Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
PGS.TS Phạm Hồng Tung với công trình về Nội các Trần Trọng Kim
Vừa qua, PGS.TS Phạm Hồng Tung, một nhà giáo ĐHQGHN đã công bố cuốn sách “Nội các Trần Trọng Kim – bản chất, vai trò và vị trí lịch sử”. Công trình đề cập đến một “khoảng trống” trong lịch sử Việt Nam cận – hiện đại. Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng PGS.TS Phạm Hồng Tung về một số nội dung liên quan:

Chúc mừng PGS. Phạm Hồng Tung. Công trình “Nội các Trần Trọng Kim” của ông vừa được ra mắt độc giả. Lý do nào để ông công bố nghiên cứu này?

Xin cảm ơn bạn. Tôi đặt vấn đề nghiên cứu về Nội các Trần Trọng Kim trong khuôn khổ nghiên cứu về cuộc Cách mạng tháng Tám nói riêng và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận – hiện đại nói chung. Cách đặt vấn đề như vậy cho phép chúng ta phát hiện ra một “khoảng trống”. “Khoảng trống” này chính là ở chỗ: trong các nghiên cứu trước đây ở cả Việt Nam và nước ngoài chúng ta chưa trả lời tường minh được câu hỏi: trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là trong quá trình lực lượng yêu nước và cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo giành chính quyền, thì lực lượng nào, kết cấu quyền lực chính trị nào đã bị lật đổ? Hơn nữa, bản chất, vai trò và vị trí của cái kết cấu quyền lực đã bị lật đổ đó nên được đánh giá như thế nào? Chừng nào những câu hỏi mà tôi cho là rất quan trọng đó chưa được trả lời một cách rõ ràng thì chúng ta còn chưa hiểu biết đầy đủ về bản chất, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám.

Theo nghiên cứu của chúng tôi thì trong quá trình giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám thì thiết chế quyền lực bị lật đổ chính là hệ thống chính quyền bản xứ do Hoàng đế Bảo Đại và Nội các Trần Trọng Kim đứng đầu. Đến lượt nó, thiết chế quyền lực này lại là một bộ phận cấu thành của toàn bộ kết cấu quyền lực thống trị do quân Nhật lập ra và kiểm soát.

Tuy nhiên, trong các công trình đã được công bố thì những kết quả nghiên cứu về Nội các Trần Trọng Kim còn rất sơ giản. Ý kiến đánh giá về nó lại rất khác nhau. Đó chính là lý do tôi tiến hành nghiên cứu và cho công bố một chuyên khảo về vấn đề này.

- Vậy ông đã bắt đầu nghiên cứu của mình như thế nào và từ bao giờ?

Cuốn sách mà tôi vừa công bố là sản phẩm khoa học của Đề tài mã số QG.06-37 do Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập, cấp kinh phí và tôi là người chủ trì, thực hiện. Nhưng thực ra tôi đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này từ mùa Thu năm 2005 ở Trường ĐHTH Passau (Đức). Khi đó, GS. Bernhard Dahm – thầy hướng dẫn của tôi, yêu cầu tôi nghiên cứu, so sánh lực lượng thân Nhật ở các nước Đông Nam Á trong thời kỳ Thế chiến II, đặc biệt là giữa chính phủ Trần Trọng Kim với chính phủ Ba Maw ở Miến Điện, chính phủ Laurel ở Philippines … và tôi đã phát hiện ra vấn đề. Từ đó tôi bắt đầu thu thập sử liệu và phác thảo các ý tưởng đầu tiên. May mắn là sau khi về nước tôi lại được các thầy của mình, nhất là GS. Đinh Xuân Lâm ủng hộ và chỉ dẫn thêm. Các đồng nghiệp ở nước ngoài, nhất là ở Nhật Bản cũng giúp cho thêm về các tư liệu đặc biệt có giá trị. Nhờ thế mà tôi mới có thể hoàn thành được nghiên cứu của mình.

- Theo ông thì những đóng góp học thuật chủ yếu của công trình này là gì?

Thứ nhất là đóng góp về sử liệu. Đây là lần đầu tiên những nguồn sử liệu khác nhau liên quan đến Nội các Trần Trọng Kim đã được thu thập khá đầy đủ và hệ thống, trong đó có không ít sử liệu mới được công bố lần đầu tiên đặc biệt có giá trị, giúp cho việc phục dựng lại lịch sử hoạt động của Nội các và việc đánh giá về nó, nhất là nguồn tài liệu từ phía Nhật Bản đã góp phần mang lại những nhận thức khoa học mới.

Đóng góp thứ hai là cách nhìn nhận, đánh giá mới về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim. Cho đến nay có ba cách đánh giá khác nhau về Nội các này. Cách thứ nhất theo xu hướng coi Nội các Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, là tay sai của phát xít Nhật, là chính phủ phản động, phản dân tộc và phản dân chủ. Trái lại, cách đánh giá thứ hai lại có xu hướng coi Nội các này là một chính phủ yêu nước, thậm chí là người khởi xướng cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam. Quan điểm đánh giá thứ ba thì lại coi đó là chính phủ thân Nhật của những nhà cải cách kỹ trị.

Dựa trên những nguồn sử liệu đáng tin cậy và cách phân tích đa chiều, tôi đã chỉ ra một cách thuyết phục, có căn cứ, rằng Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn do người Nhật dựng lên để hiện thực hóa một trong các phương án chiếm đóng Việt Nam của họ. Phương án này người Nhật đã có chuẩn bị, cân nhắc từ trước, và bản thân Trần Trọng Kim là một con bài đã được họ cất giấu, chuẩn bị từ mùa Thu năm 1943, gần hai năm trước cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9.3.1945). Tuy vậy, Nội các Trần Trọng Kim chỉ là một chính phủ bù nhìn thụ động, khó có thể coi họ là “tay sai” của người Nhật, bởi lẽ trên thực tế họ không làm được gì để phục vụ mục đích chiến tranh của Nhật. Hơn thế nữa, họ đã cố gắng ban hành và thực hiện với một số kết quả nhất định các chính sách góp phần bảo vệ lợi ích dân tộc, khuấy động tình cảm yêu nước của dân chúng.

- Thế thì tại sao Việt Minh phải lật đổ chính phủ đó, thưa ông?

Điều này trước hết liên quan đến vị thế lịch sử và tính chính đáng chính trị (Political Legitimation) của nó trong bối cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và thế giới lúc đó. Với tư cách là một chính phủ thân Nhật, do người Nhật dựng nên thì Nội các Trần Trọng Kim và toàn bộ hệ thống chính quyền bản xứ do nó đứng đầu thuộc về phe Trục phát xít trong Thế chiến II. Một khi phe Trục, cụ thể ở đây là Nhật Bản, bị phe Đồng Minh đánh bại thì chính phủ này sẽ bị phe Đồng Minh coi là đối tượng phải bị lật đổ và trừng trị. Vì vậy, cho dù trong Nội các có nhiều trí thức yêu nước chân thành, và chính Bảo Đại và Trần Trọng Kim cũng muốn thương lượng với Việt Minh để “chia sẻ quyền lực” theo một công thức nào đó. Tuy nhiên, điều này tuyệt đối là không thể được. Dân tộc Việt Nam muốn đi tới độc lập thực sự, đặc biệt muốn bảo vệ được nền độc lập ấy với căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc thì chỉ có một con đường là lật đổ Nội các Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại và công khai tuyên bố đứng về phe Đồng Minh chống phát xít. Đó cũng chính là tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

- Đây cũng là một cách hiểu mới về vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim?

Đúng vậy. Phải hiểu theo cách đó thì chúng ta mới thấy được đầy đủ lý do tại sao một Nội các có sự tham gia của một số trí thức yêu nước chân thành lại phải bị lật đổ. Những người như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Hồ Tá Khanh, Trần Đình Nam vv… là những trí thức yêu nước, họ có ý thức tham gia Nội các Trần Trọng Kim để phụng sự lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, do ngây thơ về thế cuộc mà họ đã chọn sai vị trí lịch sử. Sau khi nhận ra điều này, họ đã dũng cảm, kiên quyết yêu cầu Nội các giải tán để Việt Minh lên nắm chính quyền. Hơn nữa, một số người sau đó đã tự nguyện đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phụng sự và cống hiến suốt đời cho dân tộc.

- Ông có tiên liệu gì về việc độc giả, nhất là giới sử gia trong và ngoài nước đón nhận công trình này như thế nào?

Với một vấn đề vốn đã gây nhiều tranh cãi và vẫn đang còn những ý kiến khác nhau, tôi không dám coi công trình của mình là “sự phán quyết cuối cùng” – điều này không bao giờ có cả. Vả lại, tôi cũng biết công trình của mình còn có những chỗ bất cập nhất định. Tôi chỉ nghĩ là mình đã tham gia vào cuộc tranh luận nói trên với một sự nghiêm túc học thuật đầy đủ của một người nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp và tôi hy vọng rằng độc giả và đồng nghiệp ghi nhận sự nghiêm túc học thuật này, đồng thời cũng đón nhận, phê bình công trình của tôi theo một tinh thần học thuật nghiêm túc.

Ở trong nước, gần đây có một số người đặt vấn đề phải “đổi mới” cách đánh giá về Nội các Trần Trọng Kim như một cách “chiêu tuyết” cho Nội các này, nhất là những trí thức yêu nước từng tham gia vào Nội các. Tôi cho rằng với các trí thức yêu nước chân chính thì họ không cần một sự “chiêu tuyết” nào, bởi lẽ những hoạt động của họ sau Cách mạng tháng Tám tự nó đã “chiêu tuyết” cho họ rồi. Còn về cá nhân Trần Trọng Kim và chính quyền do ông đứng đầu, tôi hy vọng công trình này sẽ cung cấp đầy đủ hơn thông tin để độc giả có cách đánh giá khách quan, công bằng.

Ở nước ngoài, trước đây những nghiên cứu của Vũ Ngự Chiêu và gần đây là nghiên cứu của Phạm Cao Dương đã cố tình đề cao Nội các Trần Trọng Kim và qua đó phủ nhận giá trị của cuộc Cách mạng tháng Tám của nhân dân ta. Tôi tin rằng với công trình này tôi đã góp phần bác bỏ một cách xác đáng, có căn cứ học thuật vững chắc những luận điểm như trên, đồng thời góp phần làm sáng rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử chân thực của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Còn riêng đối với sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, nhất là những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, với cuốn sách này tôi chỉ mong muốn cung cấp thêm một tài liệu tham khảo hữu ích và rất hy vọng sẽ nhận được những ý kiến phản hồi để tôi làm tốt hơn công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Xin cảm ơn ông.

 Ngọc Diệp (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   |