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc. Những tên sông được ghi danh cùng lịch sử, như dòng Hồng Hà, Bạch Đằng Giang, Đà Giang, sông Cầu, sông Lô, sông Chảy... cùng với núi đồi tạo nên phong cảnh sơn thủy hài hòa, trở thành thổ ngơi, đặc trưng cho mỗi vùng đất, mỗi địa danh. Khi nhắc đến Thăng Long - Hà Nội là nhớ tới núi Nùng sông Nhị (Hồng Hà), nhìn về Xứ Đoài (Hà Tây cũ) là thấy núi Tản sông Đà, tới đất Thành Nam là non Côi sông Vị, đến kinh thành Phú Xuân (cố đô Huế) không thể không biết núi Ngự sông Hương... danh sách này sẽ nối dài thêm nữa bằng những bước chân ta đi, những nơi ta đến, gắn bó yêu thương.

Bây giờ mỗi lần rong ruổi đường trường, vào Nam ra Bắc, khắc khoải trong tôi là hình ảnh con sông quê hương. Tuy con sông quê tôi không rộng dài như dòng Nhật Lệ, không mang trên mình dấu tích lịch sử nối đôi bờ Nam - Bắc như sông Bến Hải, vậy mà bình yên chảy dọc tuổi thơ, cho tôi và bạn bè đằm mình tắm táp dần lớn lên cùng lấm lem bùn đất quê hương. Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh… Hai câu thơ ấy cứ dội lên trong tôi nhớ thương mỗi lần đi qua một con sông nơi đất khách.

Có lần tôi tự hỏi, những tên sông ấy ở đâu mà khiến cho người ta nhớ? Rồi lại tự trả lời mình rằng nó tồn tại trong lòng mỗi người, tồn tại trong ca dao tục ngữ. Vẫn biết đó là cách tồn tại bền chặt nhất, thiêng liêng nhất. Nhưng nếu chúng ta quan sát sẽ thấy những dòng sông trở thành vô danh đối với những người khách lạ, vì họ mới chỉ biết tên sông trên bản đồ, trên sách vở. Đúng vậy, tôi đã đi qua nhiều dòng sông nhưng chưa thấy có dòng sông nào được người ta gắn biển ghi danh ở đôi bờ. Chỉ thấy những cây cầu được bắc qua sông đều có biển báo gắn ở hai đầu ghi tên cầu và những thông số về chiều dài, bề rộng của nó mà thôi. Tôi và chắc cũng không ít người mỗi lần qua sông lại tự hỏi mình hoặc hỏi người bên cạnh: Cầu này bắc qua sông chi?! Thật buồn và không khỏi chạnh lòng.

Vừa rồi, tôi có dịp đến thăm Phong Nha - Kẻ Bàng. Lần đầu tiên tôi không phải hỏi người khác, dòng sông này tên chi? Đó là một dòng sông rất đẹp, dẫn du khách đến cửa động Phong Nha, dưới chân núi Kẻ Bàng, hai bên bờ là tấm biển ghi Sông Son. Tôi chợt nghĩ, cần phải có nhiều tấm biển ghi tên sông như vậy, chẳng hạn ghi ngay dưới biển cầu như Cầu Long Biên qua sông Hồng. Để mỗi lần qua cầu chúng ta thầm biết ơn một đời sông, một đời lặng lẽ mang chở phù sa bồi đắp đôi bờ. Mỗi lần ấy, chúng ta được nhắc nhớ tên sông, cũng như nhắc nhớ về nguồn cội, sẽ thấy đất nước mình muôn phần tươi đẹp, thêm yêu và thêm thương.

Nhật Lệ giang, tháng 5/ 2009

 Khúc Hồng Thiện - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :